Bé trai bị tai nạn sau tiếng còi xe
Giật mình khi nghe tiếng còi xe, cậu học sinh lớp 4 đã lạc tay lái và bị nạn trước đầu xe container. Một phần xe đạp đã bị ôtô cán bẹp.
Hiện trường bé Tuấn bị nạn. Ảnh: Nguyệt Triều
Chiều 13/3, trên đường đi học về, cậu học sinh lớp 4 Nguyễn Mạnh Tuấn đã ngã xuống đường Lê Hồng Phong, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Cùng lúc, xe đầu kéo từ phía sau lao đến cán bẹp một phần xe đạp của Tuấn.
Video đang HOT
Bé trai văng ra ngoài nhưng cũng bị đập đầu xuống đường tóe máu. Tài xế xe đầu kéo nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu.
Nhiều nhân chứng cho rằng, trước đó Tuấn bị giật mình vì tiếng còi xe tải nên loạng choạng tay lái ngã xuống đường. Công an Thủ Dầu Một đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Theo VNE
Cải tạo xe máy, hiểm họa giao thông
Tại điều 48 và 50 của Luật Giao thông đường bộ đã quy định tất cả những bộ phận, chi tiết cấu thành xe đều phải đảm bảo như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất đã được kiểm định. Thế nhưng gần đây trên đường phố xuất hiện nhiều xe máy đã thay đổi còi, pô, đèn hậu...
Giật mình vì còi khủng
Còi xe máy thường được thiết kế tạo tiếng còi êm nhẹ, đủ để báo hiệu cho người đi trước biết có xe phía sau đang xin đường. Thế nhưng có không ít thanh niên muốn thu hút sự chú ý của những người xung quanh đã lắp còi xe vang dội âm thanh khác thường, từ kiểu nhái theo tiếng nhạc, tiếng người nói, tiếng động vật kêu, thậm chí còn vang lên tiếng còi hụ của các xe ưu tiên (xe cứu thương, chữa cháy, cảnh sát) - giới "dân chơi" gọi đấy là "còi ma" - khiến người đang chạy xe phía trước bị giật mình, hốt hoảng. Còi hụ cho xe ưu tiên là loại còi đặc chủng phải có giấy phép mới được sử dụng, chỉ để xin đường trong trường hợp khẩn cấp, vậy mà không ít người đi xe máy cứ lắp để ra đường hụ chơi, quậy phá người khác.
Đèn hậu sáng lóa rất dễ gây tai nạn những người chạy xe phía sau.
Được biết, loại còi hụ này đang được bán công khai và tràn lan trên thị trường, nhiều nhất là ở chợ Tân Thành (quận 5), chợ Dân Sinh (quận 1), đường Ký Con, Trần Quang Khải (quận 1), đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh)... Thời đục pô, thay pô để tạo âm thanh nẹt chát chúa đã qua, giờ dân chơi không cần thay pô, chỉ cần mua một bộ còi pô, giá chỉ chừng 120.000 - 140.000 đồng cả công lắp, là đã có tiếng pô quậy. Những tiếng còi hụ, còi pô khủng khiếp như vậy không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn mà còn dễ khiến người đang chạy xe phía trước giật mình, té xe, xảy ra tai nạn giao thông.
Đèn hậu lóa mắt
Ngoài hiểm họa giao thông do tiếng còi xe, còi pô "khủng", gần đây có thêm hiểm họa do các "dân chơi" biến đèn chiếu hậu xe máy thành đèn chiếu sáng lóa mắt. Theo thiết kế của nhà sản xuất, vỏ chắn đèn chiếu hậu luôn được làm bằng nhựa màu đỏ để phát ra ánh sáng đỏ nhằm cảnh báo với người chạy xe phía sau khi xe lưu thông trên đường. Khi bị đèn đỏ chiếu vào mắt, người tham gia giao thông vẫn thấy đường lái xe trong đêm tối. Thế nhưng để chơi nổi, không ít thanh niên đã gỡ bỏ lớp vỏ chắn đèn màu đỏ để thay vào đó là lớp vỏ sáng trắng hoặc không che chắn gì cho bóng đèn hậu. Khi lưu thông trên đường, đặc biệt càng dùng thắng càng sáng chói làm lóa mắt người lưu thông cùng chiều, thậm chí khiến họ nhầm tưởng là có xe chạy ngược chiều sắp đâm sầm vào, dẫn đến hốt hoảng mất kiểm soát.
Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 2-4-2010 đã có quy định chế tài cụ thể nhằm xử lý việc sử dụng còi, đèn xe không đúng quy định nhưng hiệu quả rất hạn chế. Cảnh sát giao thông nên mạnh tay phạt đối với những trường hợp thay đổi thiết kế xe có nguy cơ gây tai nạn cho người khác.
Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, gắn máy không được quyền sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng và bị tịch thu còi, cờ, đèn sử dụng trái quy định. Nếu vi phạm này gây ra tai nạn giao thông nhưng chưa tới mức nghiêm trọng thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày nếu gây tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn. Theo VNN