Bên trong Phòng Tình huống mà Nhà Trắng vừa chi 50 triệu USD để cải tạo
Phòng Tình huống của Nhà Trắng – nơi diễn ra những cuộc thảo luận chiến lược khẩn cấp và mang tính quyết định – vừa được cải tạo tựa như trong phim Hollywood với kinh phí 50 triệu USD.
Nhân viên làm việc trong phòng giám sát 24/7 thuộc khu phức hợp Phòng Tình huống. Ảnh: AP
Trên thực tế, đó là một khu phức hợp 511 mét vuông bao gồm các phòng hội nghị và văn phòng ở tầng trệt của Cánh Tây Nhà Trắng, với mức độ bảo vệ an ninh cao.
Nơi đây đã chứng kiến vô số quyết định quan trọng. Bởi lẽ, đó là nơi Tổng thống Mỹ gặp gỡ các quan chức an ninh quốc gia để bàn bạc các hoạt động bí mật và các vấn đề nhạy cảm của chính phủ, thảo luận với các nhà lãnh đạo nước ngoài và giải quyết các cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia lớn.
Một phòng họp cỡ lớn có thiết kế pha trộn giữa cổ điển và hiện đại. Ảnh: AP
Tại Phòng Tình huống năm 2011, Tổng thống Barack Obama và nhóm quan chức cấp cao đã theo dõi cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden. Tổng thống Donald Trump giám sát chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi năm 2019. Với tầm quan trọng trên, lần cải tạo mới đây nhất đã được tiến hành cẩn trọng trong vòng một năm trời.
Các màn hình cỡ lớn để nhân viên cập nhật tình hình thế giới. Ảnh: AP
Nhà Trắng vừa mở cửa khu vực bí mật này cho một nhóm phóng viên đến thăm. Gustafson, Giám đốc Phòng Tình huống, cho biết Tổng thống Joe Biden vừa có chuyến tham quan vào hôm 5/9 và được báo cáo một thông tin tình báo về không gian.
Huy hiệu của Tổng thống Mỹ trên tường phòng họp mới được cải tạo. Ảnh: AP
Video đang HOT
Không gian được tân trang lại mang hơi hướng hiện đại nhưng vẫn cổ điển. Sàn nhà, đồ nội thất, máy tính và các thiết bị công nghệ khác đều được loại bỏ. Chúng được thay thế bằng tấm ốp gỗ gụ từ Maryland, ốp đá từ mỏ ở Virginia, đèn LED có thể thay đổi màu sắc và những màn hình điện tử cỡ lớn. Văn phòng bằng kính trong suốt sẽ chuyển từ mờ dần thành mờ đục bằng cách nhấn nút. Cả không gian có mùi tựa như một chiếc xe mới cứng.
Nhưng nơi đây vẫn chủ yếu sử dụng điện thoại cố định. Không được phép mang điện thoại di động vào khu vực này vì lý do an ninh.
Biển tên của Phòng Tình huống. Ảnh: AP
Quyền tiếp cận căn phòng này được kiểm soát chặt chẽ và thường chỉ dành cho các cố vấn quân sự và an ninh quốc gia của tổng thống. Bất cứ ai theo dõi cuộc họp giao ban mật đều cần có phép. Ngay cả các nhà thầu thực hiện việc cải tạo cũng phải có giấy phép an ninh tạm thời. Các tín hiệu sáng nhấp nháy màu xanh lục đại diện cho cho thông tin giải mật và màu đỏ cho thông tin mật.
Ông Biden được giới thiệu về một tấm huy hiệu Tổng thống Mỹ bằng gỗ khi thăm Phòng Tình huống mới. Ảnh: AP
Khu phức hợp yên ắng này được chính quyền Tổng thống John F. Kennedy xây dựng vào năm 1961. Ông Kennedy tin rằng Nhà Trắng cần có một trung tâm quản lý khủng hoảng chuyên biệt, nơi các quan chức có thể điều phối hoạt động tình báo nhanh hơn và tốt hơn.
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Nhà Trắng đã tiến hành một đợt nâng cấp quan trọng trong Phòng Tình huống, cùng với việc mở rộng hơn hệ thống liên lạc của tổng thống trên chuyên cơ Không lực Một và trực thăng riêng của tổng thống. Các tổng thống đã sử dụng tổ hợp này để họp an ninh trực tuyến. Lần cải tạo gần đây nhất là vào năm 2007.
Khu phức hợp có nhân viên quân sự và dân sự túc trực suốt ngày đêm. Họ có nhiệm vụ theo dõi các diễn biến bất ngờ trên toàn thế giới.
Bức ảnh nổi tiếng chụp lại không khí căng thẳng trong Phòng Tình huống khi Tổng thống Obama theo dõi chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh: AP
Phòng Tình huống có một khu vực tiếp tân. Phía sau đó là phòng họp chính, được gọi là “phòng JFK”. Bên phải là một phòng hội nghị nhỏ hơn và hai phòng phân tích cách âm. Bên trái là tầng canh gác – trung tâm điều hành 24/7.
Giám đốc Gustafson giới thiệu không gian mới này là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Các công nhân đã phải đào sâu thêm 1,5 xuống lòng đất để có thêm không gian và lắp đặt thiết bị công nghệ tiên tiến, cho phép giới chức Nhà Trắng tập hợp thông tin tình báo từ các cơ quan khác nhau chỉ bằng một vài nút nhấn.
Tổng thống Donald Trump giám sát chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: AP
Ông Gustafson cho biết mục tiêu của Nhà Trắng là không bao giờ cần phải cải tạo toàn bộ Phòng Tình huống nữa. Không gian mới đã được thiết kế để dễ dàng tháo các màn hình và thay thế công nghệ mới, thường có nhu cầu ít không gian hơn. Căn phòng từng được đặt các máy chủ nay đã trở thành một phòng họp nhỏ.
Phòng JFK có một chiếc bàn gỗ dài với sáu chiếc ghế da mỗi bên và một chiếc chủ tọa dành cho tổng thống. Những chiếc ghế bành bọc da xếp dọc các bức tường. Một màn hình công nghệ cao khổng lồ chạy dọc theo bức tường phía sau. Một biển tên dài 0,6 mét được đặt ở cuối phòng của tổng thống, lớn hơn biển tên cũ.
Không có nhiều bức ảnh về Phòng Tình huống, nhưng một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất là hình ảnh Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Phó Tổng thống Biden cùng những người khác theo dõi chiến dịch đột kích trùm khủng bố bin Laden.
Sự kiện đó diễn ra ở một phòng họp nhỏ, nay đã không còn tồn tại. Phòng họp đó đã được “cắt” toàn bộ khỏi khu phức hợp và gửi đến Thư viện Tổng thống Obama. Thay vào đó là hai căn phòng nhỏ hơn.
Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris theo dõi chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi tháng 2/2022. Ảnh: AP
Một hiện vật khác cũng được giữ lại để bảo tồn là một bốt điện thoại cũ nằm trong khu phức hợp. Nó đã được gửi đến kho lưu trữ cho Thư viện Tổng thống Biden.
Giám đốc Phòng Tình huống cho biết các nhân viên luôn phải sẵn sàng chuẩn bị phòng cho các cuộc họp giao ban mật tức thì. Tổng thống Biden hay đột ngột tổ chức các cuộc họp, đặc biệt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong thời gian khu vực này đóng cửa để cải tạo, các quan chức Nhà Trắng đã sử dụng một số điểm an toàn khác trong khuôn viên Nhà Trắng để tổ chức họp kín.
Một nâng cấp về mặt thẩm mỹ mà ông Gustafson đã chỉ ra là khả năng thay đổi các huy hiệu treo trên tường phòng JFK, tùy thuộc vào nhân vật tham gia cuộc họp. Con dấu của Tổng thống và Phó Tổng thống hoặc Giám đốc điều hành Nhà Trắng được cất giữ trong tủ gần đó để tiện thay thế.
Ông Gustafson cho biết các khách tham quan trước đây đã nhận xét rằng Phòng Tình huống không đủ gây ấn tượng giống như trong kịch bản của các bộ phim Hollywood. Nhưng giờ đây, ông khẳng định khu vực quan trọng này đã hoành tráng giống trong phim.
Bà Hillary Clinton quay lại làm giáo sư đại học
Hôm qua, Đại học Columbia (TP.New York, bang New York, Mỹ) thông báo thành lập Viện Chính trị toàn cầu (IGP) với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là đồng chủ tịch.
Forbes dẫn lời bà Clinton cho biết thế giới hiện đối mặt những thách thức ngày càng trở nên phức tạp và cấp bách hơn. Vì thế, IGP sẽ tạo điều kiện quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới và giới chuyên gia nhằm thúc đẩy chính sách thiết thực để đạt được mục tiêu vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh REUTERS
Trong tuần, bà Clinton cũng quay lại giảng đường đại học trên vai trò giáo sư quan hệ công chúng và quốc tế. Bà dạy lớp "Bên trong Phòng Tình huống" - tên gọi trung tâm chỉ huy của Nhà Trắng. Môn học được xây dựng nhằm giải mã cách thức các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra những sự lựa chọn có ảnh hưởng về địa chính trị, và bà Clinton chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Hơn 800 sinh viên đăng ký học, và khoảng 370 sinh viên được chọn sau khi được đặc vụ Mỹ hoàn tất khâu rà soát lý lịch.
Nữ chính khách cựu trào Pelosi bất ngờ muốn quay lại nghị viện Mỹ AP ngày 9.9 đưa tin cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ tái tranh cử vào quốc hội trong năm 2024, giữa lúc đảng Dân chủ đang nỗ lực giành lại thế đa số. Thông tin trên được chính bà Pelosi, 83 tuổi, đưa ra trước những người ủng hộ tại TP.San Francisco (bang California) mà bà là người đại diện...