Bệnh quý ông và những mặc cảm khó nói
Trục trặc trong tình dục là căn bệnh khó nói khiến nam giới mặc cảm và xấu hổ.
Bệnh quý ông: mặc cảm vớ vẩn! Một trong những khó khăn lớn của ngành nam khoa là… bệnh nhân không chịu đến khám bệnh.
Xét về bản chất, việc đau ốm ở “ngã ba sung sướng” cũng chẳng khác gì việc đau chân, đau tay. Thế nhưng, rất nhiều người bị đau lại cố cắn răng cho qua, đến lúc “qua” không nổi mới chịu đến bác sĩ. Cũng không hiếm những trường hợp vợ dắt chồng đi khám những vấn đề liên quan đến nam khoa vì: “Kêu ổng đi khám mà ổng cứ lần lữa hoài, hổng chịu đi”.
Quan niệm thông thường, đàn ông được “gán mác” là phái mạnh, mà “tinh túy” của cái sự mạnh ấy là mạnh về tình dục. Thế nên, hễ có trục trặc nào đó liên quan đến “súng ống, đạn dược”, phản xạ đầu tiên của quý ông thường là “giấu cái đã, tính sau”.
Đàn ông có thể gặp những triệu chứng gây đau hoặc không đau. Với những triệu chứng không gây đau đớn như u sùi, giang mai, bệnh nhân chỉ thấy “là lạ” và nuôi hy vọng “vài ngày sẽ hết, không sao đâu”. Hay như biểu hiện ban đầu của ung thư dương vật là sự thay đổi bất thường màu da của “súng”, người trong cuộc cũng lờ đi, mà không biết mình đang phải đối diện với tử thần.
Thậm chí, nếu gặp những bệnh có triệu chứng đau, quý ông cũng “chôn giấu niềm riêng”. Cụ thể là các triệu chứng như sưng ở bìu (có thể do viêm mào tinh hoàn hay xoắn tinh hoàn); tiết dịch màu vàng nhạt hay hơi xanh ở đầu dương vật (dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục hay nhiễm khuẩn niêm mạc quy đầu, viêm niệu đạo); đi tiểu có cảm giác đau rát (triệu chứng viêm bàng quang hay niêm mạc niệu đạo, viêm niệu đạo); toàn bộ quy đầu đau và sưng (có thể do nhiễm khuẩn quy đầu); tinh dịch có lẫn máu hoặc đau khi xuất tinh (có thể là viêm tiền liệt tuyến, viêm hay nhiễm khuẩn túi tinh)…
Ai cũng hiểu, với các loại bệnh, việc điều trị sớm bao giờ cũng hiệu quả hơn. Biết là vậy, nhưng nhiều người vẫn không đủ can đảm để vượt qua cánh cửa phòng khám nam khoa. Có người đau tinh hoàn, đến được chỗ bác sĩ rồi nhưng vẫn còn mắc cỡ, bác sĩ gặng hỏi mãi mới dám khai. Bác sĩ cũng có thể thông cảm với nỗi mặc cảm của nam bệnh nhân, nhưng mặc cảm đến mức vô đến phòng khám rồi mà còn không dám khai bệnh, thì đúng là đáng trách!
Một trong những triệu chứng mà quý ông thường “bị mà giấu” là “đánh rơi tiền trước cửa chợ”. Thực tế, có đến khoảng 40% đàn ông bị chứng này. Tất nhiên, nếu đã bị, thì việc “đánh đấm” cũng phọt phẹt lắm, khó mà khiến vợ hài lòng. Trong trường hợp đó, vợ không lên tiếng thì thiệt thân, nhưng lên tiếng lại sợ chồng tự ái. Thực tế, đâu có mấy bà vợ “hiện đại” được đến mức dắt tay chồng đến bác sĩ nam khoa để đòi “quyền lợi” cho mình. Vậy là nỗi mặc cảm ấy cứ lớn dần lên trong người đàn ông, tỷ lệ thuận với nỗi thất vọng của người đàn bà nằm bên cạnh.
Nam giới thường mặc cảm khi trục trặc chuyện chăn gối (Ảnh minh họa)
Khổ thì khổ vậy, nhưng người đàn ông vẫn cứ cố “đau một mình”, quyết không đến bệnh viện. Trong khi đó, y học hiện đã giải quyết hiệu quả đến trên 90% trường hợp bị chứng này. Bác sĩ chờ bệnh nhân, bệnh nhân ôm mặc cảm “cố thủ” ở nhà. Nghịch lý!
Đỉnh điểm của sự mặc cảm, tất nhiên là chuyện “trên bảo dưới không nghe”. Thế nhưng, tỷ lệ bệnh nhân mạnh dạn đến bệnh viện cũng chưa nhiều. Rất nhiều người tìm hiểu để tự chữa chạy cho mình, chủ yếu là dùng các bài thuốc gia truyền theo kiểu “con gì ngâm với rượu gì”, “lá gì nấu với món gì” để cải thiện. Nếu không đi khám để biết gốc rễ của vấn đề, mà dùng những bài thuốc chung chung như thế khó mà hy vọng.
Thiết nghĩ, đàn ông cũng cần luyện cho mình khả năng dám đối diện với vấn đề để giải quyết triệt để vấn đề. Còn cứ mãi ôm cái mặc cảm vớ vẩn như kể trên, thì không chỉ làm khổ bản thân mà khổ lây cho cả vợ.
Theo VNE