Bệnh nhân Singapore tử vong sau khi nhổ 4 chiếc răng khôn
Cô Toh Yi Lin được đề nghị làm phẫu thuật gây mê để nhổ 4 chiếc răng khôn. Mặc dù trước đó được kiểm tra tình hình sức khỏe kỹ càng, cô đã không qua khỏi ngay sau phẫu thuật.
Nguyên nhân cái chết sau khi nhổ răng khôn được xác nhận là tương đồng với chứng tăng thân nhiệt ác tính. Ảnh: Coastaljaw.
Cô Toh Yi Lin (24 tuổi) đến khám tại Trung tâm Nha khoa Quốc gia Singapore (NDCS) sau khi bị đau miệng dữ dội trong vài ngày. Nha sĩ kết luận cơn đau có thể là do một chiếc răng khôn của cô bị lệch và mọc ngầm.
Sau khi được kiểm tra, 3 chiếc răng khôn khác của cô cũng bị ảnh hưởng và phải làm phẫu thuật gây mê toàn thân để loại bỏ cả 4 chiếc răng. Nhưng không may, cô đã chết ngay sau cuộc phẫu thuật.
Vào ngày 30/9, nhân viên điều tra Kamala Ponnampalam ra phán quyết rằng cái chết của cô Toh vào hôm 8/5/2019 là sự cố y tế không may.
Nguyên nhân cái chết được xác nhận là tương đồng với chứng tăng thân nhiệt ác tính, phản ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng với một số tác nhân gây mê được sử dụng trong quá trình gây mê toàn thân.
Theo tài liệu của tòa án, cô Toh có tiền sử về mức độ chất béo cao trong máu và được kiểm soát bằng thuốc.
Cô Toh không bị dị ứng thuốc và đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật vào năm 2011 và 2013 với phương pháp gây mê toàn thân. Cả 2 đều không có chuyện gì xảy ra.
Vào ngày 8/5/2019, cô đã đến NDCS để phẫu thuật nha khoa. Lúc đó, tình trạng chung và các dấu hiệu quan trọng của cô được đánh giá là ổn.
Diana Chan Xin Hui, bác sĩ gây mê, nhà tư vấn tại SingHealth, đã làm kiểm tra với cô Toh. Sau đó, cô đồng ý tiến hành gây mê toàn thân và được đưa đến phòng mổ.
Sau khi các dấu hiệu quan trọng trở lại bình thường, cô được bác sĩ Chan gây mê bằng cách luồn ống vào khí quản qua đường mũi. Đây là một quy trình tiêu chuẩn của phẫu thuật nha khoa.
Video đang HOT
Trường hợp răng mọc ngầm và bị lệch. Ảnh: Hovedentalclinic.
Một chuyên gia tư vấn cấp cao của NDCS đã thực hiện ca phẫu thuật và nó không mấy suôn sẻ trong 90 phút đầu tiên. Nhưng trước khi ca phẫu thuật kết thúc, nồng độ carbon dioxide của cô Toh tăng nhẹ.
Điều này trở nên nghiêm trọng hơn sau phẫu thuật và độ bão hòa oxy của cô được ghi nhận giảm. Cô Toh ngay lập tức được thở oxy nên tình trạng tạm thời cải thiện.
Mặc dù đã ngừng truyền khí gây mê nhưng cô Toh vẫn không tỉnh lại. Cô bị sốt 42 độ C, phải chườm đá và truyền paracetamol vào tĩnh mạch.
Cô Toh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Singapore. Mặc dù bác sĩ đã cố gắng chữa trị, cô vẫn không qua khỏi và tử vong vào khoảng 13h30.
Trong cuộc điều tra, gia đình cô Toh đưa ra câu hỏi về việc kiểm tra trước khi phẫu thuật và tầm soát nguy cơ tăng thân nhiệt ác tính.
Bác sĩ Jody Hong, nhân viên nha khoa tại NDCS, người xem xét tình hình cô Toh trước khi phẫu thuật, cho biết bà đã nói với cô Toh và mẹ cô rằng có thể chọn gây tê cục bộ hoặc toàn thân trong khi phẫu thuật. Sau khi thảo luận với mẹ về các phương án, cô Toh quyết định nhổ bỏ cả 4 chiếc răng khôn bằng cách gây mê toàn thân.
Bác sĩ Chan cho biết chỉ số nghi ngờ về nguy cơ tăng thân nhiệt ác tính của cô Toh được xác định là thấp, vì cô không bị bất kỳ phản ứng phụ nào trong các cuộc phẫu thuật trước đó và gia đình cũng không có tiền sử phản ứng nghiêm trọng với thuốc gây mê.
Bác sĩ Chan cho biết thêm, chứng tăng thân nhiệt ác tính là một tình trạng di truyền rất hiếm xảy ra ở một trong số 50.000 người phương Tây và càng hiếm hơn ở người châu Á. Bác sĩ nói rằng tuy hiếm nhưng tỷ lệ tử vong cao do mức độ nghiêm trọng của phản ứng với các chất gây mê.
Một chuyên gia y tế độc lập nhận thấy phản ứng đối với các biến chứng phát sinh vào cuối cuộc phẫu thuật là phù hợp
Ông cho biết thông thường nếu bệnh nhân hoặc người nhà của họ gặp phản ứng có hại trước đó liên quan chứng tăng thân nhiệt ác tính, các xét nghiệm chuyên khoa sẽ được khuyến nghị.
Tuy nhiên, do bệnh hiếm gặp và chi phí xét nghiệm cao, bệnh nhân sẽ không được làm xét nghiệm này nếu họ hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình không có tiền sử phản ứng có hại với thuốc gây mê.
Chuyên gia cho biết bác sĩ Chan đã thực hiện quy trình kiểm tra thích hợp cho cô Toh. Chuyên gia cũng lưu ý rằng cô Toh đã được hỏi về phản ứng trực tiếp của cô và các thành viên trong gia đình với thuốc gây mê trước đây.
Làm gì để cầm máu, giảm đau sau nhổ răng khôn?
Các trường hợp phẫu thuật răng khôn có thể trở lại với sinh hoạt thường ngày sau 3 - 4 ngày hoặc khoảng 1 tuần. Việc chăm sóc vết thương cũng ảnh hưởng đến quá trình "lành thương".
Theo bác sĩ Lưu Hà Thanh (công tác tại Khoa Răng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108), răng số 8 (răng khôn) là những chiếc răng cuối cùng xuất hiện ở độ tuổi trưởng thành.
Nếu răng khôn mọc lệch sẽ ảnh hưởng đến những khu vực lân cận, bệnh nhân sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ răng nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng hoặc các vấn đề tiềm ẩn xuất hiện trong tương lai.
Răng khôn được xem là chiếc răng phức tạp nhất do răng thường mọc lệch, mọc ngầm gây đau và khó khăn trong việc phẫu thuật.
"Mỗi người sẽ sở hữu tối đa 4 răng số 8 (2 cái hàm dưới và 2 cái hàm trên chia đều cho 2 bên hàm). Tuy vậy, vẫn có nhiều trường hợp chỉ mọc từ 1 - 2 hoặc 3 chiếc, thậm chí là không có cái răng khôn nào", bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Medaltec, cho biết thêm.
Theo bác sĩ Tuấn, tuy răng khôn thuộc hệ thống răng hàm nhưng dường như không đảm nhiệm chức năng nhai nghiền thức ăn, bởi vì trước khi răng khôn xuất hiện thì chúng ta vẫn nhai nuốt thức ăn bình thường mà không gặp bất lợi gì.
Ngoài ra, có những người sở hữu răng khôn mọc ngầm, mọc lệch còn khiến cho sức khỏe răng miệng bị ảnh hưởng lớn. Do vậy, nếu răng khôn của ai bị mọc lệch, mọc ngầm gây nhiều đau đớn và bất tiện thì nên tìm đến nha khoa để loại bỏ chúng.
Chăm sóc và vệ sinh ngày đầu sau nhổ răng
Theo các nha sĩ, việc nhổ bỏ và chăm sóc và vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng rất quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.
Bác sĩ Hà Thanh lưu ý, ngay sau khi nhổ răng, bệnh nhân cần cắn chặt miếng gạc đã được đặt trong miệng và để giữ chúng ở đúng vị trí vừa thực hiện nhổ răng, có thể bỏ gạc sau một giờ nếu máu được kiểm soát.
Nếu vùng phẫu thuật vẫn tiếp tục chảy máu, hãy tiếp tục cắn một miếng gạc mới thêm 30 - 45 phút để máu ngừng chảy hoàn toàn.
Bắt đầu súc miệng bằng nước muối sau 24 giờ sau kể từ khi phẫu thuật. Hãy chắc chắn rằng chỉ súc miệng nhẹ nhàng. Nên thực hiện các lần súc miệng này 2 - 3 lần/ngày, đặc biệt là sau khi ăn.
Chảy máu sẽ xảy ra và không hiếm trường hợp chảy máu trong 24 - 48 giờ sau khi làm thủ thuật. Vì vậy, máu thực sự là một ít máu trộn với nước bọt.
Nếu chảy máu quá nhiều vẫn tiếp tục hãy thử điều chỉnh lại vị trí miếng gạc đang cắn. Nó có thể không gây đủ áp lực lên vùng mới nhổ răng. Ngồi thẳng lưng và tránh các hoạt động thể chất (vận động mạnh).
Dùng một túi nước đá liên tục trong một vài giờ để giảm sưng. Bệnh nhân có thể chườm 15 phút và nghỉ 15 phút. Nhưng không chườm đá liên tục vì có thể làm mặt bị bỏng lạnh. Nếu vẫn còn chảy máu, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để có thể can thiệp kịp thời.
Sau khi nhổ răng, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân thuốc giảm đau. Bệnh nhân không cần quá lo lắng về việc bị đau sau khi hết thuốc tê. Các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân về các cách để kiểm soát cơn đau, bệnh nhân hãy đảm bảo làm theo đúng các hướng dẫn.
Ăn đồ ăn mềm, dễ nuốt và không cần nhai nhiều như: bún, mỳ, cháo, súp... hoặc hãy cắt nhỏ thức ăn trước khi sử dụng. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng thêm sữa chua, nước hoa quả để bổ sung thêm vitamin cho cơ thể.
Ngày thứ 2 sau phẫu thuật
Theo bác sĩ Hà Thanh, sưng tấy là hiện tượng hoàn toàn bình thường sau khi nhổ răng. Tình trạng sưng tấy thường tồi tệ nhất trong 1 - 2 ngày đầu sau khi phẫu thuật.
Bệnh nhân có thể giảm thiểu sưng tấy bằng cách chườm lạnh (phủ khăn) lên má bên cạnh vùng phẫu thuật. Áp dụng chườm 15 phút và nghỉ 15 phút trong 24 - 48 giờ đầu tiên. Đồng thời đảm bảo uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này sẽ giúp giảm đau và sưng tấy
Cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Tiếp tục súc miệng bằng nước muối thường xuyên, ít nhất 2 - 3 lần/ngày. Bắt đầu vệ sinh răng miệng bằng bàn chải như bình thường (nhớ chải nhẹ nhàng và không làm bất cứ điều gì gây đau).
"Răng khôn được xem là chiếc răng phức tạp nhất do răng thường mọc lệch, mọc ngầm gây đau và khó khăn trong việc phẫu thuật. Chính vì vậy, việc nhổ bỏ và chăm sóc và vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng rất quan trọng. Nếu sau khi nhổ răng có bất kỳ biến chứng nào hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại", bác sĩ Hà Thanh lưu ý.
Streamer Hảo Thỏ sưng vù mặt vì nhổ răng khôn nhưng vẫn trấn an fan bằng bức hình siêu hài hước Nữ streamer 9X khiến nhiều người xót xa khi đăng tải hình ảnh nhổ răng khôn và khuôn mặt bị sưng phù, lệch hẳn sang một bên. Với cộng đồng game thủ nước nhà thì Hảo Thỏ (Cầm Thị Ngân Hảo) đã không còn là cái tên xa lạ. Nữ streamer này nổi tiếng có nhan sắc ưa nhìn, cùng phong cách sexy,...