Bến đò phớt lờ ‘lệnh’ mặc áo phao của Bộ Giao thông
Từ ngày 15/7, khách đi đò, phà qua sông phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân, song các bến đò vẫn phớt lờ quy định này. Còn đại diện Sở Giao thông TP HCM cho rằng, quy định không khả thi ở các bến đò lớn.
11h ngày 15/7, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM kiểm tra bến đò Râm Bầu (nối huyện Nhà Bè với tỉnh Long An). Thấy bóng dáng lực lượng thanh tra, chủ phương tiện vội dúi áo phao vào tay hành khách. Dù đò ngang có sức chở tới 32 người nhưng chỉ có 15 áo phao cứu sinh. Đoàn thanh tra lập biên bản phạt chủ phương tiện và thuyền trưởng lỗi “không trang bị đủ thiết bị an toàn cho khách”.
Tuy nhiên, ngay sau khi lực lượng thanh tra đi, bến đò Râm Bầu lại hoạt động như cũ, không đưa áo phao hay dụng cụ nổi cá nhân cho khách qua sông.
Cách đó không xa, bến đò Phan Văn Bá (xã Hiệp Phước, Nhà Bè) dù trang bị đủ số lượng phao cứu sinh nhưng chỉ thực hiện quy định của Bộ Giao thông theo kiểu đối phó. Khi khuất bóng thanh tra, những chiếc áo phao lại được đưa về chỗ cũ. Đây là hai bến đò đầu tiên được kiểm tra trong tổng số 36 bến đò khách ngang sông tại TP HCM.
Hành khách ở bến đò Râm Bầu (nối huyện Nhà Bè với tỉnh Long An) không mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân. Ảnh: Tá Lâm.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, dù Bộ Giao thông Vận tải quy định, từ ngày 15/7 mọi hành khách, thuyền viên và người lái phương tiện ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân từ lúc rời đến lúc cập bến. Nhưng tại nhiều bến đò trên địa bàn thành phố, chủ phương tiện vẫn phớt lờ quy định trên.
Tại bến đò An Phú Đông (nối quận 12 với Gò Vấp), hơn 10 chuyến đò ngang qua sông không một hành khách nào mặc áo phao. Phía trong đò có treo khá nhiều áo phao, một số đã cũ xếp thành hàng dài và có cả biển báo “mặc áo phao khi đi đò” nhưng nhân viên không yêu cầu hàng khách phải thực hiện. Trong khi đó, nhiều hành khách cho biết, do chỉ băng qua một đoạn sông ngắn, mặc áo phao rất bất tiện, hay “áo để lâu ngày ở đó dơ quá nên không dám mặc”.
Tương tự, bến đò ấp 3-4 (xã Hiệp Phước, Nhà Bè) có nhiều áo phao và dụng cụ nổi cầm tay nhưng chỉ một thuyền viên mặc. Khi khách lên, một vài người được đưa cho dụng cụ nổi cầm tay, còn số đông không được trang bị.
Còn tại bến phà Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ), dù phà phải đi qua đoạn sông rất rộng, thường xuyên có sóng lớn nhưng trên phà không có áo phao. Chỉ một số phương tiện cứu sinh và rất ít áo phao phía trong buồng lái. Trước câu hỏi: “Có áo phao cho khách khi gặp sự cố không?”, nhân viên phà Bình Khánh khẳng định: “Có”, song im lặng bỏ đi khi khách hỏi tiếp về chỗ để áo phao.
Video đang HOT
“Tôi thường xuyên đi làm qua đây nhưng không tránh khỏi lo lắng khi đi qua những khúc sông có sóng lớn. Nhà phà không trang bị áo phao cho hành khách”, chị Linh (ở huyện Nhà Bè) chia sẻ nỗi lo lắng.
Ở bến đò ngang An Phú Đông (nối quận 12 với Gò Vấp), hàng khách không được trang bị áo phao hoặc dụng cụ nổi cá nhân. Ảnh: Tá Lâm.
Mặc dù quy định hành khách qua sông phải mặc áo phao được áp dụng cho tất cả các phương tiện ngang sông, nhưng theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM, việc thực hiện tại các bến phà lớn như Bình Khánh, Cát Lái… không khả thi do lượng hành khách quá lớn. Sở đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông giải thích rõ việc quy định mặc áo phao hoặc cầm (đeo) vật dụng nổi cá nhân khi ngang sông, cụ thể là việc áp dụng quy định này đối với những bến phà lớn.
Ông Ngô Đặng Quá Hải, Phó phòng Quản lý giao thông thủy (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 36 bến đò khách ngang sông với 90 phương tiện, có sức chở 4 – 98 người. Các bến này tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và quận 8. Mỗi năm, các bến đò khách chở được hơn 3 triệu lượt khách. Những bến đò hoạt động trái phép có chiều hướng gia tăng nên thời gian tới cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm những trường hợp, cá nhân vi phạm.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, 4 tháng đầu năm, thành phố xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết 4 người. Thương tâm nhất là vụ chiếc đò chở 8 phụ nữ và trẻ em sang bên kia sông Giồng Ông Tố (quận 2) sáng 13/4 bị lật khiến 1 phụ nữ và 3 trẻ em chết đuối.
Cũng trong 4 tháng, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy TP HCM kiểm tra, lập biên bản và xử phạt hơn 18.000 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Theo VNExpress
Những cư dân cuối cùng của bến đò An Lợi Đông
Bến đò An Lợi Đông (phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM), nơi làm ăn, sinh sống của hàng trăm hộ dân quận 2, đã giải thể từ cuối năm 2011. Bến đò ngày nay hiu hắt nhưng vẫn có những con người nghèo khó, tiếp tục bám víu, mưu sinh.
Ông Tèo làm nghề giữ đò ở bến đò An Lợi Đông
Ông Trà Văn Tèo (52 tuổi) là một trong số những người đang mưu sinh tại bến đò này. Ngày trước, khi bến đò chưa giải thể, ông làm nghề chạy xe ôm, đưa khách đến bến đò và từ bến đò đi quận 2. Nay đò ngừng hoạt động, nhiều chủ đò chưa bán được đò, vẫn neo đậu trên bến. Nghề xe ôm của ông Tèo cũng đang ế ẩm, ông chuyển nghề sang công việc trông giữ đò.
Giữ một chiếc đò, ông được trả hai trăm ngàn đồng một tháng. Số tiền giữ đò hàng tháng cũng đang ít dần khi các chủ đò tìm được mối bán.
Ông Tèo cũng là dân quận 2, đợt trước nhà ông nằm trong diện khu quy hoạch phải giải tỏa nên ông chuyển về quận 9 sinh sống. Ba đứa con đều đã lớn, mỗi đứa một công việc làm thuê, làm mướn nhưng nghèo khó vẫn đeo đẳng nên cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, được phụng dưỡng thì ông lại đang phải sớm chiều dầm mưa dãi nắng.
Mái nhà che mưa nắng của ông Tèo
Ông Tèo cất một cái mái che nhỏ, lụp xụp dưới thuyền, tối đến hoặc những hôm trời mưa thì chui xuống thuyền trú. Ban ngày, ông nằm ở võng mắc vào hai cây bàng kế bên bờ sông. Cạnh đó là cái bếp lò dùng để nấu nướng và nơi để thức ăn, vài cái chén đĩa.
Bấy nhiêu đó là đủ cho cuộc sống qua ngày của một ông lão tuổi xế chiều. Chiếc xe máy trần dựng kế bên cây bàng thỉnh thoảng vẫn đi chởkhách. Đang trò chuyện, bỗng có người từ ngoài đường lớn vừa đi vào vừa gọi: "Có đi xe ôm không ông Tèo ơi!". Ông gật đầu đáp lại rồi hồ hởi dắt xe ra chở khách. Gần một tiếng đồng hồ sau, dáng người gầy còm ấy trở về, trán ướt đẫm mồ hôi. Chúng tôi lại bắt đầu cuộc trò chuyện khi ông nhóm bếp nấu nồi cơm chiều.
Ông Tèo nhóm bếp chuẩn bị bữa cơm chiều
Giữ đò, chống lại cái mưa, cái nắng mỗi ngày đã là nhọc lắm rồi. Ông kể: "Dạo trước, bị mất cắp mấy chiếc đò rồi đó. Cũng may nhà chủ thương tình nên không bắt đền. Dọc bờ sông này, tụi xì ke nhiều lắm".
Tôi chột dạ lo cho ông khi một thân một mình giữ đò ở cái nơi vắng vẻ này. Ông cười khì rồi nói: "Tui già rồi, có tài sản gì quý giá đâu mà sợ. Chỉ có cái mạng này thôi. Còn chiếc xe máy, tối tối dựng trên bờ, tụi nó có lấy thì lấy chứ biết làm sao được".
Hỏi ông sao không kiếm việc khác mà làm. Ông đáp: "Có chỗ nào nhận làm bảo vệ không, giới thiệu tui làm với. Mà tuổi của tui cũng lớn rồi, sợ người ta không nhận. Sau này chủ bán hết đò, tui không biết làm gì nữa".
Bỏ lửng câu trả lời trong cái im lặng, ông đưa mắt nhìn ra xa xăm, nơi những chiếc thuyền lớn đang neo đậu.
Người thứ hai còn bám trụ tại bến đò này là chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (42 tuổi) nhà ở huyện Nhà Bè. Ngày trước chị bán hàng nước giải khát tại bến đò này. Nay bến đò giải thể, chị vẫn dựng cái lều để bán nước. Chị Nga kể: "Khách qua đường ít lắm, ngày bán chỉ được vài ly nước giải khát. Tui đang làm đơn xin vào xí nghiệp làm công nhân. Mấy ngày này tranh thủ kiếm được đồng nào đỡ đồng đó".
Hàng giải khát lụp xụp của chị Nga ngày càng vắng khách
Mỗi ngày, chị chạy xe máy từ huyện Nhà Bè vòng qua hầm Thủ Thiêm lên bến An Lợi Đông. Vượt hơn mười mấy cây số để bán vài ly nước giải khát thì đúng là kinh doanh không có lời. Chị nói tiếp: "Tui ở đây quen rồi. Thật lòng không muốn chuyển đi chỗ khác". Trong ký ức của chị vẫn còn in rõ cảnh nhộn nhịp kẻ đi người đến và một công việc buôn bán thuận lợi, sung túc trên bến đò An Lợi Đông ngày nào.
Sát mé sông, chỗ có mấy cây cỏ lau mọc chen giữa khóm lục bình, có người đang lom khom vớt những chiếc chai nhựa trôi trên cập bờ. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, những con người này vẫn đang bám trụ tìm kế sinh nhai tại một bến đò đã giải thể. Một ngày không xa, họ sẽ phải tìm một công việc khác để mưu sinh, không còn giữ đò, không còn bán nước, không nhặt ve chai... Nhưng câu trả lời cho bài toán mưu sinh trong những ngày tới của những số phận con người này vẫn còn đang bỏ lửng.
Theo Infonet
Quảng Nam: Những chuyến đò "đánh cược" với tử thần Bến đò Giao Thủy trên sông Thu Bồn, nối đôi bờ xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc và xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên hàng ngày có hàng trăm lượt khách qua lại. Đáng lo ngại là những chuyến đò chở khách này luôn rình rập những mối nguy hiểm. Chúng tôi có mặt tại Giao Thủy khi chuyến đò chuẩn bị qua...