Bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện trải rộng tại Hà Nội
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 21 ca viêm não Nhật Bản rải rác ở 21 xã phường, tăng 17 bệnh nhân so với cùng kỳ năm ngoái, một người tử vong.
Bệnh xảy ra rải rác ở 21 xã phường của 14 quận huyện, chủ yếu người bệnh là trẻ em. Hầu hết số trẻ mắc là do không tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ.
Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao, dễ để lại di chứng thần kinh. Ảnh: Hà An.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, số ca bệnh tăng vì người dân lo ngại sự cố khi tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện có thể khẳng định bệnh viêm não Nhật Bản cơ bản đã được kiểm soát với tỷ lệ tiêm chủng đạt gần 97% trẻ 1-3 tuổi. Đây là kết quả sau 3 vòng tiêm cuối tháng 6.
Ngoài ra, tại những nơi có người mắc, ngành y tế thành phố đã triển khai tiêm bổ sung cho trẻ 1-14 tuổi. Cụ thể, 20 xã phường của 14 quận huyện có nguy cơ cao đã tiêm vào ngày 21/7, với tỷ lệ đạt 92%.
Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc ly bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).
Để phòng chống bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Tiêm văcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Bộ Y tế sẽ đưa 3 văcxin mới vào tiêm miễn phí gồm văcxin phòng viêm phổi do phế cầu, phòng tiêu chảy do virus rota và phòng ung thư cổ tử cung do virus HPV. 3 loại này sẽ do Liên minh Văcxin và Tiêm chủng toàn cầu (GAVI) tài trợ trong những năm đầu. Đây đều là những bệnh có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam. Những văcxin này hiện được tiêm dịch vụ tại nhiều nơi, tuy nhiên giá thành khá cao. Vì thế, không phải gia đình nào cũng có điều kiện tiêm ngừa cho trẻ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu. Chẳng hạn, một liều văcxin ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV có giá 880 nghìn đến 1,45 triệu đồng và tiêm 3 mũi. Văcxin phòng tiêu chảy do rota virus cũng có giá gần 800 nghìn đồng một liều.
Ngày 24/7, Hà Nội đã có văcxin thủy đậu tiêm dịch vụ phục vụ người dân.
Video đang HOT
Phương Trang
Theo VNE
Ai dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản?
Ths.Bs Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản (VNNNB) có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2013. Viêm não Nhật Bản không chỉ gặp ở trẻ em mà đã xuất hiện ở người lớn với những tổn thương hệ thần kinh khá nghiêm trọng, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể để lại nhiều dư chứng nặng nề, đôi khi gây tử vong cho người bệnh.
Ai dễ mắc viêm não Nhật Bản
- Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản (VNNB) đều có thể bị mắc bệnh. Theo Y văn Thế giới, tại những vùng bệnh VNNB lưu hành, bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số trường hợp mắc bệnh) trong đó đa số là trẻ từ 1 tuổi - 5 tuổi.
- Hiện tại ở Việt Nam tỷ lệ mắc VNNB cao nhất ở nhóm trẻ em 5 tuổi - 9 tuổi, hoặc lớn hơn. Người lớn có nguy cơ bị lây nhiễm nếu chưa từng được tiêm chủng, họ có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, đi hợp tác lao động hoặc đi công tác vào vùng bệnh VNNB đang lưu hành.
- Bệnh VNNB hiện nay vẫn được xem là bệnh lý nguy hiểm cho con người nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời khả năng dẫn đến tử vong là rất cao. Theo các báo cáo thống kê tỷ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 30%.
- Những bệnh nhân may mắn qua khỏi cơn bệnh thì cũng có khoảng 1/3 để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh như liệt, chậm phát triển tâm thần, co giật, động kinh, một số trường hợp có thể bị mất khả năng ngôn ngữ hoặc không nói được, mất trí nhớ, cử động bất thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo, gồng cứng người...
Lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh minh họa.
Dấu hiệu ở trẻ lớn và người lớn:
- Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao 39độ C - 40độ C, kèm đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn.
- Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở não, ở màng não và rối loạn thần kinh thực vật. Dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là "cứng gáy" và dấu hiệu Kernig (dấu hiệu này do bác sĩ khám và xác định). Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều khuôn mặt như co cứng cơ mặt, cơn quay mắt quay đầu, co giật, run giật, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ.
- Các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề như nhiệt độ cơ thể dao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.
Dấu hiệu ở trẻ nhỏ:
- Cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng là: nôn ói nhiều, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.
Cách lây truyền và dấu hiệu mắc bệnh viêm não Nhật Bản
- Bệnh được gọi là "viêm não Nhật Bản" vì tại Nhật Bản, người ta đã phát hiện ra trường hợp viêm não đầu tiên do tác nhân này. Đặc biệt vào năm 1935, các nhà khoa học Nhật Bản lần đầu tiên tìm thấy nguyên nhân gây bệnh là một loại vi rút thuộc nhóm B của một dòng vi rút có tên khoa học là Arbovirus do đó bệnh được gọi với một tên khác là bệnh viêm não B hoặc bệnh viêm não mùa hè vì thời điểm mùa hè khí hậu nóng ấm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển đốt người và gây bệnh. Bệnh VNNB lây theo đường máu, do côn trùng (muỗi) đốt hút máu động vật nhiễm vi rút rồi đốt người, qua đó truyền vi rút cho người. Vi rút được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa vi rút. Năm 1938 cũng các nhà khoa học người Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi có tên Culex tritaeniorhynchus, và sau đó xác định được vai trò vật chủ và ổ chứa chính của vi rút VNNB là loài lợn và chim.
- Ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, xuất hiện nhiều vào những tháng mùa nóng, thích hút máu gia súc, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và đốt người người, thường vào thời điểm từ 18h00 - 22h00, muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương máng. Bệnh VNNB không thể lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.
Phác đồ điều trị và phương pháp phòng bệnh viêm não Nhật bản
- Hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do vi rút. Mặc dù đã có thuốc kháng vi rút nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại vi rút chứ không phải tất cả các vi rút. Điều trị bệnh VNNB chủ yếu hiện nay là điều trị triệu chứng ở người bệnh, phối hợp những điều trị hỗ trợ và nâng đỡ giúp nâng cao thể trạng và sức khỏe cho người bệnh.
- Trẻ nhỏ cần được điều trị tại những bệnh viện tuyến chuyên khoa có đủ phương tiện theo dõi và can thiệp kịp thời những biến chứng nguy hiểm của bệnh giúp trẻ qua khỏi cơn nguy kịch và giảm đến mức thấp nhất những di chứng nặng nề có thể xảy ra sau khi trẻ khỏi bệnh.
- Việc phòng bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo gồm những phương pháp sau:
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, xa nơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy.
Khi đi ngủ cần ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp chống và diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.
Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.
- Việc tiêm chủng sẽ được áp dụng cho trẻ em từ 12 tháng tuổi và người lớn.
- Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Theo Vnmedia
Phòng ngừa và điều trị bệnh viêm não Nhật Bản Tháng 7 là cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Tính đến ngày 3/7, tại BV Nhi Trung Ương đã ghi nhận 46 trường hợp nhiễm bệnh, chủ yếu là ở trẻ em. Sau dịch sởi, tay chân miệng, nhiều người lo sợ đến bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết bùng phát. Viêm não Nhật Bản là căn bệnh...