Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh: Đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo
Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh vừa thành công trong việc điều trị trường hợp vô sinh và đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI).
Đó là trường hợp của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Cương, 40 tuổi, ở huyện Mộ Đức. Vợ chồng chị Cương đã kết hôn được một thời gian và có một con gái, sau đó 10 năm ròng 2 vợ chồng không thể sinh thêm. Anh chị đã đi thăm khám ở nhiều bệnh viện lớn trong nước và được chẩn đoán hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
Năm 2019, vô tình đọc được giới thiệu trên mạng về điều trị hiếm muộn tại bệnh viện tỉnh nhà nên vợ chồng tìm đến với hy vọng “còn nước còn tát”.
Trong một tháng điều trị cho vợ chồng chị Cương, các bác sĩ của Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh đã theo dõi chặt chẽ chu trình rụng trứng và tiến hành hỗ trợ bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).
Em bé đầu tiên chào đời nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh.
Rất may mắn vì chỉ cần một lần bơm vào tháng 10, chị Cương đã đậu thai. Trải qua 38 tuần thai nghén, bằng phương pháp sinh mổ, trưa 25.6, chị Cương đã sinh 1 bé trai nặng 3,4 kg. Hiện tình trạng sức khỏe của hai mẹ con sản phụ đều tốt.
Chị Cương không giấu được hạnh phúc khi đón con chào đời sau 10 năm chờ đợi, chị chia sẻ: “2 vợ chồng đi khắp nơi tưởng hết hy vọng nhưng rồi ngay tại quê hương lại may mắn có được con. Lúc mới đậu thai, lo lắng từng ngày cứ sợ lỡ con bị sao nên kiểm tra thai kỳ từng tuần, gọi hỏi bác sĩ mãi. Bác sĩ rất nhiệt tình trong cả chặng đường điều trị và mang thai nên giờ con chào đời mình rất biết ơn các y, bác sĩ Khoa hiếm muộn”.
Khoa Hiếm muộn- Bệnh viện Sản Nhi tỉnh chính thức bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 3.2019 sau khi có một khoảng thời gian dài học hỏi và chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh.
Hiện đã triển khai được nhiều kỹ thuật khó trong điều trị hiếm muộn nam và nữ, như: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung, xét nghiệm nội tiết sinh sản nam nữ; kích trứng, lọc rửa tinh trùng, xét nghiệm tinh dịch đồ…
Phụ trách Khoa Hiếm muộn- Bác sĩ Đoàn Tấn Lĩnh, cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, Khoa Hiếm muộn đã thực hiện 10 ca thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IUI, trong đó có 2 trường hợp đậu thai. Ngoài ra, có 8 ca kích trứng thành công, bệnh nhân có thai ngay sau đó. Sắp tới, khoa sẽ tiếp tục thực hiện IUI cho 10 trường hợp hiếm muộn cả cũ và mới được theo dõi gần đây”.
Video đang HOT
Lãnh đạo Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh và bác sĩ Khoa Hiếm muộn tặng hoa chúc mừng chị Cương sinh thành công.
Ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên thành công tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh không chỉ mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình người bệnh, là tín hiệu đáng mừng cho những cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn ngay tại tỉnh nhà, mà đây còn được coi là bước tiến để chinh phục các kỹ thuật cao hơn trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.
Giám đốc Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Nguyễn Đình Tuyến chia sẻ: “Ngoài việc tiếp tục thực hiện và nâng cao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Trong năm 2021-2022 bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai đề án thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đây là một kỹ thuật cao nhất trong điều trị hiếm muộn mà nhiều bệnh viện lớn trong nước đang thực hiện cho bệnh nhân, với mục tiêu đem đến thật nhiều cơ hội hơn cho các vợ chồng hiếm muộn”.
Hiếm muộn nên thụ tinh nhân tạo hay ống nghiệm?
Tôi 32 tuổi, lấy chồng gần hai năm nhưng chưa có con. Tôi nghi mình bị hiếm muộn, chưa đi khám. Tôi nghe nói người bị hiếm muộn phải làm thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh ống nghiệm. Hai phương pháp này có phải là một, thưa bác sĩ? Chi phí bao nhiêu, làm một lần có thành công không? Vợ chồng tôi kinh tế không dư dả nên hơi lo.
Hà Thu (Hải Hậu, Nam Định).
Trả lời:
Chào bạn!
Trước hết, phải hiểu thế nào là vô sinh, hiếm muộn. Nếu bạn đã kết hôn và vợ chồng quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng biện pháp tránh thai nào trong vòng một năm (riêng phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian là 6 tháng) mà chưa có con thì được cho là hiếm muộn.
Bạn kết hôn hai năm, nếu hai vợ chồng đã cố gắng có con mà không có kết quả thì rất có thể bị hiếm muộn. Muốn biết chính xác, cả hai vợ chồng cần đi khám sớm. Bạn đã 32 tuổi, không nên chần chừ, nếu không, sẽ bỏ qua "giai đoạn vàng" trong điều trị hiếm muộn.
Hiện nay, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có con. Trong đó, thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh ống nghiệm (IVF) là hai phương pháp phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người nhầm lẫn giữa IVF và IUI. Thực tế, hai kỹ thuật này hoàn toàn khác nhau và chi phí cũng có sự chênh lệch.
Kỹ thuật viên bơm tinh trùng vào bào tương noãn. Ảnh: Minh Thư.
IUI là tên viết tắt của phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung để giảm khoảng cách di chuyển của tinh trùng đến gặp trứng. Với phương pháp này, quá trình thụ tinh tạo thành phôi thai diễn ra hoàn toàn trong cơ thể của nữ giới.
Trong khi đó, IVF là phương pháp bơm tinh trùng được tiêm trực tiếp vào bào tương noãn để tạo thành phôi và sau đó phôi sẽ được đưa vào môi trường nuôi cấy. Quá trình này phải thực hiện qua nhiều bước gồm kích thích trứng, chọc hút trứng, thụ tinh, chuyển phôi...
Thông thường, IUI được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Nam giới hiếm muộn: thiếu tinh binh, xuất tinh ngược dòng, tinh trùng giảm di chuyển...
- Vô sinh liên quan đến lạc mạc nội tử cung
- Phụ nữ bị vô sinh do các vấn đề về rụng trứng, bao gồm cả việc không rụng trứng hoặc giảm số lượng trứng
- Phụ nữ dị ứng với tinh dịch (rất hiếm gặp)...
- Vô sinh chưa rõ nguyên nhân.
IVF được chỉ định cho các trường hợp như:
- Tắc ống dẫn trứng.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Thiểu năng tinh trùng nặng (tinh trùng yếu, dị dạng, không có tinh trùng trong tinh dịch). Đặc biệt đối với người hiếm muộn lớn tuổi hoặc đã áp dụng phương pháp IUI nhưng không thành công.
- Thất bại với phương pháp IUI nhiều lần.
- Các trường hợp người hiếm muộn xin trứng, xin tinh trùng...
Tuỳ trường hợp mà bệnh nhân được chỉ định hướng điều trị thích hợp. Phương pháp IUI đơn giản hơn, thời gian thực hiện nhanh hơn, đồng thời mức chi phí cũng thấp hơn so với phương pháp IVF.
Trong điều trị vô sinh hiếm muộn, các bác sĩ thường tư vấn và chỉ định cho bệnh nhân những phương pháp điều trị từ đơn giản đến phức tạp, từ chi phí thấp tới chi phí cao phù hợp với nguyên nhân vô sinh, tình trạng sức khỏe cụ thể của các cặp vợ chồng. Theo đó, phương pháp IUI thường được ưu tiên áp dụng đầu tiên, nếu sau 2-3 lần không thành công thì có thể làm IVF.
Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chi phí cho một lần thực hiện IUI là 7-8 triệu đồng, một lần thực hiện IVF 70-100 triệu đồng. Tỷ lệ có thai trong IUI là khoảng 30%. Riêng với IVF, tỷ lệ thành công đạt khoảng 70% chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% chuyển phôi tươi. Nếu lần chuyển phôi đầu tiên không thành công, bác sĩ có thể dùng những phôi trữ cho các lần chuyển kế tiếp mà không phải thực hiện các bước làm lại từ đầu, từ đó giúp bệnh nhân giảm được chi phí.
Một lần nữa, tôi khuyên bạn là nên đến bệnh viện kiểm tra sớm để được các bác sĩ tư vấn và chỉ định điều trị sớm. Nếu đắn đo về vấn đề kinh phí, bạn có thể tham khảo chương trình hỗ trợ Tuần lễ vàng của bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội năm nay. Theo đó, bệnh viện sẽ ưu tiên xét duyệt hỗ trợ 10 ca IVF miễn phí cho bệnh nhân hiếm muộn khó khăn, đồng thời hỗ trợ hàng nghìn suất khám, siêu âm miễn phí...
Chúc bạn sớm có tin vui!
Phương pháp "đẻ không đau" và những điều cần lưu ý Có thể nói "đau đẻ" luôn là nỗi sợ hãi, ám ảnh của các sản phụ, gây ảnh hướng đến tâm, sinh lý của sản phụ khi đi sinh. Vì thế, thủ thuật gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được khá nhiều sản phụ lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý vài điều khi sử dụng phương pháp...