Bệnh nhân viêm gan siêu vi A nhập viện cao đột biến
Nhập viện với men gan tăng bất thường, cao hơn 200 lần so với bình thường, nếu không được điều trị đúng và tích cực, bệnh nhân có thể tử vong.
Thường xuyên ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có nguy cơ mắc VGSV A cao – Ảnh: Nguyên Mi
Bác sĩ khuyến cáo, viêm gan siêu vi A (VGSV A), căn bệnh viêm gan “bị lãng quên” đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là do cách ăn uống không đảm bảo vệ sinh ở đường phố.
Tại Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, một bệnh nhân nam (26 tuổi) đã nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt nhẹ, buồn nôn, đi tiểu nước tiểu vàng sậm, vàng mắt, vàng da. Bệnh nhân được thử men gan thì kết quả cho thấy men gan tăng cao bất thường, hơn 200 lần so với bình thường. Bệnh nhân cũng có dấu hiệu rối loạn đông máu.
Hôm 13.10, trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, PGS – tiến sĩ – bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết đây là một trường hợp bị VGSV A nặng. Bệnh nhân đã phải được điều trị tích cực. Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng, điều trị tích cực và đúng cách thì có thể tử vong.
“Ghi nhận qua quá trình điều trị gần đây cho thấy bệnh VGSV A đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt ở người lớn. Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, đã có 13 bệnh nhân nhập viện Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM điều trị VGSV A dạng nặng. Đây là số lượng cao đột biến vì trước giờ không có hiện tượng nhập viện liên tục như vậy”, bác sĩ Hoàng cảnh báo.
Các trường hợp bệnh nhập viện nói trên đều là người lớn, đang ở độ tuổi đi học đi làm. Trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 14 tuổi và lớn nhất là 46 tuổi. Còn lại đều khoảng 20 – 30 tuổi. Trong 13 ca nhập viện đó thì đã có đến 10 trường hợp là nam. Đặc biệt, các trường hợp VGSV A đều thường xuyên “cơm hàng cháo chợ”.
Phòng ngừa VGSV A
Theo bác sĩ Hoàng, VGSV là bệnh phổ biến ở VN. Trong đó, thường gặp là VGSV A, B, C. Tuy nhiên, từ trước đến giờ, người dân chỉ quan tâm nhiều đến VGSV B, C vì hai bệnh này có nhiều khả năng chuyển biến nặng thành xơ gan, ung thư gan. Trong khi đó, VGSV A lây qua đường tiêu hóa, do ăn uống lại ít được quan tâm.
Video đang HOT
Vi khuẩn viêm gan A theo thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn xâm nhập vào cơ thể của chúng ta. Vì vậy, ăn thức ăn, nước uống không sạch, không được nấu chín kỹ, nhất là các loại ốc sò, hải sản, đồ ăn tái… là nguyên nhân chính gây bệnh VGSV A.
“Số lượng bệnh nhân VGSV A tăng, có nhiều ca nặng phần nào cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất cần được lưu ý, đặc biệt là với nhịp sống hiện nay, người dân đi học, đi làm thường xuyên ăn thức ăn ngoài đường phố”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Hoàng, sự thờ ơ của người dân với VGSV A một phần do bệnh này thường ở thể nhẹ. Ở dạng nhẹ, người nhiễm VGSV A hầu như không có biểu hiện ra ngoài nên khó nhận biết và có thể tự khỏi. Vì vậy, đa phần người dân cũng không biết mình đang mắc hoặc đã từng mắc VGSV A.
Để đề phòng VGSV A, các bác sĩ khuyên người dân nên giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đặc biệt nên hạn chế “cơm hàng cháo chợ”, ăn uống ngoài đường không đảm bảo vệ sinh.
Bệnh cũng có thể đề phòng bằng cách chích ngừa VGSV A.
Nguyên Mi
Theo Thanhnien
Tác hại tới cơ thể từ cách bạn dùng điện thoại
Có thể bạn không biết tư thế dùng điện thoại của bạn cũng có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ cơ thể.
Bạn có thể bỏ qua tiếng chuông báo tin nhắn không? Bạn có phải là người nhắn tin nhiều hơn là giao tiếp trực tiếp?
Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ, 90% người trưởng thành tại Mỹ sử dụng điện thoại di động và 80% trong số đó dùng điện thoại để nhắn tin.
Trung bình mỗi ngày một người gửi và nhận 50 tin nhắn, như vậy bạn sẽ gửi và nhận khoảng 2,19 tỷ tin nhắn mỗi năm. Đó còn chưa tính đến thời gian bạn dùng điện thoại vào những mục đích khác như nói chuyện điện thoại, lướt web hay trải nghiệm vô vàn các ứng dụng. Hẳn bạn sẽ thấy nhu cầu và tần suất sử dụng điện thoại của con người thật khủng khiếp.
Tuy nhiên, tư thế khi nhắn tin và sử dụng điện thoại lại đem tới những ảnh hưởng "không tốt đẹp gì" cho cơ thể bạn.
Bạn sẽ mô tả tư thế nhắn tin qua điện thoại của bạn như thế nào? Nghiêng người về phía trước, đầu hơi cúi xuống, lưng hơi cong và các đốt ngón tay thì được vận dụng để cầm và bấm phím?
Hoặc bạn có thể thấy được tư thế nhắn tin và sử dụng điện thoại của đa số mọi người qua hình ảnh sau:
Các nghiên cứu cho thấy tư thế như thế hoặc tương tự như thế sẽ đem lại những ảnh hưởng xấu tới một số bộ phận trên cơ thể.
Bàn tay
Trước tiên là bàn tay và các ngón tay giữ điện thoại, các ngón tay lại ở trạng thái co khụm lại, cong trong thời gian dài. Điều này sẽ gây ra các chấn thương như viêm gân hoặc tê bàn tay.
Vì thế khi dùng điện thoại bạn nên thường xuyên làm các động tác để co giãn bàn tay và các ngón tay.
Ngón tay cái
Ngón cái có thể nói là ngón được sử dụng nhiều nhất trong 5 ngón tay. Ảnh hưởng tới ngón cái không hẳn là một chấn thương; nhưng khi cầm nắm điện thoại sẽ làm hẹp sợi dây gân co.
Ngón cái là ngón bị ảnh hưởng nhiều nhất so với 4 ngón còn lại do nó không linh hoạt như các ngón khác, vì thế khi nhắn tin hoặc chơi game... quá lâu sẽ thấy đau và đôi khi còn nghe thấy tiếng "khập" ở khu vực tiếp nối giữa ngón cái và cổ tay. Chức năng cầm nắm của ngón cái cũng bị giảm đi.
Giải pháp cho bạn: Thay vì nhắn tin thủ công bằng tay, hãy sử dụng các chức năng gửi tin nhắn thoại để giảm bớt tần suất dùng ngón cái.
Đau cổ và đau lưng
Theo nghiên cứu năm 2014 của bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình Kenneth Hansraj, tư thế cúi đầu xuống khi dùng điện thoại gây ra áp lực nguy hiểm lên cột sống. Đầu của người trưởng thành nặng khoảng 4,5 - 5,4 kg, vì thế khi bạn cúi đầu hoặc đưa đầu về phía trước sẽ tạo ra áp lực lên tới 27kg ở góc 60 độ. Điều này dẫn đến hiện tượng đau cổ và đau lưng.
Vì thế hãy giơ cao điện thoại lên ngang tầm vai bạn để không gặp vấn đề đau cổ và lưng.
Vấn đề về hô hấp
Tư thế cong người gây cản trở hô hấp. Đầu cúi, vai cong sẽ khiến hơi thở nặng nề và khó khăn hơn. Không chỉ vậy xương sườn của bạn cũng không cử động đúng với tư thế này và làm giảm tính hiệu quả trong hoạt động chức năng của phổi và tim. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng nhiều người nín thở hoặc thở gấp hơn khi nhắn tin bằng điện thoại hoặc dùng máy tính, điều này có thể làm tăngstress và tăng nhịp tim.
Để phòng tránh và giảm những vấn đề về hô hấp bạn nên tạo cho mình thói quen hít thở chậm, sâu và nghỉ ngơi sau mỗi giờ sử dụng điện thoại hay máy tính nhé.
Nguồn: Experience Life
Theo PNO
11.000 người Australia có nguy cơ phơi nhiễm HIV và viêm gan Hôm qua 2-7, giới chức y tế bang New South Wales, Australia đã đưa ra cảnh báo gây sốc về việc có khoảng 11.000 người có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV và viêm gan do sự tắc trách, không thực hiện đúng quy trình tẩy trùng các dụng cụ y tế của 4 phòng khám nha khoa ở thành phố Sydney và...