Bệnh thời thượng
… Chị bạn thân bảo: “Bộ điên à, ly hôn để làm gì chứ?” khi tôi dè dặt thổ lộ suy nghĩ của mình. Bao nhiêu người mơ ước một sự ấm êm tương đối như tôi, sao tôi lại tung hê mọi thứ chỉ để thỏa mãn những suy nghĩ “dở hơi” của mình…
Ba mươi sáu tuổi, nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng ngó xuống thì tôi cũng chẳng đến nỗi nào. Tôi có một căn nhà phố tuy hơi xa trung tâm nhưng rộng rãi, có một công việc tốt, có chồng và hai con đủ trai gái. Nhà thuê người giúp việc theo giờ nên buổi tối thi thoảng tôi có thể đi cà phê, chơi một môn thể thao nào đó, hoặc đơn giản là đọc một cuốn sách, dành thời gian cho con… Cuộc sống như thế còn gì để phải phàn nàn?
Chị bạn thân bảo: “Bộ điên à, ly hôn để làm gì chứ?” khi tôi dè dặt thổ lộ suy nghĩ của mình. Bao nhiêu người mơ ước một sự ấm êm tương đối như tôi, sao tôi lại tung hê mọi thứ chỉ để thỏa mãn những suy nghĩ “dở hơi” của mình? Con hai đứa, nuôi đứa này, buông đứa kia cho chồng, liệu có thể thản nhiên coi như không có gì được chăng? Nhà bán, chia đôi, làm sao đủ mua lại một căn hộ nhỏ xíu? Chừng này tuổi đầu, lẽ nào giờ quay lại cảnh ở trọ thời sinh viên, phấp phỏng tiền nhà, dọn chỗ? Con cái một mình đưa đón, chăm nom lúc ốm đau, lúc lâm vào hoàn cảnh đó mới biết đá biết vàng… Quan trọng nhất, ly hôn xong thì được gì? Lấy chồng khác ư? Hay để ung dung tự tại sống độc thân một mình? Coi vậy chứ không đơn giản. Nếu là để tìm kiếm người đàn ông khác phù hợp hơn, thì hên xui may rủi cũng nhiều. Lỡ gặp phải vỏ dừa, thì cái việc tan đàn sẻ nghé để tránh vỏ dưa kia coi như không ổn rồi. Mà đàn bà, ít nhất khi đau ốm hay cần bảo bọc gì đó, lại vẫn ước gì có người đàn ông bên mình, chẳng thể nào luôn mạnh mẽ được…
Chị bạn phân tích thiệt hơn thật chí lý. Thế nhưng, tôi làm sao có thể chia sẻ hết với chị nỗi chênh vênh khi hàng đêm thắc thỏm chờ chồng đi nhậu về, chẳng phải vì nhớ thương mong ngóng gì, mà lo đường sá rủi ro, bên ngoài bao nhiêu bất trắc chực chờ. Nói nào ngay, giờ mà chồng có chuyện gì, mình tôi cũng khó bề gánh vác hết mọi thứ. Tôi không còn quá trẻ để nuôi giấc mơ hoàng tử, cũng chẳng ngây thơ để không suy tính mà bỏ mồi bắt bóng. Nhưng chừng này tuổi rồi, tôi thấy tiếc cuộc đời chỉ có một lần của mình, chẳng thể nào quay ngược lại để sống hay sửa chữa sai lầm, thì hà cớ gì tôi phải cam chịu, phải cố chấp nhận, phải ép uổng bản thân trong mối quan hệ mà cả hai đều hiểu đã nguội lạnh lắm rồi. Nhưng đạp đổ nó, thay đổi nó, hoặc chí ít là làm mới nó, thì mình sợ hãi, bất lực…
Video đang HOT
Qua hai lần sinh nở cùng những vất vả thường nhật, sức khỏe tôi đã suy giảm nhiều. đêm hay choàng dậy vì lạnh toát, mắt mũi phập phù, những dấu hiệu xuống sức chỉ bản thân mình mới nhận biết rõ. Tôi chẳng còn tha thiết những thứ hào nhoáng, phù phiếm, mà chỉ ước mong một hạnh phúc đơn giản, những bữa cơm tối ngon lành, đủ mặt cả nhà. Hai vợ chồng hiếm hoi mới cùng xuất hiện ở nơi nào đó. Một bữa cơm trưa nói chuyện cùng nhau đã là điều xa xỉ. Chúng tôi vẫn mua thuốc, mua cam cho nhau khi đau ốm; tôi vẫn đều đặn cuối tuần ra chợ kiếm cá bống nhỏ, món chồng ưa thích; chúng tôi vẫn trao đổi về con cái, về những dự định sắm sửa này nọ cho gia đình, nhưng một cái nắm tay, chút an ủi dỗ dành đã thành quá vãng. Cuộc hôn nhân dài trở nên tẻ nhạt đến độ trách giận nhau cũng chẳng ai còn hứng thú.
Có lẽ tôi là mẫu phụ nữ dễ bắt gặp hiện nay, sống trong một thành phố đông đúc ồn ào, gắn đời mình với cái văn phòng rù rì máy lạnh, những chiều bươn bả đón con, mòn mỏi bên một ông chồng hay đi, nhiều mối quan hệ, lắm khách khứa phải tiếp. Tôi không bị bạo hành, tôi không thiếu thốn, tôi chẳng nghèo khó hay ngu ngốc gì, nhưng tôi vẫn cứ thấy cái sự tưởng như tròn vẹn của mình dường như không đủ để gọi là hạnh phúc. Những người phụ nữ làng nhàng, mờ nhạt đến tầm thường như tôi, như vô số chị em bây giờ, nên lấy phương châm biết đủ là đủ, phải có tinh thần tự tìm vui cho mình thì mới cảm thấy đời ổn được.
Tôi không thiếu bạn bè. Tôi cũng chẳng phải không có gì để bận tâm, theo đuổi. Tìm một người nào đó bầu bạn, chia sẻ thêm ư? Không khó, thậm chí rất dễ. Để đêm khuya túc tắc nhắn tin, lâu lâu len lén hẹn hò, coi phim, ăn tối? Nhưng để làm gì, hay chỉ là chuốc thêm những muộn phiền không đáng có? Tôi thấy mình mòn đi từng ngày, trong nỗi vô vị, tẻ nhạt, nhàm chán. Tôi thấy mình đơn độc, cô quạnh ngay trong chính mái gia đình mình, bên những người gọi là thân thương nhất. Bệnh thời thượng chăng?
Theo VNE
Vợ "thiểu năng"
Theo y học, thiểu năng là trạng thái cơ quan nào đó trong cơ thể trì trệ, yếu kém không thực hiện được đầy đủ chức năng như vốn có. Trong đời sống hôn nhân, nếu một thành viên lơ là vai trò, hạn chế đóng góp vào sự phát triển chung thì "cơ thể" gia đình khó thể chạy tốt. Dù biết như thế, nhiều bà vợ vẫn tự nguyện "thiểu năng", để mặc chồng bươn chải...
Trăm khó đã có chồng lo
Trong một lần phát gạo từ thiện, chị Anh Thư (một người kinh doanh vải ở Q.6, TPHCM) tình cờ gặp lại người bạn cũ thời tiểu học. Vẻ khắc khổ hằn trên gương mặt xương gầy, anh bạn thở dài khi nhắc đến gia cảnh hiện tại. Anh làm bảo vệ, tối còn giúp người ta dọn hàng để kiếm thêm thu nhập lo cho cả nhà năm miệng ăn. Hỏi đến vợ, anh lắc đầu: "Thất nghiệp lâu rồi". Cám cảnh, chị Thư giới thiệu vợ anh đến làm tại một quán cơm. Khi gặp mặt, chị ngớ người vì bề ngoài quá mượt mà của vợ anh: móng tay dài, sơn đỏ; mắt, môi xăm bén ngót. Chị trông đối nghịch hoàn toàn với anh, với cảnh nhà nghèo khó của anh chị, lại càng "chỏi" với công việc rửa chén, lặt rau ở quán cơm. Đúng như dự đoán của chị Thư, "quý phu nhân" ấy làm được ba ngày là nghỉ với lý do... con bệnh, phải ở nhà chăm. Chị Thư gợi ý sẽ giới thiệu chỗ làm hàng gia công, chị ta chỉ cười cười cảm ơn.
Trường hợp này cộng với nhiều trường hợp đã gặp khiến chị Anh Thư bức xúc: "Không hiểu sao nhiều người phụ nữ lành lặn, trẻ khỏe lại có thể phó mặc gánh cơm áo cho chồng? Rút kinh nghiệm, tôi phải thăm dò đối tượng trước khi giúp đỡ. Chỉ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự, bản thân họ đã phấu đấu vượt lên mà vẫn chưa thoát; không giúp những người biếng nhác, thích "ngồi mát ăn bát vàng".
Từ khi mang thai đến nay con gái đã tám tuổi, chị Nguyễn Thị Bé (P.14, Q.4) vẫn ở nhà nghỉ khỏe. Chồng bị tật chân, chạy xe ôm thu nhập bấp bênh, nhưng chị vẫn "bình chân như vại". Học vấn chỉ lớp 5 nhưng chị quyết định nếu không tìm được việc như ý (nhàn hạ, gần nhà, ít thời gian, lương cao...) thì không làm. Chủ nhiệm tổ phụ nữ giúp việc nhà của khu phố thấy chị ở không, giới thiệu chỗ làm, chị lắc đầu: "Tôi không biết chạy xe, đi bộ thì xa quá, chồng đưa rước lại tốn xăng". Bà cụ hàng xóm đột ngột ngã bệnh, nằm liệt, con cháu bà đặt vấn đề thuê chị Bé chăm sóc. Chị lại viện lý do chưa bao giờ chăm sóc người bệnh nên không làm được. Thực ra, chị ớn cảnh tiêu tiểu hôi hám, dìu đỡ nặng nề, lại phải thức khuya, không ngủ trưa được. Hàng xóm lại đề nghị, nếu không làm trọn thời gian thì làm theo giờ, chị cũng không đồng ý. Chồng về, chị mách lại, khiến chồng chị oang oang chửi đổng, cho rằng hàng xóm đã xúc phạm, hạ nhục nhà mình: "Vợ tôi như vầy mà kêu đi đổ phân, giặt đồ dơ dáy cho mấy người". "Khí thế" vậy, nhưng khi con bị té gãy tay, anh chị phải chạy sang hàng xóm mượn tiền chạy chữa.
Nặng là... quẳng
Nhiều ông đã suy nghĩ sai lầm là để vợ an nhàn thì mình mới là đàn ông thực sự, mà không biết là mình đang làm hư vợ. Các ông đã không góp ý, không thúc đẩy, động viên vợ làm việc kiếm thêm thu nhập, lâu dần thành quen, càng ngày người vợ càng ngại đi làm. Nếu sớm nhận ra sự nguy hiểm của tình trạng "nhàn cư vi bất thiện" ở vợ, các ông phải giúp vợ có công ăn việc làm, tạo sức ép để vợ cùng gánh vác gia đình, dù mình đủ khả năng kiếm đủ tiền nuôi vợ con.
Ban đầu, vì yêu chiều vợ, các ông vẫn cố gắng chu toàn, nhưng nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng, nhất là khi có con, người đàn ông với nỗ lực đơn lẻ sẽ đuối sức nếu không được chia sẻ kịp thời. Hơn nữa, người vợ không quen làm việc, sẽ ích kỷ, vô tâm, không hiểu giá trị những giọt mồ hôi của chồng. Vấn đề không chỉ là tiền, mà còn là cảm giác được cùng bạn đời chung sức chung lòng, đồng cam cộng khổ. Đường dài thồ nặng, đến lúc nào đó, có thể các ông sẽ quẳng gánh giữa đường.
Khi chuyển từ P.Tân Phong, Q.7 về Nhà Bè sống, chị Bích Thủy (chủ tổ hợp may gia công) tưởng sẽ dễ tuyển được nhân công vì thấy nơi đây có nhiều phụ nữ nhàn rỗi, thường tụ tập chuyện trò, chơi bài. Tuy nhiên, khi chị Thủy đến tuyển, các chị từ chối ngay, người than mắt kém, người bảo đau lưng, nhức mình dù tuổi đời chưa đến 40. Là người có "máu" công tác xã hội, chị Thủy kiên trì động viên, cuối cùng chỉ thu nhận được một chị. Làm chưa đủ tháng, chị này ứng tiền, rồi gia đình mâu thuẫn, chồng đánh chửi, chị bỏ đi mất. Chị Thủy bất lực, e ngại không biết bao giờ các gia đình này thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: vợ ăn không ngồi rồi, đề đóm, nợ nần; con hư, bỏ học, ăn cắp vặt; chồng nhậu nhẹt, bạo hành... Đã nghèo tiền bạc còn nghèo ý chí thì ai có thể giúp đỡ được?
Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia, TPHCM) phân tích: "Lý do sâu xa của tình trạng này còn do giáo dục từ gia đình. Nhiều cha mẹ chỉ dạy con gái cách làm vợ, làm mẹ theo nghĩa nội trợ trong nhà chứ không khuyến khích con ra ngoài xã hội làm việc, khẳng định mình. Vì vậy, cần thay đổi từ việc xây dựng cho con trai, con gái tư tưởng bình đẳng cả về nghĩa vụ và quyền lợi đối với bản thân, gia đình và xã hội. Con gái càng ý thức trách nhiệm đóng góp của mình, càng mong muốn khẳng định bản thân thì càng có tinh thần độc lập, ý chí vượt khó, không chấp nhận sống "tầm gửi". Khi đó, hạnh phúc hôn nhân sẽ không quá phụ thuộc vào may rủi".
Theo VNE
Tầm nhìn trong LMHT đã thay đổi như thế nào ở phiên bản mới Cùng tìm hiểu về những thay đổi về tầm nhìn trong phiên bản mới của LMHT. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng điểm qua những thay đổi có ảnh hưởng đến tầm nhìn trong bản cập nhật LMHT vừa rồi: - Thuốc Tiên Oracle bị bỏ đi. - Mắt Hồng không còn tàng hình. - Xuất hiện các phụ kiện có tác dụng...