Béo phì gia tăng khắp thế giới
Nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ người bị béo phì ở Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong một thập niên qua, nhưng con số này vẫn còn thua xa Mỹ.
Trẻ em “nặng ký” ở Trung Quốc. Ảnh: Asia Nikkei
Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã sử dụng dữ liệu của một cuộc khảo sát để ước tính tỷ lệ béo phì và béo phì vòng bụng ở những người trưởng thành của nước này. Kết quả cho thấy, béo phì đã “tấn công” 14% nam giới và 14,1% phụ nữ trưởng thành. Trong khi đó, tỷ lệ béo phì vòng bụng ở nam là 31,5% và nữ là 32,4%. Theo định nghĩa của các nhà nghiên cứu, người được xem là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 28 trở lên và béo phì vòng bụng khi sở hữu số đo vòng eo ít nhất 90cm đối với nam, ít nhất 85cm đối với nữ.
Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra báo cáo cho thấy số người bị béo phì trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Tính trên phạm vi thế giới, thì tỷ lệ béo phì tại Trung Quốc thật ra vẫn còn thấp hơn các nước phương Tây. Tỷ lệ béo phì và béo phì vòng bụng ở người Mỹ trưởng thành lần lượt là 35,4% và 61,5%. Còn theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ người Mỹ từ 15 tuổi trở lên bị béo phì lên tới 38,2%. Kết quả này đưa Mỹ trở thành quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới, xếp trước Mexico, New Zealand, Hungary, Úc và Anh. Trong danh sách những quốc gia “nhẹ cân” nhất, Nhật Bản đứng đầu do chỉ có 3,7% dân số béo phì, kế đến là Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia và Trung Quốc. OECD dự báo đến năm 2030, 47% dân Mỹ sẽ bị béo phì.
Hồi đầu tháng này, một nhóm cựu tướng lĩnh quân đội Mỹ cũng đã công bố báo cáo chỉ ra rằng khoảng 70% người dân bang Virginia trong độ tuổi 17-24 không trúng tuyển quân sự do thiếu trình độ học vấn, có tiền án, sử dụng chất kích thích hoặc không đạt yêu cầu về y tế. Đáng nói, béo phì là một trong những rào cản sức khỏe phổ biến nhất, khi có đến 31% người dân xứ cờ hoa trong nhóm tuổi này bị loại do BMI của họ quá cao.
Ở Anh, tình trạng béo phì đang ở mức báo động, kéo theo những lo sợ về đại dịch tiểu đường. Số lượng người bị béo phì tại đây hiện đã lên tới 13 triệu trường hợp (chiếm xấp xỉ 30% dân số nước này), tăng gần gấp đôi trong vòng 20 năm qua.
Video đang HOT
Năm 1997, xứ sương mù chỉ có khoảng 6,96 triệu người từ 16 tuổi trở lên sống chung với béo phì, theo phân tích của tổ chức từ thiện Bệnh Tiểu đường Anh. Rachel Batterham, cố vấn đặc biệt về béo phì tại Đại học Y Hoàng gia Anh, cho rằng béo phì không chỉ kéo giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, mà còn dẫn đến những căn bệnh như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, ung thư và chết sớm. Bệnh nhân béo phì được cho có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 lên tới 80-85%. Hiện có 3,7 triệu người Anh bị tiểu đường. Hơn phân nửa số ca tiểu đường tuýp 2 có thể phòng tránh được nếu đẩy lùi thành công “quốc nạn” béo phì.
HẠNH NGUYÊN
Theo Telegraph, US News/baocantho
Béo phì ở trẻ em Việt Nam: Khi phụ huynh 'phớt lờ' cảnh báo
Nhiều gia đình tiêu thụ thực phẩm chế biến cao được làm từ nhiều hương liệu nhân tạo, đường và các loại hóa chất khác thay cho rau củ quả và lối sống cũng trở nên ít vận động khiến trẻ em Việt Nam dần phải đối diện với tình trạng béo phì ngày càng tăng.
(Nguồn: The World News)
Theo đài RFA, trong một báo cáo mới đây của Quỹ Liên hợp quốc về trẻ em (UNICEF) có nhấn mạnh đến vấn đề thực phẩm và dinh dưỡng dành cho trẻ em toàn cầu, tình trạng mất cân bằng giữa suy dinh dưỡng và béo phì đang được xem là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, đe dọa đến sự sống còn, tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ cũng như nền kinh tế của quốc gia.
Bỏ qua những cảnh báo
Báo cáo ghi rõ, tại Việt Nam, tình trạng béo phì không phải là một vấn đề lớn trước những năm 1995. Theo kho lưu trữ dữ liệu quan sát sức khỏe toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có tỷ lệ trẻ em béo phì thấp nhất, ước tính khoảng độ 2,6% so với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, kể từ khi nền kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến, phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng hội nhập nền kinh tế thế giới, sự tăng trưởng kinh tế khiến nhu cầu cuộc sống cũng đã đổi thay và thói quen ăn uống của người dân cũng khác. Nhiều gia đình tiêu thụ thực phẩm chế biến cao được làm từ nhiều hương liệu nhân tạo, đường và các loại hóa chất khác thay cho rau củ quả và lối sống cũng trở nên ít vận động. Điều đó đã khiến trẻ em Việt Nam dần phải đối diện với tình trạng béo phì ngày càng tăng, nhất là tại các khu vực thành thị.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2017 cho thấy, có đến 29% học sinh tiểu học bị chứng thừa cân và béo phì, trong khi đó, tỷ lệ này tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt là 19% và 9,5%. Ngoài ra, tỷ lệ thừa cân và béo phì tại thành thị là 42%, cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn (35%). Cũng theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người Việt Nam đang tiêu thụ thịt nhiều hơn rau quả, trẻ em Việt Nam thành thị chuộng thức ăn nhanh khiến sự mất cân bằng trong dinh dưỡng đang ngày càng cao.
Một vấn đề khác khiến trẻ béo phì là do ba mẹ thường cho con ngồi ăn trong lúc xem tivi hoặc ipad và các chuyên gia cảnh báo rằng xu hướng này sẽ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của đứa trẻ, bao gồm cả những thiệt hại về phát triển năng lực trí tuệ của giới trẻ Việt Nam.
Trong bài báo "Suy dinh dưỡng & béo phì ở trẻ em Việt Nam" đăng trên Asean Post, Bác sĩ Phạm Minh Triết, nguyên Trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng I cho rằng, xem tivi trong lúc ăn không những khiến trẻ em bị béo phì mà còn có khả năng bị một số vấn đề về sức khỏe khác như tiểu đường loại 2, huyết áp cao và bệnh tim mạch.
Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là giảng viên cấp cao Đại học Y Hà Nội chia sẻ, trước đây, suy dinh dưỡng bởi nhiều nguyên do như thiếu chất, thiếu đạm và các loại thực phẩm. Ngoài ra, cũng có liên quan đến một số bệnh như sởi, tiêu hóa và những căn bệnh mà hiện nay đã phòng được nên tình trạng suy dinh dưỡng tại Việt Nam hầu như không còn, nếu còn chắc chắn là do các bệnh như tiêu chảy kéo dài, rối loạn tiêu hóa, nội tiết...
"Ở thành thị, tỷ lệ trẻ em tăng cân và béo phì cao hơn nông thôn nhiều, bởi cuộc sống vật chất tốt hơn, hoạt động thể lực ít, chơi game nhiều, uống nhiều nước ngọt... ", bác sĩ Phạm Nhật An nhận định.
Cần quan tâm đến thể chất của trẻ
Trong một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 12/9 có nhắc đến tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em tại Việt Nam là một thách thức lớn đối với Chính phủ và đặc biệt là ở các nhóm khu vực dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa. Báo cáo nêu rõ, có tới 21% trẻ dân tộc thiểu số tại Việt Nam bị thiếu cân và cao hơn 2,5 lần so với trẻ em thành thị, có gần 120.000 tức khoảng 60% trẻ em trong số gần 200.000 trẻ em bị còi ở 10 tỉnh thành của Việt Nam đều đến từ các nhóm dân tộc thiểu số.
UNICEF dẫn một khảo sát của Đại học Stanford (Mỹ) năm 2017 cho thấy, trẻ em Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia ít hoạt động thể chất nhất trên thế giới, 46% học sinh trung học và 39% bậc tiểu học không hoạt động thể chất đầy đủ. Có đến 90% trẻ em Việt Nam dành thời gian giải trí để xem tivi, 81% đến các tiệm trà sữa, đồ ăn nhanh. Do đó, tỷ lệ béo phì ngày càng tăng nhanh và đó sẽ là mối đe dọa đối với nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, tình trạng kinh tế xã hội và trình độ học vấn của các bậc cha mẹ cũng là một trong những yếu tố khiến con trẻ béo phì.
Bác sĩ Phạm Nhật An cho rằng kết quả khảo sát nêu trên hoàn toàn đúng do các gia đình ở thành thị bố mẹ mải lo làm ăn, không dành nhiều thời gian cho con cái. Ngoài ra, các bậc phụ huynh hiện nay không hướng dẫn, chỉ bảo cho con những loại thực phẩm nào tốt cho sức khỏe, loại nào không, thay vào đó, ba mẹ "thả cửa" cho các con tự lựa chọn. Ông kết luận, đó là sai lầm lớn nhất của các bậc phụ huynh thời nay.
Theo RFA/baoquocte
Những phương pháp giảm cân hiệu quả nhất hiện nay, đánh bay cả tảng mỡ Với những trường hợp tập thể dục, điều chỉnh ăn uống nhưng không giảm cân, có thể cân nhắc đụng dao kéo để đánh bay mỡ thừa. Cùng với lối sống tĩnh tại, ít vận động, nhiều năm nay, giảm cân luôn là một trong những từ khoá được tìm kiếm hàng đầu. Nắm bắt nhu cầu, thị trường thuốc và thực phẩm...