Bệnh viện Đa khoa Thái Bình: Hành trình “giải cứu” những trái tim
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật tim đầu tiên. Đây thực sự là bước ngoặt của sự phát triển ngành tim mạch Thái Bình, đưa Bệnh viện có tên trên bản đồ phẫu thuật tim mạch.
Để có được thành quả quan trọng này là hành trình 9 năm với bao nỗ lực, tâm huyết của tập thể thầy thuốc, y bác sỹ Bệnh viện.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E (bên phải) chúc mừng Giám đốc Hà Quốc Phòng cùng tập thể Bệnh viện Đa khoa Thái Bình.
Vượt lên… lồng ngực
Thầy thuốc ưu tú, bác sỹ chuyên khoa II, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Hà Quốc Phòng đã ví chặng đường mà ông cùng các cộng sự đi tìm lời giải cho thành công của ca phẫu thuật tim mạch thay van 2 lá cho bệnh nhân đầu tiên tại Bệnh viện ngày 25/4 vừa qua là “hành trình vượt lên… lồng ngực”. Chỉ một phần ngăn nhỏ giữa lồng ngực và ổ bụng trên cơ thể con người mà là cả hành trình dài.
Câu chuyện bắt đầu cách đây 9 năm, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đi dự lễ khai trương phòng phẫu thuật tim mạch đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa. Ở đó, hầu hết các bác sỹ đều là sinh viên Trường đại học Y – Dược Thái Bình. Điều đó thôi thúc bác sỹ Hà Quốc Phòng, lúc đó là Phó giám đốc, quyết tâm để Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cũng có thể phẫu thuật tim mạch thành công. Quyết tâm đó đã được đưa vào chiến lược phát triển của Bệnh viện khi bác sỹ Phòng trở thành Giám đốc Bệnh viện.
Nhưng phải 3 năm sau, năm 2013, Bệnh viện mới chọn cử được 2 bác sỹ trẻ, có kiến thức y khoa vững vàng, khả năng tiếp thu cao và tâm huyết với ngành phẫu thuật tim mạch vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để đào tạo phẫu thuật lồng ngực, mạch máu. Cũng trong năm này, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình trở thành bệnh viện vệ tinh của Trung tâm tim mạch Bệnh viện E. Từ đây, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình chính thức có thầy “đỡ đầu” và là bước đi có tính quyết định cho quá trình chuyển giao phẫu thuật tim mạch.
Bệnh viện E xây dựng kế hoạch đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật phẫu thuật tim mạch cho Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. 48 cán bộ, gồm kíp chẩn đoán, chỉ định phẫu thuật; kíp phẫu thuật tim mạch; kíp tim phổi nhân tạo, kíp gây mê, hồi sức sau mổ, kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện đã lần lượt được các chuyên gia của Bệnh viện E đào tạo.
Kíp bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Thái Bình thực hiện thành công ca phẫu thuật tim đầu tiên.
Kíp mổ tim 8x
Video đang HOT
Kíp mổ tim của Bệnh viện Đa khoa Thái Bình gồm toàn các bác sỹ trẻ thế hệ 8x, đó là bác sỹ Đỗ Chí Thành, 34 tuổi (Trưởng nhóm), bác sỹ Nguyễn Đình Phong, 33 tuổi, bác sỹ Hoàng Văn Trưởng, 33 tuổi và bác sỹ Phạm Thanh Hà, 30 tuổi.
Trò chuyện với kíp mổ 8x này mới hiểu quá trình học tập là cả một hành trình khó khăn và nếu không quyết tâm cao thì khó có thể theo đến cùng. Như bác sỹ Đỗ Chí Thành, Phó trưởng khoa Ngoại tim mạch chia sẻ, lúc anh và bác sỹ Nguyễn Đình Phong vào học tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là dịp vợ vừa sinh con được 3 tháng. Năm 2014, bác sỹ Trưởng và bác sỹ Hà tiếp tục được chọn lên học phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện E. Năm 2015, sau 2 năm học tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sỹ Thành và bác sỹ Phong lại trở ra Bệnh viện E Hà Nội học phẫu thuật tim mạch chuyên sâu.
Phẫu thuật tim mạch là bộ môn rất khó, quá trình học rất gian nan, phức tạp với khối kiến thức khổng lồ và yêu cầu rất cao của kỹ thuật thực hành. Hơn thế, điều trăn trở nhất của các bác sỹ là sau khi được đào tạo, liệu có triển khai được tại tỉnh không, vì có những tỉnh đã từng cử người đi học, nhưng sau đó một số bác sỹ học về không được hành nghề vì cơ sở vật chất thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu phẫu thuật.
Với bản lĩnh và lòng yêu nghề, kíp mổ 8x đã vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt việc học. Đã từng có bác sỹ trong nhóm được mời làm tại một cơ sở thẩm mỹ lớn với mức lương hấp dẫn, nhưng anh đã từ chối vì không thể phụ lòng những người đã tin tưởng mình.
300 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị
Giám đốc Hà Quốc Phòng cho biết, ban đầu, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phẫu thuật tim hầu như không có gì. Ở một tỉnh nghèo lấy đâu ra nhiều tiền để đầu tư phòng mổ, trang thiết bị. Trước tình hình đó, Bệnh viện xây dựng đề án cải tạo, nâng cấp từ 500 giường lên 700 giường và được UBND tỉnh chấp thuận.
Trong thiết kế, Ban giám đốc đặc biệt quan tâm đến hệ thống phòng mổ, nhất là phòng phẫu thuật tim mạch. Đi tham quan phòng phẫu thuật của các bệnh viện uy tín như Bạch Mai, Việt Đức, Huế, Chợ Rẫy… Ban giám đốc thống nhất quan điểm hệ thống phòng mổ phải là một chiều, dụng cụ sạch riêng và dụng cụ bẩn riêng, lối đi của kỹ thuật riêng, lối đi của người bệnh riêng. Phòng mổ phải rộng để bố trí thiết bị và tiện lợi cho bác sĩ thao tác trong quá trình phẫu thuật.
Thật may mắn, đúng thời điểm đó, Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ cho phép các cơ sở y tế công lập được vay vốn hoặc phối hợp với tư nhân đầu tư trang thiết bị. Bế tắc được tháo nút, ngay lập tức, Bệnh viện lập dự án vay Ngân hàngCông thương 300 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị hiện đại nhất cho khu nhà kỹ thuật, trong đó có phòng mổ, hồi sức tim mạch.
Chắc chắn sẽ trở thành thường quy
Phẫu thuật tim mạch là một trong những kỹ thuật cao của y học hiện đại, các thao tác cần chính xác vì tim là bộ phận chuyển động liên tục và không thể ngưng tim trong thời gian dài.
Hai tuần sau, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình tiếp tục mổ tim thay van 2 lá thành công cho bệnh nhân Vũ Thị Toan (53 tuổi) và cũng bình phục chỉ sau một tuần. Ngày 24/6 tới đây, Bệnh viện sẽ phẫu thuật tim cho bệnh nhân thứ 3.
Trong suốt quá trình phẫu thuật, các kíp làm việc chung với tinh thần thống nhất cao, gồm bác sỹ phẫu thuật tim (lãnh đạo của nhóm) và trực tiếp thực hiện các khâu chính của phẫu thuật. Bác sỹ và kỹ thuật viên gây mê giúp bệnh nhân “ngủ yên” trong suốt quá trình phẫu thuật. Bác sỹ vận hành máy tim phổi nhân tạo, đảm bảo máy thay thế tốt chức năng của tim và phổi, giữ sự sống cho cơ thể.
“Ca mổ đầu tiên của bệnh viện, các bác sỹ đã chuẩn bị rất chu đáo, với quyết tâm phải thành công. Có 40 bệnh nhân chọn 1. Bệnh nhân được chọn là Nguyễn Văn Bảy (34 tuổi, ở huyện Kiến Xương) bị bệnh van tim nặng, hẹp khít van hai lá, hở van ba lá, rung nhĩ được đưa đến cấp cứu trong tình trạng mệt, khó thở, đau tức ngực và phải phẫu thuật tim sớm, nếu không sẽ nguy hiểm. Trước khi lên bàn mổ, bệnh nhân phải làm tất cả các xét nghiệm để đảm bảo mọi chỉ số đều ổn định, đồng thời kiểm tra hệ thống tim, phổi, gan… Để đảm bảo vô trùng tối đa, bệnh nhân được vệ sinh sạch sẽ, ca mổ phải đảm bảo tuyệt đối vô trùng. Khối lượng máu phải chuẩn bị rất nhiều. Tất cả đúng như một trận đánh. Trước ngày mổ, 2h đêm, mọi người vẫn trao đổi với nhau về các kỹ thuật sẽ triển khai”, Giám đốc Phòng kể lại.
Ca mổ đã thành công tốt đẹp. Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội, GS-TS Lê Ngọc Thành đánh giá: “Thành công của ca mổ tim đầu tiên này là sự kiện mang tính dấu ấn, bước ngoặt quan trọng trong phát triển chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, của ngành y tế Thái Bình. Giám đốc Hà Quốc Phòng đã rất tâm huyết, quyết liệt trong việc đưa một trong những kỹ thuật phẫu thuật khó nhất về tỉnh. Bệnh viện E sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng Bệnh viện Đa khoa Thái Bình để phát triển chuyên sâu các kỹ thuật phẫu thuật tim mạch. Chắc chắn việc triển khai phẫu thuật tim mạch tại Thái Bình sẽ trở thành thường quy và đạt kết quả tốt”.
Giám đốc Hà Quốc Phòng khẳng định, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đã sẵn sàng triển khai thường quy kỹ thuật phẫu thuật tim mạch. Người bệnh phẫu thuật tim tại Thái Bình có những điều kiện chăm sóc không kém các cơ sở khác. Được sự ủng hộ của tập thể bệnh viện, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Bệnh viện bước đầu đã xây dựng được Quỹ Trái tim nhân ái gần 700 triệu đồng, góp phần giúp bệnh nhân nghèo có thể tiếp cận được với những kỹ thuật mổ tim hiện đại. Như bệnh nhân Bảy với hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, con nhỏ, vợ mang thai, việc phải chuyển lên Hà Nội để phẫu thuật là một khó khăn, thách thức rất lớn với gia đình anh.
“Đây mới chỉ là bước khởi đầu, Bệnh viện sẽ tiếp tục đào tạo đội ngũ bác sỹ có thể mổ nội soi, phẫu thuật tim mạch từ người lớn đến trẻ em, giúp những trái tim bệnh tật, tai nạn có thể trở lại những nhịp đập bình thường, mang lại sự sống cho bệnh nhân”, Giám đốc Hà Quốc Phòng cho biết.
12 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân Nguyễn Văn Bảy đã hoàn toàn bình phục và xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình cùng đội ngũ y bác sỹ.
Lã Quý Hưng
Theo baodautu
Lần đầu phẫu thuật thành công cho bệnh nhân tim hở tại Thái Bình
Chiều nay, 25/5, thông tin từ Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho biết, ca phẫu thuật tim hở đầu tiên tại tỉnh này đã thành công.
Ca phẫu thuật hở tim đầu tiên tại Thái Bình được thực hiện thành công - Ảnh: Hoàng Long
Theo bác sỹ Nguyễn Quốc Phòng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, chiều qua, 24/5, lần đầu tiên tại bệnh viện này đã tiến hành phẫu thuật tim hở cho bệnh nhân Nguyễn Văn Bảy (37 tuổi, trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là người có tiền sử về bệnh tim mạch. Sau hơn hai giờ đồng hồ làm việc, kíp phẫu thuật của bệnh viện đã thay thành công van hai lá cho bệnh nhân.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã được đưa về điều trị tại Khoa hồi sức. Đến chiều nay, 25/5, bệnh nhân được xác định không có biến chứng, sức khoẻ ổn định, bước vào giai đoạn phục hồi.
Chiều 25/5, bệnh nhân được phẫu thuật tim hở đã ổn định sức khoẻ - Ảnh: Hoàng Long
Được mời chứng kiến sự kiện này, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, đây là kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện thường qui tại các bệnh viện tuyến trên. Ca phẫu thuật này là trường hợp phẫu thuật tim phức tạp đầu tiên diễn ra ngay tại tỉnh Thái Bình, đồng thời cũng là lần đầu tiên thực hiện ở bệnh viện tuyến dưới. "Dấu mốc quan trọng này khẳng định trong các bệnh viện phẫu thuật tim mạch có thêm một địa chỉ mới, đó là Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình", ông Thành nói.
Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho biết, từ năm 2013, tỉnh Thái Bình đã "quan tâm" tới việc điều trị tại chỗ cho bệnh nhân tim để giúp bệnh nhân Thái Bình mắc căn bệnh nguy hiểm này không phải chịu áp lực quá tải bệnh nhân ở tuyến trên cũng như tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở.
Ngay trong năm 2013, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình đã cử 5 bác sĩ vào Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) để đào tạo về phẫu thuật tim mạch lồng ngực; can thiệp tim mạch trong thời gian hai năm. Cùng năm, Bệnh viện này cử 48 y, bác sỹ lên Bệnh viện E để đào tạo về chẩn đoán, chỉ định phẫu thuật; kíp phẫu thuật, kíp tim phổi nhân tạo, kíp gây mê, kíp hồi sức sau mổ và kíp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng mổ...
Các giai đoạn trong điều trị tim tại Thái Bình đều được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhất hiện nay - Ảnh: Hoàng Long
Cũng theo ông Dịu, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ điều trị bệnh tim tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình không hề kém cạnh so với các bệnh viện tuyến trên, kể cả các bệnh viện chuyên về tim. Bao gồm hai phòng mổ tim, ghép tạng đạt tiêu chuẩn Quốc tế, bảo đảm nguyên tắc hoạt động một chiều, có hệ thống oxy, khí hút, khí nén trung tâm, 3 máy chụp cắt lớp vi tính (trong đó có một máy 128 lát), 2 máy cộng hưởng từ, 2 máy chụp mạch số hóa, hệ thống phòng xét nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO 15189-2012....
"Ca phẫu thuật thành công và các thông số trên cho thấy, Thái Bình đã sẵn sàng để đón tiếp, điều trị các bệnh nhân tim mạch, kể cả những ca bệnh tim phức tạp trước đây phải chuyển lên tuyến trên mới thực hiện được", ông Dịu thông tin.
HOÀNG LONG
Theo Tiền phong
Cứu những trái tim trẻ thơ từ tay tử thần Suốt 15 năm qua, với trình độ tay nghề vững vàng, bác sĩ Đinh Xuân Huy - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Tim trẻ em, Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh phức tạp, hiểm nghèo, mang lại cho các em nhỏ trái tim khỏe mạnh. Điều kỳ diệu đã xảy ra Cuộc trò chuyện của...