Bệnh viện ‘đối đầu’ Bộ Y tế vì an toàn trẻ sơ sinh?
Vụ ba cháu bé ở Quảng Trị tiêm vacxin viêm gan B bị tử vong với kết luận sốc phản vệ… “chưa rõ nguyên nhân” và thêm một cháu bé ở Bình Thuận tử vong, chưa có kết luận y khoa khiến nhiều phụ sản lo ngại.
Bộ Y tế liệu có chủ quan với khuyến cáo “tiếp tục tiêm”?
Những trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vacxin viêm gan B chưa dừng lại, dù chưa điều tra rõ nguyên nhân bộ Y tế vẫn khuyến cáo các bệnh viện tiếp tục tiêm chủng loại vacxin này. GS.TS Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân chỉ là kết luận ban đầu về nguyên nhân gây ra 3 ca tai biến nặng sau tiêm vacxin viêm gan B tại tỉnh Quảng Trị. Mọi kết luận cuối cùng cần phải chờ khoảng 1 tháng nữa.
Và trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, bộ Y tế mới soạn thảo dự thảo thông tư Quản lý sử dụng vacxin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị. Quy định về chi tiết những nhiệm vụ, trách nhiệm, theo dõi người tiêm phòng trong thời gian 30 phút và các biện pháp cụ thể khi có sự cố trong tiêm chủng như đình chỉ buổi tiêm chủng, niêm phong lô vacxin, quy trình báo cáo lên các cấp có trách nhiệm điều tra sự cố… Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng trước đây bộ Y tế đã quá chủ quan trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia? Và chỉ khi sự cố liên tiếp xảy ra, Bộ mới hoàn thành cơ sở pháp lý của chương trình tiêm chủng mở rộng?
“Rủi ro” tiêm chủng đang là mối lo lắng của nhiều bậc cha mẹ
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Mặc dù theo Điều 30 luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm cũng quy định rõ trong trường hợp xảy ra sự cố trong tiêm chủng thì người gặp sự cố sẽ được bồi thường. Vậy nhưng, rất nhiều trường hợp tử vong trong chương trình tiêm chủng vẫn bị coi là sự cố ngoài ý muốn. Có chăng chỉ là sự hỗ trợ của bệnh viện mà lẽ ra trách nhiệm bồi thường phải thuộc về bộ Y tế, cơ quan chịu trách nhiệm về chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia”.
Trả lời PV, ĐBQH.BS Nguyễn Minh Hồng cho rằng: “Việc dừng tiêm vacxin viêm gan B bộ Y tế không thể quyết định được vì đây là chương trình hợp tác của Việt Nam với tổ chức Y tế thế giới. Trong trường hợp điều tra rõ nguyên nhân, quyết định dừng chương trình tiêm chủng viêm gan B phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định. Thực tế, trước đây vacxin viêm gan B vẫn được sử dụng nhiều, nhưng thời gian gần đây mới xảy ra tai biến nhiều. Ở đây có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do đó, bộ Y tế soạn thảo Thông tư Quản lý sử dụng vacxin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị cũng là hợp lý để hoàn thiện các quy định pháp lý và làm cơ sở giải quyết khi có sự cố xảy ra”.
Video đang HOT
“Bộ khuyến cáo nhưng Bộ không thể chịu trách nhiệm thay bệnh viện”
Mặc dù bộ Y tế mới chỉ khuyến cáo ngừng tiêm trên toàn quốc đối với hai lô vacxin chích cho ba em bé gặp tai biến sau tiêm ở Quảng Trị, song tại Hà Nội, một số bệnh viện như Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Bưu điện, 19-8 đã quyết định tạm dừng hoàn toàn đối với vacxin viêm gan B. Quyết định này, của các bệnh viện nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người tiêm chủng và bảo vệ cán bộ y bác sỹ của mình. Cho dù bộ Y tế vẫn nhấn mạnh: Các địa phương và cơ sở y tế tự ý ngừng tiêm vacxin viêm gan B không thuộc 2 lô bị tạm ngừng là làm trái với chỉ đạo của Bộ.
Nhìn nhận thực tế này, bác sỹ Nguyễn Duy Ánh, giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Tuy rằng Bộ có quyết định vẫn tiếp tục tiêm vaccin viêm gan B nhưng bệnh viện chúng tôi đã ngừng tiêm. Vì lô vacxin của chúng tôi hiện tại trùng với số lô của bệnh viện Bình Thuận nên chúng tôi quyết định dừng cho đến khi có kết luận điều tra cuối cùng”. Đứng về góc độ chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố, ông Ánh khẳng định: “Bộ vẫn khuyến cáo vậy, nhưng Bộ không thể chịu trách nhiệm thay bệnh viện khi có sự cố xảy ra. Ngay trong hội thảo tại Đà Lạt, nhiều bác sỹ, các bệnh viện trong đó có bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng quyết định ngừng tiêm vacxin viêm gan B. Chúng tôi phải đảm bảo an toàn tính mạng của các cháu sơ sinh cũng là đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên của mình”.
Hiện nay, cũng có những nghi ngờ được đặt ra về chất lượng vacxin của nhà sản xuất không đảm bảo, do chính nước sản xuất cũng không sử dụng vacxin này trong chương trình tiêm chủng mở rộng của họ. Đánh giá về thực tế này, ĐBQH.BS Nguyễn Minh Hồng tỏ ra khách quan: “Bộ Y tế cũng đã biết thuốc của một số nước chưa thực sự tốt lắm. Bộ có trang thiết bị để kiểm tra được vấn đề này nên tôi cho rằng quyết định của bộ Y tế cũng hoàn toàn có lý. Còn các bệnh viện vì sự an toàn của trẻ sơ sinh, của cán bộ y tế nên thực hiện chính sách “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cũng có lý riêng của họ. Hơn nữa, bản thân các phụ sản cũng đang hoang mang nên chuyện tạm dừng tiêm vacxin viêm gan B chờ kết luận cuối cùng là quyết định được dư luận ủng hộ”.
Dừng tiêm vacxin viêm gan B là hợp lý
Bác sỹ Nguyễn Duy Ánh, giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định: “Nếu trong trường hợp có sự cố, người nhà bệnh nhân bức xúc đập phá bệnh viện thì không ai khác, bệnh viện là nơi gánh chịu trách nhiệm chứ không phải là bộ Y tế. Vì vậy, quyết định dừng tiêm của chúng tôi là hợp lý. Chúng tôi chỉ thực hiện khuyến cáo tiếp tục tiêm vacxin B khi mọi chuyện rõ ràng, điều tra được nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân sốc phản vệ dẫn đến tử vong là do đâu”.
Theo Người đưa tin
Vẫn tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ
Các địa phương và cơ sở y tế tự ý ngừng tiêm vắc-xin viêm gan B không thuộc 2 lô bị tạm ngừng là làm trái với chỉ đạo của Bộ Y tế.
Chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp với các thành viên Hội đồng Tư vấn sử dụng vắc-xin và Hội đồng Tư vấn đánh giá tai biến sau tiêm chủng mở rộng, thảo luận những vấn đề liên quan đến các ca tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B tại tỉnh Quảng Trị. Các cơ quan truyền thông không được tham dự cuộc họp.
Kiểm định chất lượng vắc-xin
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, việc điều tra đối với 3 trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin ở tỉnh Quảng Trị vẫn đang tiếp tục. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã độc lập lấy mẫu vắc-xin, mẫu phủ tạng nạn nhân gửi Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin, sinh phẩm y tế và Viện Pháp y quốc gia để kiểm định chất lượng vắc-xin có liên quan đến phản ứng sau tiêm chủng hay không.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ tại một cơ sở y tế của TP HCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đề nghị phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm tìm ra căn nguyên các trường hợp tử vong sau tiêm chủng; đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định phòng xét nghiệm tại nước ngoài để Việt Nam gửi mẫu vắc-xin xét nghiệm chất lượng. Với trường hợp trẻ tử vong tại Bình Thuận, hiện chưa rõ nguyên nhân và lô vắc-xin liên quan đã được tạm ngưng sử dụng. Lô vắc-xin này khác với 2 lô liên quan đến 3 trẻ tử vong ở tỉnh Quảng Trị.
Về việc có nên ngừng việc tiêm vắc-xin này trong 24 giờ đầu cho trẻ sơ sinh, ông Bình cho hay Bộ Y tế quyết định vẫn tiếp tục tiêm để phòng bệnh chủ động cho trẻ em và cộng đồng. Một số ý kiến cho rằng nên xét nghiệm bà mẹ trước khi tiêm vắc-xin cho con nhưng ông Bình cho biết đây là phương án không khả thi vì có thể người mẹ đã mang virus này nhưng trong "giai đoạn cửa sổ", không thể hiện dương tính nhưng vẫn lây cho con.
Chờ chích ngừa viêm gan B tại TP HCM. Ảnh: HỒNG THÚY
"Không chỉ nước ta thực hiện việc tiêm vắc-xin này cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh mà 80 nước khác trên thế giới cũng thực hiện" - ông Bình nhấn mạnh.
WHO khẳng định an toàn
GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết ngoài 2 lô vắc-xin tạm dừng sử dụng do liên quan các trường hợp tử vong tại tỉnh Quảng Trị, 2 lô vắc-xin còn lại trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia vẫn được sử dụng bình thường.
"Các địa phương và cơ sở y tế tự ý ngừng tiêm vắc-xin viêm gan B không thuộc 2 lô bị tạm ngừng là làm trái với chỉ đạo của Bộ Y tế" - GS-TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh.
Trước những nghi ngại của dư luận về việc tiêm vắc-xin cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, ngày 24/7, đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định tiếp tục đề nghị rằng trẻ cần được tiêm mũi chủng ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau khi sinh và 3 mũi bổ sung sau đó trong vòng 1-15 tháng. Theo WHO, điều này rất quan trọng vì hầu hết trẻ mới sinh nhiễm virus viêm gan B sẽ không có triệu chứng nhưng có tới 90% khả năng có thể nhiễm bệnh.
Tai biến cao vì vắc-xin thế hệ cũ Theo PGS-TS Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về sức khỏe cộng đồng, việc Việt Nam vẫn sử dụng nhiều loại vắc-xin thế hệ cũ phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và độ an toàn trong tiêm chủng. Đơn cử, vắc-xin ho gà toàn tế bào, vắc-xin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột đã được WHO khuyến cáo không sử dụng hay vắc-xin "5 trong 1" Quinvaxem. Hiện 26 bệnh có vắc-xin bảo vệ nhưng do khả năng tài chính hạn chế nên trẻ em Việt Nam chỉ được sử dụng loại phòng 9 bệnh.
Sở y tế các địa phương khu vực phía Nam cho biết đã đồng loạt tạm dừng sử dụng, thu hồi 2 lô vắc-xin cùng ký hiệu với các lô liên quan đến trẻ tử vong tại tỉnh Quảng Trị và Bình Thuận. Riêng Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM đã nhận 25.000 liều vắc-xin khác từ Viện Pasteur và đang triển khai thay thế nên hiện một số nơi đã có vắc-xin mới để tiêm ngừa.
Theo Khampha
Cần hoàn chỉnh quy trình chống tai biến sau tiêm chủng Dẫu vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được trong quy định của Tổ chức y tế thế giới về tai biến khi thực hiện tiêm chủng mở rộng cho toàn dân, thời gian vừa qua tai biến khi tiêm vaccine nói chung và vaccine viêm gan B nói riêng xảy ra nhiều và liên tiếp đã làm dư luận hoang mang. Trách...