Bên lề Quốc hội: Để bảo hiểm trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với nhiều nội dung điều chỉnh, bổ sung liên quan đến chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quỹ bảo vệ người được bảo hiểm…
Bền lề kỳ họp sáng 25/10, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu liên quan đến các nội dung này.
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Bắc Ninh): Cần quan tâm chính sách bảo hiểm nông nghiệp
Với vai trò trụ đỡ, góp phần quan trọng trong nền kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là những lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm; trong đó, có chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn để nâng cao đời sống của người dân.
Tuy nhiên, thực tế qua các chương trình giám sát của Quốc hội cho thấy còn nhiều vướng mắc hiện nay khiến năng suất lao động chưa được cải thiện, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp cũng như cao đời sống người nông dân còn khó khăn.
Theo đó, những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách có thể cải thiện được vướng mắc này như rà soát về tích tụ ruộng đất, chính sách thúc đẩy công nghiệp vào nông nghiệp để nâng cao giá trị và năng suất. Đặc biệt, chính sách giảm thiểu rủi ro trong hoạt động nông nghiệp do yếu tố thời tiết và nhiều yếu tố khác thông qua bảo hiểm.
Trong khi hiện nay yếu tố khó khăn của nông nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư liên quan đến chính sách về tài sản đảm bảo nhưng bảo hiểm gần như không hướng đến đối tượng này. Người dân vẫn rất khó khi huy động vốn, đầu tư lớn nhưng rủi ro chưa được chia sẻ.
Theo tôi, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này cần quy định rõ hơn, để bảo hiểm nông nghiệp không chỉ là khuyến khích, từ đó phát huy được vai trò của bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm liên kết với các sản phẩm bảo hiểm y tế do nhà nước thực hiện.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định): Kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế
Video đang HOT
Việc Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này rất quan trọng, giúp kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.
Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu(EVFTA)…, việc sửa đổi các quy định về kinh doanh bảo hiểm đã có hơn 20 năm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, cùng với thị trường tiền tệ – tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Đáng chú ý, mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cũng như bổ sung quy định quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tạo hành lang an toàn cho người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp mà không chỉ doanh nghiệp trong nước mà đối với doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ khuyến khích các đối tượng tham gia bảo hiểm nhiều hơn. Trong khi doanh số bảo hiểm tăng lên góp phần tạo nguồn thu cho nền kinh tế quốc gia, cùng với đó người dân có cơ hội tiếp cận đời sống tốt hơn.
Đại biểu Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh): Tránh chồng chéo các loại hình bảo hiểm
Bảo hiểm là hình thức quản lý rủi ro và được sử dụng để hạn chế những rủi ro ngẫu nhiên hoặc các tổn thất có thể xảy ra, nói cách khác ngành dịch vụ bảo hiểm góp vai trò quản trị các nền kinh tế. Đã đến lúc cần phải sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dịch vụ này trong giai đoạn mới, hội nhập kinh tế quốc tế.
Song, tôi băn khoăn về các hình vi nghiêm cấm như dự thảo luật quy định việc xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm, bởi quy định sẽ khó khả thi để áp dụng. Thực tế, quy định phải có căn cứ xử lý tuy nhiên việc chứng minh lại rất khó vì cần có bằng chứng đi kèm.
Ngoài ra, dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm. Quy định này có thể hiểu, doanh nghiệp bảo hiểm có thể ký kết hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại trong cùng một hợp đồng. Như vậy thì doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể cung cấp cả sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.
Tuy nhiên, cũng trong dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh đồng thời bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Do vậy, tôi đề nghị cần rà soát, quy định chặt chẽ, thống nhất về các loại hợp đồng này.
Khôi phục nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới
Nhằm khắc phục những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Bên hành lang Quốc hội phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi riêng với ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về những giải pháp phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức.
Thưa ông! Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế nước ta ước thực hiện cả năm dự kiến đạt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, ông có đánh giá gì về nền kinh tế của đất nước trong năm nay?
Như chúng ta đã thấy, vào thời điểm Quý III/2021, lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế nước ta sụt giảm tăng trưởng âm 6,17%, đây là mức âm sâu nhất trong những năm gần đây, nhưng chúng ta tin rằng sự sụt giảm đó chỉ là nhất thời. Chúng ta sẽ có khả năng lấy lại được đà tăng trưởng và sẽ đảo chiều vào cuối năm cũng như trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tôi hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều đó, bởi lẽ với mức độ bao phủ của vaccine phòng COVID-19 như hiện nay, sự phản ứng kịp thời về chiến lược phòng, chống dịch, với biện pháp về mở cửa thị trường, khởi động trở lại để nền kinh tế và các doanh nghiệp quay trở lại.
Có thể nói rằng mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhưng chúng ta đã duy trì khá tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, nợ công và bội chi ngân sách dưới mức trần mà Quốc hội cho phép. Tháng 9 vừa qua chúng ta cũng đã chứng kiến sự quay trở lại của xu hướng xuất siêu và cũng đang có tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chính phủ và Quốc hội cũng đang cố gắng đưa ra những gói kích thích kinh tế mới. Tiếp tục yểm trợ cho doanh nghiệp bằng các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội và thúc đẩy những nỗ lực cải cách hành chính, lấy lại đà tăng trưởng. Thành quả đó trước hết là những nỗ lực của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng như của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp hết sức nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ.
Có thể thấy, trong thời gian qua không chỉ là những đề xuất, những sáng kiến từ phía Chính phủ, mà Quốc hội cũng đưa ra những giải pháp để trao đổi, phối hợp với Chính phủ có sự đồng điệu, kịp thời; vừa phòng, chống dịch bệnh vừa tái khởi động mở cửa nền kinh tế. Đó là điểm sáng rất quan trọng.
Vậy để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động sản xuất của các doanh nghiệp, ông có đề suất gì?
Hiện nay, chúng ta đang trong đà phục hồi của nền kinh tế, mặc dù các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Chính phủ, Quốc hội cũng đang tiếp tục đưa ra các gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội. Mặc dù vậy, tôi vẫn đề suất cần phải có một gói hỗ trợ với quy mô bao phủ lớn hơn, liều lượng cao hơn; đặc biệt, phải triển khai một cách nhanh hơn để trợ sức cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, dư địa của các chính sách tiền tệ không còn nhiều. Vừa rồi các ngân hàng đã cố gắng cấp vốn cho các doanh nghiệp, giảm lãi suất, giãn hoãn các khoản nợ... để doanh nghiệp gắng gượng sản xuất, kinh doanh.
Các cụ xưa có câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", một đồng đưa ra hôm nay có thể có giá trị hơn 10 đồng sau một tuần, một tháng nữa. Bây giờ chúng ta đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế, bởi doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn. Cho nên chắc chắn gói giải pháp hỗ trợ nền kinh tế về mặt tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội phải có quy mô lớn hơn, diện bao phủ rộng hơn và thực hiện với tốc độ "thần tốc" hơn để có thể giải cứu, hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Chúng ta đang đứng trước sức ép của nợ xấu có khả năng tăng lên, áp lực lạm phát tăng và khả năng hấp thụ vốn của một bộ phận doanh nghiệp vẫn đang rất yếu. Cho nên giải pháp then chốt là phải phát huy hơn nữa vai trò của chính sách tài khóa, làm sao tích hợp, cộng hưởng được chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Muốn mở rộng được cho vay, hạ lãi suất cho vay thì ngân sách nhà nước phải dành một quỹ rất lớn thực hiện bảo lãnh tín dụng cho cả hệ thống ngân hàng. Đồng thời cũng phải đầu tư cho quỹ bù lãi suất để yểm trợ cho ngân hàng hạ lãi suất. Đây là hai cánh tay của ngân sách nhà nước hậu thuẫn cho hệ thống ngân hàng, nếu chỉ riêng hệ thống ngân hàng thực hiện biện pháp cấp vốn cho nền kinh tế sẽ rất khó khăn.
Là đại biểu Quốc hội, qua theo dõi các phiên thảo luận tại Kỳ họp, các đại biểu đã có hiến kế gì cho Quốc hội, Chính phủ để có kế sách lâu dài phát triển nền kinh tế, thưa ông?
Tôi nhận thấy các đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động của mình tại địa phương và bộ, ngành đã đưa ra những sáng kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để từng bước gỡ khó, phát triển nền kinh tế nước nhà. Tôi cho rằng, đó là những đóng góp rất là quý giá của đại biểu Quốc hội.
Qua theo dõi, tôi thấy cách làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ gần đây với tần suất, chất lượng cao hơn rất nhiều. Bàn thảo những chiến lược và lộ trình khôi phục phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.
Có lẽ thành công rất lớn của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua đó chính là việc đã thống nhất nhận thức, chuyển trạng thái trong phòng, chống dịch bệnh và quyết định mở cửa nền kinh tế. Việc Quốc hội có Nghị quyết 30 và Chính phủ ra Nghị quyết 128 về phòng, chống dịch bệnh và mở cửa nền kinh tế là những quyết sách rất quan trọng. Các Nghị quyết này là "cẩm nang" hướng dẫn cho các địa phương, các bộ, ngành mở cửa một cách đồng loạt, hình thành nên khung khổ cho việc mở cửa nền kinh tế.
Tôi nghĩ Chính phủ cần chuẩn bị sớm để trình Quốc hội ban hành một chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế và phải có những chính sách đặc biệt. Chính sách tài khóa tiền tệ trong bối cảnh hiện nay không chỉ nhằm để giải cứu doanh nghiệp mà còn phải nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và các doanh nghiệp. Bởi vì quá trình hồi phục nền kinh tế không phải là quá trình trở lại như ngày hôm qua mà phải bắt đầu một diện mạo mới trong nền kinh tế, tái cấu trúc lại nền kinh tế ngay trong quá trình hồi phục chứ không phải khôi phục xong mới bắt đầu tái cấu trúc.
Cho nên đề án tái cấu trúc cũng cần được Quốc hội thông qua sớm để định hướng định hình cho quá trình hồi phục nền kinh tế.
Hiện nay, Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, nhưng quan trọng nhất, đặc biệt nhất cần triển khai, đó là cần có một cơ chế đặc biệt đặc thù về thể chế, thủ tục hành chính cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong hai năm tới và giai đoạn phục hồi. Trong giai đoạn này cần phải đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; chuyển hầu hết các hoạt động sang hậu kiểm chứ không phải là tiền kiếm để khôi phục kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm là điều cần thiết Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được xây dựng nhằm mục tiêu hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành,...