Bệnh sốt xuất huyết vào mùa
Mặc dù mùa dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) mới chỉ bắt đầu, nhưng tại các cơ sở điều trị, số ca nhập viện do SXH đang có dấu hiệu tăng, thậm chí có những ca tử vong.
Các chuyên gia cảnh báo, dịch bệnh SXH năm nay đến sớm hơn thông thường, người dân không nên chủ quan, lơ là.
Bệnh nhi đang được điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM)
Số ca mắc mới không ngừng tăng
Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, BV tiếp nhận 798 ca nhập viện do SXH, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (403 ca). Hiện BV đang quản lý 151 bệnh nhân SXH, trong đó có 25 trẻ em. Trong số các trường hợp nhập viện, có 10 ca nặng cả người lớn lẫn trẻ em đang phải nằm phòng hồi sức tích cực và thở máy.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, trong tháng 5, trung bình khoa tiếp nhận điều trị 20 – 25 ca SXH/ngày. Nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, các ca SXH nhập viện bắt đầu gia tăng nhanh, thậm chí có ngày lên đến 70 ca bệnh.
“Mức độ gia tăng các ca bệnh nhập viện cho thấy năm nay dịch bệnh đến sớm hơn 1 tháng. Đặc biệt là tuần qua đã có 2 ca tử vong (1 người lớn và 1 trẻ em; cả 2 đều có cơ địa đặc biệt và mang bệnh nền). Trước tình trạng gia tăng của bệnh SXH, các khoa, phòng của BV đã bố trí thêm nhiều giường để tiếp nhận bệnh nhân. Riêng Khoa nhiễm D phải bố trí thêm 30 giường bệnh kê tại hành lang, bởi phòng bệnh đã quá tải”, bác sĩ Phong cho hay.
Theo báo cáo từ Viện Pasteur TPHCM, tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, tuần qua đã có 2.163 trường hợp mắc bệnh SXH được phát hiện, tăng 4% so với tuần trước và cao hơn 57% (1.379 người) so với cùng kỳ năm 2018.
Còn tại BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng Thành phố, các ca trẻ em mắc SXH nhập viện cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 6 đến nay. Các bác sĩ khuyến cáo, dù mùa dịch SXH chưa bắt đầu nhưng thời tiết mưa liên tục khiến muỗi sinh sôi nhanh hơn. Đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng người dân nhập viện do mắc SXH.
Chớ chủ quan, lơ là
Nằm điều trị tại Khoa nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới, ông Phan Xuân Dũng (64 tuổi, ngụ quận 3) cho biết đã nhập viện 5 ngày, thường xuyên cảm thấy sốt, mệt mỏi.
Video đang HOT
“Đây là lần đầu tiên tôi mắc bệnh SXH. Các triệu chứng khi mắc bệnh đều không rõ ràng nên tôi cũng không nghĩ mình bị mắc bệnh này. Đến khi hết sốt, cơ thể tôi bắt đầu nổi lên nhiều nốt đỏ thì lúc đó bệnh đã trở nặng rồi”, ông Dũng kể.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, thông thường các bệnh truyền nhiễm khác khi hạ sốt thì người bệnh khỏe hơn, có dấu hiệu nhẹ bệnh, nhưng đối với SXH thì khi hạ sốt lại là thời điểm người bệnh dễ bị nặng nhất. Do đó rất nhiều người chủ quan không đi khám, cũng có khi bác sĩ không phát hiện ra, để tình trạng bệnh nặng hơn, điều trị gặp khó khăn hơn.
“Đối với những người có cơ địa đặc biệt, hoặc mang các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tình hình bệnh dễ diễn tiến nặng. Riêng phụ nữ có thai, khi mắc SXH dễ dẫn đến sinh non”, bác sĩ Phong cảnh báo.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết mưa liên tục khiến muỗi sinh sôi nhanh hơn, người dân cần chú ý các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt. Ngoài ra, khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ khớp, nhức đầu, đau phía sau mắt… cần nghĩ đến SXH và đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch tại quận 12, TPHCM
Có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH nhưng không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, đối với trẻ em béo phì hoặc người lớn thừa cân, khi mắc SXH bệnh thường diễn tiến nặng hơn. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng, trong năm 2018, BV Bệnh nhiệt đới có gần 10 trường hợp tử vong do SXH và hơn một nửa trong số này có cơ địa béo phì.
Trẻ béo phì bị bệnh SXH thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn. Nếu tỷ lệ sốc do SXH ở trẻ có cân nặng bình thường là 4,6% thì ở trẻ béo phì lên đến gần 15%.
“Hiện Khoa Nhiễm D đang phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam nghiên cứu về SXH trên bệnh nhân béo phì”, bác sĩ Phong cho hay.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.000 ca mắc SXH với 919 ổ dịch, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị xã Thuận An và Dĩ An có có số ca mắc SXH cao nhất, chiếm hơn 40% số ca của toàn tỉnh.
Nguyên nhân, do đây là khu vực có khá đông người dân sinh sống tạm trú, thường xuyên di chuyển giữa các địa bàn nên khó kiểm soát dịch bệnh, người dân chủ quan khi không loại trừ lăng quăng, muỗi tại nơi cư ngụ.
Ngoài ra, diễn tiến theo chu kỳ dịch thì cách 3 – 4 năm lại có một năm tăng đột biến và có nguyên nhân từ sự lưu hành của chủng virus gây bệnh SXH Dengue 2. Hiện 100% số điểm dịch đã được xử lý kịp thời và các ca bệnh được điều trị sớm nên không có trường hợp diễn biến nặng.
XUÂN TRUNG
THÀNH SƠN
Theo SGGP
TP.HCM: Bác sĩ khuyến cáo cách phòng dịch sốt xuất huyết và sởi
Sau Tết Nguyên đán, theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM. Toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước. Dịch sởi bùng phát mạnh trở lại có khoảng 1.000 ca mắc sởi phải nhập viện, trong đó chỉ riêng BV Nhi đồng 1, mỗi ngày đang tiếp nhận khoảng 30 trẻ.
Khuyến cáo của bác sĩ về dịch sốt huyết
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, thông thường thời điểm sau Tết Nguyên đán là chu kỳ đi xuống của bệnh sốt xuất huyết nhưng hiện tại, số ca mắc tại khoa vẫn luôn ở mức cao.
Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 2 khoa tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn là Khoa Nhiễm C và Nhiễm D. Riêng khoa Nhiễm D mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 bệnh nhân khiến khoa luôn trong tình trạng quá tải. Trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh viện Nhiệt đới TPHCM đã điều trị cho 3 - 5 ca nặng phải thở máy, lọc máu và có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Số liệu từ phòng kế hoạch tổng hợp của BV cũng ghi nhận trong tháng 1/2019, có hơn 1.600 ca nhập viện điều trị do sốt xuất huyết, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 khi chỉ điều trị cho 600 ca mắc sốt xuất huyết. Trong suốt dịp Tết Nguyên đán, số ca mắc không giảm khiến các bác sĩ, y tá, điều dưỡng luôn phải căng mình làm việc.
Điều nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt ( ảnh: Minh họa)
BS Phong khuyến cáo, điều nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh, lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận... Vì vậy, điều quan trọng là phải chẩn đoán sớm, đúng bệnh để có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời.
Hiện các địa phương có bệnh nhân sốt xuất huyết cũng đang tiến hành phun xịt diệt muỗi và khống chế ổ bệnh. Diệt lăng quăng và không để nước chứa lăng quăng là giải pháp phòng bệnh người dân lưu ý để không mắc sốt xuất huyết.
Bùng phát dịch sởi
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, có đến 95% số ca mắc sởi nhập viện nói trên do chưa tiêm phòng vắc xin. Ngoài nguyên nhân do cha mẹ chủ quan, quên, còn có nhiều trường hợp nghe theo tin đồn, tham gia phong trào bài trừ vắc xin vì sợ nguy hiểm đến con nên không tiêm phòng.
Tại TPHCM, có 978 trường hợp nhập viện điều trị sởi từ đầu năm đến nay. Hiện tại, bệnh sởi đã có mặt tại tất cả 24 quận huyện, trong đó số ca mắc sởi tập trung nhiều nhất là ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 7, huyện Bình Chánh... Trong đó, có 95% bệnh nhân mắc sởi đều chưa được tiêm phòng.
Theo các bác sĩ, bệnh sởi không lây từ mẹ sang con, nhưng phụ nữ mang thai bị mắc bệnh sởi sức miễn dịch rất yếu, dễ sinh non. Bệnh nhân cần được theo dõi sát để phòng ngừa các biến chứng.
Đến nay, điều trị sởi chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể.
Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khuyến cáo, hiện bệnh sởi chưa có chiều hướng giảm tại TPHCM, đồng thời một số địa phương khác trong nước và ở nước ngoài đang gia tăng số ca bệnh sởi.
Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin 3 trong 1 (sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này. Với trẻ em, độ tuổi tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 khi trẻ 18 tháng.
Trẻ em nên tiêm vắc xin để phòng bệnh sởi ( ảnh: Internet)
Đối với các trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cho con và cho cộng đồng.
Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp; nếu bản thân có triệu chứng bệnh hô hấp, mắt đỏ hoặc phát ban cần ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác (đặc biệt là phụ nữ có thai hoặc người chưa được tiêm chủng phòng bệnh sởi); rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng.
PHA LÊ
Theo baodansinh
Cảnh báo sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng, biến chứng nặng với bệnh nhân béo phì Mặc dù mới chỉ bắt đầu mùa mưa, chưa vào giai đoạn cao điểm của sốt xuất huyết nhưng số bệnh nhân tại TP HCM và một số địa phương khu vực phía Nam đã tăng rất nhanh. BS Phong đang khám cho một bệnh nhân sốt xuất huyết Tại khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đang có hơn...