Bệnh viện chật cứng bệnh nhân sốt xuất huyết
Từ đầu tháng 5, dịch sốt xuất huyết (SXH) tại các tỉnh, thành ĐBSCL diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mạnh.
Mỗi giường 2 – 3 bệnh nhi
Bác sĩ Bùi Hùng Việt – Trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết: “Bệnh SXH bắt đầu tăng từ đầu tháng 5, đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay, khoa tiếp nhận điều trị nội trú 165 ca (tăng 125% so với cùng kỳ năm 2016)”. Trong đó, Đồng Tháp hiện là một trong những địa phương có số ca mắc SXH đứng đầu khu vực ĐBSCL. Ông Dương Ân Hận – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có khoảng 1.300 ca dương tính, trong đó có 90 ca nặng và 2 trường hợp tử vong tại huyện Tháp Mười và Hồng Ngự”.
Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ. Ảnh: H.C
Trong 10 ngày đầu tháng 7, tỉnh An Giang có đến 120 ca; tiếp đến là Sóc Trăng với 110 ca và Đồng Tháp là 100 ca SXH nhập viện điều trị. “Hiện nay khoa SXH bệnh viện chỉ có 60 giường bệnh nhưng có trên 150 ca; những ngày đầu tuần lên đến 180 ca bệnh nhi điều trị nội trú nên khoa bị quá tải. Những trẻ bệnh nặng, biến chứng thì được bố trí nằm riêng một giường, còn lại mỗi giường bệnh buộc phải xếp 2-3 trẻ nằm chung” – bác sĩ Việt thông tin.
Người lớn cũng tử vong
Video đang HOT
Bác sĩ Việt cũng cho biết thêm, năm nay bệnh SXH tăng và bệnh thể nặng cũng tăng (đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận có 64 ca nặng, không có ca tử vong). Đặc biệt, thời gian gần đây bệnh SXH ở trẻ nhỏ tuổi từ 10-15 tuổi tăng mạnh và thường bị sốc cao hơn trẻ nhỏ. Nguyên nhân do người thân còn lơ là, nghĩ trẻ mới bị SXH, nên khi chuyển đến bệnh viện thường là bệnh chuyển nặng.
“Từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi tuần có khoảng 50 ca mắc và bệnh nhân nặng rơi vào tuổi thiếu niên. Như trường hợp bệnh nhân là chị L.T.K.N, huyện Tháp Mười, ghi nhận tử vong do SXH ở tuổi 25. Theo người thân của bệnh nhân, thì trước khi nhập viện, chị N đã có biểu hiện nóng sốt. Sau khi điều trị bên ngoài không khỏi, được chỉ định nhập viện nhưng chị đã không qua khỏi” – ông Hận nói.
Theo nhận định từ Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành ĐBSCL, trước đây SXH chỉ có vào mùa mưa, gần đây thì bệnh xuất hiện suốt cả năm. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, thời tiết nóng ẩm quanh năm, thỉnh thoảng có những cơn mưa trái mùa, người dân giữ nước lại sử dụng bằng bồn, lu, hũ mà không đậy nắp cẩn thận, mà đó là nơi muỗi vằn sinh sản nhanh, nhiều dễ phát sinh thành dịch.
Để phòng ngừa bệnh SXH, cũng như phát hiện kịp thời điều trị hiệu quả nhất, bác sĩ Việt khuyến cáo: “Khi phát hiện trẻ nhỏ bị sốt cao, có xuất huyết đỏ ngoài da thì nhanh chóng đưa bé ngay đến bệnh viện để khám điều trị kịp thời, không được tự ý điều trị. Đặc biệt là không dùng kháng sinh. Vào buổi trưa phải cho các cháu ngủ trong mùng màn và dùng các biện pháp phụ như hương muỗi, quạt máy”.
Theo Danviet
Bộ Y tế: Muốn phòng sốt xuất huyết, phải hiểu... "muỗi"
Ngày 26.7, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người dân đã sai lầm khi chỉ phòng chống muỗi đốt vào ban đêm nhưng muỗi truyền sốt xuất huyết lại đốt ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm và chập tối.
PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
7 tháng đầu năm 2017 cả nước đã có gần 59.000 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều địa phương bùng phát sốt xuất huyết mạnh như Hà Nội, TP.HCM. Ông nhìn nhận tình hình dịch bệnh này năm nay như thế nào?
-PGS.TS Trần Đắc Phu: Với gần 59.000 ca mắc sốt xuất huyết (50.497 ca nhập viện), 17 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%. Song số người mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (chiếm 64,4%) và miền Trung (chiếm 19,9%). Nguyên nhân đây là những khu vực bệnh lưu hành trong nhiều năm, nóng quanh năm. Khu vực miền Bắc có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết thấp hơn (12.4%) nhưng chỉ gia tăng cấp tập vào mùa nóng. Hiện dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở Hà Nội. Hà Nội đang đứng thứ 3 cả nước về số ca mắc tuyệt đối (gần 7.000 ca), con số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19.
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng (BV Bạch Mai)
Dịch bệnh sốt xuất huyết có chu kỳ 5 năm lại bùng phát mạnh một lần, do đó, sẽ có năm tỷ lệ người mắc sốt xuất huyết cao và có năm tỷ lệ này thấp. Tuy nhiên, những năm gần đây đã giảm số người mắc và số người chết sốt xuất huyết rất nhiều so với các năm trước. Cụ thể năm 1987, cả nước có hơn 300.000 ca mắc sốt xuất huyết, hơn 1.500 ca tử vong. Từ năm 2000-2015 chỉ còn 50.000-100.000 ca mắc với gần 100 ca tử vong mỗi năm.
Nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh trong năm nay là do đâu, thưa ông?
-Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hoá nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng qoăng của muỗi truyền bệnh.
Sự chủ động, phối hợp của người dân và các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao, việc triển khai biện pháp phun hoá chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để, nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí.
Dù đã được tuyên truyền nhưng người dân vẫn mắc sai lầm trong việc phòng chống sốt xuất huyết, tại sao thưa ông?
-Mọi người phải hiểu được đặc điểm của muỗi gây bệnh. Muỗi truyền bệnh sốt rét thường đậu trên tường, muỗi gây viêm não đậu ở chuồng trâu bò, đốt người vào buổi tối. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chập tối. Muỗi này cũng thường trú đậu ở các góc tối, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi gây sốt xuất huyết cũng chỉ đẻ trong dụng cụ chứa nước sạch, trong. Do đó, nếu người dân quan niệm muỗi đẻ ở nơi bẩn, cống rãnh, chỉ chăm chăm khơi thông cống rãnh hôi thối, tù đọng thì hoàn toàn không phòng được bệnh sốt xuất huyết.
Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều dụng cụ có thể chứa nước, đọng nước mưa khiến muỗi sốt xuất huyết đẻ trứng mà người dân chủ quan, không ngờ tới. Ví dụ như tại miền Nam ở các bàn thờ hiên, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều lọ hoa, các ly nhỏ chứa nước có bọ gậy. Tôi vừa kiểm tra ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đã phát hiện ra những bàn thờ ngoài trời như vậy ở đình chùa. Hoặc phi đựng cát cứu hoá, chỉ có cát một nửa, khi mưa xuống đọng nước cũng có loăng quăng. Một ống nước cắm cờ trên tường, đọng nước cũng có bọ gậy. Ở các khu đô thị lớn, có rất nhiều "nôi" cho muỗi đẻ trứng như chậu hoa cây cảnh, bể nước trên nóc nhà thấp tầng, lốp xe, vỏ dửa, vỏ hộp. Sạch nhà, bẩn vườn xung quanh, các khu đất xen kẹt đều có thể làm gia tăng muỗi truyền bệnh.
Vậy theo ông, để phòng chống sốt xuất huyết đang bùng phát ngay lúc này, người dân cần phải làm gì?
-Người dân không có cách nào khác là phải diệt tất cả các nguồn nước có thể làm môi trường cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi. Cụ thể như đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể nước lớn, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước, dọn các phế thải quanh nhà có thể là nơi đọng nước mưa kể cả chai lọ, vỏ hộp, hốc cây, vỏ dừa, lá cây khô, nắp bia... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng chống muỗi đốt ban ngày. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Hà Tĩnh: Một thôn 13 người "dính" sốt xuất huyết Trong 5 ngày ở thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện 13 người mắc bệnh sốt xuất huyết. Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đào Văn Thế - Giám đốc trung tâm y tế dự phòng huyện Lộc Hà cho biết: "Từ ngày 21.7 tại thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc đã xuất hiện...