Bệnh viện Ung bướu TP HCM tầm soát ung thư vú miễn phí
300 bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn, tầm soát miễn phí ung thư vú nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Chương trình khám, siêu âm và tư vấn tầm soát bệnh ung thư vú miễn phí dành cho phụ nữ trên 40 tuổi, chưa mắc ung thư vú. Đăng ký tầm soát trước ngày 1/3.
Bệnh viện cũng tổ chức giao lưu, trò chuyện về bệnh ung thư vú do giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chủ trì 8h sáng 8/3. Bác sĩ sẽ cung cấp kiến thức về bệnh, cập nhật những tiến bộ điều trị, nâng cao nhận thức khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát phát hiện sớm bệnh.
Khám, tầm soát ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh: Phượng Linh.
Thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu GLOBOCAN, năm 2018 Việt Nam ghi nhận hơn 15.000 ca ung thư vú mới, hơn 6.000 người tử vong. Ung thư vú đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư có số bệnh nhân nhiều tại Việt Nam.
Điều trị ung thư vú hiện có bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp phương pháp khác như liệu pháp nội tiết tố, sinh học (điều trị nhằm trúng đích), cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên yếu tố then chốt vẫn là phát hiện điều trị khi ung thư ở giai đoạn sớm.
Video đang HOT
Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú hơn 80%. Ở giai đoạn hai, tỷ lệ này giảm còn 60%. Giai đoạn ba, khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn bốn thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
Lê Phương
Theo VNE
Bác sĩ Việt Nam: 'Liệu pháp miễn dịch là tiến bộ đột phá trong chữa ung thư'
Liệu pháp miễn dịch giành giải Nobel 2018 đã ứng dụng ở Việt Nam, được bác sĩ đánh giá là chữa khỏi ung thư nếu bệnh nhân đáp ứng tốt.
Ở Việt Nam, liệu pháp miễn dịch chữa ung thư được Bộ Y tế cấp phép ứng dụng gần một năm nay, triển khai tại nhiều bệnh viện như Ung bướu TP HCM, Bệnh viện K Hà Nội, Chợ Rẫy, Bình Dân... Liệu pháp đang được sử dụng cho bệnh nhân bị ung thư hắc tố melanoma, phổi, bàng quang...
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, giải thích về cơ chế, các tế bào T của hệ miễn dịch tuần tra liên tục trong cơ thể tìm dấu hiệu bệnh tật hoặc nhiễm trùng để tấn công tiêu diệt. Khi tế bào T bắt đầu tấn công, hệ miễn dịch tăng cường sản xuất một loạt phân tử nhằm tránh làm hại các mô bình thường. Các phân tử này là các chốt kiểm soát miễn dịch (immune checkpoints). Mới đây người ta biết được các tế bào ung thư dùng các chốt kiểm miễn dịch này để thoát khỏi sự tấn công của tế bào T. Do đó nếu ức chế được chốt kiểm, tế bào T có thể tiêu diệt tế bào ung thư.
Hai nhà khoa học vừa được trao giải Nobel 2018 là James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ đã tiên phong phát hiện những chốt kiểm miễn dịch như CAL4, PD1, PD-L1. Từ đó các nhà nghiên cứu bắt tay điều chế được những loại kháng thể đơn dòng nhằm hóa giải, ức chế các chốt kiểm để trị ung thư. Phương pháp điều trị này gọi là liệu pháp miễn dịch.
Năm 2011, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận loại thuốc miễn dịch đầu tiên điều trị ung thư hắc tố melanoma. Những năm sau, các thuốc miễn dịch điều trị ung thư phổi và thận, Hodgkin lymphoma, bàng quang được đưa vào sử dụng. Nhiều loại thuốc miễn dịch khác đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trước khi ứng dụng.
Giáo sư Hùng đánh giá: "Liệu pháp miễn dịch là tiến bộ mang tính đột phá trong điều trị một số loại ung thư". Bệnh nhân nếu đáp ứng tốt với liệu pháp này thường khỏi bệnh lâu dài. Liệu pháp có tác dụng như vắcxin với cơ thể. Tuy nhiên không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có thể điều trị được bằng phương pháp này.
"Bệnh nhân phải trải qua một số xét nghiệm để xác định có chốt kiểm soát miễn dịch hay không thì mới sử dụng được liệu pháp miễn dịch", giáo sư Hùng nói. Ngoài ra, hiện nay kết quả điều trị lâm sàng cho thấy không phải bệnh nhân nào có chốt kiểm miễn dịch khi dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng đều hiệu quả. Thực tế hiện mới khoảng 20% bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch có kết quả tốt.
Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh viện đã áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi, ung thư hắc tố. Nhiều bệnh nhân bị ung thư bàng quang, đầu cổ... đang tham gia làm tình nguyện viên thử nghiệm thuốc ức chế miễn dịch trong những dự án nghiên cứu đa quốc gia.
"Liệu pháp này còn mới nên chi phí điều trị rất tốn kém, nhiều tình huống lâm sàng phải phối hợp với hóa trị và xạ trị để tăng hiệu quả", tiến sĩ Tuấn Anh cho biết.
Cơ chế trị ung thư của liệu pháp miễn dịch.
Các bác sĩ nhận định liệu pháp miễn dịch ra đời không có nghĩa những phương pháp trước đây như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích... không còn hiệu quả. Theo sự tiến bộ của y học, các phương pháp điều trị ung thư ngày càng đa dạng, phong phú. Tùy bệnh trạng mỗi bệnh nhân, mỗi giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp, phối hợp đa mô thức một cách nhuần nhuyễn để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo khoảng 18 triệu người phát hiện mắc ung thư trong năm 2018, gần 10 triệu trong số này tử vong. Ung thư có xu hướng gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó khoảng 70% ở các nước đang phát triển.
Việt Nam đứng 78 trong số 172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ tử vong vì ung thư cao (tỷ lệ 110 trên 100.000 người). Số ca ung thư mới tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 vào năm 2010. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Hàng năm Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tức khoảng 315 ca tử vong mỗi ngày.
Ngày 1/10, giải Nobel Y học năm 2018 được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm miễn dịch, còn gọi là liệu pháp miễn dịch. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư giành giải Nobel.
Lê Phương
Theo Vnexpress
Cách tầm soát 6 loại ung thư thường gặp Phụ nữ từ tuổi 40 nên tầm soát ung thư vú, từ 21 đến 29 tuổi thử Pap Smear mỗi 3 năm một lần... Mục đích của tầm soát ung thư là phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc bệnh lý ung thư ở giai đoạn thật sớm, từ đó có thể can thiệp hiệu quả, thậm chí có thể ngăn...