Bến Tre: Sơ tán hơn 22.000 dân trú bão số 16
Sáng 25-12, các ngành chức năng của tỉnh Bến Tre đã di dời khoảng 22.154 người về nơi trú bão an toàn.
Dự báo cơn bão Tembin với sức gió giật mạnh cấp nguy hiểm sẽ đổ bộ vào các tỉnh Tây Nam bộ vào chiều nay và sáng mai 26-12.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiểm tra công tác sơ tán dân tại huyện Bình Đại
Đến sáng 25-12, tại xã biển Thới Thuận (huyện Bình Đại, Bến Tre) người dân ven biển đã đến nhà trú bão của xã, các trường học để tránh bão. Theo ghi nhận vào sáng 25-12, trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre đã xuất hiện mưa kéo dài từ 3 giờ sáng đến trưa cùng ngày mưa vẫn còn nặng hạt, tuy nhiên chưa xuất hiện giông gió.
Bà Nguyễn Thị Lũy – Chủ tịch UBND xã Thới Thuận cho biết, trong đợt bão này, xã Thới Thuận sẽ di dời 1.103 dân tránh trú bão đến các trụ sở ấp, trường học và nhà tránh trú bão của xã. Đến 12 giờ trưa nay công tác di dời dân sẽ hoàn tất, không để người dân nào ở ngoài vùng nguy hiểm.
“Hiện tại dân quân xã, Ban chỉ huy quân sự huyện đang khẩn trương xuống tận hộ dân để vận động di dời người dân về nơi tránh trú bão an toàn”- Bà Lũy nói.
Theo ghi nhận của PV, đến sáng 25-12, người dân đã di chuyển về nhà tránh trú bão xã Thới Thuận khá đông. Chị Võ Thị Thanh Mai nhà ở cồn Bà Tư (ấp Thới Hòa 2, xã Thới Thuận) cho biết: “Nghe tin bão nên chị và gia đình rất lo lắng, từ sáng sớm vợ chồng chị cùng 3 người con của tôi đã nhanh chóng di chuyển đến nhà tránh trú bão của xã để trú ẩn an toàn”.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Loan (50 tuổi, ấp Thới Hòa 2) từ sáng sớm chị Loan cùng gia đình đã di dời về nhà tránh trú bão của xã nhưng chị Loan vẫn rất lo lắng cho căn nhà của mình vừa xây nếu bão mạnh đổ vào sẽ thì căn nhà có nguy cơ sẽ đổ sập.
Chị Loan buồn rầu: “Gia đình khó khăn, tôi vừa được các anh trong gia đình hỗ trợ 55 triệu đồng cất căn nhà chưa kịp mừng thì nay bão đã vào nên tôi rất lo lắng căn nhà mà đổ sập không biết sẽ ở đâu”.
Trung tá Nguyễn Văn Hiếu – Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Đại cho biết, đến giờ thì công tác di dời dân cơ bản đã đạt trên 80%, và sẽ hoàn thành công tác di dời sẽ hoàn thành trước 12 giờ trưa nay. Từ giờ đến chiều nay, ngành quân sự địa phương sẽ tập trung lực lượng bộ đội, dân quân đến các xã biển để hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Cũng trong sáng 25-12, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã trực tiếp đến các địa bàn các huyện ven biển để kiểm tra tình hình ứng phó với bão và kiểm tra công tác di dời dân ở 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Ông Võ Thành Hạo- Bí thư tỉnh ủy Bến Tre cho biết, qua kiểm tra di dời dân, kiểm tra chằng chống nhà cửa, kiểm tra thực hiện việc huy động lực lượng để thực hiện phương châm 4 tại chỗ của từng địa phương. Nhìn chung tinh thần của chính quyền địa phương và người dân rất khẩn trương trong công tác di dời.
“Để đối phó với cơn bão trước nguy cơ sẽ đổ bộ vào địa bàn tỉnh từ chiều nay và sáng ngày mai, trước hết tỉnh đã chỉ đạo huyện phải tập trung cập nhật thông tin diễn biến mới nhất về cường độ của bão. Tùy theo tình hình diễn biến của bão để có sự điều chỉnh các phương án ứng phó đã có kịp thời, quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về ngời và tài sản”- ông Hạo nói.
Trước đó, Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo tạm hoãn các cuộc họp, công việc chưa cần thiết để tập trung công tác phòng tránh, ứng phó với bão. Các trường học đã chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học… và cho học sinh các cấp, sinh viên được nghỉ học từ ngày 25 đến hết ngày 26-12. Các ngành, các cấp chỉ đạo cho công nhân ở các doanh nghiệp và cán bộ, nhân viên nhà nước được nghỉ (trừ những người được phân công trực) từ chiều 25-12, đến hết ngày 26-12 để tập trung phòng tránh, ứng phó bão Tembin.
UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo các xã, huyện, các sở, ban, ngành tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến bão. Các địa phương bố trí lãnh đạo trong các ca trực để kịp thời chỉ đạo, điều hành công tác phòng tránh, ứng phó với bão Tembin hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Công tác kêu gọi tàu thuyền đánh bắt xa bờ về nơi trú bão cũng đã được thực hiện khẩn trương từ trước đó. Theo đó, tổng số phương tiện nắm được là 3.165 phương tiện/15.873 người. Trong đó, có 2.999 phương tiện/14.997 người đã neo đậu tại bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo, các tỉnh khác; còn 82 phương tiện đang di chuyển vào đất liền tránh trú bão. Ngoài ra, có 84 phương tiện/609 ngư dân của tỉnh Bến Tre đang di chuyển vào bờ vùng biển Indonexia, Malaysia để tránh trú bão.
Video đang HOT
Một số hình ảnh người dân Bến Tre tránh bão:
Nhiều người dân đã di chuyển đến nhà tránh trú bão trú ẩn
Người dân xã Thới Thuận (huyện Bình Đại, Bến Tre) đã di chuyển đến nhà tránh trú bão an toàn
ĐÔNG HÀ
Theo PLO
Ảnh: Già trẻ cuống cuồng chống bão Tembin, cặp đôi ra biển chụp ảnh cưới
Trong khi người già, trẻ nhỏ đang khẩn trương chống bão thì một số người vẫn thản nhiên chụp ảnh cưới hay câu cá ngoài biển.
Bão số 16 mạnh tiệm cận "cấp thảm họa" đang đe dọa trực tiếp các tỉnh, thành từ Bà Rịa - Vũng Tàu tới Cà Mau. Hiện, công tác phòng chống bão đang được người dân ở khu vực này thực hiện gấp rút dưới sự hỗ trợ của lực lượng chức năng là dân quân, dân phòng,...
Ghi nhận của PV tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), không khí chằng chống nhà cửa ứng phó với bão số 16 sắp đổ độ đang diễn ra hết sức khẩn trương.
Nhiều ngôi nhà ở dọc bờ biển Bình Châu (xã Bình Châu) đã chằng hàng chục bao cát trên mái.
Người dân trong các ngôi nhà này dự kiến sẽ được di tản sang những nơi an toàn hơn với số lượng khoảng 1.125 nhân khẩu.
"Năm 1997, bão Linda vô đánh rầm rầm, mái bay tứ tung, nhà sập nên tôi sợ lắm rồi. Bây giờ lo chuẩn bị trước chứ không dám lơ là", một người dân ở xã Bình Châu nói.
Không khí phòng chống bão đang diễn ra khá khẩn trương, trẻ em cũng phụ giúp gia đình xúc cát vào bao.
Một ngư dân cho biết đã không ra khơi nhiều ngày và hiện đang gia cố lại chiếc tàu. "Khi bão vào thì nước biển có thể sẽ dâng cao thêm cả mét nên chúng tôi tranh thủ làm cho xong rồi tìm nơi an toàn mà tránh bão", người này nói.
Ngư dân này sẽ sử dụng các can nước chứa đầy nước và chằng lên mái nhà.
Trong khi các ngư dân đang gia cố tàu thuyền ở dưới nước thì người nhà, lối xóm ngồi trên bờ theo dõi.
Một mái nhà vừa được chằng bao cát vừa níu dây tránh bão.
Trưa 25/12, ngư dân không ra khơi được nhưng vẫn tranh thủ thả câu ở gần bờ.
Một số cặp đôi chụp ảnh cưới trên bãi biển Hồ Cốc (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trước thời điểm bão số 16 đổ bộ.
Một ngôi nhà ngay trên bờ biển Hồ Cốc đã được chằng chống.
Sóng biển đang ngày càng mạnh, "đánh" đì đùng vào bờ.
Đoàn công tác của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang kiểm tra công tác phòng chống bão tại các khu vực xung yếu thuộc huyện Xuyên Mộc.
UBND xã Bưng Riềng đã huy động 20 mét khối cát hỗ trợ người dân phòng chống bão.
Trẻ nhỏ, người già cùng xúc cát vào bao, đưa về chằng mái nhà.
Người dùng xe gắn máy, có người dùng cả xe máy xới để lấy cát.
Người dân vừa chuẩn bị tinh thần đón cơn bão số 16 vừa cười nói khá vui vẻ.
Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)
Nếu đổ bộ đất liền, bão Tembin còn mạnh hơn thảm họa Linda 1997 Cường độ bão số 16 - Tembin được dự báo sẽ mạnh hơn cả cơn bão được coi là "thảm họa lịch sử" Linda năm 1997. Vị trí và hướng di chuyển của bão số 16 - Tembin lúc 7h sáng nay (25/12). Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 7 giờ...