Bệnh nhân chạy thận chuyển về Bạch Mai đã ổn định sức khỏe
TS Dương Đức Hùng-Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, 10 bệnh nhân bị sốc phản vệ chuyển tới bệnh viện này đã được điều trị bằng các trang thiết bị, thuốc tốt nhất. Hiện tất cả các bệnh nhân đều đã ổn định sức khỏe.
Sáng nay (30.5), bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, BV Bạch Mai đã tiếp nhận 10 bệnh nhân chạy thận từ Hòa Bình chuyển lên tối qua. Các bệnh nhân đã được chia về nằm ở nhiều khoa, được điều trị tích cực, kịp thời. Tại Trung tâm Chống độc có hai bệnh nhân là bệnh nhân Lê Thị Thùy Linh (23 tuổi) và bệnh nhân Trần Văn Quang (51 tuổi). Hai bệnh nhân này đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định.
Theo bệnh nhân Trần Văn Quang, sáng 29.5, khi ông lọc máu được hơn 30 phút thì thấy buồn nôn khó thở nhức đầu được và chuyển sang phòng cấp cứu. “Trong 9 năm chạy thận, tôi chỉ phản ứng nhẹ buồn nôn tăng huyết áp, chưa lần nào bị nặng như này. Cũng may là thoát chết nhưng nghe tin nhiều bệnh nhân đã không qua được” – ông Quang nói.
Bệnh nhân Lê Thị Thùy Linh (23 tuổi) – một trong những bệnh nhân nặng nhất đang điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân Trần Văn Quang (51 tuổi, ở TP. Hòa Bình).
Bác sĩ Đào Xuân Cơ (Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai) cho biết, trong số 10 bệnh nhân nhập viện có bệnh nhân Nguyễn Văn Thiều (45 tuổi) là sức khỏe yếu nhất. Bệnh viện đã phải hồi sức tích cực và lọc máu cho bệnh nhân suốt từ rạng sáng 30.5. Đến 9h sáng thì sức khỏe của bệnh nhân cũng đã khá hơn.
Bệnh nhân Bùi Thị Rấm (65 tuổi) đến giờ vẫn sợ hãi. Bà Rấm nói: “Hôm qua (29.5), khi lọc máu được hơn 30 phút thì tôi buồn nôn khó thở, tê bì môi, đau bụng. 5 người khác cùng phòng cũng bị tình trạng như vậy. Sau đó nghe tin nhiều người tử vong nên mọi người càng hoang mang”. Bà Rấm đã chạy thận hơn 1 năm nhưng chưa bao giờ bị như vậy. Hiện bà được điều trị tại Khoa thận tiết niệu, BV Bạch Mai, tình trạng sức khỏe đã tốt hơn.
Cùng chung nỗi sợ hãi, bệnh nhân Lê Văn Tiến (50 tuổi) cho biết: “Tôi không gặp triệu chứng gì, sức khỏe bình thường. Nhưng 5 bệnh nhân cùng phòng khác cứ lần lượt kêu đau bụng, nôn ọe rồi bất tỉnh. Khi đưa đi cấp cứu thì có người đã chết. Đã 7 năm chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng chưa bao giờ tôi gặp cảnh tượng kinh hoàng như vậy”.
Sáng 30.5, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đến thăm các bệnh nhân.
Sáng 30.5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đã đến thăm các bệnh nhân. Thứ trưởng Tiến cho biết, ngoài 10 bệnh nhân bị sốc đang cấp cứu tại BV Bạch Mai, Bộ Y tế sẽ chia hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận ở BV Hòa Bình về các bệnh viện ở Hà Nội. Cụ thể BV thận Hà Nội sẽ tiếp nhận 30 bệnh nhân. Còn 70 bệnh nhân khác sẽ chia lẻ về các bệnh viện khác, bao gồm cả BV Hà Nội và Trung ương. BV Đa khoa Hòa Bình sẽ có trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện khác và hỗ trợ đi lại cho bệnh nhân.
Nhận định về nguyên nhân, Thứ trưởng Tiến cho biết, đây là sự cố hi hữu đáng tiếc của ngành Y. Nguyên nhân để xảy ra phản ứng hàng loạt chắc chắn là sai sót hệ thống, không đơn lẻ một sự việc cá nhân nào. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác là gì vẫn đang được điều tra. Quan trọng nhất là điều trị cho các bệnh nhân còn lại và ổn định tâm lý cho họ.
Thứ trưởng Tiến cho biết thêm, đến tối qua đã có 7 bệnh nhân tử vong. Hiện còn 1 bệnh nhân rất nặng đang được điều trị ở BV Đa khoa Hòa Bình.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Thiều (45 tuổi) bị sốc phản vệ, suy thận nặng nhất trong 10 bệnh nhân được tiếp nhận tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân Bùi Thị Rấm (65 tuổi).
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) dẫn đầu đoàn hỗ trợ cấp cứu tại BV Hòa Bình đêm qua cho biết: Đây là tai biến hy hữu mà lịch sử 45 năm thành lập Khoa Thận nhân tạo chưa từng gặp. Theo ông Dũng, có vài chục công đoạn trong lọc máu như chuẩn bị nước, quả lọc, chuẩn bị bệnh nhân… khâu nào cũng phải hết sức cẩn trọng. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo rất dễ xảy ra biến chứng. “Có khoảng 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu và biến chứng nào cũng nghiêm trọng, xảy ra rất nhanh nếu cấp cứu không kịp thì bệnh nhân rất có thể tử vong. Do đó, các bác sĩ phải theo dõi sát sao bệnh nhân trong suốt 3-4 tiếng lọc máu”- TS Dũng nhận định.
TS Dũng cũng cho biết, theo 1 số nghiên cứu tỷ lệ suy thận của người Việt ước tính 6-7% dân số (khoảng hơn 6 triệu người). Còn tính riêng bệnh nhân phải lọc thận khoảng 90.000-100.000 người. Kỹ thuật chạy thận nhân tạo nhiều năm nay đã được chuyển giao tới cấp tỉnh, huyện. Do đó, mỗi năm có hàng triệu lượt bệnh nhân được lọc máu. “Việc đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo về địa phương là rất cần thiết. Vì bệnh nhân suy thận phải lọc máu cả đời với chu kỳ 2-3 lần/tuần. Có bệnh nhân tại BV Bạch Mai đã lọc máu 20-25 năm. Do đó, nếu phải đi đến các cơ sở y tế quá xa, bệnh nhân suy thận thường phải thuê nhà trọ ở quanh quẩn bệnh viện, cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng, không thể đi làm hoặc gần gũi người nhà. Do đó, xu hướng hiện tại là đưa kỹ thuật này về cơ sở” – TS Dũng nói.
Video đang HOT
TS Dũng cho biết, đây là sự cố hy hữu. 18 bệnh nhân xảy ra biến chứng có biểu hiện rất đa dạng, chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế sẽ phải điều tra tỷ mỉ tìm nguyên nhân, xem sai sót ở công đoạn nào để làm bài học cho toàn ngành, sau này có thể tránh được sai lầm, hạn chế thấp nhất tai biến.
Được biết, Bộ trưởng Bộ Y tế sau đó cũng đã vào thăm các bệnh nhân điều trị ở BV Bạch Mai.
Theo Danviet
Công an niêm phong trang thiết bị, thuốc men của Khoa Thận nhân tạo
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, sẽ đình chỉ Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình trong 2 ngày. Ngay sau khi sự cố xảy ra, bệnh viện đã phối hợp cùng cơ quan công an niêm phong máy móc và trang thiết bị, thuốc men của Khoa Thận nhân tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lên Hòa Bình
22h: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và tiến hành làm việc với cơ quan chức năng tại đây.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Hiện Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đang họp với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình tại phòng họp, sau đó sẽ đến thăm các các bệnh nhân.
21h30: Trước khi kết thúc cuộc họp báo, ông Khuê thông báo, ít phút nữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ lên Hòa Bình để thăm hỏi bệnh nhân. Kết thúc họp báo, Cục quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu: Giám đốc Sở y tế báo cáo UBND tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để cứu chữa người bệnh.
Cục cũng chỉ đạo Bệnh viện Hòa Bình phối hợp tích cực với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai do Bộ Y tế điều động để tiếp tục xử trí, cứu chữa cho những người bệnh đang cấp cứu.
Ba là phối hợp với đoàn công tác của Bộ Y tế để trực tiếp chỉ đạo, nhận định, đánh giá tình hình và huy động bổ sung lực lượng chuyên môn, phương tiện cấp cứu.
Bốn là báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo phối hợp các ban ngành liên quan phối hợp tổ chức thăm hỏi, an ủi, chia sẻ, động viên với những gia đình có người bệnh tử vong và hỗ trợ các gia đình tổ chức mai táng.
Cuối cùng Cục yêu cầu Hòa Bình thành lập hội đồng chuyên môn theo đúng quy định tại Điều 74 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để xác định tập thể, cá nhân có hay không sự sai sót chuyên môn. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm). Báo cáo nhanh kết quả giải quyết sự việc trên về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trong ngày 30.5 để báo cáo lãnh đạo Bộ và kịp thời xem xét, tiếp tục chỉ đạo.
Ngay sau khi kết thúc họp báo, ông Khuê cùng đoàn công tác xuống thăm hỏi bệnh nhân.
21h25: Phát biểu gần kết thúc cuộc họp báo, ông Lương Ngọc Khuê nói: "Sau khi nghe các ý kiến chuyên gia, ý kiến của Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình và qua làm việc trực tiếp, tôi có ý kiến như sau: Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khi sự cố xảy ra. Bệnh viện đã có những hành động kịp thời là dừng ngay hoạt động xảy ra tai biến. Chúng tôi cũng hoan nghênh Bệnh viện Bạch Mai đã kịp thời cử đoàn công tác tới hỗ trợ với Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình".
Việc tiếp theo là tiếp tục tập trung cứu chữa bệnh nhân. Phân loại và tiên lượng ngay, đánh giá kỹ, chuyển bệnh nhân về bệnh viện Bạch Mai nhưng phải xem xét kỹ lưỡng tình trạng chuyển về.
Về chuyên môn, bệnh viện xem kỹ lại cần gì thì chúng tôi sẽ điều động. Tôi chỉ đạo Sở y tế Hà Nội chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận bệnh nhân ở đây, lo ngay cho bệnh nhân chạy thận của ngày mai. Ông Khuê cũng đã trực tiếp gọi điện cho Giám đốc Sở Y tế Hà nội ngay trong cuộc họp để chỉ đạo chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã trực tiếp gọi điện cho Giám đốc Sở Y tế Hà nội ngay trong cuộc họp để chỉ đạo chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân.
10 bệnh nhân sẽ chuyển lên Hà Nội ngay trong đêm
21h19: Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu: Nguyên nhân thì có nhiều và hiện tại chúng ta chưa kết luận được nguyên nhân nào. Điều trị theo phương pháp bao vây, bệnh nhân bị sao chúng ta điều trị ngay là giải pháp hiện nay. Các nạn nhân hiện đã ổn định, còn 2 bệnh nhân nặng chúng ta bằng mọi biện pháp để hỗ trợ bệnh nhân. Bệnh viện Bạch Mai đã mang phương tiện cùng thuốc men và hiện đang theo dõi các bệnh nhân chặt chẽ.
Tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai thì cho biết, từ khi xảy ra vụ việc đến giờ các kíp cấp cứu của Bệnh viện Hòa Bình kết hợp với Bệnh viện Bạch Mai đã hết sức khẩn trương. Tình hình đã tạm thời ổn định, còn 10 bệnh nhân chắc chắn sẽ chuyển lên Hà Nội trong đêm nay.
Chúng tôi đã xin ý kiến Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân nặng, các đơn vị đã sẵn sàng nhận bệnh nhân.
Chúng tôi cũng đề nghị giám đốc Bệnh viện Hòa Bình cố gắng bảo đảm an toàn cho những bệnh nhân vận chuyển về Hà Nội để tiếp tục chẩn đoán, cấp cứu cho các bệnh nhân.
Sáng sớm ngày mai sẽ diễn ra việc tiếp nhận các bệnh nhân lọc máu ở Bệnh viện Hòa Bình về Hà Nội (Bệnh viện Bạch Mai). Các vấn đề ăn ở cho các bệnh nhân lọc về Hà Nội chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng Hòa Bình khẩn trương tính toán về nhân lực, trang thiết bị cần thiết.
21h11: Thay mặt Bộ Y tế, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và người thân của các nạn nhân trong vụ việc này.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tao - Bệnh viện Bạch Mai.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai phát biểu: "Trước hết, khi nhận được tin của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình báo cáo, chúng tôi nhận định đây là một tai biến y khoa nghiêm trọng xảy ra trong lọc máu. Chúng tôi thành thật gửi lời chia buồn tới các gia đình nạn nhân không may gặp phải sự cố này. Ngay sáng nay, chúng tôi đã chỉ đạo rất nhanh bằng các phương tiện có thể để cấp cứu cho bệnh nhân. Chúng tôi có họp nhiều khoa liên quan để hội chẩn sự việc, sau khi sự việc xấu xảy ra. Chúng tôi cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của cục khám chữa bệnh và chúng tôi cử đoàn công tác lên luôn Hòa Bình".
Theo ông Dũng, đoàn đã cập nhật thông tin liên tục về sự việc này. Qua đó, chỉ đạo việc nào cần làm trước phải làm gấp rút ngay. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo đoàn lên công tác phải bằng mọi giá tập trung nhân lực vật lực hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, chuẩn bị giường, máy, các phương tiện để hỗ trợ bệnh nhân.
Những bệnh nhân nào chạy ca 1, lập tức được theo dõi chặt chẽ, có hướng điều trị tốt nhất để đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất. Tiếp đó là tập trung cho các bệnh nhân ngày mai chạy. Có thể nói tại Bệnh viện chúng tôi đã tập trung tất cả anh em để tìm nguyên nhân xem sai sót ở đâu. Đây là bài học đau xót cho những người làm chuyên ngành. Chúng tôi hi vọng sớm tìm ra nguyên nhân.
Công an vào cuộc, niêm phong máy móc
21h07: Thông tin tại buổi họp báo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, có 6 bệnh nhân tử vong.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, sẽ đình chỉ khoa Thận nhân tạo 2 ngày.
Vào lúc 20h, rất nhiều phóng viên đã có mặt tại hội trường Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để bắt đầu cuộc họp báo thông tin về vụ việc 18 bệnh nhân nghi bị sốc phản vệ khi đang chạy thận, trong đó có 6 người đã tử vong.
Sáng 29.5, tại Khoa Thận nhân tạo có 18 máy chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mãn. Sau 45 phút chạy thận, một số bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng.
Ngay lập tức, Khoa đã cho dừng chạy thận và báo cáo sự việc đến lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế. Bệnh viện đã huy động bác sĩ hồi sức cấp cứu hồi sức tích cực cho bệnh nhân đồng thời báo cáo Bộ Y tế, xin chỉ đạo hỗ trợ chuyên môn.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho hay, đối với 12 trường hợp đang điều trị còn lại, có 2 trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng hiện đang điều trị tại Khoa hồi sức của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 10 trường hợp còn lại được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để lọc máu, chạy thận.
Khi sự cố xảy ra, bệnh viện đã phối hợp cùng cơ quan công an niêm phong máy móc và trang thiết bị, thuốc men của Khoa Thận nhân tạo. Hiện tại khoa này đã tạm thời dừng tiếp nhận bệnh nhân.
Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, sẽ đình chỉ khoa Thận nhân tạo của bệnh viện đa khoa Hòa Bình trong 2 ngày.
20h45: Buổi họp báo bắt đầu. Tham dự cuộc họp báo có ông Lương Ngọc Khuê -Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Đoàn công tác của bệnh viện Bạch Mai gồm 11 chuyên gia ở các chuyên ngành thận nhân tạo, hồi sức tích cực, chống độc, dị ứng miễn dịch lâm sàng, chỉ đạo tuyến do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng-Trưởng Khoa Thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai làm trưởng đoàn đến làm việc.
Về phía tỉnh Hòa Bình có Giám đốc Sở Y tế, Phó giám đốc Sở y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cùng các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa thận nhân tạo...
20h10: Ít phút nữa, khoảng 20h30 tối nay (29.5) bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức họp báo về sự việc 18 bệnh nhân bị suy thận mạn lọc máu chu kỳ nhưng bất ngờ bị sốc phản vệ, khiến 6 người tử vong. Công tác chuẩn bị cho cuộc họp báo đã hoàn tất.
Trước đó, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sáng 29.5, khi đang chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ, bất ngờ xảy ra sự cố nghi sốc phản vệ tập thể. Đến thời điểm này, đã có 6 người tử vong.
Tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình rất đông người nhà nạn nhân đang đứng đợi ngoài cửa. Ai cũng buồn và sốc trước sự ra đi đột ngột của người nhà. Một không khí tang thương bao trùm lên khắp bệnh viện.
Một số người vì quá bức xúc đã có "lời qua tiếng lại" với các bác sĩ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng đã cắt cử người túc trực, tuyên truyền, giải thích để người nhà nạn nhân kiềm chế.
Theo thông tin của phóng viên Dân Việt đang có mặt tại BV, vào hồi 14h30 phút ngày 29.5, tại Khoa hồi sức tích cực của BV, đại diện của BV và đại diện người nhà các nạn nhân sự cố y tế nghiêm trọng nghi là sốc phản vệ tập thể đã cùng lập biên bản sự việc.
Trong biên bản được hai bên đồng ý ký xác nhận có nội dung: Vào hồi 14h15 ngày 29.5, trong khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại BV, tất cả bỗng xuất hiện triệu chứng sốc phản vệ, đau bụng, buồn nôn, tụt huyết áp... Sau khi sự việc xảy ra, tất cả các bệnh nhân đã được dừng lọc máu, xử trí cấp cứu chống sốc phản vệ theo phác độ của Bộ Y tế.
BV cũng đã hội chẩn qua điện thoại với sự hỗ trợ của Trung tâm chống độc và Khoa thận nhân tạo BV Bạch Mai. Trong số 18 bệnh nhân có 6 bệnh nhân nặng đã tử vong. Còn lại 12 bệnh nhân đang được điều trị.
Sau khi sự cố xảy ra, đại diện BV đã làm việc với đại diện người nhà bệnh nhân, cùng thống nhất như sau: BV có trách nhiệm tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân sự việc và trả lời gia đình các nạn nhân trước ngày 9.6.
"Mẹ tôi nói khó thở, sau đó đột ngột tử vong"
Chiều tối 29.5, có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, theo ghi nhận của Dân Việt, rất đông người thân của các nạn nhân đang tập trung tại khu vực cấp cứu để theo dõi tin tức của người nhà mình. Lực lượng công an được điều động bổ sung, tăng cường bảo vệ tại bệnh viện, đảm bảo an ninh.
Đến thời điểm hiện tại, con số nạn nhân tử vong ghi nhận được sau khi chạy thận tại bệnh viện này là 6 người. Các đơn vị chức năng có liên quan đang tập trung cứu chữa những bệnh nhân bị sốc phản vệ trong quá trình chạy thận nhân tạo.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Đăng Thanh (40 tuổi) là con trai bà Nguyễn Thị Minh (64 tuổi, P.Đồng Tiến, Hòa Bình, một trong những nạn nhân gặp sự cố y tế nghiêm trọng) cho biết sự việc xảy ra khiến gia đình anh quá bất ngờ và đau lòng.
Theo lời anh Thanh, mẹ anh đã tử vong vì bị sốc nặng sau khi tiến hành lọc máu vào trưa nay.
"Sáng cùng ngày tại Khoa chạy thận nhân tạo có tất cả 19 bệnh nhân đang tiến hành chạy thận từ 7h đến 9h sáng thì có một số bệnh nhân đồng loạt có biểu hiện ngứa ngáy, buồn nôn, huyết áp cao... có người bị sốc hô hấp ngay tại chỗ" - anh Thanh buồn bã kể lại.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh Thanh cho biết, các bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu, chuyển các bệnh nhân lên Khoa hồi sức tích cực điều trị. "Mẹ tôi bị sốc nặng nên không qua khỏi. Bà chạy thận được 7 năm nay. Lúc mẹ tôi bị sốc, bà chỉ nói bà khó thở rồi đột ngột tử vong" - anh Thanh đau đớn nhớ lại.
Cũng liên quan đến sự việc này, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này đã cử 2 bác sĩ Khoa Thận nhân tạo, một bác sĩ chuyên Khoa Chống độc và một bác sĩ chuyên ngành Dị ứng khẩn trương lên BV đa khoa Hòa Bình để hỗ trợ các đồng nghiệp giải quyết sự cố nghiêm trọng này.
Danh tính 6 nạn nhân tử vong: 1. Bùi Văn Huyền (46 tuổi, trú tại huyện Cao Phong). 2. Bùi Văn Chính (50 tuổi, trú huyện Lạc Thủy). 3. Nguyễn Thị Minh (54 tuổi, TP.Hòa Bình). 4. Lê Thị Chung (58 tuổi, TP.Hòa Bình). 5. Đinh Thị Thu Hằng (36 tuổi, TP.Hòa Bình) 6. Quách Thị Phượng (69 tuổi, trú tại huyện Lương Sơn).
Theo Danviet
Biên bản giữa BV đa khoa Hòa Bình và người nhà nạn nhân viết gì? Đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khẳng định sẽ có trách nhiệm tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân sự việc và trả lời gia đình các nạn nhân trước ngày 9.6. Theo thông tin của PV Dân Việt đang có mặt tại BV đa khoa Hòa Bình, vào 14h30 ngày 29.5, tại Khoa hồi sức tích cực của BV, đại...