Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lên tiếng clip “chết 5 ngày, đóng 30 triệu mới cho nhận xác”
Lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc bệnh viện yêu cầu đóng 30 triệu đồng mới cho nhận xác “chết 5 ngày” là không đúng.
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền clip về việc gia đình một người bệnh đội khăn tang đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM yêu cầu được gặp lãnh đạo bệnh viện. Clip chạy tiêu đề nội dung “Bệnh viện nhận chữa 29 ngày với chi phí 1 tỉ 48 triệu đồng. Người bệnh chết 5 ngày không giao lại đòi thêm 30 triệu”.
Clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Đến trưa 15/2, clip thu hút hơn 5,4 ngàn bình luận với 7,9 ngàn lượt chia sẻ và hơn 2 triệu lượt xem. Nhiều bình luận cho rằng bệnh viện không đúng, không nhân đạo và gay gắt lên án.
Về sự việc này, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn độc quyền PGS.TS BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và GS.TS BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để bạn đọc hiểu đa chiều vấn đề.
Bác sĩ nói về tình trạng bệnh nhân khi nhập viện
*Thưa GSTS BS Trương Quang Bình, ông có thể thông tin tổng thể về tình trạng người bệnh khi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM?
Người bệnh Huỳnh Văn L. (SN 1953, quê Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) được đưa đến bệnh viện ngày 29/12/2021 trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, dọa phù phổi cấp, dọa choáng tim (Killip III). Người bệnh có nhiều bệnh nền: viêm phổi cộng đồng, tăng huyết áp, hội chứng tăng sinh tủy đang điều trị Hydroxyurea, nhồi máu não cũ di chứng liệt tay chân trái, đái tháo đường đang điều trị insulin.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nơi gia đình quay clip đưa lên mạng (Ảnh: PHẠM DŨNG)
Bệnh nhân được chuyển vào bệnh viện trong tình trạng khá nặng, bên cạnh bệnh nhồi máu cơ tim cấp rất nguy hiểm thì bệnh nhân còn bị bệnh thận mạn giai đoạn 4 (giai đoạn 5 là giai đoạn cuối), tổn thương mạch máu thận, nhồi máu não cũ. Tình trạng người bệnh rất nặng, sức đề kháng giảm, đang dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp. Bệnh lý nhồi máu cơ tim của bệnh nhân là nặng và trên nền có tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể thì tỉ lệ tử vong trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim là từ 40% đến 45%.
Khoa tim mạch can thiệp đã tiếp nhận bệnh nhân và tiến hành chụp động mạch vành tim. Kết quả chụp động mạch vành tim cho thấy bị bệnh thân chung và nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp, đặc biệt có một nhánh lớn bị tắc hoàn toàn.
Ngày hôm sau hội chẩn ngay với khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn. Đánh giá là có nguy cơ tử vong cao với tỉ lệ 43% (theo thang điểm đánh giá nguy cơ trước cuộc mổ EURO Score). Với đánh giá như vậy, phẫu thuật viên đã giải thích với người nhà để lựa chọn các phương pháp điều trị cũng như chi phí điều trị, chi phí khi người bệnh trở nặng. Nếu không phẫu thuật thì tiên lượng tử vong gần.
*Thưa GSTS BS Trương Quang Bình, sau khi bệnh viện giải thích thì gia đình có đồng ý phương án điều trị của bác sĩ?
Gia đình đã đồng ý để tiến hành phẫu thuật. Người bệnh được phẫu thuật bắc hai cầu nối; cuộc phẫu thuật diễn ra theo kế hoạch và người bệnh ổn. Sau đó đưa vào phòng hậu phẫu, hồi sức sau khi mổ tim và tiến hành lọc máu liên tục.Tại đây có lúc người bệnh khá lên nhưng không may người bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nặng khiến tình trạng tim nặng.
Người bệnh tiếp tục được điều trị bằng những loại kháng sinh mạnh. Người bệnh cần hồi sức kéo dài, với các phương tiện hồi sức cao dẫn đến tốn kém nhiều chi phí.
*Sau khi người bệnh trở nặng, phương án điều trị của bệnh viện có như lúc đầu không, thưa GSTS BS Trương Quang Bình?
Với đánh giá là tình trạng tim mạch đã tạm ổn và vấn đề chính của người bệnh tại thời điểm đó là nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, suy thận nên chúng tôi đã chuyển bệnh nhân vào khoa hồi sức tích cực để điều trị và bệnh viện đã giải thích cặn kẽ, rõ ràng cho gia đình. Khi chuyển sang khoa Hồi sức tích cực thì có lúc bệnh nhân khá hơn nhưng lại bị suy sụp trở lại do bệnh nhân có nhiều bệnh nền xấu. Bệnh viện đã báo cho gia đình và gia đình mong muốn đưa bệnh nhân về vào ngày thứ 26/1/2022.
Gia đình đội tang đến bệnh viện
*Vì sao khi gia đình đưa về thì thấy hai mắt người bệnh bị dán băng keo?
Do bệnh nhân thở máy nên chúng tôi cho bệnh nhân sử dụng thuốc mê để giúp bệnh nhân ngủ sâu hơn, không chống máy thở.
Trong lúc mê thì bệnh nhân không nhắm mắt, không chớp mắt. Nếu bệnh nhân không chớp mắt và không nhắm mắt thì giác mạc sẽ bị khô và tổn thương giác mạc.
Để tránh tổn thương giác mạc cho những bệnh nhân mê thì các bác sĩ dán băng keo trên mí mắt để khép mí mắt lại. Việc dán băng keo trên mi mắt là một biện pháp phòng ngừa, bảo vệ mắt.
*Về vấn đề cơ thể người bệnh bị phù khi gia đình chuẩn bị đưa về, GSTS BS Trương Quang Bình có thể giải thích rõ hơn?
Hồ sơ bệnh án thể hiện khi người nhà nhận bệnh nhân thì tim bệnh nhân vẫn còn đập. Bệnh nhân có được chạy thận để rút bớt dịch dư thừa trong cơ thể.
Tuy nhiên, việc rút nước ra qua chạy thận gặp nhiều khó khăn do tình trạng tim mạch không được tốt lắm, tình trạng huyết áp không ổn định, tình trạng dùng các thuốc vận mạch nên hiệu quả lọc thận không cao.
Thêm nữa, bệnh nhân vẫn phải được truyền dịch dinh dưỡng, truyền các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm cho nên tình trạng dư dịch trong cơ thể là khá nhiều.
Tình trạng chạy thận ít hiệu quả, tình trạng cần truyền dịch, tình trạng dinh dưỡng kém đã tạo nên hiện tượng phù nhiều.
Do đó, khi khoa Hồi sức tích cực di chuyển người bệnh ra thì người nhà thấy bệnh nhân phù, mắt bị dán nên người nhà đặt nghi vấn bệnh nhân đã mất 5 ngày trước đó.
Không thể nói là bệnh nhân tử vong từ nhiều ngày trước vì chúng tôi khẳng định rằng dù bệnh nhân mê, dù bệnh nhân phù nhiều, dù bệnh nhân được dán kín mắt nhưng tim vẫn còn đập, trên người bệnh nhân không sử dụng máy tạo nhịp, đây là sự hiểu lầm của gia đình.
Chúng tôi thấu hiểu sự hiểu lầm của gia đình vì thân nhân không phải trong ngành y để biết được những chi tiết chuyên sâu của bệnh.
Trước thời kỳ COVID chúng tôi mỗi ngày cho người nhà thăm bệnh nhưng hiện nay không cho thăm bệnh mà chỉ sử dụng video call. Do không được thăm bệnh nên người nhà không nhìn thấy được người bệnh 3 ngày trước như thế nào.
*Với số tiền 1 tỉ 48 triệu đồng cho 29 ngày điều trị, cư dân mạng cho rằng quá cao, GSTS BS Trương Quang Bình có thể cho biết thêm vì sao chi phí lên hơn 1 tỉ đồng?
Về chi phí: tổng cộng là 1 tỉ 48 triệu đồng được thanh toán 7 lần, người bệnh được bảo hiểm y tế chi trả 556 triệu đồng và số còn lại gia đình chi trả. Gia đình thanh toán đầy đủ và yêu cầu cuối cùng vào chiều 25/1 được thể hiện thông tin lưu trên phần mềm của bệnh viện.
*Về việc có thông tin cho rằng bệnh viện yêu cầu đóng 30 triệu mới cho nhận xác, thông tin này cụ thể ra sao?
Số tiền 30 triệu đồng nằm trong chi phí điều trị của 1 tỉ 48 triệu đồng và có được bảo hiểm y tế chi trả. Số tiền này là đóng trước một ngày người bệnh xuất viện. Như vậy thông tin người bệnh mất rồi vẫn kêu đóng tiền mới cho nhận xác là không đúng.
Về mặt chi phí điều trị bệnh viện rất minh bạch và được thể hiện 7 lần đóng viện phí. Đến chiều 26/1, người nhà đưa người bệnh về với gia đình.
*Khi gia đình phản ứng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM có giải thích thêm để gia đình thấu đáo sự việc không, thưa GSTS BS Trương Quang Bình?
Sau khi gia đình phản ứng tại sảnh bệnh viện như nội dung đăng tải trên mạng, PGS.TS BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã gửi thư mời gia đình lên ngồi lại với bệnh viện để được giải thích thêm những vấn đề gia đình chưa rõ. Chúng tôi cũng đã họp tất cả bộ phận liên quan để nhìn lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến vụ việc này. Trong quá trình này thì gia đình vẫn giữ liên lạc với bệnh viện.
Đến hôm nay (15/2), bệnh viện đã cử một đoàn cán bộ đến Đồng Tháp thăm hỏi gia đình. Bệnh viện muốn đến gia đình chia sẻ nỗi đau và giải thích những vấn đề liên quan đến chuyên môn và tài chính.
Bệnh viện luôn chia sẻ với người bệnh khó khăn
“Bệnh viện là đơn vị sự nghiệp công lập nên không thể tự ý miễn giảm viện phí cho người bệnh nhưng về tính nhân văn, nhân đạo, bệnh viện đã kêu gọi nhà hảo tâm và các nguồn tài chính đóng góp của doanh nghiệp để chia sẻ viện phí cho người bệnh gặp khó khăn.
Hầu hết các khoa đều có bộ phận công tác xã hội tiếp cận và tìm hiểu nguyện vọng, tâm tư của gia đình để có cách giúp đỡ tương ứng.
Đối với một số gia đình khó khăn khi xuất viện còn một phần chi phí chưa thể chi trả thì lãnh đạo bệnh viện vẫn ký cho người bệnh sau khi Phòng Công tác Xã hội đã xác minh hoàn cảnh gia đình”, PGSTS BS Nguyễn Hoàng Bắc thông tin.
Nhân viên y tế cần được chăm sóc
Sức khỏe tâm lý của nhân viên y tế trong mùa dịch COVID-19 đang rất cần được quan tâm.
Nhiều y bác sĩ đã ở trong trạng thái "căng mắt căng tai" quá lâu tại bệnh viện, tình trạng quá tải khiến họ "không dám" nghĩ đến thời gian riêng cho mình.
Một ca khám sàng lọc tại Viện Pasteur TP.HCM vào ngày 20-7- Ảnh: ĐỨC DUY
Tự chăm sóc bản thân vốn là lẽ đương nhiên nhưng giờ là điều quá xa xỉ.
Lao lực, chỉ mong bệnh nhân và người nhà hiểu
"Nội ơi, con nhớ nội kinh khủng. Tự nhiên, giữa giờ nước mắt chảy tràn. Nhớ cô Ba, nhớ mẹ. Nhà còn ba bà già khô héo vấn vít với nhau. Đứa lớn đi chống dịch, đứa nhỏ thì cách ly. Nuôi cả hai con làm bác sĩ nhưng chưa nhờ được cho gia đình" - đó là ít dòng trong "chiếc post giữa giờ" chia sẻ trên Facebook ngày 15-7 của bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh, khoa sơ sinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, hiện túc trực ở bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 số 2, Q.12, TP.HCM.
Là bác sĩ nhi, Linh dành nhiều tâm sức cho các sản phụ và trẻ nhỏ tại đây. Nữ bác sĩ trẻ này đã trải qua nhiều câu chuyện, trong đó có cả tình huống nan giải hi hữu khiến tâm trạng rối bời.
Đó là cảm giác lo lắng tột cùng của cô khi ngồi trong đêm tối chờ tin một thai phụ chuyển dạ ở khu cách ly được xe cấp cứu đưa về bệnh viện tuyến điều trị, chỉ còn biết thì thầm một nguyện ước với đất trời "con ơi con, ra đời bình an nhé". Để rồi sau đó chị lặng đi vì hạnh phúc khi được tin đứa trẻ đã chào đời bình yên.
Bác sĩ Linh chỉ là một trong số rất nhiều nhân viên y tế đang "trực chiến" ở các "mặt trận" chống COVID-19 nóng bỏng hiện nay tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương trên cả nước.
Vẫn biết trong cuộc chiến 3 tháng nay, "người lính" nào cũng sẽ kiên cường chịu đựng những mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sẽ không ai ta thán hay phàn nàn gì, nhưng sự đồng cảm và sẻ chia của cơ quan hữu trách và của chính những người đang được họ phục vụ chắc chắn sẽ giúp giảm bớt cho họ những áp lực không đáng có.
Theo chị Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - học viên chương trình thạc sĩ công tác xã hội lâm sàng tại Mỹ, nhân viên y tế phải chịu rất nhiều áp lực và căng thẳng trong dịch. Đầu tiên là áp lực chăm sóc người bệnh, với nhân viên y tế chăm sóc người bệnh COVID-19 thì áp lực này lớn hơn. Căng thẳng vì môi trường làm việc nguy cơ cao, các y bác sĩ sẽ phải đối mặt nỗi lo mắc COVID-19 và ảnh hưởng tới gia đình.
Chị Quỳnh vẫn nhớ tâm trạng khi lần đầu chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân COVID-19. Chị đã rất căng thẳng vì sợ nhiễm bệnh dù đã có đồ bảo hộ đầy đủ. Ngoài ra còn là sự căng thẳng vì kiệt sức thấu cảm. Nếu không chăm sóc tâm lý tốt rất dễ kiệt sức thấu cảm. Những nhân viên y tế không thể về nhà sẽ rất nhớ gia đình, đặc biệt những người có con nhỏ.
Căng thẳng tâm lý ở mức cao
Mới đây, trên tạp chí Frontiers công bố nghiên cứu "Các nhân tố nguy cơ căng thẳng tâm lý, những lo ngại và sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần với các nhân viên y tế tại Việt Nam trong đại dịch COVID-19" do nhóm các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học quốc tế. Đây có lẽ là điều tra đầu tiên về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế sau đợt bùng dịch COVID-19 năm ngoái tại Việt Nam.
Nghiên cứu thực hiện với các nhân viên y tế (58,2% là nữ) gồm những người công tác tại cả tuyến đầu (46,3%) và không phải tuyến đầu từ 22-4 đến 12-5 năm 2020. Họ đều đang sống tại các khu vực đã ghi nhận ca bệnh COVID-19 và đã làm việc tại các đơn vị điều trị thuộc cơ sở y tế cấp tỉnh trong thời gian từ 5 - 10 năm.
Cuộc điều tra này cho thấy tình trạng căng thẳng tâm lý trong dịch COVID-19 ở mức cao. Trong số 761 người tham gia khảo sát, 34,3% có triệu chứng này. Hầu hết nhân viên y tế lo sợ bị phơi nhiễm COVID-19 rồi mang bệnh về nhà. Đáng chú ý, làm việc ở tuyến đầu có nguy cơ bị căng thẳng tâm lý tăng ít nhất gấp 2 lần so với những người không ở tuyến đầu.
Trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, chuyên gia tâm lý Phan Tường Yên (cố vấn dự án và quản lý đào tạo tại Tổ hợp tâm lý Saigon Psychub) có điều kiện trò chuyện sâu với một số nhân viên y tế để hiểu thêm về những khó khăn tinh thần của họ.
Chị thấy hầu hết những căng thẳng cấp tính xảy đến do các thay đổi đột ngột về cường độ công việc cũng như tính chất công việc. Các bác sĩ chia sẻ với chị Yên là họ không chỉ "quay cuồng trong công việc" hay "làm việc 200% công suất" mà còn phải làm những việc trước đây chưa hề làm.
Nếu y bác sĩ tại các bệnh viện hoạt động chuyên môn tập trung với quy mô hẹp của chuyên khoa thì nay họ phải chăm sóc bệnh nhân toàn diện như cho bệnh nhân ăn, đi vệ sinh, thậm chí với một số bệnh nhân ốm yếu còn hỗ trợ tắm gội nữa.
"Các căng thẳng mãn tính hay tổn thương tinh thần là thứ đáng sợ hơn, bởi nó có thể đem đến nguy cơ kiệt sức hay sang chấn. Các vấn đề này lại đến từ các căn nguyên khác: sự kỳ thị, sự mất mát và việc thiếu không gian, thời gian chăm sóc bản thân" - chuyên gia tâm lý Phan Tường Yên nói.
Cân bằng bản thân bằng nhiều cách
Theo chị Xuân Quỳnh, nhân viên y tế có thể ứng phó với căng thẳng tâm lý bằng cách chăm sóc bản thân. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc duy trì tối đa lịch sinh hoạt hằng ngày có thể giúp cân bằng tâm lý của nhân viên y tế. Dù bận rộn, nhân viên y tế nên cố gắng duy trì tập thể dục, ăn uống đầy đủ và dành ít nhất 20 phút/ngày cho các hoạt động thư giãn họ vốn đã làm trước đây theo sở thích như đọc sách, nghe nhạc...
Khi nhận ra mình quá căng thẳng và mệt mỏi, các bài tập thở sau có thể giúp giữ bình tĩnh. Các bài tập thiền chánh niệm (dù chỉ 5 phút mỗi ngày) đã được chứng minh giúp giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe tinh thần nhân viên y tế. Sự động viên, hỗ trợ của gia đình, đồng nghiệp và những người xung quanh sẽ giúp cảm giác mình không đơn độc.
TPHCM: Dịch Covid-19 "tấn công" 20 cơ sở y tế Liên tiếp 20 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã phát hiện có ca mắc Covid-19 đến khám bệnh. Trong đó, hai bệnh viện đang bị phong tỏa vì nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2. Thông tin từ GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM sáng 7/6 cho biết, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận...