Bên trong ’siêu’ đô thị bị quy hoạch treo gần 30 năm giữa lòng Sài Gòn
Dự án khu đô thị Bình Quới- Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992. Tuy nhiên đến nay, qua nhiều lần thay đổi quy hoạch, các nhà đầu tư thì hơn 3.000 hộ dân ở bán đảo Bình Quới Thanh Đa vẫn đang sống với nghề nông, buôn bán nhỏ và… chờ đợi ngày được đền bù giải tỏa.
Dự án khu đô thị Bình Quới- Thanh Đa được xây dựng trên bán đảo Thanh Đa ở quận Bình Thạnh.
Nhiều năm trước, khi Thủ Thiêm rục rịch giải tỏa và hiện nay trở thành khu đô thị mới thì bán đảo Thanh Đa vẫn án binh bất động cho đến ngày nay.
Khởi động dự án khu đô thị Bình Quới Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992 và quy hoạch 1/5.000 được phê duyệt 2 năm sau đó.
Vào năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty địa địa ốc Sài Gòn (RESCO) nhưng rồi vì năng lực của RESCO yếu, khả năng tài chính có hạn và cũng không kêu gọi được nguồn vốn đầu tư nên đã bị ách tắc kéo dài.
6 năm sau, năm 2010 UBND TPHCM thu hồi dự án của RESCO, rồi tiếp tục giao cho Tập đoàn Bitexco thực hiện đồ án quy hoạch 1/2.000 với mục tiêu biến toàn bộ diện tích bán đảo thành một khu đô thị.
Theo quy hoạch 1/2.000 ở năm 2010 thì bán đảo Thanh Đa là một khu đô thị hiện đại kết hợp sinh thái, trùm lên toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, có cầu bắc qua sông Sài Gòn, với quy mô dân số khoảng 41.000-50.000 người, số tiền đền bù dự kiến là 23.000 tỉ đồng.
Cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa- Bình Quới, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 30.000 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.
Video đang HOT
Tuy nhiên đến giữa năm 2017, TP.HCM thông báo, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án này.
Công ty Emaar Properties PJSC xin rút lui vì nhiều lý do, trong đó có nêu là không đủ kiên nhẫn để chờ đến lúc được bàn giao đất đã giải phóng mặt bằng.
Ngày 15/11/2018 UBND TPHCM lại có văn bản gửi Sở kế hoạch Đầu tư TPHCM yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Tập đoàn Tân Hoàng Minh để tổng hợp, báo cáo và có kiến nghị đề xuất.
Theo phương án Tân Hoàng Minh đưa ra doanh nghiệp này sẽ xây dựng Khu đô thị Bình Quới- Thanh Đa trở thành một khu đô thị mang tầm vóc khu vực châu Á và quốc tế bằng việc áp dụng các thiết kế thông minh nhất, đẹp nhất, tiện ích nhất đã được xây dựng ở các nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Khu vực Bắc Mỹ…
Để đảm bảo thực hiện và triển khai dự án thành công, doanh nghiệp này sẽ thành lập một liên danh và một tập đoàn bất động sản, tài chính quốc tế hàng đầu châu lục để đảm bảo thu xếp đầy đủ tài chính cùng những năng lực cần thiết để thực hiện toàn bộ dự án trong thời gian dự kiến 12-15 năm.
Hiện tại, hơn 3.000 hộ dân với 45.000 nhân khẩu ở bán đảo Bình Quới Thanh Đa vẫn đang sống với nghề nông, buôn bán nhỏ và… chờ đợi.
Hơn 28 năm quy hoạch treo, bán đảo Bình Quới Thanh Đa đã trở về vạch xuất phát ban đầu, tức là đang chờ TPHCM xây dựng phương án tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư.
Bán đảo Bình Quới Thanh Đa được vây quanh bởi sông Sài Gòn và kênh đào Thanh Đa.
Nằm cách Thảo Điền một con sông nhưng hai dự án là hai số phận khác nhau.
Một phần diện tích của phường 27 và toàn bộ diện tích phường 28 nằm trong quy hoạch dự án phát triển đô thị từ năm 1992.
Thế nhưng từ đó đến nay, dự án nay vẫn… tồn tại trên giấy, người dân vẫn tiếp tục đợi chờ.
Sân bay Vũng Tàu sẽ thành khu đô thị
Sau khi di dời sang khu vực Gò Găng thì vị trí sân bay Vũng Tàu hiện hữu ở khu trung tâm TP Vũng Tàu sẽ tái thiết thành khu đô thị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa có cuộc họp với đại diện liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest, Công ty CP Đầu tư VCI và đơn vị tư vấn để xem xét ý tưởng quy hoạch dự án khu đô thị mới Hải Đăng và khu đô thị tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu (phường 9, TP Vũng Tàu).
Gấp rút trình kế hoạch sử dụng đất
Theo UBND tỉnh BR-VT, liên danh Văn Phú - Invest và VCI đã có văn bản gửi tỉnh này xin nghiên cứu, lập quy hoạch và đầu tư sân bay Gò Găng (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu). Đổi lại, 2 doanh nghiệp này đề xuất được đầu tư 2 dự án khu đô thị lớn nêu trên. Trong đó, liên quan đến khu đất tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu (hoạt động bay tại sân bay này chủ yếu dùng cho các loại máy bay trực thăng phục vụ công tác hậu cần, cứu hộ, dịch vụ dầu khí, huấn luyện và đào tạo phi công...) có quy mô khoảng 172 ha, liên danh nhà đầu tư này đề xuất phát triển một khu đô thị mới gồm: đô thị nén 35 ha, công viên trung tâm 46 ha, khu trung chuyển và dịch vụ thương mại hỗn hợp 24 ha, trung tâm tài chính và công nghệ 20 ha, tổ hợp biểu tượng đô thị 25 ha.
Sau khi thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy BR-VT đã thống nhất quan điểm và đánh giá cao ý tưởng quy hoạch, đầu tư dự án như phía liên danh trên trình bày. Tuy nhiên, với dự án ở sân bay hiện hữu, đề nghị liên danh phải đánh giá kỹ mật độ dân cư, số lượng phương tiện và lưu lượng giao thông tại khu vực dự án để có phương án kết nối giao thông, bố trí bãi đậu xe phù hợp, trong đó cần nghiên cứu phương án kết nối giao thông với khu Bàu Trũng, Paradise, tính toán cả phương án đi ngầm dưới đất và đường trên cao. Ngoài ra, liên danh cần xem xét lại tính khả thi của việc xây dựng khu trung tâm tài chính, có thể điều chỉnh theo hướng hình thành phố hoạt động tập trung của chi nhánh các ngân hàng tại đây.
Sân bay Vũng Tàu hiện hữu sẽ tái thiết thành khu đô thị hiện đại với nhiều chức năng
Về thủ tục đất đai đối với khu vực này, địa phương đang gấp rút xây dựng kế hoạch tổ chức đấu giá để dùng nguồn lực đầu tư sân bay Gò Găng. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT, đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh đưa dự án khu đô thị tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu vào danh mục những dự án trọng điểm của tỉnh để thúc đẩy thủ tục, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện; trong đó cần làm trước việc quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000, trình HĐND tỉnh về kế hoạch sử dụng đất, xây dựng kế hoạch thu hồi đất để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định, trong thời gian sớm nhất.
Đồng tình và mong ngóng
Theo không ít chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị, việc chuyển sân bay Vũng Tàu về Gò Găng là hoàn toàn hợp lý. Ngoài di dời sân bay khỏi khu trung tâm, quyết định trên còn góp phần vào việc thúc đẩy hình thành các khu đô thị hiện đại ở cả 2 nơi cũng như làm thay đổi theo chiều hướng tích cực đến đời sống người dân, mà cụ thể nhất là giá nhà, đất ở khu vực gần 2 sân bay đều tăng, bởi đi kèm là hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Đúng như nhận định của các chuyên gia, những ngày này, người dân quanh khu vực xây dựng sân bay Gò Găng mừng ra mặt, bởi giá đất đã bắt đầu tăng.
Theo quan sát của phóng viên, vị trí được chấp thuận xây dựng sân bay Gò Găng, hiện một mặt giáp sông, một mặt giáp đường Trường Sa, các mặt còn lại chủ yếu tiếp giáp khu rừng ngập mặn. Tuy đất nằm quanh sân bay Gò Găng đa phần là đất trồng cây lâu năm nhưng từ khi có thông tin về vị trí, trên trục đường chính kết nối TP Vũng Tàu với khu vực Gò Găng xuất hiện nhiều bảng bán đất. Trên nhiều trang rao vặt, việc rao bán đất giới thiệu sát sân bay Gò Găng rầm rộ hơn hẳn so với thời gian trước.
Với diện tích khoảng 900 m2 đất trồng cây lâu năm cách mặt đường chính khoảng 400 m, một người dân rao bán với giá 1,6 tỉ đồng, dù trước đó vị trí này chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Tại một vị trí khác được giới thiệu ngay cổng sân bay Gò Găng, mặt tiền 15 m, tổng diện tích hơn 700 m2 được rao bán với giá gần 2 tỉ đồng. Người dân ở xã Long Sơn, TP Vũng Tàu cho biết thời gian gần đây, giá đất ở đây đã tăng hơn nhiều so với khi chưa có thông tin về vị trí xây dựng sân bay. "Giá đất lên, bán bớt đôi chút là có thể xây nhà, mở rộng sản xuất. Vậy không mừng sao được hả cô" - một lão ngư ở Long Sơn nói.
Theo lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu, việc giá đất tăng rõ ràng có lợi cho người dân. Tuy nhiên, để tránh việc các "đầu nậu" trục lợi bằng cách gom đất sau đó phân lô, bán nền, chính quyền địa phương mong muốn người mua nên tìm hiểu kỹ, đồng thời liên hệ với chính quyền địa phương khi có nhu cầu mua đất để tìm hiểu, tránh những rủi ro nếu có.
Phù hợp quy hoạch được duyệt
Theo UBND tỉnh BR-VT, việc xây dựng khu đô thị tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu phù hợp theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, để sớm xây dựng sân bay Gò Găng và tái thiết khu sân bay cũ, tỉnh BR-VT đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng, trong đó đề nghị sau khi đầu tư xây dựng sân bay mới tại Gò Găng, UBND tỉnh BR-VT sẽ chuyển giao cho Bộ Quốc phòng quản lý và khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan có trách nhiệm chuyển toàn bộ đất ở sân bay cũ cho tỉnh BR-VT quản lý, chuyển đổi chức năng sử dụng theo đúng quy hoạch chung của TP Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án Khu đô thị mới Đại Kim (Hà Nội): Mua được nhà nhưng không có đường đi Sau khi nhận bàn giao nhà, nhiều hộ dân thuộc Khu đô thị mới (KĐTM) Đại Kim, quận Hoàng Mai "té ngửa" hay biết các căn hộ mình bỏ tiền mua không có đường đi khi mặt tiền các căn hộ đã bị Trường Đại học Thăng Long rào tôn chắn lại, trong khi chủ đầu tư loay hoay không biết xử lý...