Bé trai ‘mất tích’ cùng vợ chồng bảo mẫu
Bà Hoàng, 50 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, nhờ công an tìm cháu ngoại suốt nhiều tháng kể từ khi bé trai 6 tuổi bị vợ chồng bảo mẫu mang đi.
Chiều 9/10, trong căn phòng trọ ẩm thấp chừng 10 m2 ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, bà Phạm Thị Kim Hoàng mặt buồn rượi. Gần 3 tháng nay bà mất ngủ vì không biết tung tích cháu ngoại Nguyễn Phúc Quí (6 tuổi, tên ở nhà là Giao) đang ở đâu.
Con gái bà sinh Giao năm 18 tuổi, sau đó bỏ đi biền biệt. Bà cũng không biết bố thằng bé là ai. Khi Giao hai tuổi, bà Hoàng phải đi làm thuê lo cho con gái út ăn học nên nhờ bà Nguyễn, ở cùng xã, trông coi cháu ngoại với giá 60.000 đồng một ngày. Thằng bé được vợ chồng bảo mẫu thương yêu, chăm sóc vì họ không có con. Hằng ngày, bà Hoàng đưa cháu đến gửi, tối đón về.
Bà Phạm Thị Kim Hoàng kể về cháu ngoại, chiều 9/10. Ảnh: Dương Trang.
Được hai năm, xảy ra một số mâu thuẫn với bà Nguyễn, bà đem cháu gửi nơi khác, tiền công 50.000 đồng một ngày. “Mấy tháng sau bà ấy đến làm lành với tôi, nói không màng tiền bạc, chỉ cần mang thằng bé về nuôi”, bà Hoàng kể.
Hơn một năm trước, khi bà đến đón Giao về thì xảy ra cãi vã về tiền công với vợ chồng bà Nguyễn. Họ chốt cửa không cho bà vào, không cho đón cháu ngoại, yêu cầu trả tiền nuôi cậu bé gần bốn năm qua là 32 triệu đồng. Vay mượn được 10 triệu đồng, bà Hoàng mang đến đưa cho bà Nguyễn, hứa hàng tháng sẽ trả góp tiếp nhưng không được đồng ý. Từ đó, bà để Giao ở lại với vợ chồng bảo mẫu.
Hôm 10/7, bà Hoàng đến đón cháu ngoại về làm thủ tục nhập học lớp một thì vợ chồng bà Nguyễn và bé Giao đã dọn khỏi khu trọ. “Tất cả hình ảnh của thằng bé nằm trong điện thoại nhưng tôi lại vừa làm hỏng. Tôi đã trình báo với Công an huyện Nhà Bè, giờ vẫn chưa có tin tức gì cả”, bà Hoàng nói.
Khu trọ của vợ chồng bà Nguyễn nằm trên đường Nguyễn Bình, xã Nhơn Đức – cách nơi bà Hoàng sống chừng một km. Chủ khu trọ, ông Nguyễn Tấn Lực cho biết, bà Nguyễn ở nhà nội trợ, chồng làm thợ hồ. Họ ở đây đã bốn năm và không làm mất lòng ai. “Vợ chồng bà ấy dọn đi lúc nào tôi cũng không biết. Tiền trọ tháng đó cũng chưa đóng. Trước đấy bà ngoại thằng Giao đến đây gây gổ, đòi lại cháu”, ông Lực nói.
Video đang HOT
Ở trong khu trọ nhiều năm qua, bà Hương (50 tuổi) kể, bà Nguyễn ly hôn người chồng đầu, hai con đều sống với cha. Bà lấy chồng sau không có con, nên khi nhận Giao về nuôi họ rất yêu thương, chăm lo như con ruột. Làm lụng vất vả nhưng vợ chồng bà Nguyễn thường dành đồ ăn ngon, mua cho thằng bé những thứ nó thích. Họ sống ở khu trọ khá hiền lành, ai nhờ việc gì đều giúp.
“Vợ chồng bà ấy gọi Giao là con. Thằng bé cũng gọi họ là ba mẹ. Thỉnh thoảng bà Hoàng đến cho cháu mấy chục nghìn, quả trứng, gói kẹo rồi về”, bà Hương nói.
Giấy khai sinh của cháu ngoại, do bà Hoàng đi đăng ký. Ảnh: Dương Trang.
Trả lời VnExpress, đại úy Võ Minh Tuấn (Đội phó Cảnh sát Hình sự Công an huyện Nhà Bè) cho biết, cơ quan điều tra tiếp nhận sự việc ngày 24/8, đã xác minh các vấn đề liên quan. Cảnh sát rà soát một số nơi vợ chồng bà Nguyễn từng sống nhưng chưa có kết quả, hiện đã ra thông báo truy tìm họ và cháu bé. Tuy nhiên, do bà Hoàng không thể cung cấp hình ảnh của bé trai nên việc điều tra gặp một số khó khăn.
Ngoài ra, cơ quan điều tra đang tìm cách liên lạc với mẹ cháu Giao để làm rõ mối quan hệ giữa chị này và bà Nguyễn, có hay không việc ủy quyền cho bà này nuôi cháu Giao.
Gia hạn điều tra vụ TS Bùi Quang Tín tử vong
Đánh giá sự việc phức tạp, cơ quan điều tra gia hạn thêm hai tháng để xác minh có hay không dấu hiệu tội phạm trong tố cáo của gia đình TS Bùi Quang Tín.
Động thái này được Cơ quan điều tra Công an TP HCM đưa ra ngày 8/6, sau hai lần cùng VKS rà soát hiện trường tiến sĩ Tín tử vong được cho là ngã từ tầng 14 chung cư New Sài Gòn (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) hôm 5/4.
Hiện, nhà chức trách chưa cung cấp thông tin đến quá trình điều tra ban đầu cũng như các tình tiết được cho là phức tạp.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng gửi công văn đến Bộ Công an truyền đạt ý kiến của Phó phủ tướng, đề nghị làm rõ những kiến nghị của gia đình ông Tín.
Cảnh sát khám nghiệm hành lang tầng 14 block D sáng 10/4. Ảnh: LS Quynh.
TS Bùi Quang Tín là giảng viên khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Ngân hàng TP HCM, thành viên Đoàn Luật sư TP HCM và được biết đến là chuyên gia kinh tế trong mảng tài chính - ngân hàng.
Trưa 5/4, ông Trần Việt Dũng (32 tuổi, Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) ở tầng 14 chung cư New Sài Gòn, mời ông Tín và 7 cán bộ của trường đến ăn. Họ uống hết 3 chai rượu mạnh và 12 lon bia. Đến hơn 15h, mọi người lần lượt về. Ông Tín và Hiệu phó tên Trung ở lại cùng chủ nhà.
Khoảng 17h, ông Dũng có việc ra ngoài. 20 phút sau, ông này nhận được điện thoại của Hiệu phó Nguyễn Đức Trung, nói ông Tín bị ngã xuống đất. Khi ông quay về thì cảnh sát đã có mặt tại hiện trường, ông Tín tử vong.
Ông Trung khai, lúc nói chuyện với ông Tín cả hai đều mệt do uống nhiều rượu, sau đó nằm nghỉ tại ghế salon. Một lúc sau ông Tín đứng dậy nói về trước, ông khuyên ở lại nghỉ ngơi không được. Được một lúc, ông Trung nghe tiếng động mạnh ở khu vực giếng trời nên ra kiểm tra. Mắt cận không nhìn thấy gì ở dưới đất, nhưng linh cảm có chuyện chẳng lành xảy ra với đồng nghiệp, ông gọi điện kêu chủ nhà về.
Bà Nguyễn Thanh Bích, 45 tuổi (vợ TS Tín) và luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân) gửi đơn đề nghị Công an TP HCM khởi tố vụ án, làm rõ nguyên nhân chồng mình tử vong.
Bà loại bỏ nghi vấn ông Tín tự tử vì công việc đang rất tốt, gia đình hoà thuận, không lo lắng về kinh tế. Việc ông Tín tử vong nghi rơi từ tầng 14 - nơi có căn hộ của ông Dũng cũng không phải do vô ý ngã, vì lan can ban công cao 1,4 m trong khi ông cao 1,6 m.
Hiện trường khu vực TS Tìn tử vong được xem xét lần hai. Ảnh: Quốc Thắng,
Cụ thể, khi gia đình chứng kiến Công an huyện Nhà Bè khám nghiệm căn hộ của ông Dũng, thấy 2 điện thoại của ông Tín vẫn ở phòng khách, đôi dép ở trước cửa. Bà Bích cho rằng, nếu ông Tín "đi về sau cuộc nhậu" như lời Hiệu phó Trung khai, thì "điện thoại có thể bỏ lại nhưng chắc chắn phải mang dép".
Tại nơi ông Tín được phát hiện tử vong và cả trong căn hộ, cơ quan điều tra không thu giữ được mắt kính, hay mảnh kính vỡ của nạn nhân, trong khi ông Tín là người cận nặng, không bao giờ tháo kính.
Chiếc ghế gãy phần dựa lưng đặt sát lan can ban công (hàng rào sắt) có dấu giày, dấu chân và "một đoạn tương đương thân người ở giữa trên thành lan can sắt đã sạch bụi, không có dấu tay". Theo bà Bích, nếu ông Tín tự tử phải bám vào thành lan can và để lại dấu tay, và tay chồng bà (lúc khám nghiệm tử thi) phải có bụi nhưng kết quả không ghi nhận.
Vị trí và tư thế ông Tín rơi xuống cũng được cho là bất thường, vì thi thể nạn nhân nằm sát góc tường bên trái, phần đầu đập xuống trước, hai chân chổng lên trời, hai tay dang ngang đầu hình chữ U...
Luật sư Quynh cho biết trực tiếp chứng kiến cảnh sát rà soát hiện trường. Mọi vấn đề cần phải được cơ quan điều tra làm rõ, cần xem xét cơ cấu vật lý dẫn đến cái chết của TS Tín.
Với hành vi tụ tập ăn nhậu trong thời gian cách ly xã hội phòng chống Covid-19, Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TP HCM Bùi Hữu Toàn, Hiệu phó Nguyễn Đức Trung và 5 cán bộ khác bị đình chỉ công tác.
Tuy nhiên, kết quả xử lý những người này chưa được công bố.
Những vấn đề dư luận quan tâm về vụ luật sư Bùi Quang Tín rơi lầu tử vong Vụ tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín rơi lầu tử vong ở chung cư tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) đang thu hút sự quan tâm của dư luận và Công an TP.HCM đang thu thập dữ liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Ngày 2/5, Công an TP.HCM cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra vụ tiến sĩ, luật...