Bệnh án tâm thần – “bùa hộ mệnh” và những đường dây “ma”
Từ các vụ việc nêu tại các kỳ trước, cuối tháng 7-2018, phóng viên Báo CAND đã về Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội) để ghi nhận về tình hình xoay quanh Bệnh viện này. Mặc dù, vị bác sỹ và kỹ thuật viên trưởng Khoa dinh dưỡng của bệnh viện mới bị bắt giữ, thế nhưng, các đối tượng “cò mồi bệnh án” vẫn ngang nhiên hoạt động như chưa hề có việc gì xảy ra.
Kỳ 4: Xâm nhập những đường dây “ma”
Cách cổng bệnh viện 50m, nhà báo Đào Minh Khoa, người đã 75 tuổi, vào vai một cụ ông từ Hà Nam lang thang gần khu bệnh viện, thì lập tức được một số người lái xe taxi, xe ôm tại quán cắt tóc gần đó gọi hỏi: “Bác đi đâu?”.
Nhà báo trả lời: “Tôi lên bệnh viện, định hỏi việc cho đứa cháu, mà chẳng quen biết ai cả”. Số người nêu trên cười nói: “Chắc bác đi hỏi mua bệnh án tâm thần chứ gì? Cứ về phía cổng bệnh viện mà hỏi”. Nhà báo tiến vào quán nước của một người đàn bà tên S ngay trước cổng bệnh viện.
Sau một hồi làm quen, người đàn bà này đã nhanh chóng hiểu chuyện, vừa chỉ tay sang phía bên kia đường vừa hướng dẫn: “Ông sang quầy thuốc tân dược bên kia, hỏi cô V, cô ấy là trưởng khoa, việc gì cũng giải quyết cho ông được”.
“Cò” S đang hướng dẫn nhà báo tiếp cận cửa để có bệnh án tâm thần.
Ngồi chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, phóng viên lập tức tỏ vẻ vui mừng với bà S như vừa gặp được quý nhân, kéo xích ghế lại gần hỏi nhỏ bà S: “May quá, cháu gặp được bà. Chẳng giấu gì bà, cháu từ Nam Định lên, đang tìm “cửa mua” bệnh án tâm thần (BATT) cho đứa em mà không biết hỏi ai”.
Bà S gần như rất chuyên nghiệp, không nói nhiều, bà vào luôn vấn đề: “Em mày định làm gì với bệnh án đó?”. Và một câu chuyện với nội dung “cháu có đưa em, trẻ người non dạ, tuần trước vừa đánh nhau với một đứa, giờ thằng kia nằm tại bệnh viện ở quê; bác sỹ đang bảo nằm theo dõi chấn thương sọ não”.
Được nhà báo cung cấp, bà S tỏ vẻ rất am hiểu về luật pháp: “Thế đã bị Công an bắt chưa?” – “dạ chưa ạ”; “Nó đang ở nhà à?” – “dạ vâng”; “Nó bao nhiều tuổi?” – “dạ 22 bà ạ” – “Thế thì trẻ quá”; “Nếu mày mà không làm trước thì khéo nó còn đi giám định trước em mày”; “Lên đây là đúng cửa rồi, thế đã gặp nhờ ai chưa?”.
Bà S trầm ngâm một chốc lát rồi nói tiếp: “Mày ngồi đây để bà gọi điện cho bác sỹ nó ra”. Sau khoảng 5 phút, một thanh niên đi ra từ cổng, không vào quán nước mà đứng phía dưới đường. Bà S liền bảo: “Đi theo anh kia, anh ấy là bác sỹ đó, sang nhà bà bên kia đường gặp rồi trình bày với anh ấy”.
Bước vào căn nhà, có một người phụ nữ (con của bà S) đang nấu ăn, người thanh niên chừng 38 tuổi tỏ ra rất thân quen, chỉ phóng viên ngồi vào bàn uống nước. Vừa ngồi xuống, anh ta hỏi nhà báo “thế em có việc gì?”.
Video đang HOT
Phóng viên trình bày lại câu chuyện đang muốn “chạy” cho thằng cu em có bệnh án tâm thần để tránh bị truy tố. Chàng thanh niên xưng tên Th, nói mình là bác sỹ của bệnh viện X, rồi nói “em tắt hết điện thoại đi”, phóng viên liền tắt điện thoại, để trên bàn uống nước để tránh sự ngờ vực từ vị bác sỹ nọ…
…Sau khi tắt điện thoại, vị bác sỹ nọ liên tục hỏi về hoàn cảnh gây án, hoàn cảnh gia đình của nhân vật. Vị bác sỹ nọ cũng không quên việc nhìn thẳng vào mắt phóng viên để xem xét độ hư thực của câu chuyện. Vượt qua những câu hỏi đó, sau một cuộc điện thoại, vị bác sỹ nọ kéo ra một chỗ khác nói chuyện với lý do: “Đến giờ trưa rồi, ra đây ngồi với anh, vừa đi vừa bàn chuyện”. Ra đến cửa, đã có một thanh niên khác ngồi trên xe máy chờ sẵn, phóng viên lên xe đi cùng cả hai người ra một quán bia hơi, cách bệnh viện chừng 6km.
Vừa đi, vị bác sỹ kia vừa hỏi: “Thế em làm nghề gì?” – “dạ em làm ở ngân hàng”. “Em sinh năm bao nhiêu?”. Tại thời điểm này, để tránh việc đối tượng thu thập thông tin cá nhân, xong kiểm tra bằng việc xem căn cước công dân để so sánh, phóng viên đã khai thật hoàn toàn theo đúng căn cước công dân của mình: “Dạ 1988. Quê em ở đâu? Em làm ở đâu? Em đi gì xuống đây?”…
Và một loạt câu hỏi khác đã được đưa ra. Sau đó, vị bác sỹ kia hỏi lý do: “ Sao biết mà lên đây tìm”… Một câu chuyện dài nữa đã được kể. Không nằm ngoài dự đoán, khi đến một quán bia, đối tượng đã đòi cho kiểm tra điện thoại xem có ghi âm, ghi hình không và đòi xem căn cước công dân để so sánh với những gì mình được nghe. Thấy đúng với những gì đã nói, đối tượng đã hoàn toàn tin tưởng.
Vị bác sỹ nọ dặn dò: “Cách làm việc của anh là thế, đã gặp anh là phải tắt hết điện thoại. Khi anh gọi điện cho em, anh không nói nhiều, chỉ nói lên đây chơi với anh là em phải hiểu ý là lên bệnh viện gặp anh. Không được hỏi lại và nói dài dòng trên điện thoại. Nếu tối anh gọi thì hôm sau phải dẫn em em và mẹ nó lên gặp anh. Khi đi, nhớ mang theo tiền…”.
Phóng viên hỏi, “thế là nhập viện luôn hả anh?”. Đối tượng trả lời: “Tất nhiên, khi anh đã gọi như vậy là được việc thì anh mới gọi”. Đối tượng còn không quên dặn dò: “Tuyệt đối không được nói chuyện với ai, chỉ có em, cô em và em của em biết. Ngoài ra thì không còn người nào biết, kể cả bạn em, người đã hướng dẫn em lên đây, hay hàng xóm của nhà cô em cũng vậy…”.
Với lý do “Ngân hàng em cấm nhân viên uống bia rượu buổi trưa nên em chỉ uống một cốc rồi xin phép đi về để kịp giờ làm buổi chiều”, bác sỹ Th đồng ý. Khi được hỏi, nếu chạy vậy thì hết bao nhiều tiền, thì bác sỹ Th nói: “Em cứ bảo nhà chuẩn bị từ 30 đến 50 triệu đồng, sau đó như nào anh hướng dẫn sau”…
Lúc này, tại hiệu tân dược phía đối diện cổng phụ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nhà báo Đào Minh Khoa cũng đã được vị nữ “Trưởng khoa” hướng dẫn về xin giấy giới thiệu của địa phương, rồi đưa người nhà lên đây. Nhà báo Đào Minh Khoa cũng hỏi: “Nếu không đưa bệnh nhân lên viện thì có được không?”, “Cũng được, nhưng nếu có bệnh nhân thì sẽ khác, không có bệnh nhân thì phải khác…”?
Sau 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi quay về. Bác sỹ Th đã gọi lại cho phóng viên, rồi hướng dẫn rằng: “Em bảo cô em ra chính quyền địa phương xin một giấy giới thiệu đi khám bệnh tại Bệnh viện tâm thần, cụ thể ghi như nào thì bảo cô em gọi điện trực tiếp cho anh, anh sẽ hướng dẫn ghi…”.
Để đảm bảo yêu cầu các quy định về nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp báo chí chúng tôi chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện tượng, qua đó, để các cơ quan chức năng nắm được tình hình, kịp thời có giải pháp khắc phục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi mua bán BATT.
Với những bằng chứng trên, chúng tôi nhận thấy, quy trình công tác khám chữa bệnh tâm thần, giám định bệnh tâm thần đang có vấn đề rất lớn. Và với việc cấp BATT một cách dễ dàng như nêu trên sẽ còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, chứ không chỉ nằm ở việc thất thoát tiền của của Nhà nước. Hệ lụy của những BATT và giải pháp sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin tại kỳ cuối.
Không chỉ có các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, ma túy đã dùng bệnh án tâm thần để đối phó với cơ quan tố tụng, mà nguy hiểm hơn, các bị can, bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn cũng đã biết và sử dụng “thủ đoạn” này như một tấm phao cứu sinh. Khi đi thực tế tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chúng tôi được biết, đối tượng Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng xảy ra tại nhiều ngân hàng cũng đã nhập viện này để điều trị bệnh tâm thần 2 ngày trước khi bị bắt. Nghi vấn đặt ra, nếu Công an chỉ trễ khoảng vài ngày nữa, Trầm Bê sẽ có bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Có lẽ “bài học” từ các vụ án của các đối tượng hình sự, ma túy cũng đã cho Trầm Bê biết phải làm gì với bệnh án tâm thần.
Minh Khoa – Trần Xuân
Theo cand
Đạo đức ở đâu khi bác sĩ cấp khống bệnh án tâm thần!
Bất kể nghề nghiệp nào cũng cần có đạo đức, đặc biệt nghề y liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người.
ảnh minh họa
Từ việc một đối tượng cộm cán ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã xuất trình bệnh án "tâm thần phân liệt thể hoang tưởng" sau khi bị bắt do gây án, công an thành phố Hà Nội đã phát hiện ra đường dây bác sĩ "chạy" bệnh án tâm thần cho tội phạm.
Qua điều tra xác định, đối tượng này đã chi 85 triệu đồng để có được bệnh án tâm thần, nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Từ đây, cơ quan công an đã phát hiện 78 hồ sơ bệnh án tâm thần giả được cấp khống, trong đó có 41 bệnh án của các đối tượng hình sự cộm cán.
Hai cán bộ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng đã bị bắt từ giữa tháng 6 vừa qua để điều tra. Vậy có hay không lỗ hổng lớn trong giám định tâm thần? Đạo đức nghề nghiệp ở đâu khi bác sĩ làm giả hồ sơ bệnh án như vậy?
Quy trình chẩn đoán, giám định bệnh nhân tâm thần được quy định rất chặt chẽ tại Thông tư 18/2015 của Bộ Y tế.
Theo đó, mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có 3 giám định viên, chưa kể 2 điều dưỡng.
Trường hợp phức tạp có thể có 5 giám định viên, cá biệt có trường hợp có thể lên tới 9 giám định.
Các trang thiết bị sử dụng để giám định ngoài các dụng cụ, phương tiện y tế còn phải có máy chụp ảnh, máy ghi âm, camera theo dõi... Tuy nhiên, trên thực tế, quy trình làm hồ sơ bệnh án tại bệnh viện tâm thần lại bộc lộ những lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát từng hồ sơ.
Ông La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, theo quy định, hồ sơ bệnh án phải có chữ kí của lãnh đạo bệnh viện, nhưng lãnh đạo không thể biết được bác sĩ có làm khống hồ sơ không.
"Thực ra người đứng đầu bệnh viện có trách nhiệm ban hành văn bản, tăng cường kiểm tra giám sát định kỳ. Việc giám đốc kí vào bệnh án không phải để chịu trách nhiệm về bệnh nhân mà là để xác nhận bệnh án của bệnh viện, xác nhận bác sĩ này của bệnh viện, chứ không phải chịu nội dung bệnh án đó, vì lãnh đạo bệnh viện có trực tiếp điều trị bệnh nhân đâu mà chịu trách nhiệm về bệnh nhân. Nếu ông giám đốc vừa ký bệnh án, vừa khám và chịu trách nhiệm thì chỉ ký được hồ sơ bệnh án của 6 bệnh nhân thôi, tương đương với bệnh viện tôi phải có 200 ông giám đốc mới làm được".
Ông La Đức Cương cũng cho biết, thời còn làm giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, ông từng đưa ra quy định phải in ảnh của bệnh nhân vào hồ sơ nhập viện để tránh tình trạng làm giả, làm khống bệnh án nhưng có lúc cũng gặp khó khăn do bệnh nhân tâm thần không hợp tác, không cho chụp ảnh; chưa kể quy định này vẫn có kẽ hở khi y, bác sĩ chuẩn bị sẵn ảnh của đối tượng để in vào hồ sơ...
Ông Cương cho rằng, một khi các y, bác sĩ đã câu kết với nhau để làm khống hồ sơ bệnh án như vụ việc được phát hiện mới đây thì lãnh đạo bệnh viện khó có thể biết được: "Cơ bản phải nhận thức của mỗi người còn chúng tôi quán triệt nhiều lần rồi. Phải có đạo đứng nghề nghiệp, tức là phải nâng cao y đức, chứ nếu không thì cũng chẳng khác nào tham nhũng, có quy định nhưng vẫn có thể tìm mọi cách để tham nhũng...".
Không có bệnh nhân nhập viện nhưng vẫn có bệnh án. Làm khống hồ sơ bệnh án tâm thần giúp tội phạm là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, có thể tiếp tay cho những kẻ giết người hàng loạt thoát sự khỏi truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, kết luận giám định pháp y tâm thần là chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo luật sư Hoàng Minh Hiển, Văn phòng luật sư HHM Việt Nam tại Hà Nội thì qua vụ việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho thấy, lỗ hổng lớn nhất là quản lý con người: "Tôi cho rằng có lỗ hổng về quản lý nhân sự. Yếu tố con người là quan trọng nhất trong lĩnh vực chuyên môn. Mặt khác, cần phải thực hiện quy trình làm hồ sơ bệnh án chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt phải tiến hành kiểm tra chéo giữa các bác sĩ, các khoa phòng".
Luật sư Hoàng Minh Hiển cũng cho biết, trong đường dây "chạy" bệnh án tâm thần, hành vi của cán bộ bệnh viện có thể bị khép vào tội nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, giả mạo trong công tác hoặc tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.
Mức hình phạt cao nhất có thể bị phạt tù tới 20 năm, thậm chí là tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng điều quan trọng hơn là cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có những biện pháp trước hành vi mua bán bệnh án tâm thần.
Luật sư Hoàng Minh Hiển nêu ý kiến: "Qua sự việc này, tôi rất mong và đề nghị mà đặc biệt các cơ quan tiến hành tố tụng khi có trường hợp người phạm tội có giấy chứng nhận/xác nhận hoặc bệnh án tâm thần cần trưng cầu giám định lại bởi một cơ quan chuyên môn nhưng không phải là cơ quan đã cấp giấy chứng nhận/xác nhận hay bệnh án tâm thần".
Trở lại với những biện pháp mà Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã áp dụng để tránh tình trạng cấp khống hồ sơ bệnh án tâm thần, đến bây giờ đã nghỉ hưu nhưng nguyên Giám đốc La Đức Cương vẫn trăn trở về việc cần phải in dấu vân tay của bệnh nhân vào hồ sơ bệnh án, thay vì in ảnh bệnh nhân vào hồ sơ.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ có thể phòng được người ngay, chứ không thể phòng được kẻ gian. Nếu chính những bác sĩ giám định pháp y tâm thần cố tình làm sai thì chỉ có thể phát hiện được khi tiến hành giám định lại. Chính vì vậy trong nghề y mới có 12 điều y đức, trong đó đòi hỏi người thầy thuốc phải thật thà, phải có lương tâm trách nhiệm cao...
Bất kể nghề nghiệp nào cũng cần có đạo đức, đặc biệt nghề y liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người khác thì bác sĩ không được phép "bán mình cho quỷ" được./.
Theo Văn Hải/VOV1
Làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần bị xử lý thế nào? Tùy cách thức, thủ đoạn làm giả mà cơ quan tố tụng xác định có hay không hành vi phạm tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ hay Làm giả con dấu tài liệu. Công an Hà Nội vừa thông tin về việc điều tra vụ án làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan...