Bên trong bộ lạc từng ăn thịt người thân để ‘hút linh hồn’ ở Peru
Trong một vùng sâu của Peru của một bộ lạc ít được biết đến, họ có những chiếc râu dài và thường ăn thịt người thân để ‘hút linh hồn’.
Khi đi dọc theo sông Galves, gần làng Buen Peru, nhà thám hiểm Alexey Kolbov từ Moscow, Nga, đã gặp được một bộ lạc người Matses, sống tại một vùng xa xôi ở Amazon thuộc Peru. Nhà thám hiểm Alexey đã dành 2 ngày mới có thể tới được bộ lạc xa xôi này, dành 8 ngày chung sống cùng họ và ông cảm thấy mình rất được hoan nghênh khi tới đây.
Nhà thám hiểm Alexey cho biết, những người phụ nữ thuộc bộ lạc cổ đại này có thể nhận ra nhờ bộ râu và hình xăm độc đáo trên khuôn mặt của họ. Bộ râu trên khuôn mặt những người phụ nữ Matses được gọi là “demuzh”. Đây là những sợi lá cọ mỏng được gắn vào mũi.
4 người phụ nữ Matses đang đi săn.
Một người phụ nữ Matses bên cạnh một đứa trẻ được bôi sơn đỏ khắp mặt và cơ thể.
Mỗi người có 10 chiếc râu được phân đều ở hai bên khuôn mặt và “trang sức” này được coi là tiêu chuẩn của cái đẹp ở đây. Trong khi đó, khuôn mặt của những đứa trẻ lại được bôi sơn đỏ – được cho là mang lại sức mạnh cho người bôi nó.
Nhà thám hiểm Alexey chia sẻ: “ Hai điều đáng chú ý nhất ở người phụ nữ thuộc bộ lạc Amazon cổ đại này chính là hình xăm và bộ râu của họ. Những người Matses coi những thứ này là đẹp nhất. Demuzh và hình xăm cũng giúp bảo vệ họ khỏi sự bắt cóc của các bộ lạc khác. Đây như một phương pháp tự nhận dạng vậy“.
Hai người phụ nữ khác mang mang bộ râu demuzh.
Một người phụ nữ Matses được bôi sơn đỏ lên cơ thể.
Một người phụ nữ khác đang cầm một chiếc đầu của động vật.
Hai người phụ nữ Matses đang chuẩn bị đồ ăn.
Nửa trên khuôn mặt của một đứa trẻ được bôi sơn đỏ.
Một người của bộ lạc với 8 chiếc râu trên mặt.
Chia sẻ về truyền thống ăn thịt người của bộ lạc này, nhà thám hiểm Alexey cho biết, bộ lạc này đã không còn thực hiện nghi lễ ăn thịt người khi bước qua thế kỷ 21. Tuy nhiên, người Matses cho biết, nghi lễ cổ xưa này “cho phép bộ lạc hút linh hồn” của tổ tiên họ.
“ Họ không còn thực hiện nghi lễ ăn thịt người nữa. Nhưng Tumi, một trong những thành viên của bộ lạc đã kể cho tôi nghe khi ông của cô ấy chết, nghi thức này cho phép họ ăn chân của người ông“, nhà thám hiểm Alexey nói.
Một số thành viên của bộ lạc đang chơi đùa, trò chuyện cùng du khách.
Chia sẻ về quãng thời gian sống cùng người Matses, nhà thám hiểm Alexey nói: “ Tôi cảm thấy thực sự như đang ở nhà mình vậy. Byso và Tumi, hai người phụ nữ của bộ lạc, đã khóc khi tôi nói lời tạm biệt và họ hỏi liệu tôi có còn quay lại không?“.
Phương An
Người đàn ông từ bỏ tiện nghi hiện đại đến sống với bộ lạc thổ dân
Audun Amundsen đã từ bỏ cuộc sống hiện đại để đến chung sống với bộ lạc trong rừng rậm Indonesia khoảng 3 năm và chứng kiến sự thay đổi ở nơi này.
Khi là một thanh niên 24 tuổi, Audun Amundsen, kỹ sư và nhà làm phim người Na Uy, lần đầu tiên đến sống cùng bộ lạc Mentawai ở miền Tây Indonesia khoảng một tháng vào năm 2004. Anh trở lại vào năm 2009 và ở lại cùng họ 3 năm.
"Tôi đã học cách sống theo nhịp điệu của thiên nhiên", Audun Amundsen nói về cuộc sống của mình với bộ lạc Mentawai, nơi có rất ít hoạt động hàng ngày ngoài việc làm mũi tên, cano và săn bắt khỉ, dơi hoặc tôm... làm thức ăn. Khi sống cô lập cùng bộ lạc, điều lớn nhất anh ấy nhớ là "sự tiện lợi của xã hội hiện đại" và "ăn thức ăn cho thỏa thích mà không chỉ đơn giản là để sinh tồn".
Đôi khi việc nói chuyện với người thân cũng là điều anh ấy khao khát. Cuộc sống trong tự nhiên khác xa với cuộc sống mà Amundsen đã bỏ lại.
Audun Amundsen từng sống cùng bộ lạc Mentawai trong rừng rậm của đảo Siberut ở miền Tây Indonesia.
Hành trình đến thăm bộ lạc sống tách biệt trong rừng rậm
Năm 2004, Audun Amundsen từ bỏ công việc sinh lợi để làm tại một giàn khoan dầu ngoài khơi Scotland và rời khỏi căn hộ hiện đại, tiện nghi ở Trondheim, Na Uy, để thỏa mãn cơn nghiện du lịch.
Anh bắt đầu chuyến du lịch ở Ấn Độ, trước khi chuyển đến Nepal và sau đó tới Indonesia. Amundsen, 40 tuổi, cho biết khi tới Padang ở Tây Sumatra, anh mong muốn tìm hiểu càng sâu về nền văn hóa càng tốt. Kể lại câu chuyện của mình, anh nói: "Tôi đã nghe nói rằng những người sống theo cách truyền thống đang ở trong rừng rậm trên đảo Siberut và tôi giống như "wow thật sự rất thú vị, tôi muốn thấy điều đó".
Audun tìm đường đến nơi ở của bộ lạc Mentawai: "Tôi đã đến hòn đảo trong chuyến đi kéo dài 12 giờ trên chiếc thuyền gỗ tồi tàn từ Padang và dành một tuần để thuyết phục ai đó đưa tôi ngược dòng đến nơi bộ lạc sống. Trên hòn đảo này, tôi sẽ không có khả năng giao tiếp với phần còn lại của thế giới. Hòn đảo thực sự rất xa, không có quyền truy cập vào Google Maps hoặc Facebook".
Audun Amundsen đã gặp mặt và kết bạn với pháp sư người Mentawai Aman Paksa.
"Khi tôi đến đó, anh chàng này đi về phía tôi và đó là khoảnh khắc khá thú vị. May mắn là anh ấy đã mỉm cười. Chúng tôi thực sự không thể giao tiếp nhiều nhưng chúng tôi đã trở thành bạn", Amundsen kể về lần đầu gặp mặt người bạn của mình Aman Paksa, một pháp sư Mentawai.
Chỉ sống hơn một tháng với Paksa, Audun Amundsen mô tả bản thân vào thời điểm đó là "du khách balô trẻ trung và ngây thơ". Anh nói: "Vì anh ấy thích tôi nên chúng tôi đã bàn bạc rằng tôi sẽ ở lại vài tuần. Để đáp lại lòng hiếu khách của Paksa, tôi giúp đỡ các công việc hàng ngày và cuộc sống xung quanh ngôi nhà bụi rậm". Du khách người Na Uy nói rằng họ giao tiếp chủ yếu thông qua ngôn ngữ cơ thể.
Cuối cùng, Amundsen rời đi để tiếp tục chuyến du lịch và bắt chuyến bay về nhà mà anh đã đặt trước.
Du khách người Na Uy lần đầu chung sống với bộ lạc Mentawai khoảng một tháng vào năm 2014 khi anh 24 tuổi.
Trở lại hòn đảo miền nhiệt đới và cuộc sống thổ dân
Sau khi trở về Na Uy, Amundsen vẫn nhung nhớ "ma lực của rừng rậm". Anh muốn quay lại và làm một bộ phim tài liệu về Paksa. Để thực hiện dự án, anh đã xin tài trợ từ bộ văn hóa Na Uy.
Amundsen nói rằng anh không được học chính thức như một nhà làm phim nên trước khi bắt đầu cuộc phiêu lưu, anh dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu và cố gắng thu thập tất cả kiến thức để có thể quay phim, đạo diễn... Amundsen đã gặp vấn đề về sức khỏe trước khi tới Indonesia, bao gồm đột quỵ và phẫu thuật tim, nhưng cuối cùng anh lấy lại sức mạnh và lên đường ra nước ngoài vào năm 2009.
Sau khi hạ cánh ở Padang, Amundsen lên chiếc thuyền gỗ cũ trở lại đảo Siberut. Từ đó, anh lại đi ngược dòng sông để tìm kiếm người bạn cũ Paksa và hy vọng mình sẽ được chào đón một lần nữa. Amundsen kể lại: "Sau một tuần, cuối cùng tôi cũng tìm thấy Aman Paksa. Anh vẫn ở đó và khỏe mạnh. Anh có thêm một đứa con trai và cũng có một chiếc đồng hồ. Tôi thấy rằng mọi thứ đã bắt đầu thay đổi trong khoảng thời gian ngắn mình rời đi".
Nhà sản xuất phim tài liệu Amundsen không có kế hoạch sẽ ở lại trong rừng bao lâu. Anh nói đùa với Paksa rằng anh có thể ở lại trong một năm và người bạn thổ dân chỉ trả lời bằng tiếng mẹ đẻ: "Chắc chắn, nếu anh có thể".
Amundsen trở lại với vốn từ vựng Indonesia nhiều hơn, máy ảnh và pin năng lượng Mặt Trời. Anh có thể ghi lại cuộc sống ở nơi đây và biến đoạn phim thành bộ phim tài liệu Newtopia sau đó. Anh cũng mang theo một số loại thuốc Tây, điều này trở nên hữu ích khi Amundsen bị nhiễm trùng mắt khiến mắt đỏ và mí mắt gần như ngừng hoạt động.
Nhà thám hiểm người Na Uy mô tả khoảng thời gian sống với bộ lạc Mentawai "đơn giản là mất dấu vết của thời gian tuyến tính".
Cuộc sống trong rừng khiến anh có những thói quen hàng ngày mới: "Chúng tôi sẽ tự thức dậy trước khi Mặt Trời mọc, lúc mà sương mù vẫn bao quanh cây cối. Khi Mặt Trời sưởi ấm khu rừng, chúng tôi sẽ ngồi ngoài hiên, thư giãn, trò chuyện và uống đồ uống nóng. Tiếp theo, công việc sẽ là cho lợn ăn sagu (chiết xuất tinh bột từ cây cọ cao lương). Sau đó, chúng tôi tự do lên kế hoạch cho bất kỳ ý định nào mình muốn, có thể là săn khỉ, dơi hoặc tôm sông, làm dụng cụ, canô, mũi tên, giỏ".
Amundsen quay cuộc sống của mình với bộ lạc Mentawai và chuyển thành phim tài liệu Newtopia.
Anh kể tiếp: "Thông thường, chúng tôi nghỉ ngơi một chút vào giữa trưa và sau đó sẽ có các hoạt động xã hội diễn ra. Nhà mở cửa và du khách thường ghé qua hoặc chúng tôi sẽ đến thăm ai đó để trò chuyện, tin tức cho nhau. Đêm đến, chúng tôi ngồi bên ngọn đèn dầu. Tôi đã đọc rất nhiều sách khi ở đó. Đôi khi chúng tôi làm đồ thủ công như đan giỏ. Nhiều ngày trôi qua chậm chạp, nhưng bằng cách nào đó thời gian cứ trôi đi mà không báo trước".
Sự hiện đại len lỏi vào cuộc sống trong rừng
Theo thời gian, Amundsen chứng kiến sự hiện đại len lỏi vào cuộc sống trong rừng rậm, với quần áo phương Tây, các đồ vật bằng nhựa thay thế đồ sản xuất từ thực vật và khao khát kiếm tiền. Trong khi, gà và lợn là phương thức thanh toán truyền thống.
Nhà thám hiểm giải thích trong phim tài liệu Newtopia rằng, lần đầu tiên gặp Paksa, anh đã rất ngạc nhiên vì Paksa sống không có tiền, điện hay máy móc. Amundsen tự nghĩ rằng: "Thật tuyệt vời. Điều này giống như câu chuyện từ thời thơ ấu của tôi trở thành đời thực".
Thời gian trôi qua, câu chuyện cổ tích của Amundsen dần mờ đi khi các thành viên của bộ lạc Mentawai bắt đầu tò mò về thế giới bên ngoài, với những thị trấn xiêu vẹo ở ngoại vi của khu rừng biến thành trung tâm buôn bán nhộn nhịp.
Nhà làm phim nghĩ rằng Aman Paksa sẽ không bao giờ có tài khoản ngân hàng và điện thoại di động nhưng anh dần nhận ra rằng đây là thực tế. Các thành viên bộ lạc sử dụng động cơ cho thuyền thay vì mái chèo, họ nhận ra rằng họ có thể săn bắn bằng súng thay vì mũi tên và cưa xích hiệu quả hơn so với tay.
Trong nỗ lực kiếm tiền để mua những công cụ hiện đại, Paksa cắt tóc và mặc trang phục phương Tây để có công việc xây dựng tại thành phố Padang. Amundsen nói rằng "thật khó khăn" khi chứng kiến những thay đổi này nhưng anh chấp nhận rằng anh không thể ngăn Paksa nếm trải cách sống khác. Trong khi thành phố có vẻ hấp dẫn, Paksa sớm nhận ra đó không phải là tất cả. Anh từng nói với Amundsen: "Nếu tất cả là tiếng ồn này, tôi không thích nó".
Mất đi sự yên bình của rừng rậm, Paksa quyết định trở về nhà, mua một bộ tóc giả trong trung tâm mua sắm hiện đại để thay thế mái tóc cắt ngắn của mình. Anh trút bỏ quần áo phương Tây để mặc trang phục truyền thống và quay lại săn bắn bằng cung tên.
Amundsen đã trở lại rừng rậm nhiều lần kể từ khi quay phim tài liệu và tình bạn độc đáo của anh với Paksa đã kéo dài 16 năm.
Tình bạn của Amundsen và Paksa đã kéo dài 16 năm.
Khi được hỏi hy vọng của anh là gì đối với những người xem phim Newtopia, Amundsen trả lời: "Tôi muốn mọi người trân trọng sự đa dạng và khác biệt của thế giới, về mặt văn hóa, sinh thái, giữa giới tính, truyền thống... và tôi muốn gợi lên câu hỏi về loại tiến bộ nào chúng ta muốn cho tương lai".
Anh nói tiếp: "Tôi nghĩ rằng cuối cùng chúng ta sẽ tìm thấy sự cân bằng giữa tự nhiên và hiện đại, nhưng thật không may, tôi nghi ngờ rằng rất nhiều loài và hệ sinh thái sẽ biến mất trước khi chúng ta làm điều đó. Theo nhiều cách, sống với người Mentawai đã khiến tôi nghĩ đến câu nói của nhà sử học nổi tiếng người Mỹ Will Durant: Một nền văn minh vĩ đại không bị chinh phục cho đến khi nó tự phá hủy từ bên trong".
Uyên Hoàng
Atum - Vị thần sáng tạo thế giới Người dân Ai Cập tin rằng Atum là vị thần đầu tiên tồn tại trên trái đất, với hình dáng một người đàn ông đội vương miện kép. Họ cho rằng thần Atum đã trỗi dậy từ làn nước hỗn loạn, tạo ra hai vị thần đầu tiên là thần Shu và thần Tefnut - cặp đôi sinh ra các vị thần khác...