Bệnh nhân đái tháo đường bị cắt chân oan
Cắt cụt chi chỉ là biện pháp cuối cùng nếu không thể điều trị được vết loét do biến chứng đái tháo đường, tuy nhiên đã có những bệnh nhân … bị cắt chân oan.
Bàn chân lở loét do biến chứng của đái tháo đường (ĐTĐ)
Cứ 30 giây trôi qua, thế giới lại có một người bị cắt cụt chân do biến chứng của căn bệnh đái tháo đường. Đáng sợ nhất, biến chứng loét bàn chân của người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trở thành nguyên nhân hàng đầu của tình trạng nhập viện và bị cắt cụt chi.
Vết thương đã được chữa trị mà không cần phải cắt cụt chân
Tại Việt Nam, năm 2015 có 3.5 triệu người mắc bệnh, chiếm 6% người lớn trong độ tuổi từ 20 tới 79. Năm 2040, số người mắc bệnh lên tới 6.1 triệu người. Theo điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, tỉ lệ mắc đái tháo đường trong độ tuổi 50-69 là 7.7% và có xu hướng ngày càng trẻ hoá. Chỉ có 31.1% bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán. Phần lớn đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn.
Trong số những người bị đái tháo đường có tới 63.9% bệnh nhân không kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Các biến chứng do đái tháo đường thường rất nặng nề và phần lớn chi phí điều trị là để điều trị biến chứng.
Thông thường, một vết thương phần mềm có thể lành trong một tuần. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh ĐTĐ vết thương ở bàn chân thường chậm lành, có thể kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Nhiễm trùng có thể lan rộng dẫn đến phải cắt cụt chân hoặc nặng hơn là nhiễm trùng toàn thân gây nguy hiểm tính mạng.
Nguyên nhân của tình trạng này theo TS Đỗ Đình Tùng, Phó viện trưởng Viện đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, trường Đại học Y Hà Nội, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là do người mắc bệnh ĐTĐ lâu ngày thường có biến chứng bệnh thần kinh ngoại biên, cũng như bệnh xơ vữa động mạch.
Video đang HOT
“Các yếu tố này là nguyên nhân chính làm cho bàn chân dễ bị loét và khó lành. Ở người ĐTĐ, bệnh thần kinh cảm giác làm bệnh nhân không còn cảm thấy đau khi tiếp xúc với các vật sắc nhọn, nhiệt độ nóng hay lạnh, áp lực cũng như những sang chấn mạnh.
Những điều này dễ dẫn đến các vết trầy xước, rộp da, bỏng, vết thương và loét. Chứng xơ vữa mạch làm cho các động mạch ở cẳng chân bị hẹp nặng hoặc tắc nghẽn. Các động mạch có chức năng dẫn máu nuôi dưỡng chân và bàn chân, nên khi tắc nghẽn, lượng máu nuôi dưỡng bàn chân bị giảm, đến một mức nào đó sẽ gây loét, hoại tử”, TS Đỗ Đình Tùng nói.
Tuy nhiên, theo TS Đỗ Đình Tùng điều đáng ngại hiện nay là tình trạng chỉ định sớm của các bác sĩ đối với bệnh nhân biến chứng loét bàn chân do ĐTĐ. Nhìn thấy các vết loét, các bác sĩ thường nghĩ “hết cách” và chỉ định “cắt”.
“Đúng là việc cắt cụt chi chỉ là biện pháp cuối cùng nếu không thể điều trị được vết loét do biến chứng. Rất tiếc, nhiều bác sĩ đã chỉ định quá sớm, một số bệnh viện chuyên khoa bệnh nhân biến chứng đến là chỉ định cắt. Trong khi đó vẫn có phương pháp khác để bảo toàn chi cho người bệnh”, TS Đỗ Đình Tùng than phiền.
“Sai một li đi cả 2 chi”, TS Đỗ Đình Tùng nói và đưa ra dẫn chứng về hai bệnh nhân mà ông đang điều trị. Đó là trường hợp một cụ bà 76 tuổi (ở Hải Phòng) bị đái tháo đường biến chứng với những vết loét ở bàn chân. Tại bệnh viện tuyến dưới thay vì chữa trị vết loét triệt để, các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân cắt cụt chi tới 4 lần.
Cụ bà với 4 lần bị chỉ định cắt cụt chân mà vẫn loét do biến chứng ĐTĐ
“5 tháng sau lần cắt cụt chân lần thứ 4, cụ bà vẫn tiếp tục bị loét. Lần này, bà được người nhà đưa lên bệnh viện chuyên khoa Trung ương. Tại bệnh viện này, các bác sĩ lại chỉ định …cắt tiếp. Quá lo lắng, người nhà đã không chọn phương án này mà sang BV Đại học Y. Hiện vết loét của bà đã được điều trị với kết quả khả quan”, TS Đỗ Đình Tùng thông tin.
Trường hợp thứ hai là một bệnh nhân biến chứng ĐTĐ với vét loét nghiêm trọng hơn rất nhiều, đã bị cắt cụt lần 1 nhưng mỏm cụt loét lại. Chuyên khoa ngoại bệnh viện tỉnh đã chỉ định cắt cụt tiếp đến cẳng chân.
Với những tiến bộ tại các BV tuyến đầu như BV ĐH Y, BV đa khoa Xanh Pôn đã áp dụng thành công kỹ thuật can thiệp mạch từ đó kiểm soát nhiễm khuẩn tại chỗ (hoại tử tại chỗ, dịch tại chỗ, liền vết thương, ghép da…) mà không khiến bệnh nhân phải cắt cụt chân.
Trong đó đáng lưu ý là kỹ thuật ghép da. Theo TS Tùng sau khi bệnh nhân được kiểm soát nhiễm khuẩn tại vết loét nếu bệnh nhân được tiến hành ghép da thì thời gian lành vết thương sẽ được rút ngắn rất nhiều.
“Thông thường với những vết loét to, để tự liền vết thương phải mất 3 tháng, nhưng sau khi kiểm soát tại chỗ ổn định bệnh nhân được tiến hành ghép da thì chỉ sau vài ngày có thể ra viện”, TS Đỗ Đình Tùng nói. .
Qua những trường hợp này, TS Tùng khuyến cáo, bệnh nhân ĐTĐ phải đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị. Trong trường hợp có chỉ định cắt chi thì cần cân nhắc, tìm hiểu thêm các phương pháp khác trước khi quyết định điều này.
“Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 70% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng vào xương mà cắt cụt chi thì sẽ chết sau 5 năm. Do đó đối với bệnh nhân ĐTĐ thì việc bảo tồn được chi là vô cùng cần thiết.
Khi cắt chi- cuộc phẫu thuật ấy cũng đã là một cuộc đại phẫu, bệnh nhân đã phải đối diện với một cú sốc, đối diện với nhiều nguy cơ, ảnh hưởng nhiều tới tâm lý người bệnh.
Chưa kể, khi bệnh nhân bị cắt cụt sẽ là gánh nặng cho gia đình – trở thành tàn tật, ngồi, nằm một chỗ từ đó sẽ có những biến chứng về loét tại chỗ, nhiễm khuẩn phổi hay teo cơ, cứng khớp…. Điều này khiến thời gian sống của bệnh nhân sẽ giảm đi”, TS Đỗ Đình Tùng khuyến cáo.
“Việc điều trị vết loét của người bệnh ĐTĐ bằng ứng dụng Plasma lạnh đang được được áp dụng: Plasma lạnh dùng để điều trị các vết thương đặc biệt các vết thương nhiễm khuẩn, các vết thương mạn tính khó liền, lâu liền; các vết thương nhiễm khuẩn đã bị kháng với các kháng sinh, các vết loét do bệnh đái tháo đường…
Do tác dụng của tia Plasma lạnh là diệt các vi khuẩn, kể cả vi khuẩn kháng thuốc và kích thích liền vết thương nên hiệu quả ứng thực tế là: vết loét sẽ giảm các dấu hiệu nhiễm khuẩn ngay từ lần đầu tiên, vết thương hoàn toàn sạch vi khuẩn sau 2-3 lần chiếu, Đối với các vết loét nhiễm khuẩn mạn tính thì thời gian chiếu khoảng 4-5 lần. Plasma lạnh có thể điều trị được cả các vết loét nhiễm các vi khuẩn kháng thuốc nên giảm đáng kể việc sử dụng các kháng sinh đắt tiền.
Với việc ứng dụng công nghệ mới này vào xử lý vết thương, vết loét sẽ không còn đáng ngại, không còn phải chỉ định cắt cụt chi, đây thực sự là tin vui đối với người bệnh đái tháo đường, ngoài ra với phương pháp điều trị mới còn nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng người bệnh đái đáo đường”, TS Đỗ Đình Tùng nói.
Coi chừng đột tử ngày Tết khi mắc căn bệnh này
Nhiều người mắc đái tháo đường nhưng Tết ăn nhậu quá đà hoặc chỉ uống quên ăn dẫn tới biến chứng gây tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết đột ngột có thể dẫn tới tử vong.
Hôn mê do đái tháo đường ngày Tết
Hôn mê do biến chứng đái tháo đường
Theo ước tính ở Việt Nam có khoảng gần 4 triệu người mắc đái tháo đường và hiện nay có khoảng 60 % người bệnh bị đái tháo đường nhưng không được điều trị.
Người bệnh đái tháo đường cần kiểm tra đường máu hàng ngày, đặc biệt trong những ngày Tết. Ngày Tết thường ăn nhiều thực phẩm làm tăng đường máu như kẹo, bánh, mứt, bánh chưng, xôi, chè, rượu bia,... và quên sử dụng thuốc.
Theo TS BS Hoàng Kim Ước - Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong ngày Tết, sinh hoạt của người bệnh đái tháo đường thường bị thay đổi. Thay vì thói quen kiêng cữ hàng ngày thì người bệnh thường dùng nhiều hơn các thực phẩm làm tăng đường máu; thói quen luyện tập hàng ngày cũng có thể giảm đi; bệnh nhân thường quên sử dụng thuốc hay hết thuốc; ngại thử đường máu; con cái có thể ít quan tâm hơn đối với bố mẹ bị bệnh trong những ngày Tết là những yếu tố dễ làm người bệnh đái tháo đường nặng hơn và rơi vào tình trạng hôn mê do đái tháo đường, tình trạng cấp cứu nặng, dễ tử vong.
Bác sĩ Ước cho biết hôn mê do đái tháo đường có hai thể là hôn mê nhiễm toan ceton và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Đây là những biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường. Điểm đặc trưng của bệnh là thiếu hụt insuline nặng và đường máu tăng quá cao làm cơ thể rơi vào tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm toan, và hôn mê. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời bệnh nhân sẽ bị tử vong.
Hôn mê nhiễm toan ceton (thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường typ 1) thường diễn biến rất nhanh, trong vòng 24 giờ. Ngược lại, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu (thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2) lại diễn biến thầm lặng với các biểu hiện đái nhiều, khát nước, và sụt cân từ vài ngày trước khi nhập viện.
Biểu hiện sớm nhất của tình trạng này là đường máu của bệnh nhân tăng dần dẫn đến đái nhiều (nước tiểu màu vàng hoặc vàng sậm), khát nước, và sụt cân, các triệu chứng thần kinh ban đầu như thờ ơ, yếu/liệt nhẹ nửa người, giảm/mất thị lực một bên, tinh thần chậm chạp rồi dần dần đi vào hôn mê. Triệu chứng thần kinh thường phổ biến trong hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Ngược lại, trong hôn mê nhiễm toan ceton thì biểu hiện sớm thường là buồn nôn, nôn, đau bụng, thở sâu và nặng nề. Hơi thở có mùi acetone (giống mùi chất tẩy móng tay).
Khi người bệnh đái tháo đường có các biểu hiện trên lại kèm theo bỏ thuốc điều trị, có các bệnh đi kèm, thử đường máu nhanh thấy tăng cao (trên 19,4 mmol/L) thì người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu.
Tránh hôn mê do đái tháo đường
Trong ngày Tết, tình trạng biến chứng gia tăng bởi người bệnh thường quên uống thuốc hoặc bỏ qua các lối sống hàng ngày như tập thể dục, thức khuya. Tâm lý xả hơi ngày Tết rất nguy hiểm cho bệnh nhân đái tháo đường.
TS Ước nhấn mạnh ngày Têt để tránh biến chứng do đái tháo đường, điều quan trọng nhất là người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sỹ đã kê đơn. Không được tự ý bớt thuốc, hoặc bỏ thuốc.
Một số bệnh nhân khi hết một loại thuốc này thì tự ý tăng liều các thuốc khác vẫn còn để bù là rất nguy hiểm, có thể làm đường máu tăng cao thêm hoặc gây hạ đường máu vì các thuốc điều trị đái tháo đường, kể cả các loại insulin đều có cơ chế tác dụng hạ đường huyết khác nhau. Bệnh nhân cần kiểm tra lại các thuốc đái tháo đường mình đang sử dụng nếu thiếu phải bổ sung ngay, tránh hết thuốc trong dịp Tết.
Theo infonet
Biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế đổ mồ hôi vào mùa hè Mùa hè thời tiết nóng bức khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Hãy thử 1 số số mẹo đơn giản sau để giúp thân thể khô thoáng và dễ chịu hơn. Biện pháp hạn chế đổ mồ hôi mùa hè Tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi nhiều là bệnh có thể di truyền hoặc do một tình trạng...