Bến xe Miền Đông mới vắng khách
Các hãng chưa đón trả khách cố định ở Bến xe Miền Đông mới như kế hoạch khiến bến xe lớn nhất nước sau 3 tháng hoạt động vẫn vắng người.
Tại Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) sáng 11/1, đang vào mùa Tết nhưng vắng khách. Ở hầm gửi xe, nhân viên túc trực trước hai cửa ra vào nhưng bên trong chỉ lác đác hơn chục xe máy, hầu hết của người làm việc tại đây. Phía trên, sảnh chờ cũng chỉ có bảo vệ, lao công, người hỗ trợ thông tin… Khu vực bán vé với 4 quầy treo màn hình sáng đèn nhưng không có khách mua. Ôtô khách xếp hàng ngoài sân đỗ vắng người, xe buýt ra vào thưa thớt khách.
Các quầy bán vé tại Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) vắng khách, chỉ có bảo vệ qua lại, sáng 11/1. Ảnh: Gia Minh.
Tài xế Văn Thịnh, chạy tuyến Bến xe Miền Đông – Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) cho biết hai tháng qua, xe qua bến mới chỉ làm thủ tục, còn khách đều mua vé tại bến cũ ở quận Bình Thạnh, cách đó khoảng 15 km. Nguyên nhân là người dân chưa quen địa điểm mới.
Lượng khách đến đây làm thủ tục hơn hai tháng qua trung bình chỉ vài chục người mỗi ngày, với khoảng 11 đến 18 ôtô xuất bến. Ông Trần Thanh Việt, Phó phòng Kế hoạch vận tải Bến xe Miền Đông cho biết tháng 12/2020, tại bến mới có 325 chuyến chở hơn 2.400 khách đi từ Quảng Trị trở ra Bắc. Tất cả khách đều lên xe từ bến cũ rồi mới qua bến mới hoàn tất thủ tục xuất phát. 10 ngày đầu năm nay, hơn 700 khách trên 131 chuyến xe cũng đi tương tự.
Bến xe này hiện có 22 tuyến xe hoạt động với cự ly từ 1.100 km, từ Quảng Trị trở ra Bắc. Kế hoạch khi đưa bến xe vào khai thác từ ngày 10/10/2020, ba tháng đầu các tuyến xe này được đón khách ở bến cũ, sau đó phải qua địa điểm mới hoạt động. Tuy nhiên hiện qua thời gian nhưng các xe vẫn đón khách tại bến cũ.
Nhiều khách cho rằng, bến xe mới nằm xa trung tâm, khó đi nên họ vẫn đến địa điểm cũ. “Từ Tân Bình qua bến xe cũ chỉ khoảng 7 km nhưng nếu tới bến mới phải đi thêm hơn 12 km, đường sá cũng chưa thuận lợi”, chị Phương nói và cho biết sắp tới về Thanh Hóa đón Tết, nếu xe đón khách ở Bến xe Miền Đông mới, chị sẽ chọn xe ở Bến xe An Sương gần đó hoặc ôtô hợp đồng để về quê.
Video đang HOT
Một số doanh nghiệp vận tải như Mai Linh, Hợp tác xã Vận tải dịch vụ – Du lịch Sài Gòn… đã kiến nghị tạm thời vẫn được đón trả khách tại bến xe cũ. Phía Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco – chủ đầu tư) cũng đồng thuận và đề nghị gia hạn thời gian cho các xe chuyển qua đón trả khách cố định ở bến xe mới đến sau Tết Nguyên đán.
Các dãy ghế ở khu vực bán vé của bến xe mới vắng vẻ. Ảnh: Gia Minh.
Đại diện Sở Giao thông Vận cho biết đang đánh giá kỹ để tổ chức phù hợp, song dự kiến đồng ý theo hướng các đơn vị liên quan kiến nghị. Điều này nhằm thuận lợi và hình thành thói quen đi lại của người dân cũng như doanh nghiệp. Dự kiến, thời gian được gia hạn đến tháng 3 năm nay. Sở Giao thông Vận tải khuyến khích nhà xe nên sử dụng bến mới để làm điểm đón trả khách.
Hiện, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng điều phối ba tuyến buýt kết nối bến xe gồm: số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung – Khu công nghệ cao quận 9); số 76 (Long Phước – Suối Tiên – Đền Vua Hùng) và số 93 (Bến Thành – Đại học Nông Lâm). Tuyến xe buýt đi ngang bến xe gồm 150, 60-1, 60-2, 60-3, 60-4.
Để thuận tiện hơn cho xe ra vào, đoạn đường thuộc dự án cầu vượt, hầm chui trước bến xe được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đẩy nhanh, dự kiến xong trước Tết Tân Sửu. Nhiều hạng mục khác cũng được tập trung làm, khi hoàn thành giúp giảm giao cắt giữa các hướng đi trước bến xe.
Trước tình trạng “xe dù, bến cóc” ảnh hưởng hoạt động của xe trong bến, hiện TP HCM cấm ôtô từ 16 chỗ trở lên dừng đỗ trên nhiều đường trung tâm như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm… Từ hôm 9/1, xe khách trên 25 chỗ cũng bị cấm chạy vào làn hỗn hợp trên quốc lộ 1, đoạn từ Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) đến vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) các khung giờ cao điểm. Việc này nhằm giảm kẹt xe và hạn chế xe bắt khách dọc đường.
Để đảm bảo phục vụ khách đợt cao điểm Tết, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị các bến lên phương án tăng cường xe khách, buýt giải tỏa ùn ứ. Xung quanh các bến xe, cảnh sát giao thông sẽ túc trực điều tiết, phân làn… để tránh ùn tắc.
Ôtô khách, buýt đậu ngoài sân đỗ Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Gia Minh.
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, đưa vào khai thác sau gần 4 năm thi công. Công trình xây dựng trên diện tích 16 ha thuộc TP Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, Bình Dương. Ngoài chức năng chính vận tải, bến xe kết hợp nhiều dịch vụ khác như kinh doanh bãi đậu, sửa xe; trạm tiếp nhiên liệu; giao dịch hàng hóa, thương mại…
Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Mỗi ngày bến có thể đáp ứng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến. Ngày cao điểm lễ, Tết, bến xe phục vụ 52.000 khách với hơn 1.800 lượt xe.
Sau khi dời các tuyến qua bến xe mới giai đoạn một, bến cũ còn hơn 130 tuyến hoạt động chặng ngắn như về khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… Giai đoạn hai, sau khi địa điểm mới ổn định và xây dựng đồng bộ hạ tầng, các tuyến khác sẽ tiếp tục chuyển đến hoạt động. Bến xe cũ hiện vẫn quy hoạch chính là đầu mối trung chuyển khách nội đô kết hợp với thương mại, dịch vụ, bãi đậu xe…
Bến xe miền Đông hiện đại nhất nước vắng vẻ vì...quá ế ẩm
Đã gần 2 tuần kể từ ngày đưa vào hoạt động, bến xe miền Đông mới, được ví như cảng hàng không vẫn đìu hiu, vắng khách. Có ngày chẳng có hành khách nào đến bến xe để mua vé.
Được xây dựng với quy mô rộng và hiện đại nhất nước, bến xe miền Đông mới dự kiến có 22 tuyến xe khách liên tỉnh đưa khách từ TP HCM đến tỉnh Quảng Trị và các tỉnh phía Bắc. Thế nhưng những ngày qua, số lượng khách đến bến xe chỉ tính trên đầu ngón tay, thậm chí có ngày chẳng có một bóng khách đến mua vé.
Quầy vé, sảnh chờ bến xe miền Đông mới không một bóng hành khách.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV, nhà ga trung tâm của bến, văn phòng làm việc, khu ghế ngồi tại sảnh chờ chỉ có bảo vệ và nhân viên bến xe. Bãi đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách đìu hiu không một bóng xe hay hành khách. Các tuyến xe buýt kết nối với bến xe miền Đông mới như: tuyến 55, 76, 93 cũng đều rơi vào tình trạng "ế" người ra vào bến, hầu hết hàng ghế đều trống.
Bà Nguyễn Thị Kiều Sương, Phó Giám đốc Hợp tác xã xe khách Trung Nam cho biết, đã 2 tuần nay các chuyến xe của hợp tác xã xuất bến nhưng không đón được hành khách nào hay bất kì gói hàng hóa từ bến xe miền Đông mới. Hiện tại các đơn vị vận tải vẫn được phép lưu đậu xe để đón trả khách tại bến xe miền Đông cũ, nếu sau này bắt buộc chuyển sang bến mới để hoạt động mà tình trạng này vẫn tái diễn thì nguy cơ cao các đơn vị vận tải sẽ bỏ bến vì ế ẩm.
"Bến xe cũ ở trung tâm thành phố thì thuận tiện hơn cho người dân. Bến xe Miền Đông mới thì quá xa, cách trung tâm TP gần 20km. Nếu dùng phương tiện taxi hay grab để di chuyển từ trung tâm ra bến xe mới thì hành khách phải tốn thêm một khoản tiền. Bằng chừng ấy số tiền, hành khách có thể lựa chọn đi bằng đường hàng không, chi phí đắt hơn chút nhưng thời gian đi lại được rút ngắn", bà Sương cho biết.
Theo kế hoạch ban đầu, các đơn vị vận tải đi từ TP HCM đến Quảng Trị và các tỉnh phía Bắc tạm thời được lưu đậu xe để đón trả khách tại bến xe miền Đông cũ trong 3 tháng đầu, sau đó sẽ chuyển sang đến bến xe mới hoàn toàn.
Ông Lê Thanh Quang, Phụ trách điều hành Công ty CP Vận tải tốc hành Mai Linh cho biết, việc tồn tại, hoạt động song song 2 bến xe: bến xe miền Đông cũ và bến xe miền Đông mới như hiện nay, cũng khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn khi phải tăng cường thêm đội ngũ nhân viên bán vé, làm việc tại 2 bến.
Ông Trần Thanh Việt, Phó phòng Kế hoạch Vận tải, Công ty TNHH MTV bến xe Miền Đông cho biết, trong những ngày đầu hoạt động, bến xe miền Đông mới mỗi ngày chỉ có 16 chuyến xe làm thủ tục xuất bến với lác đác một vài hành khách. Ông Việt lý giải về tình trạng vắng khách: "Do hạ tầng giao thông kết nối giữa bến xe miền Đông mới với quốc lộ 1A cùng với tuyến metro chưa được hoàn thiện nên đã ảnh hưởng đến quá trình đi lại của hành khách. Về xe buýt, đến hiện tại chỉ có 3 tuyến 55, 76, 93 nên số lượng hành khách sử dụng phương tiện trung chuyển còn hạn chế".
Lãnh đạo của nhiều đơn vị vận tải cũng cho rằng: Việc đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động sẽ không khả thi nếu TP HCM không xử lý dứt điểm tình trạng "xe dù bến cóc" vẫn đang nhan nhản hoạt động công khai lâu nay tại nhiều quận trung tâm và quận ven thành phố.
Xe dù, bến cóc phá vỡ trật tự vận tải khách Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến lĩnh vực vận tải hành khách nói chung, vận tải khách liên tỉnh bằng đường bộ nói riêng lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Đã vậy, các doanh nghiệp (DN) vận tải khách hoạt động trong các bến xe khách liên tỉnh và cả DN quản lý, khai thác bến xe còn đang phải đối mặt...