Bếp là để yêu
Yêu bếp không phải một cái tội. Nó chỉ trở thành cái tội với những kẻ đố kỵ…
Yêu bếp không phải một cái tội. Nó chỉ trở thành cái tội với những kẻ đố kỵ việc bạn nấu được nhiều món hơn họ, trông những món ăn bạn nấu đẹp hơn, ngon hơn món ăn cùng loại họ đã nấu. Mà kẻ đố kỵ thì dù bạn chỉ hắt xì hơi họ vẫn có thể phán tội bạn lan truyền vi-rút.
Vào những nhóm yêu bếp ấy, quả thực ối gã đàn ông phải… thở dài khi nhớ về mâm cơm nhà mình. Bởi những món ăn mỹ miều từ hình thức đến… lời văn. Chất lượng thế nào không biết vì chẳng được nếm nhưng nhìn thôi cũng đã đủ bắt thèm. Và nó hấp dẫn đến độ khiến nhiều phụ nữ… tủi thân.
Những phụ nữ chỉ quanh năm biết nấu vài món thì luôn đông đảo hơn những phụ nữ mỗi ngày một món và quẩn quanh vài món. Thế là một cuộc phản ứng nho nhỏ đã diễn ra thu hút hàng trăm comment tố những phụ nữ biết nấu ăn và nấu ăn giỏi. Rằng những phụ nữ yêu bếp kia là làm màu, giả tạo, “so deep” (diễn sâu)… Rằng ai mà ngày 3 bữa, tuần 7 ngày, tháng 90 món không lặp lại?
Những ngày cách ly xã hội, trên khắp mạng xã hội, hình ảnh đồ ăn ngập tràn. Ai cũng khoe đồ ăn, khoe tài nấu nướng. Đến cả mấy ông bạn già của tôi cũng lập group riêng khoe đồ ăn tự tay nấu và… “chém nhau” tơi tả bằng lý luận về đồ ăn. Còn chị em thì khỏi nói, có cả trăm cái group yêu bếp, nghiện ăn nở rộ. Thôi thì lung linh, long lanh đủ cả.
Thậm chí, vài người mang hai chữ “nữ quyền” ra để bỉ bai những “phụ nữ xó bếp”: sao phải phục dịch lũ đàn ông? Thế nên tôi chả ngạc nhiên khi các nhóm “Ghét bếp” ra đời nhanh chóng thu hút đông đảo thành viên. Nó như một sự phản kháng và an ủi những người chẳng may… không có khiếu về chuyện bếp núc.
Trong mùa Covid-19, nhiều cuộc hôn nhân đứng trên vực thẳm đổ vỡ bởi 24/7 phải đối mặt với nhau. Ở Trung Quốc, người ta ghi nhận Covid-19 khiến tỷ lệ ly hôn tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ thời chưa có Covid. Ban đầu, quả thật tôi thấy điều đó cũng có vẻ đúng. Nhưng nhìn những hình ảnh nấu nướng, món ăn trên mạng xã hội thì tôi lại nghĩ khác. Nhất là nhìn con số mua sắm trên mạng liên quan đến nhà bếp tăng 200% thì tôi càng tin rằng việc người ta ly hôn vì Covid chỉ giống như thứ hoang tin dù có số liệu thật.
Là người ta thích nhìn vào điều tiêu cực để tự an ủi mình. Âu đó cũng là một phản ứng tâm lý dễ hiểu của con người. Giống như vào các hội ghét bếp để thấy mình nấu ăn tệ nhưng vẫn còn hơn… khối kẻ khác. Cũng là thêm chút hài hước cho vui trong những ngày bị cách ly xã hội thế này.
Nhưng không! Tôi thật lòng vẫn mong phụ nữ hãy cứ yêu bếp. Đừng ghét bếp.
Đừng nói chuyện nữ quyền “tại sao phụ nữ phải vào bếp?”. Không có chuyện đàn ông trói phụ nữ vào góc bếp, đánh giá phụ nữ qua cái bếp. Đừng nhạy cảm, bởi tôi biết hàng trăm phụ nữ yêu bếp thực sự như một sở thích của họ. Họ có thể rú rít lên hân hoan với dụng cụ nhà bếp y hệt với những món đồ thời trang. Họ có thể bớt thất vọng về chồng khi họ… làm bếp. Họ tìm thấy niềm vui ở bếp.
Đem mấy thứ nữ quyền ra áp đặt họ phải san sẻ bếp với chồng có khi lại là “hình phạt dã man” với họ. Nữ quyền xin hãy chính xác là quyền để phụ nữ làm điều họ thích. Đừng cả vú lấp miệng em đem thứ mình không thích ra bắt phụ nữ khác phải không thích như mình.
Yêu bếp không phải một cái tội. Nó chỉ trở thành cái tội với những kẻ đố kỵ việc bạn nấu được nhiều món hơn họ, trông những món ăn bạn nấu đẹp hơn, ngon hơn món ăn cùng loại họ đã nấu. Mà kẻ đố kỵ thì dù bạn chỉ hắt xì hơi họ vẫn có thể phán tội bạn lan truyền vi-rút.
Hôn nhân cũng vậy. Tôi dám đoan chắc 90% đàn ông chúng tôi ăn những món vợ mình nấu không phải với tư cách một khách hàng bước vào khu ẩm thực. Nếu ông chồng nào có suy nghĩ như vậy thì dẫu bạn nấu nướng giỏi đến đâu họ cũng sẽ ý kiến ý cò. Chúng tôi ăn cơm vợ nấu bằng sự biết ơn nhiều hơn. Biết ơn vì được chăm sóc.
Chúng tôi có thể bỏ những tiệc tùng ngoài kia để trở về nhà ăn cơm vợ nấu không phải vì cơm vợ nấu ngon hơn mà vì ăn cơm vợ mình nấu lúc nào cũng thấy ngon hơn. Như kiểu nghĩa vụ là một bữa ăn no mà yêu thương là một bữa ăn ngon vậy. Đường tới trái tim đàn ông phải đi qua dạ dày không phải vì đàn ông chúng tôi yêu phụ nữ bằng dạ dày. Mà là bộ gen mặc định trong trái tim của chúng tôi từ hồi bé, ăn cơm mẹ nấu quen rồi. Nên tình yêu của chúng tôi dành cho vợ mình cũng vậy: ăn cơm vợ nấu.
Trong mùa dịch Covid này, 24/7 ở bên nhau, tôi vẫn tin rằng nhiều cuộc hôn nhân đã được cải thiện. Con số đó chắc chắn lớn hơn gấp trăm lần, triệu lần con số ly hôn. Thậm chí, như cuộc trò chuyện bên mâm cơm tối qua với vợ mình, chúng tôi có nói với nhau về những người vợ, người chồng có người tình bên ngoài thì mùa dịch này hẳn sẽ “toang” nhiều lắm.
Là vì chẳng có nhà nghỉ nào để trốn vào với nhau. Là vì điện thoại hớ hênh, là vì chẳng thể tranh thủ trốn ra ngoài hẹn bồ. Cứ 24/7 ở cạnh nhau thế này, có khi lại thấy có lỗi với chồng, có lỗi với vợ, mà từ bỏ tình nhân. Là mơ mộng vậy cũng được. Rằng những ngày này sẽ giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn lại.
Những ngày thế này, vợ chồng có nhiều thời gian để trò chuyện với nhau, bao dung cho nhau, hiểu nhau. Mà bếp vốn cũng là biểu tượng của sự quan tâm, chăm sóc đấy thôi. Những mâm cơm gia đình vì thế mà thành gắn kết không chỉ cha mẹ với con cái mà còn là vợ với chồng, chồng với vợ. 24/7 cả nhà quây quần, bảo sao tình thân không thành tình thâm gắn kết nhau chặt chẽ hơn?
Nên, cuối cùng, hãy cứ yêu bếp và những ai ghét bếp xin cũng đừng nói lời cay đắng với người yêu bếp. Hôn nhân của các bạn không cần đến cái bếp thôi chứ với nhiều người như chúng tôi, hôn nhân trở nên ấm mắt no lòng vốn từ cái bếp nhà chúng tôi vậy!
Thu hút gần nửa triệu thành viên chỉ sau 3 ngày ra đời, group “Ghét bếp, không nghiện nhà” khiến cộng đồng mạng xã hội xôn xao. Có lẽ từ trước tới nay, chưa nhóm nào lại “hot” đến thế.
“Ghét bếp, không nghiện nhà” được cho là ra đời sau khi hai group “Yêu bếp” và “Nghiện nhà” khiến cộng đồng mạng dậy sóng từ khi dịch Covid-19 bùng phát. “Yêu bếp” và “Nghiện nhà” là hai nhóm mà chị em thường xuyên trổ tài nấu nướng, bày biện món ăn và khoe không gian sống của mình trên đó. Và “Ghét bếp, không nghiện nhà” là một nhóm đối lập hoàn toàn khi tại đây mọi người liên tục chia sẻ những “hậu quả” của việc vào bếp, dọn dẹp nhà cửa.
Các tình huống như nấu các món ăn thủng cả nồi vì cháy đen, nấu cơm xôi hóa thành chè, cháo thường được chị em chia sẻ và tìm được nhiều “đồng minh”.
Hoàng Anh Tú
Dân mạng cười ngất trước những màn trổ tài bếp núc cực lỗi
Nhiệt tình nhưng vụng về là công thức tạo ra một màn trổ tài bếp núc thảm họa từng được dân mạng ghi nhận và không ngần ngại đăng tải trên MXH.
Bếp núc, nấu ăn là một trong những kỹ năng đơn giản của cuộc sống nhưng không phải ai cũng làm được. Có người ví rằng, nấu ăn là một nghệ thuật, người nấu ăn là một nghệ sĩ, khi bạn không có năng khiếu thì tốt nhất không nên thử, bởi mọi chuyện sẽ biến thành thảm họa chỉ với vài thao tác sai lầm. Cứ xem những hình ảnh dưới đây thì biết.
Món cá rán lặn dưới bùn này chắc chắn được tạo ra bởi cô gái có kỹ năng bếp núc bằng 0. Nhìn thế này còn ăn uống gì nữa?
Đồ ăn cháy đen là chuyện bình thường thôi, chiếc nồi cũng vỡ luôn mới là đạt đến tuyệt kỹ vào bếp. Con gái thế này bố mẹ làm sao dám gả về nhà chồng đây?
Để làm được con gà "bóng đêm" thế này không phải đơn giản đâu. Lớp da gà từ vàng ruộm sang thành đen bóng quá "đẳng cấp".
Đang nấu cơm nhưng mải nghịch điện thoại hay gì mà nước thì cạn, rau với nồi thì cháy đen.
Chảo lạc rang cháy cạnh thành công ngoài mong đợi, mỗi tội làm xong phải bỏ đi chứ ai mà ăn nổi?
Thảm họa bếp núc chính là đây, chỉ việc cho bột vào lò vi sóng thôi cũng không xong thì làm ăn gì nữa?
Món bánh chưng rán huyền thoại rơi vào tay các cô nàng "đảm đang" thì bỗng biến thành món "cục gạch" được xếp lên đĩa.
Đang chiên khoai thì ngủ gật hay gì mà để cháy đen, biến dạng như thế này?
"Thôi các chị ra phòng khách ngồi xơi chè, buôn chuyện để anh em chúng tôi trổ tài cho. Nấu nướng thế này thì sớm muộn cũng cháy nhà, nhẹ hơn là tan nát gia đình", "Khi bạn vụng về, không biết nấu nướng nhưng lại nhiệt tình thái quá" - Dân mạng bình luận hài hước cho những màn trổ tài bá đạo.
Xem thêm clip: Những "thảm họa" làm bếp của nàng dâu Khiến Các ông chồng hết hồn | Hồn Việt Food - Nguồn: Youtube
Quỳnh Thư
Theo kienthuc.net.vn
Hiện trường kinh hoàng vụ cha tẩm xăng thiêu sống 2 con khiến 3 người tử vong Hiện trường kinh hoàng một vụ cháy gây hậu quả hết sức nghiêm trọng xảy ra tại nhà riêng một hộ dân ở xã Phong Hòa, làm 3 bố con cùng gia đình tử vong thương tâm 3 người bị cháy đen. Qua xác minh bước đầu, nạn nhân gồm anh P.B.T. (36 tuổi) cùng hai con trai P.B.QT (10 tuổi) và P.G.T...