Bệnh sốt mò: Tỉ lệ tử vong 50-60%
Bệnh sốt mò rất khó đoán, thường nhầm với bệnh khác, đến khi phát hiện ra thì đã muộn.
Vết loét to ở vùng bẹn do con mò cắn của bệnh nhân NTT nhưng ông và bác sĩ tuyến dưới không biết. Ảnh: TÙNG SƠN
Khoa Nhiễm B BV Bệnh nhiệt đới (TPHCM) vừa tiếp nhận nam bệnh nhân NTT (70 tuổi, Bình Thuận) bị bệnh sốt mò – triệu chứng sốt gây ra do con mò (giống con rận) cắn. Sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhân đã ổn, hết sốt, tuy nhiên vẫn còn đau đầu nên tiếp tục được theo dõi.
BV địa phương bó tay
Theo gia đình, bệnh nhân T. bị sốt cao ba ngày liên tục. BV địa phương chẩn đoán ông bị viêm ruột, nhiễm trùng máu và điều trị đến ba ngày vẫn không thuyên giảm. Sau đó gia đình xin chuyển vào BV Bệnh nhiệt đới TPHCM.
Qua khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có thể sốt cao là do côn trùng, mà cụ thể là con mò cắn. Kiểm tra người bệnh nhân, bác sĩ phát hiện có một vết cắn to ở vùng bẹn.
Bệnh nhân T. cho biết mình đi làm rẫy nhưng bị con mò cắn lúc nào thì không hề hay biết, chỗ cắn cũng không thấy ngứa cho đến khi bác sĩ khám người mới biết.
TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi, chuyên gia về ký sinh trùng, cho biết bệnh sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa, nóng ẩm. Ở miền Bắc bệnh xảy ra từ tháng 5 đến tháng 10. Ở miền Nam bệnh xảy ra quanh năm nhưng vẫn cao nhất vào mùa mưa.
Bệnh xuất hiện các ca lẻ tẻ, rải rác thành từng ổ nhỏ ở từng khu vực.Bệnh sốt mò lưu hành ở vùng châu Á-Thái Bình Dương. Hằng năm có khoảng một triệu người mắc bệnh.
Suy đa cơ quan rồi tử vong
Video đang HOT
Cũng theo BS Siêu, bệnh sốt mò có thể nặng ngay từ tuần đầu của bệnh với biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp. Hầu hết bệnh thường nặng từ tuần thứ hai với biểu hiện ở nhiều cơ quan và phủ tạng như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh. Bệnh nhân tử vong thường do suy đa cơ quan, trong đó suy hô hấp cấp là nguyên nhân hàng đầu. Tỉ lệ tử vong của sốt mò khi không điều trị kháng sinh là 50-60%.
Theo BS Siêu, thời gian ủ bệnh 6-21 ngày. Bệnh khởi phát đột ngột hoặc bán cấp với biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu. Sau đó sốt cao liên tục, nhiệt độ có thể lên tới 40oC. Sốt đi kèm với nhức đầu, nhức mỏi cơ toàn thân, đau sau hố mắt.
Khám thấy có vết loét ngoài da, nhất là vùng bẹn, vùng da non, có thể có phát ban, sưng hạch, có tổn thương ở các cơ quan nội tạng. Hạch tại chỗ vết loét thường sưng to, kèm với lách và gan to ngay sau khi vết loét xuất hiện khoảng một tuần…
Phát ban xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh. Ban xuất hiện đầu tiên ở thân, sau đó lan ra khắp toàn thân, tồn tại khoảng 4-5 ngày. Ngoài ra còn có triệu chứng phù mặt, chân tay, sợ ánh sáng… Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc các bệnh lý như viêm phế quản, viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, viêm màng não… Bệnh nhân có các dấu hiệu như mê sảng, vật vã, tinh thần chậm chạp, hôn mê, co giật, rối loạn cảm giác, run chân tay, giảm thính lực…
Bôi hóa chất diệt côn trùng lên vùng da hở
Trung gian truyền bệnh sốt mò là ấu trùng mò Leptotrombidium akamushi và Leptotrombidium deliense. Ấu trùng mò thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, trong các hang đá có các loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột), thỏ, các loài chim hoặc gia súc (chó, heo, gà)…
Người sống trong vùng có bệnh sốt mò cần áp dụng những biện pháp chống ấu trùng mò đốt như mặc quần áo kín, quần áo có ngâm tẩm các hóa chất chống côn trùng như benzyl benzoat, bôi các hóa chất xua côn trùng lên các vùng da hở.
BS Siêu cho biết bệnh sốt mò rất khó đoán, thường nhầm với bệnh khác, đến khi phát hiện ra thì đã muộn. Bởi vậy quan trọng là phát hiện bệnh sớm. Hiện nay, bệnh nhân sốt mò được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, ngoài ra cần được điều trị hỗ trợ như bù nước và điện giải, hạ nhiệt, nhất là khi bệnh nhân sốt cao kéo dài.
Theo Duy Tính
Pháp luật TP HCM
4 sai lầm cực trầm trọng của cha mẹ khi trẻ viêm đường hô hấp
Với hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp trên, viêm họng thường không dùng kháng sinh vì 90% là do virus.
Khi thấy trẻ nhỏ có các dấu hiệu như sốt cao thành cơn, thường là từ 39oC, hắt hơi sổ mũi nhiều, chảy nước mũi, đau, rát họng, ho, khàn tiếng, nhức mỏi, chảy nước mũi trong, nhiều phụ huynh đã không đưa bé tới các cơ quan y tế mà tự mua thuốc về cho con uống. Việc này rất dễ gây ra những tác hại nguy hiểm cho bé.
1. Cho trẻ dùng kháng sinh khi không cần thiết
Theo bác sĩ Hoàng Yến, Chuyên khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viêm đường hô hấp trên (mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản) chủ yếu là do virus gây ra (đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần).
Bệnh xuất hiện một cách khá thường xuyên, theo mùa: nhiễm bệnh, rồi khỏi, rồi lại nhiễm bệnh rồi khỏi nên dễ khiến phụ huynh chủ quan tự mua thuốc kháng sinh về điều trị cho trẻ tại nhà.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, việc cho trẻ uống kháng sinh nhiều đợt kéo dài là hoàn toàn không nên vì sẽ làm tăng men gan, ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa của bé vì kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể.
Và với hầu hết các trường hợp viêm hô hấp trên, viêm họng thường không dùng kháng sinh vì 90% là do virus. Chỉ dùng kháng sinh điều trị khi nguyên nhân viêm đường hô hấp do vi khuẩn gây bệnh.
2. Không đưa trẻ đi tái khám
Cũng theo bác sĩ Yến thì khá nhiều phụ huynh không đưa trẻ đi tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, các phụ huynh này dùng toa thuốc cũ đi mua thuốc về... tự điều trị cho trẻ.
Trong trường hợp nếu bệnh viêm đường hô hấp của trẻ không phải do virus mà do nhiễm khuẩn thì trẻ cần dùng kháng sinh thay vì thuốc chống viêm và cách điều trị dự phòng. Lúc này, toa thuốc cũ của trẻ không còn hiệu quả khiến trẻ sẽ bị viêm hô hấp kéo dài dẫn đến viêm phế quản, bội nhiễm và viêm phổi.
Chính vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đi tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc.
3. Tự đặt khí dung
Khi trẻ bị chẩn đoán là viêm đường hô hấp thì việc vệ sinh sạch sẽ mắt, mũi cho trẻ là rất cần thiết. Đặc biệt đặt khí dung có vai trò rất tốt trong việc điều trị đường hô hấp như viêm phế quản, viêm khí quản, viêm đường hô hấp trên.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng sử dụng được khí dung. Mức giá mỗi lần thở khí dung tại bệnh viện hay các phòng khám khoảng từ 80.000 - 100.000 đồng trong chừng 5 -10 phút. Tính toán thấy việc mua một cái máy về tự làm ở nhà sẽ tiết kiệm hơn, phụ huynh tự mua rồi đặt khí dung cho con tại nhà.
Theo các bác sĩ, đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng theo tiêu chuẩn quốc tế như tại bệnh viện thì sẽ trở thành 1 ổ nhiễm khuẩn. Khi đưa vào xông mũi, vi khuẩn có thể theo đó xâm nhập vào các cơ quan thanh khí quản gây bệnh nặng thêm. Bên cạnh đó, khí dung có thể gây những phản ứng sốc bất ngờ, dẫn đến tử vong.
4. Nhầm lẫn dấu hiệu bệnh
Cũng theo bác sĩ Yến, các dấu hiệu của bệnh sởi rất giống với biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp nêndễ gây ra những chẩn đoán bệnh sai. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi việc điều trị tại nhà không dứt, gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm cho sức khỏe và sinh mạng trẻ: viêm phổi do virus, suy hô hấp và tử vong.
Ảnh minh họa
Vì những nguyên do trên, bác sĩ khuyên, khi thấy các dấu hiệu như nóng sốt (trên 38oC- 39oC), ho khan, đau rát họng, đỏ họng ở trẻ thì phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ quan y tế thăm khám. Sau đó tuân thủ tuyết đối quy trình khám chữa mà bác sĩ đưa ra.
Đặc biệt, với chứng viêm họng, viêm đường hô hấp trên này, trẻ cần được giữ ấm, đặc biệt là vùng cổ, không nằm máy lạnh, không mở quạt lớn, chú ý vệ sinh mũi, mắt cho trẻ để ngăn chặn bội nhiễm đồng thời bổ sung dưỡng chất đầy đủ, nhất là rau củ, trái cây nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ.
Theo Trí thức trẻ
Mùa nắng nóng trẻ vẫn rất dễ bị viêm phổi Một khi trẻ có những biểu hiện của việc như thở khò khè hay chảy nước mũi, cha mẹ cần nghĩ ngay tới trường hợp con mình rất có thể đã bị viêm phổi. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm phổi ở trẻ Những ngày hè nắng nóng, dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều có nhu cầu giải nhiệt cho cơ...