Bệnh nhân lại bức xúc vì đợi nhân viên y tế nghịch điện thoại
Ngày 12/8, anh Nguyễn Sỹ Trung đưa con trai 9 tuổi đi khám bệnh ở Bệnh Viện Đại học Y Thái Bình nhưng phải chờ đợi quá lâu do nhân viên y tế bận nghịch điện thoại. Bức xúc, anh Trung đã chụp lại hình ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội.
Những dòng chia sẻ bày tỏ không thiện cảm trước hành động nghịch điện thoại của nhân viên y tế bắt bệnh nhân phải chờ.
Hôm qua (12/8), nhiều người chia sẻ lại hình ảnh một nhân viên y tế ở khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đại học Y Thái Bình) hý hoáy chơi điện thoại do một người nhà bệnh nhân chụp lại.
Ngay sau khi thông tin và hình ảnh trên được chia sẻ, nhiều người bức xúc bày tỏ sự không hài lòng về phong cách làm việc của nhân viên y tế này.
Theo anh Nguyễn Sỹ Trung (Thái Bình) kể: Ngày 12/8, anh Trung đưa con trai 9 tuổi đi khám bệnh ở Bệnh Viện Đại học Y Thái Bình nhưng phải chờ đợi lâu do bác sĩ bận điện thoại.
Bức xúc, anh Trung đã chụp lại hình ảnh và đưa lên mạng. “Tôi đến khoa Tai Mũi Họng từ lúc 8h 15 phút. Cũng như nhiều người khác, tôi xếp phiếu ở trước cửa phòng khám rồi ngồi ghế đợi. Chúng tôi đợi đến 9 giờ kém 10 phút nhưng cửa phòng vẫn đóng, khi hỏi thì bác sĩ bảo cứ chờ…”.
Anh Trung nói thêm: “Không chỉ tôi mà rất nhiều người ngồi bên ngoài chờ, nhìn vào bên trong thì thấy một nhân viên y tế đang vô tư sử dụng điện thoại một cách rất tập trung. Bức xúc quá tôi nhìn lên tấm bảng ghi số điện thoại tiếp nhận thông tin, tôi gọi thẳng cho giám đốc. Một lúc sau thấy có cuộc điện thoại xuống thì họ mới mở cửa tiếp bệnh nhân”.
Video đang HOT
Liên quan đến những hình ảnh này, bác sĩ Lê Văn Tuệ, Trưởng phòng hành chính Bệnh viện Đại học Y Thái Bình cho hay: “Tôi được phân công giữ đường dây nóng của bệnh viện, nhưng hôm qua tôi không nhận được cuộc điện thoại nào phản ánh từ bệnh nhân như nội dung nói trên. Thông thường nếu có ai phản ánh, chúng tôi đều trực tiếp xuống để gặp gỡ giải quyết”.
Theo bác sĩ Tuệ, ngoài số đường dây nóng (0969251212), bệnh viện cũng công bố số điện thoại của giám đốc.
“Rất có thể bệnh nhân đã phản ánh trực tiếp đến giám đốc hoặc các phó giám đốc. Tuy nhiên, ngày hôm qua tôi không nhận được thông báo lại từ các lãnh đạo”. ông Tuệ cho hay.
Ông Tuệ khẳng định: “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Nếu có sự việc không làm hài lòng bệnh nhân, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và rút kinh nghiệm và thông tin cho báo chí vào đầu tuần sau”.
Trước đó, tài khoản facebook có tên T.A chia sẻ thông tin kèm bức ảnh chụp nữ nhân viên y tế tại Khoa Sản – Bệnh viện Bạch Mai đang vô tư buôn điện thoại bất chấp nhiều bệnh nhân đang chờ đợi làm thủ tục.
Chủ tài khoản này cũng cho biết, đây là lần thứ 2 trong 1 tuần, khi liên tục phải đến Khoa Sản, chị bắt gặp nhân viên y tế này nói chuyện điện thoại trong giờ hành chính. Ngoài ra, nhân viên y tế này còn có thái độ chửi bới người nhà bệnh nhân từ Nghệ An ra Hà Nội khám.
Sau khi xác minh, Bệnh viện Bạch Mai xác định có sự việc, thời gian nữ nhân viên tên Nguyễn Thị N.,(là học viên nâng cao tay nghề đang thử việc tại khoa Phụ sản chờ ký hợp đồng) nghe điện thoại khoảng 4 phút. Sau sự việc đáng tiếc, bệnh viện đã quyết định dừng ký hợp đồng lao động với học viên N. đồng thời chuyển việc học tập sang vị trí khác.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Vụ bệnh nhân bị cưa chân ở TP.HCM: Hòa giải bất thành
Bệnh viện không đồng ý hỗ trợ toàn bộ 818 triệu đồng như gia đình yêu cầu.
Quang cảnh buổi gặp giữa ban lãnh đạo bệnh viện và phía gia đình để thỏa thuận phương án hỗ trợ bệnh nhân Lâm.
Liên quan tới vụ việc bệnh nhân Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bị cưa 1/3 dưới đùi chân phải sau khi điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, gia đình bệnh nhân và ban lãnh đạo bệnh viện đã có buổi làm việc vào sáng 12.8.
Đây là buổi gặp để chốt phương án hỗ trợ, bồi thường từ phía bệnh viện đối với bệnh nhân Lâm. Tham gia buổi gặp mặt còn có luật sư Lê Quang Vũ (đoàn luật sư TP.HCM) với vai trò hỗ trợ gia đình bệnh nhân Lâm, và luật sư Trần Sơn Đông với vai trò hỗ trợ đối ngoại cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
Trước đó, tại buổi làm việc vào ngày 25.7, gia đình bệnh nhân Lâm đã đưa ra 5 yêu cầu bồi thường, gồm: Lắp chân giả (250 triệu đồng), bồi thường tinh thần (72 triệu đồng), thiệt hại kinh tế trong thời gian Lâm bị nạn (93 triệu đồng), chi phí hỗ trợ hướng nghiệp (một tiệm internet 20 máy tính với tổng trị giá 350 triệu đồng) và bồi thường tỉ lệ thương tật (53 triệu đồng), tất cả là 818 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Kim Chi, mẹ của bệnh nhân Lâm đang phát biểu.
Trong buổi làm việc sáng 12.8, đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, ban lãnh đạo bệnh viện đã họp, xem xét và chốt mức hỗ trợ. Theo đó, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã đặt hàng loại chân giả tốt tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM và sẽ hỗ trợ 150 triệu đồng để Lâm chuyển đổi nghề nghiệp.
"Trường hợp gia đình muốn mua chân giả từ nơi khác rồi mang hóa đơn về bệnh viện thanh toán thì bệnh viện không thể đáp ứng được", đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM nói.
Về phía gia đình, bà Phạm Thị Kim Chi (mẹ của bệnh nhân Lâm) không đồng ý với mức bồi thường từ phía bệnh viện. Theo bà Chi, nếu Lâm không bị mất chân thì có thể kiếm được 300 - 400 triệu đồng chỉ sau vài mùa vụ dưa, hoặc Lâm cũng có thể đi bốc vác kiếm vài trăm ngàn đồng/ngày.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM giải thích thêm về trường hợp bệnh nhân Lâm: "Tất cả những kết luận không phải của bệnh viện mà là của hội đồng chuyên môn cấp sở. Lý do hội đồng chuyên môn cấp sở nói đây là trường hợp khó vì khớp gối đã được nắn và gây tê ở Bệnh viện Mộc Hóa nên không còn các biểu hiện lâm sàn. Ngoài ra, bệnh viện cũng không nhận được giấy chuyển viện của bệnh viện tuyến dưới".
"Nếu Lâm tới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình kèm giấy chuyển viện của bệnh viện Mộc Hóa thì chắc chắn bác sĩ sẽ theo dõi thêm tổn thương mạch máu. Tổn thương này không biểu hiện liền mà cần phải theo dõi, khó là khó chỗ đó", bác sĩ Linh thông tin trong cuộc gặp.
Nêu ý kiến tại cuộc gặp, luật sư Trần Sơn Đông dẫn một số điều khoản trong Luật khám chữa bệnh. Tuy nhiên, luật sư Lê Quang Vũ cho rằng: "Đây là một buổi hòa giải nên dùng những điều luật sẽ không thể giải quyết được. Những điều luật chỉ nên nêu ra nếu vụ việc được đưa ra cơ quan tố tụng".
Buổi thỏa thuận không đạt được mục đích mong đợi nên luật sư Lê Quang Vũ thay mặt gia đình bệnh nhân Lâm cho biết: "Gia đình dự định sẽ tiếp tục đi bước tiếp theo là nhờ sự xem xét, giải quyết từ Bộ Y tế. Nếu chưa được, chúng tôi buộc phải nhờ tới công an hay các cơ quan tố tụng làm trung gian".
Tối 21.6, Lâm bị ngã xe và được đưa tới Bệnh viện huyện Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) điều trị. Thấy chấn thương nặng, các bác sĩ đã chuyển Lâm lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An. Sau đó, ngay trong đêm 21.6, gia đình đưa Lâm lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, Lâm được bác sĩ K. chẩn đoán là chỉ bị "vết thương phần mềm" nên kê toa thuốc và cho về, hẹn tái khám sau một tuần. Ba ngày sau, chân của Lâm sưng to hơn, mất cảm giác và lạnh hơn. Lúc này, gia đình tức tốc đưa Lâm lên lại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM vào chiều 24.6. Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM phát hiện ra vết thương ở chân Lâm trở nặng, phải chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhanh chóng hội chẩn, đưa ra đánh giá 1/3 dưới đùi chân phải đã bị hoại tử, phải phẫu thuật cắt bỏ ngay để bảo vệ tính mạng. Sau ca phẫu thuật, Lâm thức dậy thì không còn tin vào mắt mình khi một phần chân đã không còn. Kể từ đó, những dự định, ước mơ sắp thực hiện lại càng trở nên xa vời trong suy nghĩ của Lâm.
Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)
Bác sĩ liên tục mổ nhầm, Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh Trước những vụ việc mổ nhầm liên tục trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các bệnh viện cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phẫu thuật cho bệnh nhân. Một bệnh nhân bị phẫu thuật nhầm chân tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục...