Bên trong ‘điểm nóng’ Chasiv Yar bị bao vây của Ukraine, nơi binh sĩ chờ vũ khí Mỹ
Khi lực lượng Ukraine ở Chasiv Yar chờ được bổ sung vũ khí từ Mỹ, họ phải đối mặt với những vấn đề khác mà viện trợ của Washington không thể giải quyết được.
Các lực lượng Nga đang gia tăng áp lực lên Ukraine ở Chasiv Yar. Ảnh: Sputnik
Một vụ nổ làm bừng sáng bầu trời đêm, khiến ngọn lửa bốc cao hàng chục mét. Một vụ nổ lớn khác diễn ra sau đó vài giây, rồi đến vụ nổ tiếp theo. Những tiếng nổ vang xa hàng km trên những cánh đồng ở phía đông Chasiv Yar pha trộn với tiếng rít của máy bay phản lực, theo tường thuật của tờ Wall Street Journal ngày 23/4.
Máy bay Nga đang tấn công thành phố phía đông Ukraine này – hiện là mục tiêu chính của Moskva ở Ukraine – bằng bom lượn. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine, bị áp đảo về vũ khí và quân số, đang nỗ lực duy trì quyền kiểm soát Chasiv Yar đủ lâu để vũ khí mới được chuyển đến từ Mỹ.
Nằm trên sườn núi nhìn ra Bakhmut, thành phố phía đông Ukraine mà Nga đã giành quyền kiểm soát vào năm ngoái sau trận giao tranh ác liệt, Chasiv Yar là một mục tiêu chiến lược tiếp theo có giá trị. Nếu Ukraine mất thành phố này, các thành trì còn lại của Kiev ở khu vực phía đông Donetsk sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu cho một cuộc tấn công dự kiến của Nga vào mùa hè này.
“Đó là một điểm cao. Nếu đối phương chiếm được Chasiv Yar, họ sẽ có quyền kiểm soát hỏa lực nhằm vào Druzhkivka, Kramatorsk và Kostyantynivka”, Yury Fedorenko, chỉ huy Tiểu đoàn máy bay không người lái tấn công Achilles thuộc Lữ đoàn tấn công 92 của Ukraine, đang hoạt động xung quanh Chasiv Yar cho biết khi liệt kê ba trong số những khu định cư lớn nhất trong khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Cứ mỗi đợt pháo binh Ukraine khai hỏa, Nga đáp lại gấp 10 lần về số lượng và binh sĩ Ukraine trong khu vực cho biết tỷ lệ đó ngày càng tệ hơn. Ở tiền tuyến trải dài qua những cánh đồng và làng mạc phía đông Chasiv Yar, quân Nga vẫn đang tiến lên, áp sát rìa phía đông của Chasiv Yar.
Video đang HOT
Bên trong Chasiv Yar, các lực lượng Nga đang tấn công những công sự mà binh sĩ Ukraine có thể ẩn náu, chiến lược tương tự mà Nga đã sử dụng ở Bakhmut ngoại trừ bom lượn đang cho phép họ thực hiện điều đó nhanh hơn nhiều ở Chasiv Yar.
Mick Ryan, chiến lược gia quân sự và Thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu, cho biết: “Bom lượn có sức tàn phá khủng khiếp, ngay cả trong khu vực được phòng thủ kiên cố”.
Tấn công, như lực lượng Nga đang làm hiện nay, luôn khó khăn hơn phòng thủ. Để tới Chasiv Yar, các đơn vị Nga sẽ phải băng qua một con kênh chạy qua phía đông thành phố, sau đó tiến lên một ngọn đồi dốc.
Số vũ khí mà Mỹ sẵn sàng cung cấp sẽ mang lại cho Ukraine cơ hội tốt hơn để duy trì quyền kiểm soát. Quốc hội Mỹ ngày 23/4 đã thông qua dự luật hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine, và một khi Tổng thống Biden ký, đạn pháo có thể được chuyển đến Ukraine trong vài ngày tới.
Các hệ thống phòng không bổ sung có khả năng đánh chặn các máy bay phản lực bắn bom lượn của Nga – những quả bom hạng nặng thời Liên Xô mà Moskva đã cải tiến bằng cách bổ sung các cánh và hệ thống định vị vệ tinh để chúng có thể được phóng từ xa hơn thay vì thả rơi.
Nhưng quân đội Ukraine phải đối mặt với những vấn đề khác mà viện trợ của Mỹ không thể giải quyết được.
Lực lượng Ukraine đang kiệt quệ sau nhiều tháng chiến đấu không ngừng nghỉ, và Kiev đang thiếu nhân lực để triển khai thay thế họ. Kết quả là, việc triển khai bổ sung ở mặt trận được cho là kéo dài 5 ngày có thể lên tới 10 hoặc 15 ngày. Trong thời gian đó, binh sĩ Ukraine có thể hết lương thực, nước uống và thuốc men.
Theo các quan chức Ukraine, khoảng 700 dân thường vẫn còn ở lại thành phố, giảm so với dân số 12.000 người trước xung đột.
Quân đội Ukraine, các chỉ huy quân sự nước này đều nói rằng nhiều vấn đề của họ sẽ được giải quyết một khi kho đạn pháo được bổ sung. Họ nói rằng với sự yểm trợ của pháo binh nhiều hơn, thương vong sẽ giảm đi, điều này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho rằng chiến đấu để giữ thành phố, như Ukraine đã làm với Bakhmut trong nhiều tháng năm ngoái, dù sao cũng sẽ phải trả giá. Thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu Ryan nói về các nhà lãnh đạo Ukraine: “Họ sẽ phải đưa ra một số quyết định chính trị khó khăn: Tiếp tục nỗ lực kiểm soát Chasiv Yar hoặc từ bỏ để bảo toàn nhân lực và mạng sống của binh sĩ. Đây chính là thế khó mà họ đang gặp phải”.
Lầu Năm Góc cần 10 tỷ USD để thay thế số vũ khí đã gửi cho Ukraine
Quân đội Mỹ đánh giá cần 10 tỷ USD để thay thế số vũ khí đã gửi tới Ukraine, đồng thời thừa nhận không còn gói viện trợ khẩn cấp nào cho Kiev.
Kho vũ khí của quân đội Mỹ đang cạn kiệt do viện trợ cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói với tờ Politico mới đây rằng Lầu Năm Góc cần khoảng 10 tỷ USD để thay thế vũ khí trong kho dự trữ quân sự của nước này đã được gửi tới Ukraine.
Hiện khoản tiền 60 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua cũng bao gồm nguồn tài trợ để bổ sung kho dự trữ quân sự của Mỹ. Thượng viện Mỹ đã thông qua khoản chi tiêu này, nằm trong dự luật viện trợ quân sự nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, nhưng hiện Hạ viện Mỹ vẫn trì hoãn việc đưa ra bỏ phiếu.
Quan chức Mỹ trên cho biết nếu Lầu Năm Góc không nhận được số tiền bổ sung sẽ gây tổn hại cho quân đội Mỹ: "Điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ khi kho dự trữ đang ở mức thấp trong bối cảnh không thể nhận được nguồn tài chính mới".
Theo Bloomberg, chính quyền Biden đã nhấn mạnh với Quốc hội Mỹ về gói ưu tiên để bổ sung kho vũ khí của Mỹ, thay thế trang thiết bị quân sự đã gửi đến Ukraine. Việc bổ sung bao gồm tất cả mọi thứ từ đạn pháo 155mm và tên lửa phóng từ trên không chống radar cho đến thiết bị nhìn đêm,...
Lầu Năm Góc đã gửi Quốc hội Mỹ danh sách đề xuất bổ sung vũ khí, trang thiết bị như sau: 2,1 tỷ USD cho sản xuất đạn pháo 155 mm tại các nhà máy ở Texas, Iowa, Arkansas, Ohio, Pennsylvania, Kansas và California; 915 triệu USD để mua thêm tên lửa chống radar HARM được sản xuất ở California, Minnesota và Tây Virginia; 797 triệu USD cho tên lửa của hệ thống Patriot từ các cơ sở ở Texas, Arkansas, Georgia, Florida và Tây Virginia; 549 triệu USD cho tên lửa phóng loạt (GMLRS), được sản xuất ở Arkansas, California, Tây Virginia, Ohio và Florida; 348 triệu USD cho tên lửa chống giáp TOW được sản xuất ở California, Arizona và Utah; 308 triệu USD cho các thiết bị nhìn đêm được sản xuất ở New Hampshire và Virginia.
Trong khi đó, hãng tin AP cho biết Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Charles Quinton Brown đã đến thăm cơ sở vũ khí Camden, Arkansas của Lockheed Martin và Nhà máy Đạn dược Quốc phòng McAlester ở McAlester, Oklahoma, cùng với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ: Thượng nghị sĩ Arkansas John Boozman, Thượng nghị sĩ Oklahoma Markwayne Mullin và Hạ nghị sĩ Arkansas Brad Westerman và Hạ nghị sĩ Oklahoma Josh Breechen để giải quyết những lo ngại về hàng tỷ USD được gửi ra nước ngoài trong khi có quá nhiều nhu cầu khác ở trong nước.
Tướng Brown cho biết chuyến thăm nhằm chỉ ra mức độ cần thiết của nguồn tài trợ bổ sung kho dự trữ quân sự của Mỹ đã được gửi tới Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và việc gia tăng sản xuất đó hỗ trợ nền kinh tế của Mỹ như thế nào. Đây là một vấn đề mà Lầu Năm Góc ngày càng thúc đẩy trong những tháng gần đây khi nguồn tài trợ hiện tại cho Ukraine cạn kiệt. Theo ông Brown, phần lớn số tiền viện trợ (khoảng 80%) sẽ quay trở lại cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Chuyến thăm trên cũng nhằm khẳng định rằng gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD đang bị treo tại Quốc hội Mỹ không chỉ quan trọng đối với "sự sống còn" của Ukraine mà còn quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ.
Về các khoản viện trợ sắp tới cho Ukraine, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh xác nhận rằng Mỹ sẽ không thể cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine nếu không được Quốc hội Mỹ phê duyệt kinh phí bổ sung. Theo bà Singh, gói viện trợ trị giá 300 triệu USD mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 12/3 là một "trường hợp duy nhất".
Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/22 đến nay, Mỹ đã cam kết cung cấp hơn 44 tỷ USD thiết bị quân sự cho Ukraine. Mỹ cũng đã chi ít nhất 113 tỷ USD cho cuộc chiến ủy nhiệm, bao gồm hỗ trợ tài chính và các loại viện trợ khác cho Ukraine.
Lầu Năm Góc cho biết họ vẫn có hơn 4,1 tỷ USD mà theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, Tổng thống Mỹ có thể cho phép chuyển trực tiếp từ kho dự trữ của Mỹ cho Ukraine, nhưng quyền này chưa được sử dụng vì không có kinh phí để bổ sung vũ khí.
Nguy cơ xung đột trực tiếp Nga và phương Tây về Ukraine Xung đột ở Ukraine đã gây ra sự đổ vỡ tồi tệ nhất trong quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo sẽ tấn công các trung tâm hậu cần và kho chứa vũ khí phương Tây. Ảnh: AFP/TTXVN Nga và phương Tây đang có...