Bế tắc vì phải giấu vợ chuyện nợ nần
Hàng ngày đi làm về nhìn thấy vợ đang mang bầu và nghĩ đến đống nợ của tôi mà ruột đau như cắt, thương lắm nhưng đành bất lực.
ảnh minh họa
Chào anh!
Tôi 29 tuổi, kém anh 10 tuổi, mới cưới vợ được 2 năm nhưng có một “thành tích” nợ nần gần bằng anh. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở vùng quê miền Trung, gia đình đông anh em nhưng cuộc sống khó khăn nên ai cũng tự lâp, không ai giúp đỡ ai được, tuy vậy bố mẹ cũng tần tảo chắt chiu để nuôi tôi ăn học.
Video đang HOT
Lớn lên tôi thi đậu vào đại học, sự học vất vả thế nào chắc anh cũng hiểu vì anh có hoàn cảnh na ná tôi, ra trường tôi tự xin được việc vào làm ở một ngân hàng, nói chung mọi người đánh giá tôi là một người ngoan, hiền, tài giỏi hết mực. Tuy vậy riêng tôi nhận thấy kể từ thời điểm được nhận đi làm là chuỗi ngày nợ nần và đau khổ. Ngay từ khi đi làm, tôi phải tự vay vốn để mua xe máy, rồi hàng tháng phải phụ cấp cho bố mẹ ở quê, sửa nhà sửa cửa cho bố mẹ, nói không có tiền không ai tin.
Cứ thế cho đến ngày cưới vợ, tất cả chi phí cho đám cưới, kể cả chi phí sửa sang nhà cửa, phòng cưới, mâm cỗ, nước uống, vàng trang sức để bố mẹ trao cho cô dâu ngày cưới tôi cũng phải xoay sở làm rồi đưa để mẹ trao. Trong làm ăn tôi lại tiếp tục bị một số khách hàng bạn bè lợi dụng lừa tiền đến cả trăm triệu, giờ số tiền tôi nợ nần lên đến hơn 200 triệu đồng.
Nói về vợ, tôi quen em trong thời còn sinh viên, lúc học năm cuối thì em mới ôn thi đại học, lúc tôi ra trường đi làm em bắt đầu đi học. Chúng tôi yêu nhau nhưng chưa hề nghĩ đến chuyện cưới xin vì em còn đi học mà tôi vẫn vất vả. Khoảng cách từ nơi em học đến chỗ tôi làm cách nhau hơn 100 km nhưng chúng tôi thường liên lạc qua điện thoại và hay đi xe khách đến thăm nhau. Cho tới khi em học năm cuối thì trong một lần nông nổi, chúng tôi lỡ có thai nên phải cưới gấp. Em hoảng sợ nên nhất định đòi bỏ cái thai còn tôi nhất định giữ lại, chính vì vậy mà việc cưới hỏi của chúng tôi lại tiến hành trong hoàn cảnh vội vã, khó khăn.
Chúng tôi chưa hề có một kế hoạch hay chuẩn bị cho tương lai, thay vào đó là khoản nợ mà tôi giấu em. Cưới xong chúng tôi lên thành phố ở trọ để tôi tiện việc đi làm. Em chưa có việc làm do đó sau cưới cuộc sống của gia đình nhỏ đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi không đủ trả nợ của tôi.
Anh còn hạnh phúc hơn tôi bởi còn chia sẻ được với vợ, vợ anh vô tình, quay lưng với anh thì điều đó còn dễ chịu hơn. Tôi lại khác, không dám chia sẻ với vợ vì sợ em sẽ hoảng loạn và suy sụp, em biết tôi khó khăn nhưng sẽ không ngờ tới số nợ nần mà tôi đang ôm ấp. Em chưa đi làm được nên việc gì cũng cảm thấy tự ái và buồn bực, tôi không biết làm thế nào để em có thể thoải mái rời xa tôi mà làm lại cuộc đời.
Giờ tôi chỉ muốn em tìm được việc làm tự lo được cuộc sống của hai mẹ con và tìm một chốn nương tựa vững vàng. Hàng ngày đi làm về nhìn thấy hai mẹ con và nghĩ đến đống nợ của tôi mà ruột đau như cắt, thương lắm nhưng đành bất lực. Em đã không may mắn khi gặp phải một người chồng như tôi, con tôi cũng thật bất hạnh khi đã đầu thai vào gia đình này.
Cuộc sống luôn đầy những chông gai thử thách, nhưng thử thách lần này thật sự vượt quá khả năng và sức chịu đựng của tôi. Nhiều đêm nằm thức trắng cũng chẳng biết phải làm thế nào để ổn định cuộc sống gia đình nhỏ. Tôi đồng cảm với anh nhưng dù sao anh đã trải qua rồi, còn tôi giờ đây cảm thấy bất mãn và bế tắc. Tôi tâm sự lên đây cũng chẳng biết chờ đợi được điều gì, chỉ biết viết ra vài dòng để đỡ tuyệt vọng thôi.
Theo VNE
Vợ thông thái
Nhà ông Hạo vừa lĩnh tiền đền bù đất giải tỏa khu vườn tới mấy trăm triệu. Cầm cọc tiền, ông bảo vợ: "Chiều nay tôi sẽ đem gửi ngân hàng ngay và sẽ đứng tên tôi".
Bà Danh xưa nay không bao giờ nghi ngờ chồng về vấn đề tiền nong nhưng hôm nay bà vẫn phải lên tiếng: "Đành rằng ông đứng tên nhưng khi gửi, tôi phải đi cùng ông". Thấy vợ nói thế, ông Hạo gắt: "Bà không tin tôi à?". Bà Danh nhẹ nhàng: "Tôi chỉ muốn nhìn thấy ông gửi tiền đúng vào ngân hàng Nhà nước. Không gửi chỗ vớ vẩn". "Bà bảo chỗ nào là chỗ vớ vẩn? Vớ vẩn mà lãi suất 20% một tháng à?" - ông Hạo quát lớn.
Á à. Thế là rõ, ông ấy muốn gửi chỗ nhà cô Liên trên phố huyện đây. Bà Danh đoán được ý chồng nhưng không nói ra, nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: "Gửi tiền ngân hàng tuy lãi suất thấp nhưng đảm bảo. Tôi nhất định không cho ông gửi chỗ tín dụng cá nhân". Lời của vợ làm ông Hạo nổi cáu. Từ ngày lấy nhau đến giờ, có khi nào vợ ông chống đối lại ý của ông đâu. Nay có tí tiền trong nhà, bà ấy đã nổi máu cửa quyền. Nghĩ vậy ông Hạo quát tướng: "Bà bây giờ ghê nhỉ? Dám ngăn cản việc lớn của tôi đấy? Vậy thì tôi nói lại để bà rõ, miếng vườn đó là của bố mẹ tôi cho chứ không phải của bố mẹ bà nhá". Tức thì bà Danh nói ngay: "Tôi rất biết điều đó. Tôi không đòi cho tôi nhưng tôi cần cho bọn trẻ. Mất số tiền đó là mất cơ hội cho các con học hành, mất số vốn làm kinh tế bù vào mảnh vườn trồng trọt đã không còn. Nếu căng thẳng quá tôi sẽ làm đơn li dị để tòa họ chia phần tiền ấy cho các con".
Nói xong bà Danh đứng lên lấy giấy bút viết đơn li dị ngay trước mặt ông. Chưa bao giờ thấy vợ "ghê gớm" thế nên ông Hạo có phần nể sợ. Ông tính ngay trong đầu. Nếu li dị, tòa sẽ chia cả căn nhà và cả số tiền đền bù làm 4 phần. Ba mẹ con bà ấy sẽ được 3 phần, ông chỉ 1 phần. Thế là ông bị thiệt mà lại tan cửa nát nhà. Nghĩ thấy hoảng, ông liền xuống thang: "Thôi. Được rồi. Bà đừng đơn từ gì hết, tôi sẽ đưa bà nửa số tiền, còn tôi giữ một nửa. Coi như tòa chia?". Nhưng lạ chưa, vợ ông vẫn ghê gớm: "Không được. Tôi nghĩ lại rồi. Của chồng - công vợ. Tôi cũng phải được hưởng. Phải chia ba phần tư cho mẹ con tôi. Số tiền đó sẽ gửi ngân hàng đứng tên thằng Tùng con trưởng". Nghe vợ nói thế, ông Hạo ức lắm nhưng đành chịu. Ông đứng lên cầm bọc tiền đếm lấy 100 triệu, còn 300 triệu ông quăng trả vợ.
Sáng hôm sau, ông Hạo phóng xe đạp ra phố huyện sớm. Một lúc trở về, ông giơ 10 triệu cho vợ nhìn: "Đây này, vừa gửi trăm triệu có ngay lãi suất 10 triệu đưa trước, cuối tháng lấy 10 triệu nữa. Sướng không biết đường sướng!". Bà Danh chẳng nói gì.
Chưa đầy 2 tuần sau, lúc ông Hạo đang tính từng ngày đi nhận nốt số tiền 10 triệu lãi suất thì hay tin vợ chồng nhà Liên - kẻ vay tiền đã cao chạy xa bay. Ông hốt hoảng phi ngay xe lên phố xem thực hư thế nào. Đến nơi, ông Hạo tái mặt. Đám đông đến cả trăm người đang gào thét trước ngôi nhà đóng cửa im ỉm của mụ Liên. Người kêu: "Tôi mất 600 triệu rồi làng nước ơi!", kẻ gào khóc: "Nó nuốt của tôi 2 chục cây vàng, tôi sống sao đây?". Tiếng chửi rủa, rên xiết. Một người hét rú lên: "Căn nhà này có tịch thu cũng không trả được tôi 5 tỉ đâu. Phải lấy mạng nó". Nhưng than ôi, "mạng nó" đã biến mất từ mấy hôm nay rồi.
Ông Hạo thất thần trở về nhà nằm vật ra giường như người sắp chết. Vừa lúc đó bà vợ về. Ông Hạo liền chồm dậy ôm lấy vợ: "Bà ơi! Bà quả là người vợ thông thái của tôi!". Lạ thật, cả đời ông luôn trịch thượng với vợ con vậy mà bỗng dưng, ông Hạo ôm vợ khóc tu tu. Bà Danh hiểu chuyện, từ tốn ngồi xuống cạnh ông. Đoạn, giọng bà rất nhỏ: "Thôi, của đi thay người ông ạ! Thân ông được bình an là phúc lớn cho tôi và các con rồi!".
Theo VNE
Ra riêng Từ lúc bàn với chị về dự định ra ở riêng, chị giận anh không thèm nhìn mặt. Những lý lẽ chị đưa ra, anh đều hiểu nhưng anh cũng có nỗi khổ tâm riêng. Gần năm năm ở rể, anh đã phải chịu đựng nhiều điều. Giờ lại đến nỗi lo vì các con... Gia đình anh ở nông thôn, đã nghèo...