Benfica – bậc thầy chuyển nhượng của châu Âu
Benfica chấp nhận từ bỏ mục tiêu cạnh tranh ngôi vương tại đấu trường châu lục để bán đi hàng loạt ngôi sao và thu về hơn 1 tỷ euro trong vòng 10 năm qua.
Không có CLB bóng đá nào trên thế giới đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật bán hàng như Benfica. Trong vòng 10 năm qua, gã khổng lồ Bồ Đào Nha đã bán 393 cầu thủ và thu về khoản phí chuyển nhượng hơn 1 tỷ euro. Không đội nào có được thành tích tốt hơn Benfica trong khoảng thời gian tương tự.
Họ cũng tích lũy được khoản lợi nhuận chuyển nhượng khoảng 577 triệu euro, đồng thời có 7 lần đăng quang tại giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha.
Benfica chỉ tập trung vào việc giành thành tích ở đấu trường quốc nội. Ảnh: Reuters.
Mô hình Benfica Campus
Benfica là một trong những lò sản xuất nhân tài hàng đầu thế giới, từ các sản phẩm của học viện như Joao Felix hay Bernardo Silva, cho đến nhiều bản hợp đồng được đầu tư thông minh để kiếm lời như Ederson Moraes hay Angel Di Maria.
Nếu tất cả cầu thủ này ở lại, Benfica sẽ trở thành ứng viên tiềm năng cho ngôi vô địch Champions League. Song, tiềm lực tài chính khổng lồ của các đội bóng đến từ 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu khiến mục tiêu này của họ trở nên bất khả thi.
Những người cầm quyền tại sân Estadio da Luz hiểu rõ điều này. Vì vậy, Benfica được vận hành theo một mô hình với mục đích rõ ràng. Đội bóng Bồ Đào Nha tìm kiếm những tài năng trẻ tốt nhất, nuôi dưỡng và phát triển họ đến một thời điểm thích hợp, bán cho CLB trả giá cao nhất trước khi lặp lại quy trình này lần nữa.
Sự thành công của mô hình này đã được kiểm chứng bằng những con số và chưa có dấu hiệu chững lại.
Trong cuộc phỏng vấn với Goal , huyền thoại Nuno Gomes của Benfica tiết lộ: “Ở một thời điểm nào đó, thật không dễ dàng để cạnh tranh với một số CLB khác từ châu Âu. Bạn phải bán cầu thủ của mình, với tiềm lực tài chính mà họ có bên cạnh những lời đề nghị khó có thể chối từ”.
Ông cho rằng với mô hình của Benfica hiện tại, nếu giữ lại những cầu thủ đã ra đi trong 10 năm qua, đội bóng có thể cạnh tranh sòng phẳng tại Champions League. Tuy nhiên, người hâm mộ đội chủ sân Estadio da Luiz hiểu việc CLB không thể từ chối những lời đề nghị mang về khoản tiền kếch xù.
Với hơn 100 bàn thắng ghi được, Gomes có 2 lần cùng Benfica đăng quang tại giải vô địch quốc gia khi còn là cầu thủ. Sau khi giải nghệ, ông dành 3 năm làm công tác quản lý cho học viện trong giai đoạn 2015-2018. Gomes hiểu rõ cách thức vận hành để giúp CLB duy trì sự thành công ở đấu trường quốc nội khi mục tiêu châu lục trở nên xa vời.
“Khi học viện được xây dựng, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là có cơ sở vật chất tốt nhất để phát triển cầu thủ phục vụ đội một. Song, tất nhiên CLB không thể chỉ có 7-8 sân vận động với cơ sở hạ tầng tốt mà không có một bộ phận tuyển trạch chất lượng. Benfica đã cải thiện rất nhiều trong khâu tuyển dụng nhân tài”, Gomes chia sẻ.
Video đang HOT
Mô hình Benfica Campus, nơi ươm mầm những tài năng trẻ của Benfica. Ảnh: Getty Images.
Ông nói thêm: “Họ bắt đầu xây dựng mô hình tìm kiếm tài năng từ rất sớm, sau đó mời những HLV giỏi để phát triển những tài năng đó. Sự kết hợp giữa các yếu tố này giúp những cầu thủ trẻ cảm thấy CLB như gia đình của họ”.
Các đội bóng lớn tại châu Âu đang hưởng lợi từ Benfica Campus, trung tâm đào tạo trẻ của đại diện Bồ Đào Nha. Năm 2015 và 2019, Benfica Campus đã nhận danh hiệu Học viện tốt nhất do Globe Soccer bầu chọn.
Man City hiện có Bernardo Silva, Ruben Dias và Joao Cancelo, những người từng thi đấu cho Benfica và nhiều khả năng sẽ nâng cao cúp bạc Premier League. Trong khi đó, Joao Felix, cầu thủ mang về cho đội chủ sân Estadio da Luz 127,2 triệu euro hè 2019, đã ghi 9 bàn và có 5 pha kiến tạo sau 27 trận cho Atletico Madrid mùa này.
Benfica còn là nơi nuôi dưỡng tài năng của Victor Lindelof, người hiện khoác áo Man Utd, Goncalo Guedes của Valencia, Danilo Pereira đang đầu quân cho PSG hay Renato Sanches, người gây ấn tượng trong màu áo Lille sau khi thất bại tại Bayern Munich.
Gomes cho biết: “Benfica tìm kiếm tài năng trên toàn thế giới, nhưng chủ yếu vẫn là những cầu thủ Bồ Đào Nha bởi bạn không thể chiêu mộ cầu thủ nước ngoài nào cho đến khi họ bước sang tuổi 16. Trọng tâm ở những năm đầu là phát triển các cầu thủ nhí trong giai đoạn 7-9 tuổi cho đến khi lên đội một”.
Tấm gương đáng học hỏi
Giống như Benfica, trong 10 năm qua, Arsenal đã cam kết chi gần 60 triệu euro để đầu tư cơ sở vật chất cho học viện Hale End của họ. CLB đang thu lợi từ việc này và minh chứng rõ nét nhất là sự xuất hiện của những tài năng trẻ như Bukayo Saka hay Emile Smith Rowe.
Song, trong khi Benfica tỏ ra xuất sắc trong việc bán cầu thủ và tạo ra lợi nhuận, Arsenal lại thất bại thảm hại.
Trong 10 năm qua, “Pháo thủ” thu về khoảng 444 triệu euro từ việc bán cầu thủ, trong khi chi tới 934 triệu euro để chiêu mộ tân binh. Nếu đội chủ sân Emirates muốn hoạt động theo mô hình tự chủ bền vững, điều này còn quá xa so với lý tưởng của họ, nhất là khi đội bóng không có nguồn thu từ Champions League để dựa vào.
Arsenal có thể học hỏi từ Benfica việc bán cầu thủ đúng thời điểm.
Joao Felix là người mang về cho Benfica khoản lợi nhuận lớn nhất từ việc bán cầu thủ. Ảnh: Getty Images.
Kể từ năm 2012, “Pháo thủ” đã chi hơn 160 triệu euro để đưa về Alexis Sanchez, Mesut Oezil, Sokratis, Santi Cazorla và Shkodran Mustafi, nhưng tất cả đều rời sân Emirates mà không mang về cho CLB một xu nào.
Wojciech Szczesny, thủ thành số một của Juventus hiện tại, được bán cho “Bà đầm già” thành Turin với giá chỉ 11,5 triệu euro khi anh mới 27 tuổi, trong khi CLB cũng mất tài năng trẻ Serge Gnabry và chỉ thu về 5,7 triệu euro.
Mức phí chuyển nhượng cao nhất Arsenal nhận được trong khoảng thời gian này là trường hợp của Alex Oxlade-Chamberlain, khi Liverpool chi 40 triệu euro để đưa cầu thủ người Anh về sân Anfield hồi 2017.
Nếu Alex Iwobi tỏa sáng ở Everton và mang về cho Arsenal khoản tiền bổ sung, đội chủ sân Emirates có thể thu về 39 triệu euro từ thương vụ này. Đây là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang được cải thiện ở London, khi “Pháo thủ” có thể thu về khoản tiền lớn nhất từ một cái tên trưởng thành từ lò đào tạo Hale End.
Benfica cho thấy khoản tiền thu về từ việc bán cầu thủ của học viện đóng vai trò quan trọng thế nào với CLB. Arsenal hẳn sẽ nhẹ nhõm trước cuộc khủng hoảng tài chính vì dịch Covid-19 nếu họ chấp nhận chia tay Ainsley Maitland-Niles, Joe Willock hay Reiss Nelson. Số tiền nhận được từ việc bán những cầu thủ không còn nằm trong kế hoạch sẽ là chìa khóa để HLV Arteta và Giám đốc Kỹ thuật Edu cân đối thu chi trong những kỳ chuyển nhượng sắp tới.
“Điều quan trọng với một CLB là phải bán đủ để có khả năng mua những cầu thủ tốt. Tất nhiên, người hâm mộ Benfica muốn đội bóng được xây dựng từ các cầu thủ của học viện. Tôi cũng muốn họ dành nhiều năm cống hiến cho CLB trước khi rời đi. Tuy nhiên, luôn có một thời điểm xảy ra khi bạn biết mình buộc phải bán và đó là lựa chọn tốt nhất”, Gomes cho biết.
Với đội hình không có quá nhiều ngôi sao nổi bật, ngoại trừ Nicolas Otamendi và Jan Vertonghen từng nổi danh tại Premier League, Benfica vẫn cầm hòa Arsenal với tỷ số 1-1 ở trận lượt đi vòng 32 đội Europa League. Bất chấp việc thầy trò HLV Arteta có thể giành chiến thắng chung cuộc để giành vé vào vòng 16 đội, Arsenal vẫn có nhiều điều cần phải học từ đối thủ, đầu tiên là cách kinh doanh trên thị trường chuyển nhượng.
Benfica thu về hơn một tỷ euro nhờ bán cầu thủ trong 11 năm
Benfica thu về hơn một tỷ euro từ việc bán cầu thủ, nhưng dùng khoảng 480 triệu euro để chiêu mộ tân binh, qua đó có khoản lợi nhuận lớn trong 11 năm qua.
Mùa giải 2010/11: Benfica thu về 85,68 triệu euro từ việc bán những ngôi sao như Angel Di Maria, David Luiz và Ramires. Đội chủ sân Estadio da Luz tiêu 39,12 triệu euro và có được lợi nhuận 46,56 triệu euro từ việc chuyển nhượng.
Mùa giải 2011/12: Việc bán Fabio Coentrao cùng nhiều cầu thủ kém danh tiếng khác giúp Benfica thu về 41,19 triệu euro . Trong khi, CLB dùng 30,96 triệu euro để chiêu mộ những cầu thủ như Axel Witsel, Ezequiel Garay, Nemanja Matic, Enzo Perez... Đại diện Bồ Đào nha vẫn thu về khoản lợi nhuận 10,23 triệu euro ở mùa giải này.
Mùa giải 2012/13: Chỉ sau một năm chơi cho đội chủ sân Estadio da Luz, Witsel được bán sang Nga với mức giá gấp hơn 4 lần so với số tiền CLB bỏ ra để chiêu mộ anh. Benfica thu về 75,73 triệu euro từ việc bán cầu thủ, nhưng chỉ tiêu 32,06 triệu euro để mua 5 tân binh, trong đó có Victor Lindelof và thu về khoản lợi nhuận 43,67 triệu euro .
Mùa giải 2013/14: Đây là năm đầu tiên trong giai đoạn này Benfica báo lỗ từ việc mua bán cầu thủ. Đại diện Bồ Đào Nha lỗ 11,45 triệu euro sau khi tiêu 55,75 triệu euro để mua Pizzi, Lazar Markovic... Trong khi đó, CLB thu về 44,3 triệu euro , phần lớn đến từ thương vụ bán lại Matic cho Chelsea.
Mùa giải 2014/15: Tương tự như Witsel, Markovic được bán cho Liverpool chỉ sau một mùa. Benfica còn chia tay Perez, Jan Oblak, Bernardo Silva, Garay... để thu về tới 104,65 triệu euro . Họ dùng 38,65 triệu euro để chiêu mộ hơn 10 tân binh và thu về khoản lợi nhuận 66 triệu euro ở mùa giải này.
Mùa giải 2015/16: Benfica thu về 104,3 triệu euro từ việc bán nhiều ngôi sao như Rodrigo, Andre Gomes, Joao Cancelo... Họ tiêu 33,35 triệu euro , chủ yếu dùng để chiêu mộ Raul Jimenez và Luka Jovic. Khoản lợi nhuận đội bóng Bồ Đào Nha mang về từ thị trường chuyển nhượng mùa này là 68,95 triệu euro .
Mùa giải 2016/17: 43,77 triệu euro đã được Benfica bỏ ra để chiêu mộ nhiều cầu thủ nhưng phần lớn đều không có tên tuổi. Tuy nhiên, họ thu về tới 121,35 triệu euro từ việc bán ngôi sao, trong đó 3 cái tên nổi bật nhất là Renato Sanches, Goncalo Guedes và Nico Gaitan. Đội chủ sân Estadio da Luz thu về khoản lợi nhuận 77,58 triệu euro từ thị trường chuyển nhượng mùa này.
Mùa giải 2017/18: Việc bán các ngôi sao cho Man City, Barca hay Man Utd giúp Benfica thu về 137,2 triệu euro . Trong khi đó, họ chi 9,95 triệu euro để bổ sung tân binh và có được khoản lợi nhuận 127,5 triệu euro từ việc mua bán cầu thủ.
Mùa giải 2018/19: Benfica tiếp tục chi tiết kiệm trên thị trường chuyển nhượng khi dùng 27,21 triệu euro để mua cầu thủ. Song, kể cả khi không bán đi những ngôi sao nổi tiếng, đội chủ sân Estadio da Luz vẫn thu về 73,28 triệu euro , qua đó có được khoản lãi 46,7 triệu euro ở mùa giải này.
Mùa giải 2019/20: Bản hợp đồng kỷ lục Joao Felix cùng Jimenez, Jovic... giúp Benfica thu về tới 240,04 triệu euro từ việc bán cầu thủ. Bất chấp việc dùng 64,75 triệu euro để tái đầu tư đội hình, họ vẫn thu về số tiền lãi lên đến 175,29 triệu euro , nhiều nhất trong giai đoạn này.
Mùa giải 2020/21: Benfica thu về 76,92 triệu euro , chủ yếu đến từ thương vụ bán Ruben Dias cho Man City. Đại diện Bồ Đào Nha tiêu 105 triệu euro để chiêu mộ các tân binh như Darwin Nunez, Everton, Nicolas Otamendi... và lỗ 28,08 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng mùa này.
Bao giờ Aubameyang mới 'bình thường' trở lại? Sau màn trình diễn thăng hoa trước Leeds với một cú hat-trick, Aubameyang lại thu mình vào vỏ bọc quen thuộc từ đầu mùa. Aubameyang đang 'đánh mất chính mình'. Ngay trên Instagram cá nhân, Aubameyang cũng thừa nhận lẽ ra, anh phải ghi ít nhất 2 bàn trong trận Arsenal hòa Benfica 1-1 rạng sáng qua. Tình huống đệm bóng ra ngoài...