Bên trong suy nghĩ của Jeff Bezos
Trở thành người giàu nhất thế giới là chưa đủ với CEO Amazon. Jeff Bezos giờ đây đặt hoài bão của mình ra ngoài không gian.
Mỗi phút trôi qua, Jeff Bezos kiếm được 149.000 USD. Đây là người đàn ông khi cả thế giới lao đao vì đại dịch hồi giữa năm ngoái cùng cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo, vẫn tăng tài sản lên 13 tỷ USD chỉ trong một ngày.
Cũng chính người đàn ông này, dù đang sống trong thế giới mà 1/3 nhân loại không thể tiếp cận với nguồn nước sạch, dám dõng dạc tuyên bố: “Cách duy nhất để dùng hết số tiền tôi kiếm được từ Amazon là cho nghiên cứu du hành vũ trụ”.
“Không ngừng”
Cách Amazon kinh doanh cũng khiến người ta phải suy nghĩ: gây sức ép giá bán với nhà cung cấp; nhổ tận gốc các đối thủ bán lẻ khác; luôn thu thập dữ liệu khách hàng và đối xử với công nhân không khác gì máy móc.
Khi Amazon mua lại Whole Foods năm 2017 giá 13,7 tỷ USD, giá trị thị trường các công ty bán lẻ lớn nhất của Mỹ lập tức giảm hàng tỷ USD. Năm 2018, Amazon mua công ty bán thuốc trực tuyến nhỏ PillPack giá 753 triệu USD, giá trị của những gã khổng lồ dược phẩm bán lẻ như Walgreens, CVS và Rite Aid cũng chịu giảm mạnh.
Hiện tại, Jeff Bezos đã lấy lại danh hiệu người giàu nhất thế giới từ tay Elon Musk.
Khi Amazon công bố quan hệ đối tác với Berkshire Hathaway và JPMorgan Chase nhằm giải quyết vấn đề chi phí chăm sóc y tế nhân viên ngày càng cao, những nhà cung cấp bảo hiểm sức khỏe lớn của Mỹ lập tức mất hàng tỷ USD giá trị.
Amazon không dừng ở bán lẻ. Amazon Web Services (AWS) ra mắt năm 2006 hiện là nền tảng điện toán đám mây lớn nhất trên thế giới, cung cấp dịch vụ lưu trữ cho The Guardian, Netflix, Twitter, bên cạnh các công ty công nghiệp khổng lồ như General Electric, Unilever.
Năm 2013, AWS ký thỏa thuận trị giá 600 triệu USD với chính phủ Mỹ nhằm lưu trữ khối lượng công việc tối mật của các cơ quan tình báo khác nhau, bao gồm CIA và NSA.
Tháng 11/2020, Jeff Bezos cho xuất bản sách với 2/3 nội dung là thư hàng năm ông gửi cho các cổ đông của Amazon. Trong đó, Bezos chia sẻ từng muốn gọi Amazon là “Relentless” (tạm dịch: không ngừng). Từ “không ngừng” xuất hiện 17 lần trong toàn bộ cuốn sách: “giảm giá không ngừng”, “tập trung không ngừng vào khách hàng của chúng tôi” và “cam kết không ngừng gìn giữ các giá trị lâu dài với cổ đông”.
Thực vậy, Amazon đạt được như ngày hôm nay nhờ việc không ngừng thâm nhập xa hơn vào thị trường, tăng trưởng doanh thu và cố gắng hiện diện ngày càng nhiều trong cuộc sống đời thường của khách hàng. Không ngoa khi nói tham vọng của Jeff Bezos là thống trị toàn bộ nền kinh tế.
“Chúng ta sẽ có một nghìn Mozart và một nghìn Einstein”
Mỗi năm, Bezos lại bán 1 tỷ USD cổ phiếu Amazon để đầu tư vào Blue Origin, công ty phát triển công nghệ phục vụ cho nhu cầu định cư ngoài không gian cũng do ông sở hữu.
Video đang HOT
Bezos từng nói trong bài phát biểu năm 2019 rằng ông muốn đi ra ngoài không gian để bảo vệ Trái Đất. Theo ông, vấn đề lớn nhất Trái Đất phải đối mặt không chỉ là sự tàn phá môi trường, đó là viễn cảnh cạn kiệt nguồn năng lượng.
“Nếu chuyển ra ngoài không gian, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn tài nguyên không giới hạn. Khi đó, tất cả những mục tiêu về tăng trưởng hay tiêu thụ sẽ là vô hạn”, ông nói.
“Ông ấy muốn biến Trái Đất thành khu dân cư với ngành công nghiệp nhẹ, đồng thời chuyển tất cả việc khai thác và công nghiệp nặng lên vũ trụ”, nhà báo Brian Dumaine tờ Fortune nhận định.
Cũng như Elon Musk, Jeff Bezos mang trong mình giấc mộng chinh phục vũ trụ.
Nhưng không chỉ có chừng đó, Bezos còn hướng tới việc hệ thống các thuộc địa nằm gần Trái Đất, nơi hàng triệu người có thể sống “một cuộc sống vui vẻ và thoải mái”.
Ông nói rằng một số thuộc địa được cải tạo có thể tái hiện các thành phố của Trái Đất như Florence, những ngọn đồi Arne và Tuscan trôi dạt trong không gian. “Chúng ta có thể có một nghìn tỷ người trong Hệ Mặt Trời, đồng nghĩa sẽ có một nghìn Mozart và một nghìn Einstein. Đây sẽ là nền văn minh đáng kinh ngạc”, Bezos nói.
Nhưng thật khó để không tự đặt ra câu hỏi, liệu đã có bao nhiêu Einstein và Mozart trong thời đại ngày nay, vì hoàn cảnh kinh tế phải bán thời gian và sức lực của mình làm nhân viên kho hàng hay tài xế để làm giàu cho Amazon, cho chính Bezos?
Nếu vị cựu CEO vừa từ chức cách đây ít ngày thực sự quan tâm đến việc nuôi dưỡng tiềm năng con người như tuyên bố, có lẽ ông đã trả lương cho nhân viên nhiều hơn, hoăc ít nhất không để họ đi vệ sinh trong chai.
Và nữa, nếu những vùng đất hứa với khí hậu lý tưởng, môi trường trọng lực thấp cùng các thiên tài Einstein và Mozarts đa năng có thực, đó hẳn là vườn địa đàng của tư bản công nghệ và vị thần cai quản không ai khác ngoài ông.
Bezos không nói chính mình sẽ xây dựng những thuộc địa này. Đó sẽ là công việc của những thế hệ đời sau. Với Blue Origin, Bezos chỉ dự định cung cấp cơ sở vật chất cơ bản để xây dựng công trình trong mơ, cũng giống như việc xây dựng Amazon dựa trên những cấu trúc đã có từ trước như dịch vụ bưu chính, thẻ tín dụng, Internet… Điều Bezos muốn không phải xây dựng mà là “truyền cảm hứng” cho tương lai.
Năm ngoái, ông công bố khoản tài trợ lên đến 800 triệu USD cho các tổ chức khác nhau hoạt động chống biến đổi khí hậu. Nhưng dựa vào các bài viết trong cuốn sách của ông, Bezos dường như quan tâm hơn đến cách biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiêu thụ tài nguyên và phát triển kinh tế.
Nói cách khác, Bezos muốn tưởng tượng viễn cảnh một hành tinh sắp chết, thú vật tuyệt chủng hàng loạt, cháy rừng, thành phố chìm trong biển nước hoặc bất cứ thứ gì tương tự liệu có tác động ra sao đến mua sắm trực tuyến.
“Điều gì sẽ xảy ra khi nhu cầu vô hạn chỉ được đáp ứng bằng nguồn lực hữu hạn?”, Bezos đặt câu hỏi, “Con cháu bạn sẽ có tương lai tồi tệ khi chuyện đó xảy ra”.
Cựu CEO Amazon muốn được biết đến như một “nhà phát minh” hơn là “người giàu nhất thế giới”.
Một thế giới hàng hóa tiêu dùng bị hạn chế phân phối không phải là thế giới mà Amazon có thể phát triển vô tận. Nói cách khác, ông muốn chúng ta đi theo con đường không ngừng, đẩy giới hạn ra ngoài Trái Đất. “Không ngừng” được nhắc đến như một thuật ngữ cho hệ tư tưởng Jeff Bezos. Thực vậy, Bezos quan tâm đến bảo vệ tương lai của chủ nghĩa tư bản hơn là bảo vệ hành tinh.
Như mọi nhà tài phiệt, ông tuyên bố bản thân không bị thúc đẩy, hoặc chí ít là quan tâm đến việc làm giàu. Viết trong sách, ông nói mình chưa bao giờ tìm kiếm danh hiệu “người giàu nhất thế giới”, mà mong muốn được biết đến như “nhà phát minh Jeff Bezos”.
Tuy nhiên, những gì riêng tư nhất của ông lại minh chứng điều ngược lại. Hai năm trước, tin nhắn Bezos gửi cho tình cũ Lauren Sanchez bị tờ National Enquirer công bố. Đáng chú ý là đoạn tin cho thấy lối hành văn của cựu CEO Amazon không khác chat bot đang trò chuyện cùng khách hàng: “Anh yêu em, cô gái sôi động… Sớm thôi, anh sẽ cho em thấy thân hình, đôi môi và ánh mắt của anh”.
Ngay cả những phác thảo ý tưởng về du hành vũ trụ của ông cũng rất nhạt nhẽo, thiếu nguyên bản, trông như những bộ phim khoa học viễn tưởng từ giữa thế kỷ 20 được làm lại, như chiếc gương phản chiếu lại chính Amazon – đơn thuần là một cửa hàng Walmart người ta có thể truy cập trên máy tính.
Những điều chưa biết về người thay chỗ Jeff Bezos ở Amazon
Jeff Bezos - người sáng lập Amazon sẽ chuyển vai trò từ giám đốc điều hành (CEO) sang ghế chủ tịch và chuyển giao quyền lực cho Andy Jassy, một nhân sự kỳ cựu với 24 năm làm việc ở Amazon, vào cuối năm nay.
Andy Jassy được kỳ vọng sẽ đưa Amazon tiếp tục bay cao sau thời đại của Jeff Bezos
Theo CNN, mặc dù không phải là một người quen thuộc với công chúng như Bezos, Jassy là một giám đốc điều hành xuất sắc đúng nghĩa khi đã phát triển mảng đám mây AWS của Amazon từ khi thành lập thành một doanh nghiệp trị giá 45 tỉ USD và là người kiếm tiền lớn nhất của công ty.
"Andy nổi tiếng trong công ty và đã gắn bó với Amazon lâu năm cũng gần như tôi. Anh ấy sẽ là một nhà lãnh đạo xuất sắc và anh ấy có đầy đủ sự tin tưởng của tôi", Bezos viết trong một bức thư gửi nhân viên.
"Hình bóng" của Bezos
Jassy bắt đầu làm việc tại Amazon vào năm 1997, chỉ khoảng ba năm sau khi Bezos thành lập công ty trong ga ra của mình và ba tuần trước khi công ty ra mắt công chúng với mức định giá 300 triệu USD. Đó là công việc đầu tiên của anh sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard.
"Tôi đã tham gia kỳ thi cuối cùng tại trường kinh doanh Harvard vào thứ sáu đầu tiên của tháng 5 năm 1997, và tôi bắt đầu làm việc ở Amazon vào thứ hai tiếp theo. Tôi không biết công việc của mình sẽ làm gì và tôi sẽ làm việc trong nhóm nào với chức danh là gì," Jassy nói trên podcast "The Disruptive Voice" năm ngoái.
Đầu tiên Jassy làm việc với vai trò tiếp thị, sau đó được đưa vào dự án " SWAT" khám phá các danh mục sản phẩm tiềm năng khác của Amazon ngoài sách. Jassy bắt đầu tham gia kinh doanh âm nhạc như một phần của dự án này.
Ann Hiatt, một cựu giám đốc điều hành đối tác kinh doanh trong những ngày đầu của Amazon nói Jassy cũng đã dành thời gian vào đầu những năm 2000 trong một vị trí được gọi là "hình bóng" của Bezos vào thời điểm đó, một vai trò tương tự như một giám đốc nhân sự của công ty, được thiết kế để đào tạo những nhà điều hành trẻ đầy triển vọng. Hiện là cố vấn lãnh đạo công nghệ, Hiatt cho biết cô đã làm việc chặt chẽ với Jassy trong thời gian đó.
"Nếu hôm qua bạn hỏi tôi rằng tôi nghĩ mốc thời gian nào để Jeff từ chức CEO, thì bây giờ tôi sẽ không đoán được. Nhưng nếu bạn nói, 'Được rồi, anh ấy từ chức, anh ấy sẽ chọn ai?' cái tên đầu tiên và ngay lập tức ra khỏi miệng tôi sẽ là Andy Jassy", Hiatt nói.
Jeff Bezos người sáng lập Amazon sẽ chuyển vai trò từ giám đốc điều hành (CEO) sang ghế chủ tịch
Hiatt tiếp lời "tôi đã chứng kiến anh ấy trở thành một giám đốc điều hành tuyệt vời cho Jeff, nơi anh ấy học được cách đoán trước những câu hỏi mà Jeff sẽ hỏi, những điều ông ấy ghét, những điều ông ấy sẽ yêu thích, phong cách lãnh đạo của ông ấy. Tất nhiên, trong khi Andy có phiên bản điều hành tuyệt vời của riêng mình, ông ấy cũng đã được đào tạo với những bản năng đó để ưu tiên những việc mà Jeff sẽ làm và đưa ra quyết định giống như cách Jeff sẽ làm khi ông ấy không ở trong phòng. Rõ ràng, Jassy đã thực hiện điều đó đạt đến những đỉnh cao trong vai trò giám đốc điều hành của AWS".
Jassy đã ở đó khi Amazon quyết định khởi chạy AWS và vận hành nó như một công ty riêng biệt phục vụ Amazon.com theo cách tương tự như bất kỳ khách hàng nào khác.
"Ngay từ khi bắt đầu AWS, chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng nếu chúng tôi muốn phục vụ nhiều đối thủ tiêu dùng của Amazon... thì chúng tôi phải biến AWS trở thành hoạt động kinh doanh riêng biệt với một đội ngũ lãnh đạo khác và mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Amazon sẽ là một khách hàng quan trọng", Jassy nói với CNN về quyết định này trong một cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu của CNN năm 2019 về lịch sử Amazon. "Chúng tôi coi hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Amazon như một khách hàng bên ngoài", ông cho biết thêm.
Vào thời điểm đó, nhiều người hoài nghi về quyết định này, cho rằng mảng kinh doanh máy tính khác xa với các hoạt động bán lẻ trực tuyến cốt lõi của Amazon. Nhưng Jassy đã phát triển AWS trở thành xương sống của phần lớn internet, thứ mà ông ấy quản lý mặc dù không có nhiều kiến thức về công nghệ.
Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư trường quản lý Yale cho biết "anh ấy khá khiêm tốn; mọi người không nhận ra anh ấy là ai cho đến gần đây. Anh ấy chắc chắn rất khiêm tốn, anh ấy không phải là người tự quảng bá bản thân, đó là một điều bất thường khi ở cấp độ này trong thế giới công nghệ".
Andy Jassy sẽ kiếm được bao nhiêu?
Mức lương cơ bản của Jassy, giống như một số giám đốc điều hành hàng đầu khác vào khoảng 175.000 USD vào năm 2019, theo tuyên bố gần đây nhất của Amazon được công bố vào năm 2020.
Năm 2019, tổng số tiền lương của Jassy là 348.809 USD. Nhưng một năm trước đó, tổng lương thưởng của ông lên tới hơn 19,7 triệu USD nhờ phần thưởng cổ phiếu trị giá gần 19,5 triệu USD. Ngược lại, mức lương cơ bản của Jeff Bezos là 81.840 USD và tổng số tiền lương vào năm 2019 là gần 1,7 triệu USD, mặc dù Bezos sở hữu một phần lớn hơn cổ phiếu của công ty, khoảng gần 15% tính đến năm 2020.
Hiện tại không rõ liệu mức lương thưởng của Jassy thay đổi như thế nào sau khi trở thành CEO của Amazon.
Kế hoạch kế vị
Poppy Harlow của CNN đã hỏi Jassy về tham vọng CEO của mình trong một cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu năm 2019 về lịch sử của Amazon. Vào thời điểm đó, Jassy cho biết anh không mong đợi Bezos sẽ rời vị trí của mình trong tương lai gần, đồng thời nhấn mạnh "tôi cảm thấy rất may mắn khi Jeff sẽ không đi đâu sớm và không ai trong chúng tôi muốn anh ấy làm vậy. Anh ấy là một nhà lãnh đạo khác thường và là một phần của nền văn hóa mà tôi nghĩ anh ấy sẽ ở đây trong một thời gian dài".
Các nhà phân tích nói rằng Bezos đã lên kế hoạch cho quá trình chuyển giao trong nhiều năm qua. Harlow nhấn mạnh "thật khó để tưởng tượng cuộc sống mà không có Jeff điều hành công ty".
Sonnenfeld của Yale, tác giả cuốn sách về sự chuyển giao CEO có tên The Hero's Farewell (Cuộc chia tay của người hùng), nhớ lại cuộc trò chuyện với Bezos tại một hội nghị công nghệ khoảng 7 năm trước, trong đó giám đốc Amazon cho biết ông đã nghiên cứu quá trình chuyển giao của Bill Gates và Steve Ballmer.
"Đây là kế hoạch của Bezos. Anh ấy muốn chuyển giao điều này như một công việc kinh doanh lành mạnh và đây là thời điểm lý tưởng để làm điều đó", Sonnenfeld cho biết.
Cuộc đua vũ trụ giữa Jeff Bezos và Elon Musk ngày càng 'nóng' Jeff Bezos sẽ chuyên tâm cho dự án chinh phục vũ trụ Blue Origin để cạnh tranh SpaceX của Elon Musk sau khi từ chức CEO Amazon. Ngày 2/2, SpaceX của Elon Musk phóng thử nghiệm nguyên mẫu tàu Starship khổng lồ. Nhưng chỉ vài phút sau, phương tiện biến thành "quả cầu lửa" khi hạ cánh. Starship là tham vọng của SpaceX...