‘Benedetta’ – câu chuyện gây tranh cãi về nữ tu đồng tính
Câu chuyện nữ tu đồng tính thế kỷ 17 được tái hiện thành một bộ phim điện ảnh ngập tràn cảnh sắc dục và những câu hỏi về niềm tin.
Thể loại: Tiểu sử, tâm lý
Đạo diễn: Paul Verhoeven
Diễn viên: Virginie Efira, Lambert Wilson, Daphne Patakia, Charlotte Rampling
Đánh giá: 7,5/10
(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Ra mắt tại LHP Cannes (Pháp) năm nay, Benedetta nhanh chóng trở thành tâm điểm tranh cãi của truyền thông. Tác phẩm xoay quanh nữ tu cùng tên có thật (1590 – 1661), sống tại Pescia (Italy). Bà tuyên bố đã nhìn thấy Chúa Jesus, nhờ đó trở thành trưởng tu viện và được người dân tin tưởng. Nhưng rồi Benedetta bị phát hiện có quan hệ bất chính với một nữ tu khác.
Dưới bàn tay đạo diễn Paul Verhoeven, Benedetta trở thành một trong các phim điện ảnh độc đáo và được quan tâm nhất năm. Tác phẩm dự kiến ra mắt từ năm 2019 nhưng phải hoãn đến năm nay do sức khỏe đạo diễn và Covid-19.
Bộ phim bắt đầu khi cô bé Benedetta trẻ tuổi được cha mẹ quý tộc của mình gửi vào tu viện do Sơ Felicita (Charlotte Rampling) chủ trì. 18 năm sau, Benedetta (Virginie Efira) đã là một nữ tu xinh đẹp. Cô bắt đầu tuyên bố về việc nhìn thấy những tín hiệu thần thánh từ Chúa Jesus. Sau một cuộc điều tra, các dấu hiệu này được khẳng định là có thật. Song, một số nữ tu vẫn nghi ngờ Benedetta tự dựng chuyện để giành vị trí cao.
Cùng lúc đó, Benedetta dần thân thiết với Bartolomea (Daphne Patakia) – một nữ tu xuất thân nông dân có quá khứ bi kịch. Khi họ được xếp ở chung phòng, mối quan tâm tăng lênthành quan hệ thể xác. Đối mặt một cuộc điều tra khác, Benedetta có thể mất hết tất cả.
Những câu hỏi về đức tin và tính dục
Virginie Efira (phải) và Daphne Patakia trong phim.
Trailer Benedetta
Với câu chuyện lịch sử về Benedetta, những nhà làm phim non tay dễ sa đà vào các mô-típ rập khuôn như “tình yêu vượt định kiến” hay “tất cả chỉ là trò lừa”. Nhưng Paul Verhoeven – một đạo diễn tác gia – đưa ra cách xử lý thú vị cho tác phẩm. Nhà làm phim hòa trộn hai chủ đề tôn giáo và tính dục vào một cốt truyện cố tình để mở nhiều điểm.
Paul Verhoeven là người đứng sau những bộ phim đầy tranh cãi như Basic Instinct, Showgirls và Elle. Bộ phim mới của ông vẫn tràn ngập những chi tiết nhạy cảm như phụ nữ khỏa thân, Chúa Jesus xuất hiện theo cách “báng bổ” trong giấc mơ của Benedetta. Một vài phân cảnh lẽ ra là tôn nghiêm nhưng được Verhoeven xử lý một cách giễu nhại theo kiểu phim hành động. Máu me và những cuộc tra tấn ghê rợn cũng không thiếu trong câu chuyện lấy bối cảnh thế kỷ 17.
Việc xây dựng góc nhìn cho mối quan hệ giữa hai nữ tụ là rất quan trọng trong tác phẩm này. Bartolomea là cô gái trẻ tuổi, dễ bị tổn thương, còn Benedetta già dặn và khó đoán hơn. Từ khi gặp nhau, giữa họ đã nảy sinh một thứ sức hút giới tính. Phim mô tả một diễn biến kỳ lạ là cứ càng thân mật với Bartolomea, Benedetta lại càng thấy các viễn cảnh tôn giáo rõ ràng hơn. Tự do tình dục dường như đi kèm đức tin và được sự ủng hộ thiêng liêng. Dấu thánh xuất hiện một cách kỳ diệu trên tay, chân và trán của Benedetta, khiên các tu sĩ trong phim và cả khán giả nghi hoặc.
Bộ phim ngập tràn các cảnh nhạy cảm về tình dục.
Khao khát của Benedetta trỗi dậy dưới sự tấn công của Bartolomea. Cảnh ân ái được mô tả như một khoảnh khắc quan trọng để nhân vật chính khám phá được bản thân. Dù vậy, đạo diễn và đồng biên kịch David Birke không phát triển mối quan hệ này thành một kiểu tình cảm lãng mạn. Nó luôn nằm trên lằn ranh của tính dục, tình yêu và tôn giáo. Có những lúc, khán giả cảm thấy Benedetta đến với Bartolomea là do bị thúc đẩy bởi những thế lực vô hình trong đầu cô.
Trong suốt phim, khán giả sẽ suy đoán viễn cảnh mà Benedetta nhìn thấy có thật hay không. Bản chất của nhân vật chính là thế nào? Cô ấy thật sự tin vào Chúa hay bịa chuyện để thăng tiến? Cô ấy muốn quan hệ với Bartolomea vì khoái cảm thân xác hay được thế lực thần thánh thúc giục? Điểm hay của bộ phim là cho đến cuối cũng không đưa ra câu trả lời cụ thể, mà để chúng ta tự quyết định bản chất sự việc. Nói cách khác, Benedetta không trần thuật câu chuyện mà soi chiếu ngược về lòng tin của người xem.
Khi tôn giáo là chính trị
Bên cạnh sự mơ hồ đạo đức và tính đa nghĩa của câu chuyện, Paul Verhoeven mang đến một lớp ý rõ ràng hơn về xã hội. Trong phim, câu hỏi “Chúa có thật không?” và “Ý Chúa là gì?” luôn được để ngỏ. Song, dù ý Chúa là gì thì cách truyền đạt chúng hoàn toàn phụ thuộc vào những người bằng xương bằng thịt.
Ở thế kỷ 17, các tu viện giữ cả quyền lực tôn giáo và chính trị. Những người đứng đầu hệ thống này mang đầy toan tính về tiền bạc và địa vị. Việc hối lộ, đút lót là chuyện thường xuyên ở các tu viện. “Ý của Chúa” thường sẽ được biến tấu để phù hợp tư lợi của những người thực thi nó.
Diễn viên gạo cội Charlotte Rampling trong phim.
Cũng như Basic Instincts, Benedetta mô tả cách phụ nữ thao túng quyền lực trong một xã hội mà đàn ông thống trị. Cảnh đầu phim gieo mầm ý tưởng này khi Benedetta cùng gia đình bất lực trước một đám cướp. Cô bé thoát khỏi tình huống này nhờ viện dẫn lý do tôn giáo – một sức mạnh mà nhân vật sớm nắm bắt.
Tình thế độc đáo của phim là khi Benedetta trở thành một nữ tu, tức mất đi một số tự do trong sinh hoạt, thì cô lại đạt được tự do về mặt xã hội (do có địa vị hơn). Theo diễn biến câu chuyện, khi cơ thể cô càng đau đớn bởi các dấu hiệu thần thánh thì cô lại càng có tiếng nói và quyền tự quyết hơn. Khi đạt một địa vị đủ cao, Benedetta có phòng ngủ riêng và được tưởng thưởng bằng việc thoải mái quan hệ tình dục.
Đạo diễn cùng hai diễn viên nữ ở LHP Cannes, nơi phim tranh giải Cành cọ Vàng.
Nửa sau của phim tập trung vào cuộc đấu giữa Benedetta và một nhân vật phản diện quyền thế. Dù trình bày một số chỗ hơi lộn xộn, Verhoeven giữ nhịp phim đủ nhanh để kéo người xem vào đoạn cuối. Cách xử lý ở hồi kết phù hợp với những tình tiết được gieo trước đó về bệnh dịch cũng như sự phát triển nhân vật. Đến cuối cùng, bộ phim không trả lời liệu Benedetta có nói dối về Chúa, nhưng khẳng định cô ấy là một kẻ biết cách thao túng các hoạt động tôn giáo để đến gần hơn với mục đích cá nhân.
Virginie Efira là tâm điểm của bộ phim khi diễn đạt nhân vật Benedetta với nội tâm phức tạp. Trong khi đó, Daphne Patakia hóa thân một nàng Benedetta tràn đầy sự khiêu khích nhưng cũng non nớt và dễ bị tổn thương. Hai sao nữ có không ít cảnh khỏa thân và ân ái trên màn ảnh rộng.
Sự táo bạo của Verhoeven khiến tác phẩm mới được so sánh với Blue Is the Warmest Colour. Tuy nhiên, khác bộ phim năm 2013, Benedetta không gặp tai tiếng do quá trình quay cảnh nóng. Cả hai nữ diễn viên đều ủng hộ cách ghi hình của Verhoeven. Efira cho biết không khí rất vui vẻ khi cô cởi trang phục, còn Patakia cũng thấy thoải mái.
Ra mắt ở LHP Cannes, Benedetta gây hai luồng ý kiến khen chê, nhưng nhìn chung được đánh giá tích cực. Thierry Fremaux – chủ tịch liên hoan phim – khen ngợi tầm nhìn của đạo diễn trong tác phẩm. Bộ phim trở thành một mảnh ghép trong gia tài điện ảnh đồ sộ của Paul Verhoeven, nhà làm phim năm nay đã 83 tuổi.
Phim 18+ về nữ tu đồng tính gây sốc cả Cannes vì cảnh nóng quá phản cảm, không thể tin có thể lên được phim
Tác phẩm ngập cảnh nóng này đang được coi là "quả lựu đạn" bị ném vào Cannes năm nay vì tính gây sốc.
Benedetta là một bộ phim chính kịch, tiểu sử của Pháp và Hà Lan vừa được chiếu trong khuôn khổ liên hoan phim Cannes 2021. Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn Paul Verhoeven - người từng nổi tiếng với những bộ phim 18 gây tranh cãi, thậm chí bị so sánh với phim khiêu dâm như Showgirls năm 1995 hay Elle năm 2016.
Bộ phim Benedetta kể về mối tình mãnh liệt, có phần hoang dại giữa 2 nữ tu sĩ tại một tu viện ở Ý, lấy thời điểm thế kỷ 17. Benedetta Carlini là một nhân vật lịch sử có thật, được biết đến là người thường xuyên truyền bá tư tưởng thù ghét đàn ông và có quan hệ thể xác với nữ tu sĩ khác.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của bộ phim chính là hàng loạt cảnh nóng gây sốc, đỉnh điểm nhất là phân đoạn một nhân vật dùng tượng thánh thần làm "đồ chơi tình dục". Cảnh phim này khiến Benedetta nhận về nhiều chỉ trích lớn, với phần đông khán giả cho rằng nó mang tính phạm thượng và báng bổ.
Đạo diễn Paul Verhoeven lại lên tiếng biện hộ cho bộ phim của mình, cho rằng nó "dựa theo lịch sử có thật", và chuyện tình dục thì việc khỏa thân là đương nhiên. Khi được hỏi rằng liệu các diễn viên có được hỗ trợ bởi chuyên viên điều phối cảnh nóng (quy chuẩn mới tại Hollywood) hay không, vị đạo diễn này xác nhận là không hề có.
Đạo diễn Paul Verhoeven
Có trang báo so sánh Benedetta như một "quả lựu đạn" được ném vào Cannes năm nay. Trang IndieWire nhận định bộ phim này "là một tác phẩm có phần xoàng xĩnh của Paul Verhoeven" mặc dù phá vỡ các quy tắc đạo lý thông thường. Với nhiều người, nội dung của Benedetta cũng bôi xấu hình ảnh nữ tu với những phân đoạn tình dục, ân ái có tính câu khách.
Benedetta được đạo diễn Paul Verhoeven gửi đi tranh giải Cành Cọ Vàng - giải thưởng cao quý nhất tại Cannes.
Phim đề tài tình dục, khủng bố gây chú ý tại Cannes 2021 LHP Cannes lần thứ 74 đã chính thức khép lại với giải Cành cọ Vàng trao cho tác phẩm "Titane". Tác phẩm là bộ phim gây tranh cãi nhất LHP năm nay. Kéo dài từ ngày 6/7 tới 17/7, LHP Cannes lần thứ 74 được tổ chức theo cách truyền thống, nối lại mạch sự kiện thường niên sau năm 2020 tạm ngưng...