Bệnh án tâm thần: “Xâm nhập” những đường dây “ma”
Từ cuối tháng 7-2018, phóng viên Báo CAND đã về Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội) để ghi nhận về tình hình xoay quanh Bệnh viện này. Mặc dù, vị bác sỹ và kỹ thuật viên trưởng Khoa dinh dưỡng của bệnh viện mới bị bắt giữ, thế nhưng, các đối tượng “cò mồi bệnh án” vẫn ngang nhiên hoạt động như chưa hề có việc gì xảy ra.
Cách cổng bệnh viện 50m, nhà báo Đào Minh Khoa, người đã 75 tuổi, vào vai một cụ ông từ Hà Nam lang thang gần khu bệnh viện, thì lập tức được một số người lái xe taxi, xe ôm tại quán cắt tóc gần đó gọi hỏi: “Bác đi đâu?”.
Nhà báo trả lời: “Tôi lên bệnh viện, định hỏi việc cho đứa cháu, mà chẳng quen biết ai cả”. Số người nêu trên cười nói: “Chắc bác đi hỏi mua bệnh án tâm thần chứ gì? Cứ về phía cổng bệnh viện mà hỏi”. Nhà báo tiến vào quán nước của một người đàn bà tên S ngay trước cổng bệnh viện.
Sau một hồi làm quen, người đàn bà này đã nhanh chóng hiểu chuyện, vừa chỉ tay sang phía bên kia đường vừa hướng dẫn: “Ông sang quầy thuốc tân dược bên kia, hỏi cô V, cô ấy là trưởng khoa, việc gì cũng giải quyết cho ông được”.
“Cò” S đang hướng dẫn nhà báo tiếp cận cửa để có bệnh án tâm thần.
Ngồi chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, phóng viên lập tức tỏ vẻ vui mừng với bà S như vừa gặp được quý nhân, kéo xích ghế lại gần hỏi nhỏ bà S: “May quá, cháu gặp được bà. Chẳng giấu gì bà, cháu từ Nam Định lên, đang tìm “cửa mua” bệnh án tâm thần (BATT) cho đứa em mà không biết hỏi ai”.
Bà S gần như rất chuyên nghiệp, không nói nhiều, bà vào luôn vấn đề: “Em mày định làm gì với bệnh án đó?”. Và một câu chuyện với nội dung “cháu có đưa em, trẻ người non dạ, tuần trước vừa đánh nhau với một đứa, giờ thằng kia nằm tại bệnh viện ở quê; bác sỹ đang bảo nằm theo dõi chấn thương sọ não”.
Được nhà báo cung cấp, bà S tỏ vẻ rất am hiểu về luật pháp: “Thế đã bị Công an bắt chưa?” – “dạ chưa ạ”; “Nó đang ở nhà à?” – “dạ vâng”; “Nó bao nhiều tuổi?” – “dạ 22 bà ạ” – “Thế thì trẻ quá”; “Nếu mày mà không làm trước thì khéo nó còn đi giám định trước em mày”; “Lên đây là đúng cửa rồi, thế đã gặp nhờ ai chưa?”.
Bà S trầm ngâm một chốc lát rồi nói tiếp: “Mày ngồi đây để bà gọi điện cho bác sỹ nó ra”. Sau khoảng 5 phút, một thanh niên đi ra từ cổng, không vào quán nước mà đứng phía dưới đường. Bà S liền bảo: “Đi theo anh kia, anh ấy là bác sỹ đó, sang nhà bà bên kia đường gặp rồi trình bày với anh ấy”.
Bước vào căn nhà, có một người phụ nữ (con của bà S) đang nấu ăn, người thanh niên chừng 38 tuổi tỏ ra rất thân quen, chỉ phóng viên ngồi vào bàn uống nước. Vừa ngồi xuống, anh ta hỏi nhà báo “thế em có việc gì?”.
Phóng viên trình bày lại câu chuyện đang muốn “chạy” cho thằng cu em có bệnh án tâm thần để tránh bị truy tố. Chàng thanh niên xưng tên Th, nói mình là bác sỹ của bệnh viện X, rồi nói “em tắt hết điện thoại đi”, phóng viên liền tắt điện thoại, để trên bàn uống nước để tránh sự ngờ vực từ vị bác sỹ nọ…
…Sau khi tắt điện thoại, vị bác sỹ nọ liên tục hỏi về hoàn cảnh gây án, hoàn cảnh gia đình của nhân vật. Vị bác sỹ nọ cũng không quên việc nhìn thẳng vào mắt phóng viên để xem xét độ hư thực của câu chuyện. Vượt qua những câu hỏi đó, sau một cuộc điện thoại, vị bác sỹ nọ kéo ra một chỗ khác nói chuyện với lý do: “Đến giờ trưa rồi, ra đây ngồi với anh, vừa đi vừa bàn chuyện”. Ra đến cửa, đã có một thanh niên khác ngồi trên xe máy chờ sẵn, phóng viên lên xe đi cùng cả hai người ra một quán bia hơi, cách bệnh viện chừng 6km.
Vừa đi, vị bác sỹ kia vừa hỏi: “Thế em làm nghề gì?” – “dạ em làm ở ngân hàng”. “Em sinh năm bao nhiêu?”. Tại thời điểm này, để tránh việc đối tượng thu thập thông tin cá nhân, xong kiểm tra bằng việc xem căn cước công dân để so sánh, phóng viên đã khai thật hoàn toàn theo đúng căn cước công dân của mình: “Dạ 1988. Quê em ở đâu? Em làm ở đâu? Em đi gì xuống đây?”…
Và một loạt câu hỏi khác đã được đưa ra. Sau đó, vị bác sỹ kia hỏi lý do: “ Sao biết mà lên đây tìm”… Một câu chuyện dài nữa đã được kể. Không nằm ngoài dự đoán, khi đến một quán bia, đối tượng đã đòi cho kiểm tra điện thoại xem có ghi âm, ghi hình không và đòi xem căn cước công dân để so sánh với những gì mình được nghe. Thấy đúng với những gì đã nói, đối tượng đã hoàn toàn tin tưởng.
Video đang HOT
Vị bác sỹ nọ dặn dò: “Cách làm việc của anh là thế, đã gặp anh là phải tắt hết điện thoại. Khi anh gọi điện cho em, anh không nói nhiều, chỉ nói lên đây chơi với anh là em phải hiểu ý là lên bệnh viện gặp anh. Không được hỏi lại và nói dài dòng trên điện thoại. Nếu tối anh gọi thì hôm sau phải dẫn em em và mẹ nó lên gặp anh. Khi đi, nhớ mang theo tiền…”.
Phóng viên hỏi, “thế là nhập viện luôn hả anh?”. Đối tượng trả lời: “Tất nhiên, khi anh đã gọi như vậy là được việc thì anh mới gọi”. Đối tượng còn không quên dặn dò: “Tuyệt đối không được nói chuyện với ai, chỉ có em, cô em và em của em biết. Ngoài ra thì không còn người nào biết, kể cả bạn em, người đã hướng dẫn em lên đây, hay hàng xóm của nhà cô em cũng vậy…”.
Với lý do “Ngân hàng em cấm nhân viên uống bia rượu buổi trưa nên em chỉ uống một cốc rồi xin phép đi về để kịp giờ làm buổi chiều”, bác sỹ Th đồng ý. Khi được hỏi, nếu chạy vậy thì hết bao nhiều tiền, thì bác sỹ Th nói: “Em cứ bảo nhà chuẩn bị từ 30 đến 50 triệu đồng, sau đó như nào anh hướng dẫn sau”…
Lúc này, tại hiệu tân dược phía đối diện cổng phụ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nhà báo Đào Minh Khoa cũng đã được vị nữ “Trưởng khoa” hướng dẫn về xin giấy giới thiệu của địa phương, rồi đưa người nhà lên đây. Nhà báo Đào Minh Khoa cũng hỏi: “Nếu không đưa bệnh nhân lên viện thì có được không?”, “Cũng được, nhưng nếu có bệnh nhân thì sẽ khác, không có bệnh nhân thì phải khác…”?
Sau 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi quay về. Bác sỹ Th đã gọi lại cho phóng viên, rồi hướng dẫn rằng: “Em bảo cô em ra chính quyền địa phương xin một giấy giới thiệu đi khám bệnh tại Bệnh viện tâm thần, cụ thể ghi như nào thì bảo cô em gọi điện trực tiếp cho anh, anh sẽ hướng dẫn ghi…”.
Để đảm bảo yêu cầu các quy định về nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp báo chí chúng tôi chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện tượng, qua đó, để các cơ quan chức năng nắm được tình hình, kịp thời có giải pháp khắc phục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi mua bán BATT.
Với những bằng chứng trên, chúng tôi nhận thấy, quy trình công tác khám chữa bệnh tâm thần, giám định bệnh tâm thần đang có vấn đề rất lớn. Và với việc cấp BATT một cách dễ dàng như nêu trên sẽ còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, chứ không chỉ nằm ở việc thất thoát tiền của của Nhà nước. Hệ lụy của những BATT và giải pháp sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin tại kỳ cuối.
Không chỉ có các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, ma túy đã dùng bệnh án tâm thần để đối phó với cơ quan tố tụng, mà nguy hiểm hơn, các bị can, bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn cũng đã biết và sử dụng “thủ đoạn” này như một tấm phao cứu sinh.
Khi đi thực tế tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chúng tôi được biết, đối tượng Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng xảy ra tại nhiều ngân hàng cũng đã nhập viện này để điều trị bệnh tâm thần 2 ngày trước khi bị bắt.
Nghi vấn đặt ra, nếu Công an chỉ trễ khoảng vài ngày nữa, Trầm Bê sẽ có bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Có lẽ “bài học” từ các vụ án của các đối tượng hình sự, ma túy cũng đã cho Trầm Bê biết phải làm gì với bệnh án tâm thần.
Theo Minh Khoa – Trần Xuân
Công an nhân dân
Bệnh án tâm thần - "bùa hộ mệnh" và những đường dây "ma" (kỳ cuối)
Trước thực trạng có nhiều người khỏe mạnh, cuộc sống sinh hoạt bình thường mà vẫn có bệnh án tâm thần, thì việc các chủ doanh nghiệp lợi dụng vào chính sách của Nhà nước để hưởng lợi có khả năng xảy ra rất cao...
Kỳ cuối: Những hệ lụy và kiến nghị giải pháp "bịt lỗ hổng"
Có bệnh án tâm thần sẽ hưởng lợi gì
Về hệ lụy mang tính dân sự, trên thực tế đã diễn ra tại Hải Dương vào năm 2015, vì thế chúng ta không thể không nhắc đến trường hợp những cán bộ muốn sinh con thứ 3, họ sẽ đến "mua" BATT tại các bệnh viện tâm thần cho con thứ nhất hoặc con thứ hai của họ. Tuy vi phạm về Luật Dân số 2016, nhưng các trường hợp này sẽ không bị xử lý nếu con thứ nhất và con thứ 2 của họ mắc phải một trong 158 loại dị tật, bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền theo Thông tư số 3/2014/TT-BYT ngày 20-1-2014.
Hệ lụy tiếp theo về phần dân sự chúng ta cũng không thể loại trừ, đó là theo Nghị định 28 của chính phủ, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức nào tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; sẽ được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH.
Trước thực trạng có nhiều người khỏe mạnh, cuộc sống sinh hoạt bình thường mà vẫn có BATT ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình hoặc ở tỉnh Nam Định như đã nêu, thì việc các chủ doanh nghiệp lợi dụng vào chính sách này của Nhà nước để hưởng lợi có khả năng xảy ra rất cao...
Hệ lụy đối với cơ quan tố tụng
Khi thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi mới thấu hiểu hơn những khó khăn, vất vả của những điều tra viên. Nếu các đối tượng có BATT, các đối tượng sẽ không chịu hợp tác, không khai báo hành vi phạm tội của mình và đồng phạm mà giả tái phát bệnh tâm thần, kéo dài thời gian cho các đối tượng khác bỏ trốn ra nước ngoài hoặc thông cung, tiêu hủy chứng cứ, tài liệu, tẩu tán tài sản.
Nếu đưa các đối tượng này đi trưng cầu giám định, thì Cơ quan Công an sẽ khó có thể khai thác thông tin kịp thời, không truy bắt được các đối tượng đồng phạm nếu chúng bỏ trốn và không thu hồi kịp thời tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, hình sự, ma túy lớn.
Có một thực trạng đang diễn ra, đó là khi các đối tượng sử dụng ma túy đá sau 7 ngày sẽ dẫn tới ảo giác, loạn thần. Khi đó, các đối tượng sẽ được đưa vào các trung tâm cai nghiện, nhưng các trung tâm này lại không tiếp nhận mà giới thiệu sang bệnh viện tâm thần để điều trị, do không đủ điều kiện. Sau 7 đến 10 ngày điều trị nội trú tại bệnh viện tâm thần, các đối tượng nghiện ma túy nghiễm nhiên sẽ có BATT.
Nhà báo Minh Khoa trao đổi với Phó Giám đốc Viện Pháp y tâm thần Trung ương Dương Văn Lương.
Nếu các đối tượng này gây án trong tương lai, trong quá trình điều tra mà các đối tượng lại có biểu hiện "nhìn lên trần nhà và hát" thì cơ quan tố tụng sẽ buộc phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với những đối tượng này. Gây hậu quả rất tốn kém cho cơ quan trưng cầu, vì phí mỗi trường hợp trưng cầu giám định tâm thần sẽ mất trung bình khoảng từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Như vậy, với số lượng người có BATT quá lớn, thì tương lai, Nhà nước sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn cho công tác trưng cầu giám định tư pháp.
Đó còn chưa nhắc đến việc, các đối tượng đợi đến khi sắp hết thời hạn điều tra mới xuất trình BATT, có trường hợp còn đợi đến khi kết thúc điều tra đến giai đoạn truy tố, xét xử mới xuất trình BATT. Điều này sẽ dẫn đến việc Tòa án, Viện Kiểm sát sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trưng cầu giám định, vụ án bị kéo dài, thời gian điều tra án kéo dài.
Theo Phó Chánh án TAND Hà Nội Trương Việt Toàn cho biết, từ năm 2013 đến nay, Tòa án Hà Nội đã tiếp nhận xét xử tổng số 14 vụ án có liên quan đến bị cáo "giắt" bên mình BATT. Nhưng đến nay mới kết thúc xét xử được 5 vụ án, còn 9 vụ chưa thể xét xử vì cứ khi đến phần tranh tụng các bị cáo lại hát, kêu gào, gây mất trật tự, không trả lời...
Điển hình như vụ việc của bị cáo Nguyễn Thị Tốt (trú tại Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội). Ngày 30-8-2011, Cơ quan Công an bắt quả tang Tốt đang tàng trữ 6 gói heroin. Đến ngày 16-12-2011, Viện KSND TP Hà Nội ra cáo trạng truy tố Tốt về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tòa án đã nhiều lần đưa vụ án này ra xét xử, nhưng bị cáo Tốt luôn la hét, không khai báo, gây khó khăn cho công tác xét hỏi.
Do vậy, cơ quan Tố tụng đã trưng cầu giám định tâm thần cho bị cáo. Kết luận trưng cầu giám định cho kết quả, bị cáo Tốt bị hạn chế năng lực hành vi nên Tòa đã phải tạm đình chỉ, đồng thời quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với Tốt. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Tốt đã bỏ trốn, đến nay không rõ đi đâu. Và đương nhiên, khi Tòa chưa tuyên án thì Tốt vẫn là một người chưa có tội. Vì thế, Cơ quan Công an cũng không thể áp dụng các biện pháp tố tụng đối với Tốt, mặc dù việc Tốt bỏ trốn là sự thật hiển nhiên.
Cơ quan Công an sẽ phải gánh thêm trách nhiệm
Cứ mỗi trường hợp các bị can, bị cáo xuất trình BATT hoặc có biểu hiện tâm thần trong quá trình điều tra, thì Cơ quan Công an sẽ phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần nếu có nghi ngờ để đảm bảo tính khách quan của vụ án theo đúng luật định. Thế nhưng, việc làm này lại gây khó khăn rất lớn cho cơ quan Công an.
Theo Phó Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Dương Văn Lương cho biết, kết quả giám định pháp y tâm thần có chuẩn xác hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác thu thập chứng cứ, tài liệu, hồ sơ thông tin về con người cần trưng cầu. Nếu công tác này không được đảm bảo sẽ dẫn tới kết luận thiếu chính xác. Trong khi, kết luận giám định là văn bản tố tụng rất quan trọng, ảnh hưởng tới việc kết luận một người có hành vi phạm tội hay không, mức độ nghiêm trọng như thế nào, dễ dẫn đến công tác xử lý đúng người, đúng tội không được đảm bảo.
Thượng tá Trần Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, công tác thu thập chứng cứ, tài liệu, hồ sơ thông tin về đối tượng có BATT là rất vất vả, kéo dài, bởi lực lượng Công an phải xác minh lịch sử bản thân của đối tượng từ bạn bè, người thân, chính quyền, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục... Và thường, người thân của đối tượng rất ít hợp tác, nói không chính xác về bệnh tình của đối tượng; còn cơ quan chính quyền địa phương và cơ sở y tế lại tốn rất nhiều thời gian để tìm hồ sơ về đối tượng, do công tác lưu trữ hồ sơ còn gặp nhiều hạn chế.
Chưa kể đến việc, cơ quan trưng cầu giám định phải bố trí cán bộ Công an ứng trực 24/24h để trông giữ đối tượng trong thời gian trưng cầu giám định pháp y. Như vậy, nếu không làm kỹ lưỡng công tác thu thập hồ sơ ban đầu để cung cấp cho Cơ quan giám định pháp y tâm thần, sẽ rất dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Do đó, công tác thu thập thông tin cần phải làm đầy đủ, tỷ mỷ, chính xác. Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng; và quản lý chặt việc viết giấy giới thiệu để các đối tượng lợi dụng đi khám tâm thần một cách dễ dàng.
Còn theo một Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ cao cấp về bệnh tâm thần cho biết, trong bệnh tâm thần chúng ta không thể khẳng định chuẩn xác 100% ai có bệnh, ai không có bệnh, bệnh nặng hay bệnh nhẹ, thời điểm gây án có bị phát tâm thần hay không hay là giả tâm thần thì chỉ họ mới biết, bởi bệnh tâm thần thì không có máy móc y tế nào có thể đong đo được một cách chính xác tuyệt đối. Người bệnh và người nhà bệnh nhân thì luôn khai với bác sỹ theo các triệu chứng của bệnh tâm thần (có thể đọc rất cụ thể trên mạng và làm theo).
Trong khi, công tác kiểm tra bằng thuốc đối với các trường hợp bệnh nhân tâm thần, có trường hợp điều trị đã xảy ra nhờn thuốc nên không xác định được chính xác người đó có bệnh tâm thần hay không. Do đó, số trường hợp phải giám định lại và giám định lần 2 vẫn tăng cao; việc yêu cầu cơ quan giám định giải thích kết luận giám định và việc mời giám định viên tham gia phiên tòa gia tăng, thậm chí có trường hợp Tòa án mời giám định viên tham gia 5-7 lượt trong một vụ án.
Vì thế, cơ quan Công an phải cung cấp chuẩn xác thông tin hồ sơ về bệnh tâm thần của đối tượng thì mới đảm bảo được công tác giám định. Hơn nữa, khi các bệnh nhân nhập viện tâm thần vào các buổi đêm để cấp cứu, phía bệnh viện cũng không thể khước từ, do vậy phải nhập viện để cấp cứu cho họ. Lợi dụng việc nhập viện này, các bị can, bị cáo hoặc người có ý đồ xấu có thể nhập viện tâm thần mà cơ sở y tế không thể kiểm tra được. Cá biệt, có trường hợp người muốn lấy BATT còn đánh tráo người bị tâm thần thật vào viện điều trị nhưng lấy tên là của người cần lấy BATT giả. Các cơ sở y tế cũng không thể kiểm tra được nhân thân, mục đích của người muốn lấy BATT, mà phụ thuộc hoàn toàn vào lời khai, lịch sử bệnh của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Điều này dễ dẫn đến việc BATT trở thành phao cứu sinh cho các bị can, bị cáo, người có mục đích không chính đáng.
Qua vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện tuyến địa phương, hành vi của các đối tượng phạm tội không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành nhưng vẫn trốn tránh được việc xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật.
Ngành y tế phải thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thanh tra, giám sát định kỳ cũng như đột xuất trong và ngoài bệnh viện; thành lập đoàn kiểm tra chéo giữa các bệnh viện với nhau để đảm bảo sự chính xác của công tác chuyên môn. Làm giả BATT là tiếp tay cho tội phạm hình sự và phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Luật Giám định tư pháp cần có quy định rõ ràng hơn
Luật Giám định tư pháp còn bộc lộ nhiều thiếu sót, hạn chế, cần sớm được khắc phục như: Quy định thế nào là có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định; giám định lại bao nhiêu lần thì không được yêu cầu giám định lại nữa; kết quả giám định nào để các cơ quan tiến hành tố tụng làm căn cứ để điều tra, truy tố, xét xử nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự... Những vấn đề trên đang rất cần sự hướng dẫn thống nhất chung của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ví dụ, do Luật Giám định tư pháp, Luật Tố tụng hình sự đều chưa quy định về giới hạn và thời hạn giám định, nên trong thực tế có nhiều trường hợp cơ quan trưng cầu giám định phải chờ đợi rất lâu. Trong khi thời hạn điều tra, truy tố được quy định cụ thể theo từng loại tội phạm và mức án, dẫn đến nhiều trường hợp Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát vi phạm thời hạn Luật Tố tụng hình sự quy định và việc giải quyết vụ án bị kéo dài do phải chờ kết luận giám định. Thậm chí hết thời hạn điều tra, quá thời gian phải xem xét khởi tố theo luật định nhưng vẫn chưa có kết quả giám định, dẫn đến việc cơ quan tố tụng không thể ban hành các quyết định tố tụng khác để giải quyết vụ án được.
Đối với từng vụ việc cụ thể, quy định về thủ tục, hồ sơ trưng cầu giám định chưa thống nhất giữa Cơ quan giám định tâm thần với các Cơ quan trưng cầu giám định, dẫn đến việc Cơ quan giám định trả hồ sơ, yêu cầu bổ sung tài liệu nhiều lần mới tiếp nhận bị can để giám định, trong khi thời hạn điều tra sắp kết thúc.
Đây là trở ngại riêng đối với hoạt động tố tụng hình sự, đôi khi gây bức xúc và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tố tụng, cá biệt có những trường hợp tạo ra sự tiêu cực trong hoạt động giám định vì hoạt động điều tra đòi hỏi sự nhanh chóng, kịp thời trong khi thời gian tiến hành giám định lại không rõ ràng.
M. Khoa - Tr.Xuân
Theo cand
Hà Nội: Thu giữ gần 200kg vật phẩm nghi ngà voi Tại nhà hai đối tượng Nguyễn Hữu Tiễn và Lê Chí Thuận, cảnh sát thu giữ 179 kg vật phẩm đang chế tác nghi là ngà voi. Sáng 17/8, Đội 2 - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng mua...