Bệnh viện cam kết không nằm ghép, bệnh nhân hết cảnh “trần ai”?
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác khám chữa bệnh năm 2014, ngày 20/1/2015, 13 bệnh viện đã cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Trong đó có tên của những bệnh viện tuyến cuối đang đứng đầu danh sách quá tải như bệnh viện Nhi TƯ, Nhiệt đới TƯ…
Nhiều ý kiến lo ngại, liệu các bệnh viện có vì chạy theo thành tích mà đẩy bệnh nhân ra ngoại trú và tính khả thi của bản cam kết sẽ đến đâu?
Nỗi khổ “nằm chung giường”
Từng đưa con vào điều trị tại viện Nhi Trung ương gần 2 tháng, chị Phạm Thuý Hạnh (Việt Trì, Phú Thọ) hiểu rõ hơn ai hết nỗi khổ nằm ghép. Chị Hạnh kể, con chị lúc đầu vào viện điều trị bệnh viêm phổi thông thường. Tuy nhiên, sau khi nằm ghép cùng giường với trẻ mắc các bệnh khác, con chị cùng một lúc mắc 3, 4 loại bệnh dẫn đến phải lọc máu, thở ôxy 24/24h và phải dùng tới loại thuốc có giá lên đến 30 triệu đồng/ống. Thậm chí bác sỹ đã tiên lượng tình trạng xấu nhất của bé có thể xảy ra!
Chia sẻ với PV, chị Hạnh ngậm ngùi: “Tôi hiểu rõ nhất cái giá của nỗi khổ phải nằm ghép ra sao. Chính vì thế sau điều trị đợt 1, gia đình tôi phải xin cho con sang phòng tự nguyện với giá 680.000/ngày. Chắc không ai nghĩ, một đứa trẻ mắc viêm phổi, ho thông thường phải điều trị đến 2 tháng và gia đình phải mất cả trăm triệu đồng. Việc nằm ghép không chỉ bất tiện, chật chội mà nó còn là sự nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng trẻ nhỏ”.
Không còn tình trạng nằm ghép tại khoa Chỉnh hình nhi (ảnh chụp ngày 21/1/2015).
Không chỉ riêng mẹ con chị Hạnh rơi vào tình cảnh “ngủ ép, giường ghép” mà rất nhiều bệnh nhân ở tỉnh lẻ khi lên tuyến Trung ương điều trị phải “khóc dở, mếu dở” khi rơi vào tình cảnh này. Tuy nhiên, mấy ngày qua, sau khi bộ Y tế công bố danh sách 13 bệnh viện cam kết không để tình trạng bệnh nhân nằm ghép từ ngày 20/1 khiến nhiều gia đình bệnh nhân hy vọng vào “bức tranh màu hồng” về chính sách chăm sóc y tế vốn nhiều bất cập trong thời gian qua.
Mười ba bệnh viện cam kết thực hiện bảo đảm người bệnh sẽ được bố trí một giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú. Bảo đảm tối đa sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí một giường bệnh. Nỗi vất vả, tốn kém của gia đình bệnh nhân sẽ được chấm dứt?
Để mục sở thị, ngày 21/1 PV đã đến bệnh viện Nhi Trung ương. Tại các khoa như khoa Thận và Lọc máu, khoa Nội tiết và Chuyển hóa di, khoa Tiêu hóa… không có tình trạng bệnh nhân nằm ghép. Tuy nhiên, ở một số khoa đông bệnh nhân như khoa Hô hấp thì tình trạng này vẫn đang được khắc phục.
Video đang HOT
Khi PV hỏi về thông tin mới đây bệnh viện Nhi Trung ương đã ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép từ ngày 20/1, bác Hoa (Đan Phượng – Hà Nội) hiện đang chăm cháu tại khoa Hô hấp cho biết: “Tôi không rõ thông tin này. Tuy nhiên nếu thực hiện được như vậy thì các bệnh nhân nhất là bệnh nhân khoa Hô hấp sẽ rất yên tâm, tránh sự lây chéo như trước.
Liệu có đưa nhiều bệnh nhân ra ngoại trú để được “chuẩn”?
Chia sẻ về nguyên nhân khiến bệnh viện Nhi cũng cam kết không để bệnh nhân nằm ghép đợt đầu tiên (từ ngày 27/2), ông Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Công việc giảm tải ở bệnh viện gắn liền với một số chuyện buồn khi dịch sởi bùng nổ đầu năm 2014. Dù là bệnh viện lớn nhưng chúng tôi không kịp trở tay. 124 trẻ mắc sởi tử vong liên quan đến nhiễm trùng bệnh viện, lây chéo, do nằm ghép đã kéo theo nhiều hệ lụy”.
Các bệnh nhân nhi nằm ghép trong đợt dịch sởi 2014 (ảnh tư liệu).
Nhiều ý kiến lo ngại việc bệnh viện Nhi với áp lực là tuyến cuối, lượng bệnh nhân đông như hiện nay mà bệnh viện ký cam kết ngay đợt đầu tiên có quá sớm, ông Hải cho rằng, bệnh viện Nhi có cơ sở để ký vào bản cam kết này khi mà 4 tháng qua, bệnh viện đã không còn cảnh bệnh nhân nằm ghép. “Bệnh viện Nhi Trung ương đã có hàng loạt giải pháp cải cách thủ tục hành chính.
Chúng tôi có tổng thể các giải pháp để giảm tải như lập một “rào cản” chuyên môn sàng lọc, khống chế lượng bệnh nhân nhập viện, bảo đảm lúc nào cũng chỉ có khoảng 1.500 bệnh nhân nội trú dù lượng vào viện khám mỗi ngày rất lớn. Những trường hợp bệnh nhẹ đều được khám và tư vấn điều trị ngoại trú. Với trường hợp chưa cần nhập viện mà cho về nhà không an tâm thì có phòng lưu ngắn. Các trường hợp này sẽ được nằm điều trị, theo dõi trong ngày, trung bình khoảng 5-6 giờ trước khi bác sỹ ra quyết định cho nhập viện hay điều trị ngoại trú, thay vì chỉ định cho nhập viện ồ ạt như trước. Các trường hợp cho về, các bác sỹ sẽ gọi điện kiểm tra và tư vấn chuyên môn”, ông Hải cho biết.
Giải pháp của các bệnh viện giảm tải đã có nhưng có ý kiến lo ngại, liệu các bệnh viện có đưa nhiều hơn bệnh nhân ra ngoại trú để đạt đúng “chuẩn” cam kết. Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định, các bệnh viện ký cam kết hoàn toàn tự nguyện. Bộ Y tế không ép buộc và đề án giảm quá tải bệnh viện đã được thực hiện từ năm 2013. Việc khám chữa bệnh, lưu trú của bệnh nhân đều có quy định, điều kiện rõ ràng.
Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
Bộ Y tế hy vọng với một loạt giải pháp như xây thêm khu điều trị, kê thêm giường, thiết lập đơn vị lọc bệnh ngoại trú, chuyển điều trị ngoại trú, điều phối giữa các khoa lâm sàng, tăng cường mối liên kết tuyến trên và tuyến dưới, thiết lập mạng lưới “bệnh viện giảm tải” sẽ giúp giảm tải thực chất.
Cắt thi đua, khen thưởng lãnh đạo viện để bệnh nhân nằm ghép
Trả lời câu hỏi của PV báo Đời sống và Pháp luật về việc nếu 13 bệnh viện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép mà có hiện tượng này diễn ra, Bộ Y tế sẽ xử lý ra sao?, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, bộ Y tế cho rằng, giám đốc các bệnh viện khi đặt bút ký cam kết không để xảy ra tình trạng bệnh nhân nằm ghép đã phải tính toán, có các phương án để thực hiện cam kết. Dù chưa có các chế tài xử lý với những đơn vị cam kết không nằm ghép đôi, ghép ba nhưng việc ký cam kết này được lãnh đạo các bệnh viện ký bằng danh dự nên chúng tôi tin rằng không có chuyện ký xong rồi để đấy. Bộ Y tế tin là các bệnh viện sẽ thực hiện đúng cam kết. Nếu có tình trạng nằm ghép, việc xử lý có thể xem xét đánh giá vào thành tích thi đua, khen thưởng.
Bệnh nhân phải nằm ghép… gọi điện ngay đến đường dây nóng
Danh sách này bao gồm các bệnh viện: Việt Đức, Nhi Trung ương, Lão khoa Trung ương, Châm cứu, Nhiệt đới Trung ương, E, Tâm thần Trung ương I, Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), Da liễu trung ương, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế. Theo đại diện Bộ Y tế, bệnh nhân nào điều trị tại 13 bệnh viện này nếu phải nằm ghép có thể phản ánh tới lãnh đạo bệnh viện hoặc gọi điện thoại vào đường dây nóng Bộ Y tế 24/24h theo số điện thoại 0973.306.306. Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn thanh tra, giám sát tại các bệnh viện đã ký cam kết.
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Nhiều dự án xây dựng bệnh viện đình trệ
Nhiều dự án xây mới, cải tạo bệnh viện tại TP.HCM triển khai quá chậm, thậm chí vẫn nằm trên giấy sau... 10 năm.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quá tải trầm trọng trong khi dự án Khu khám bệnh mới của bệnh viện vẫn nằm trên giấy - Ảnh: Nguyên Mi
Hôm qua 16.5, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM về nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, thời gian qua, ngành y tế TP đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ chuyên môn để nâng chất lượng cho các bệnh viện tuyến quận/huyện và giảm tải cho các bệnh viện tuyến TP, như: phát triển các phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh, phòng khám bác sĩ gia đình.
Hiện nay, TP đã xây dựng được 48 phòng khám vệ tinh của 17 bệnh viện tuyến TP, tại 12 bệnh viện tuyến quận/huyện. Đồng thời, triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 6 quận.
Mặt khác, TP cũng đầu tư xây mới và nâng cấp nhiều bệnh viện tuyến quận/huyện như các bệnh viện: Q.6, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân và huyện Củ Chi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều dự án xây mới, cải tạo bệnh viện triển khai quá chậm.
Trong đó, Khu khám bệnh mới của Bệnh viện Ung bướu (số 47 Nguyễn Huy Lượng, Q.Bình Thạnh) sau 10 năm được phê duyệt đến nay vẫn chưa đủ thủ tục để khởi công xây dựng. Dự án Bệnh viện Nhi TP (tại huyện Bình Chánh) sau 6 tháng khởi công san lấp mặt bằng tới nay vẫn chưa thể giải tỏa xong. Dự án Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn (một trong những bệnh viện cửa ngõ của TP) sau nhiều năm được phê duyệt vẫn chưa hoàn tất hồ sơ.
Bên cạnh đó, một số dự án khác mặc dù đã được xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng không được đầu tư trang thiết bị để đưa vào sử dụng. Có thể dẫn chứng, Khoa vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu tại Bệnh viện Q.2, có 150 giường bệnh được xây dựng khang trang nhưng chưa có trang thiết bị. Dự án Khu khám bệnh mới của Bệnh viện Ung bướu cũng có chung hoàn cảnh khi chưa có phần đầu tư về thiết bị máy móc.
"Trong điều kiện ít vốn, khi thực hiện dự án nào cần thực hiện "dứt đoạn" từ cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị. Đầu tư đồng bộ mới có thể đưa các công trình vào sử dụng một cách hiệu quả", ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, kiến nghị.
Tại buổi làm việc, ông Hùng cũng cho rằng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới, cải tạo các bệnh viện; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng như cải thiện công tác quản lý bệnh viện, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.
Nguyên Mi
Theo TNO