Bệnh nhân COVID-19 nặng một năm trước: ‘Ngỡ trở về là bình tro cốt nhưng hồi sinh nhờ thầy thuốc’
Một năm sau ngày vượt “cửa tử” vì mắc COVID-19 và chuyển biến nặng, bà Lương Thị Hà (Quận 12, TP.HCM) vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc.
Thầy thuốc như người ruột thịt
Nhớ như in một chiều mưa sụt sùi giữa tháng 7 năm 2021, bà Lương Thị Hà lên cơn ho nên đã đi xét nghiệm và nhận được kết quả đã nhiễm COVID-19. Lúc đó, mường tượng về căn bệnh toàn thân, bà giật thót.
Bà Hà bồi hồi nhớ lại: “Nhà tôi có người thân mắc COVID-19 trước đó. Tôi đưa cơm cho người thân, dù rất cẩn thận nhưng vẫn bị lây. Mang trong mình nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch mà lúc đó lại đang là cao điểm dịch COVID-19 ở TP.HCM nên càng lo lắng hơn”.
Chỉ vài ngày sau khi mắc bệnh, ngực bà Hà nặng như có đá đè. Từng hơi thở cũng như nặng nhọc, khó khăn hơn. Bà được đưa đến các khu cách ly tập trung rồi chuyển sang một bệnh viện khác nhưng bệnh ngày càng chuyển nặng, phải thở oxy.
Bà Lương Thị Hà khỏe mạnh sau một năm trở về từ “cõi chết”.
Sau đó, bà Hà được chuyển lên Bệnh viện Dã chiến số 3 (khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, TP. Thủ Đức). Lúc ấy dù rất mệt nhưng bà nhớ nhất là bàn tay ấm của các thuốc vỗ về mình và thủ thỉ vào tai, hãy cố gắng lên. Hãy trút bỏ lo âu và tin vào thầy thuốc để vượt qua “cửa tử”…
Hồi sinh kỳ diệu từ nơi điều trị bệnh nhân COVID-19
Bệnh viện Dã chiến số 3 từ bệnh viện chỉ có chức năng thu dung ca nhiễm không triệu chứng đã áp dụng mô hình điều trị 3 tầng. Bệnh viện đã triển khai đơn vị hồi sức tích cực để kịp thời xử trí các ca bệnh trở nặng.
Nhớ về những ngày đầu đến Bệnh viện Dã chiến số 3, bà Hà kể: “Là bệnh viện được điều trị cả bệnh nhân nặng nên tôi cũng an tâm nhưng thấy bản thân mình hơi thở đã yếu đi, toàn thân không cử động được nên trong lòng tôi cứ trỗi dậy ý nghĩ coi như mình sẽ chết. Mình sẽ trở về là bình tro cốt thôi chứ nặng thế này mà khỏi được thì chỉ có là giấc mơ, là cổ tích…”.
Video đang HOT
Tôi không nhớ nổi bản thân mình đã thở hết bao nhiêu chiếc bình oxy. Những giây phút tỉnh táo hiếm hoi, thấy các bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 3 hối hả cứu các bệnh nhân khác trong lòng thương thầy thuốc vô hạn…
Bà Lương Thị Hà từng mắc COVID-19 nói.
Người phụ nữ bồi hồi nhớ lại: “Tôi đã mấy lần thều thào với bác sĩ hãy cho tôi về để tôi chết chứ triền miên thở máy thế này sự sống khó mà tồn tại được. Ở thêm ngày nào cơ cực thêm cho nhân viên y tế ngày đó, hãy tập trung cứu nhiều bệnh nhân nhẹ. Nhưng các thầy thuốc lại động viên, chăm chút tôi như ruột thịt của mình, bảo còn một tia hy vọng cũng phải chiến đấu để giành lại sự sống…”.
Sau hơn 30 ngày thở máy thì bệnh tình của bà Lương Thị Hà dần có những tiến triển tích cực, bà đã có thể cử động và nói chuyện nhiều với các thầy thuốc.
“Sau một tháng miên man, tỉnh lại tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Cho đến khi các y bác sĩ lại vỗ về lên người mình, xoa bóp chân tay cho mình, gắn máy oxy, kiểm tra các chỉ số sinh tồn cho mình thì tôi mới tin mình vẫn còn sống mà lại còn vượt qua được giai đoạn nguy kịch. Niềm hạnh phúc bừng lên, xúc động đến trào nước mắt…” – Bà Hà bộc bạch.
Cách đây một năm, cao điểm dịch bệnh ở TP.HCM, các thầy thuốc phải hối hả dốc sức cứu bệnh nhân.
Nhớ như in sự vất vả, cực nhọc…
Tỉnh táo trở lại cũng là quãng thời gian bà Hà từng ngày chứng kiến mỗi cuộc bàn giao ca trực, quần áo của y bác sĩ ướt sạch. Có đến hàng chục nhiệm vụ phát sinh, trong nỗi lo âu và tự nguyện của thầy thuốc, ví như massage, dỗ dành bệnh nhân vào giấc ngủ, bón thuốc, dìu đỡ đi vệ sinh… lòng bà Lương Thị Hà lại trỗi dậy lòng cảm kích vô hạn.
Bà thổ lộ rằng: “Từ “cõi chết” trở về mới thấu hiểu về giá trị của sự sống. Căn bệnh này không có người thân ở bên cạnh chăm sóc được nên tất cả mọi thứ đều dồn lên y bác sĩ. Bản thân tôi và nhiều bệnh nhân khác bị nặng, lâu ngày gần như nằm một chỗ nên hay bứt rứt. Thầy thuốc như hiểu được điều đó nên lại nhẹ nhàng dỗ dành vào giấc ngủ, tỉnh dậy thì được đấm bóp khắp người…. Có đêm cả phòng cấp cứu rầm rập bước chân của các y bác sĩ tranh thủ từng phút vì bệnh nhân. Thế nên đã có hàng nghìn bệnh nhân nặng vượt qua được “cửa tử” trở về với đời sống bình thường như một giấc mơ có thật”.
Theo nhiều thầy thuốc từng điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở Bệnh viện Dã chiến số 3, có hôm sau ca trực họ uống hết cả lít nước vì khát khô họng. Trung bình mỗi thầy thuốc kiêm nhiệm ít nhất 5 nhiệm vụ như: Điều trị chuyên môn; Làm liệu pháp tâm lý, dỗ dành người bệnh; Vệ sinh cá nhân; Đút cơm, cháo…
Các thầy thuốc ở Bệnh viện Dã chiến số 3 cách đây 1 năm tận tình chăm sóc bệnh nhân.
Sau khoảng 40 ngày thở máy, ngồi dậy, tự đi đứng và không phải thở oxy nữa, bà Lương Thị Hà xúc động cầm tờ thông báo được chuyển lên phòng bệnh nhân nhẹ. Đôi chân như bị níu lại bởi những nhịp điệu thân quen. Cố kìm lòng nhưng rồi sau vài câu nói, bà Hà khóc òa lên trong sung sướng. Bà tâm tình rằng: “Suốt bao ngày đinh ninh ngày về là bình tro cốt. Thế mà giờ đi đứng như người bình thường thì không niềm vui nào diễn tả nỗi. Điều kỳ diệu không phải thần thánh ban cho mà đó là sự tận tụy của thầy thuốc…”.
Sau đúng một tháng rưỡi điều trị, đầu tháng 9/2021 bà Lương Thị Hà được xuất viện. Bà bảo: “Về đến nhà mình, hàng xóm ai cũng ngỡ ngàng bởi họ đều nghĩ tôi không thể vượt qua được vì bệnh quá nặng. Tôi đã nói với mọi người, chính các thầy thuộc đã hồi sinh cuộc đời tôi. Những ngày tháng 7/2022 này đối với tôi thật đặc biệt vì tròn một năm từ “cõi chết” trở về…”.
Giờ đây, dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng những ngày tháng được thầy thuốc cận kề giành giật sự sống trở thành một phần cuộc đời bà Hà, thành những ngày tháng không thể nào quên với bà.
Bệnh nhân hồi sinh là món quà vô giá với thầy thuốc…
Từng túc trực nhiều tháng điều trị, cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng ở Bệnh viện Dã chiến số 3, BSCKI Lý Quốc Công chia sẻ: “Bệnh nhân Hà năm ngoái rất nặng. Chúng tôi phải vất vả để cứu chữa. Còn nói về gian khó của một năm trước thì không thể kể hết. Khi đó đến ăn cũng phải ăn thật nhanh để lao vào phòng cấp cứu”.
BSCKI Lý Quốc Công chia sẻ: “Một năm trước rất vất vả nhưng sau một năm thấy nhiều bệnh nhân hồi sinh là món quà vô giá cho các thầy thuốc”.
“Con COVID-19 này nó rất lợi hại, mình phải nhanh mới chặn được nó. Bệnh nhân chuyển biến nặng khi ấy ngày một tăng nên tập thể thầy thuốc chúng tôi từng ngày động viên nhau hãy vững vàng. Mỗi khi mệt mỏi, lại nhìn vào phòng cấp cứu để vượt qua, bởi ở đó bao sự sống đang cần mình, từng phút. Mọi hạnh phúc riêng tư đều gác lại, triền miên cứu chữa người bệnh. Một năm đã trôi qua, nhìn những sự sống hồi sinh như hôm nay, với những thầy thuốc như chúng tôi đó là món quà vô giá” – vị bác sĩ bộc bạch.
Sở Y tế TP.HCM: Sẵn sàng kích hoạt lại bệnh viện dã chiến nếu F0 tăng cao
Sở Y tế TP.HCM đã chuẩn bị các phương án để đề phòng nguy cơ số lượng ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại trên địa bàn thành phố. Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam nói chung và TP.HCM đang có xu hướng tăng cao trở lại do sự xuất hiện của hai biến thể mới Omicron BA.4 và BA.5. Trên địa bàn TP.HCM đã phát hiện những trường hợp mắc biến thể BA.4 và BA.5 đầu tiên vào ngày 4/7 vừa qua.
Cụ thể, có 2 mẫu dương tính với biến thể phụ BA.4 (tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức) và 1 mẫu dương tính với biến thể BA.5 (xã Tân Phú Trung, Củ Chi). Tất cả các mẫu dương đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát định kỳ liên tục của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.
Số ca mắc COVID-19 mới tại TP.HCM có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc giảm dưới 30 ca mắc mới/ ngày), dù số ca nặng chưa tăng rõ.
Chia sẻ trong buổi họp báo Cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng ngành y tế đã có những phương án để đối phó trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM.
Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM sẵn sàng mở lại các bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại. Ngoài ra, ngành y tế sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới.
Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Tiếp tục tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.
Tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM hiện nay thực hiện đồng thời hai chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường, vừa điều trị người mắc COVID-19 có các bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo các khoa/đơn vị điều trị COVID-19.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (cùng với các Bệnh viện Trung ương trên địa bàn TP.HCM như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175) là các bệnh viện tuyến cuối về điều trị COVID-19.
Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 với 1.000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh, phân công cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phụ trách, sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết. Mọi bệnh viện đều có đơn vị hoặc khoa điều trị COVID-19, số giường bằng 10% tổng số giường của bệnh viện. Hiện các bệnh viện đều không ở tình trạng quá tải.
" Quan trọng hơn hết là các biện pháp phòng COVID-19 như đeo khẩu trang, khử khuẩn khi đến nơi công cộng, tăng cường tiêm vaccine", bà Lê Thiện Quỳnh Như khẳng định.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể Omicron BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người từng mắc các biến thể BA.1, BA.2 cũng như mắc các biến chủng Delta trước đó.
Tuy nhiên, đa số các dữ liệu lâm sàng cho thấy việc đã tiêm vaccine có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng cũng như ngăn việc cần nhập viện điều trị.
Sở Y tế TP.HCM: 'Các quận, huyện phải sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến khi F0 tăng cao' Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn TP có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại. Một bệnh viện dã chiến tại TP.HCM được trưng dụng từ trường học - Ảnh: THU HIẾN Ngày 7-7, Sở Y tế TP.HCM cho biết trước đó ngày 4-7, Viện Pasteur...