Bé Ngân “vật vờ” khi bố mẹ tăng ca
Mỗi khi bố, mẹ tăng ca, bé Ngân lại được gửi chỗ vợ của người bảo vệ công ty vì nhà trẻ công lập, nơi học mới của bé Ngân, chỉ trông trẻ đến 4h30.
Anh Trần Quang Huy, công nhân Công ty Văn Khánh, chuyên sản xuất các mặt hàng điện, điện lạnh, hàng xóm của bé 3 tuổi bị bạo hành khi tắm, đang phải nghỉ việc hai ngày nay để trông con. “Chúng tôi thực sự hoang mang khi biết sự việc của bé Ngân và không thể yên tâm gửi con ở điểm trông tư nữa. Trước mắt tôi xin nghỉ việc một thời gian để trông cháu, sau đó có thể gửi cháu ở nhà bà con”, anh Huy nói. Trước đó, anh Huy cũng gửi con ở nhà bà Phụng.
Anh Huy cho biết, việc ở nhà trông con hay gửi con về quê chỉ là những giải pháp bất đắc dĩ và tạm thời. “Lương công nhân rất thấp nên nếu một người đi làm thì không thể đủ chi phí cho ba người. Còn gửi cháu về cho ông bà thì bố mẹ lại nhớ con và còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của ông bà. Chúng tôi mong có một nhà trẻ dành riêng cho công nhân, thuận lợi về giờ giấc, kinh phí”.
Bố mẹ bé Ngân và những phụ huynh là công nhân khác mong mỏi có một nhà trẻ trong công ty để yên tâm gửi con khi đi làm, kể cả những ngày tăng ca
Đó cũng là mong đợi của vợ chồng anh Đinh Minh Lực, bố bé Ngân. Anh Lực cho biết, bé Ngân đã được một số cán bộ bảo lãnh cho vào học tại một trường mầm non chất lượng gần đó. Thế nhưng, theo quy định, trường chỉ giữ đến 16h30 nên những lúc tăng ca, hai vợ chồng phải nhờ vợ anh bảo vệ của công ty trông giúp bé Ngân. “Nếu như công ty có một nhà trẻ dành riêng cho con em công nhân thì thuận lợi cho chúng tôi quá”, anh Lực nói.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thuận An, trong địa bàn xã Thuận Giao có cả nhà trẻ công lập và ngoài công lập, tuy nhiên một nhà trẻ dành riêng cho con em công nhân thì chưa có. “Công nhân thường xuyên phải làm tăng ca, nhất là vào các ngày thứ 7, chủ nhật. Vì thế, nếu một nhà trẻ công lập làm theo giờ hành chính thì không thuận lợi cho các phụ huynh là công nhân. Do đó, công nhân cần một nhà trẻ xã hội hóa”.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thuận An, trước mắt, khi kế hoạch xây dựng một trẻ dành riêng công nhân chưa thực hiện được thì ngành giáo dục cần phải xiết chặt các quy định về nhà trẻ tư, nhà trẻ ngoài công lập.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch công đoàn Công ty Hài Mỹ (nơi làm việc của cha mẹ bé Ngân), cho biết, sau vụ việc bé Ngân, công ty đang bàn đến việc xây dựng một nhà trẻ cho con em công nhân tại khuôn viên công ty.
“Hiện nay, công ty chưa biết các điều kiện, tiêu chuẩn và các quy đinh pháp lý để được xây dựng nhà trẻ. Nếu được thành lập, chúng tôi cũng mong các ban ngành chức năng hỗ trợ công ty nguồn giáo viên có đủ khả năng quản lý, chăm sóc trẻ để có thể thành lập một nhà trẻ dành riêng cho con em công nhân”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, Công ty Hài Mỹ hiện có khoảng 5.500 công nhân, trong đó có gần 400 công nhân có con nhỏ. Hiện, các công nhân ở rải rác ở các khu vực lân cận như xã Bình Giao, Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú.
Trả lời PV, bà Mai Thị Dung, Uỷ viênThường trực HĐND tỉnh kiêm Trưởng ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh Bình Dương, cho biết, toàn tỉnh có khoảng 700.000 lao động, trong đó trên 80% là nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Do tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh quá nhanh nên cơ sở vật chất nuôi dạy trẻ rất thiếu thốn.
Video đang HOT
Bà Dung nói: “Qua khảo sát, tôi thấy nhóm trẻ tư nhân tự phát rất mạnh, nhưng cơ sở vật chất của nhiều cơ sở giữ trẻ rất tồi tàn vì họ cơi nới từ những nhà bếp, thậm chí là cải tạo lại chuồng lợn để làm chỗ nuôi trẻ”.
Theo bà Dung, tỉnh Bình Dương đang kêu gọi các thành phần kinh tế cùng hỗ trợ nhà nước mở lớp, mở nhóm nuôi dạy trẻ có chất lượng tại các khu công nghiệp để hỗ trợ cho người lao động. Tuy nhiên, hiện khả năng đầu tư vào các hoạt động này chưa được quan tâm nhiều.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ ngày 1/2/2010, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương về vấn đề phát triển trường mầm non trong các khu công nghiệp. Ông Nhân cho biết bộ GD-ĐT đang tính đến phương án giảm nguy cơ rủi ro cho các cháu trong nhóm trẻ bằng cách giao cho Vụ Mầm non đặt ra chuẩn tối thiểu, dù là cơ sở giữ trẻ gia đình, người đứng đầu phải được bồi dưỡng nhất định về sư phạm, nhân viên phải được huấn luyện tối thiểu kỹ năng nuôi dạy trẻ.
Theo Đất Việt
Thâm nhập một điểm giữ trẻ chui
Đã nghe rất nhiều về các cơ sở giữ trẻ chui, nhưng khi được thấy tận mắt chúng tôi lại càng xót xa hơn cho thân phận những em bé và thêm thương cảm cuộc đời của bố mẹ chúng, những người công nhân ngụ cư.
Khoảng 20h ngày 25/11, sau khi lân la hỏi han, thăm dò, chúng tôi quyết định trong vai nữ công nhân đi tìm chỗ gửi con để đột nhập vào một vài hộ trông trẻ gần khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM.
Tan ca tối, hối hả về đón con
Con đường Huỳnh Tấn Phát bị triều cường dâng cao, ngập lênh láng. Như bao người công nhân khác hối hả giờ tan ca, chiếc xe máy của tôi "bảy nổi ba chìm" trong...nước cống. Một nữ công nhân thiếu kiên nhẫn vì sợ trễ giờ đón con (trên xe máy có gắn ghế ngồi cho con nít), rồ ga chạy nhanh làm nước sình bắn tung tóe.
Tôi bám theo xe chị, chạy vào hẻm số 502 đối diện siêu thị điện máy Thiên Hòa. Chạy được một quãng, người phụ nữ ấy rẽ vào một con ngách tối om, không đèn đóm. Chị dừng lại, đập cửa căn nhà có cổng rào kín mít.
Một người đàn bà trung niên bồng đứa bé chừng 3 tuổi chạy ra, hai mẹ con nữ công nhân ôm nhau chóng vánh rồi như vội vã công chuyện, chị hấp tấp đặt con lên xe, rồ ga chạy.
Nơi mà 10 em bé được trông giữ chỉ rộng chưa đầy 15 mét vuông
Tôi quay trở ra đầu hẻm, hỏi thăm bà bán hàng tạp hóa chỗ gửi trẻ.
Người đàn bà dáng đậm đà nhiệt tình, hồ hởi: "Công nhân gửi con để tăng ca hả? Chỗ gửi thì thiếu gì, tuy nhiên giá cả quyết định chất lượng đấy nhé".
Nói rồi người phụ nữ quay sang hỏi luôn chị bán chuối chiên bên cạnh: "Sao Thúy, mày có nhận không? Nhận một đứa về mà trông cũng...được!".
Nhìn tôi mắt tròn mắt dẹt, người phụ nữ cười ha hả: "Thôi, để cô chỉ cho mày nhà bà Hường, cái nhà có cổng xanh xanh trong ngách kia kìa. Nếu bà ấy không nhận thì mày đem ra đây, cô trông giúp cho. Cô tên là Liễu, nhớ nhé!".
Tôi đến trước chiếc cửa màu xanh theo chỉ dẫn của bà Liễu gọi cửa thì một người phụ nữ gầy gò, cỡ ngoài 40 tuổi đánh tiếng, chạy ra, hất hàm: "Có gì không?".
Sau khi tôi nói chị Liễu giới thiệu vào gửi trẻ thì các nếp nhăn trên mặt người phụ nữ ấy giãn ra, thay vào đó là một nụ cười thân thiện: "Thế hả, vào đi rồi nói chuyện".
15m nuôi 10 đứa trẻ
Vào được chỗ giữ trẻ của gia đình bà Hường vô cùng khó khăn, phải để xe ở ngoài vì lối đi chỉ rộng chừng hơn nửa mét.
Căn nhà áng chừng chưa được tới 15 mét vuông, khắp nơi giăng đầy quần áo. Bày giữa nhà là một cái võng, một cái xe tập đi của em bé. Mấy chiếc bình sữa của bé được treo trên tường nứt nẻ, nổi mốc đen.
Nhà vệ sinh xuống cấp được bố trí luôn trong khoảng không gian rộng chưa tới 15 mét vuông ấy, chỉ ngăn cách với nơi giữ trẻ bằng một chiếc cửa nhựa kéo nửa kín, nửa hở. Thành viên trong nhà bà Hường cả thảy gồm 5 người. Tất cả sinh sống ở đây thôi đã thấy...tức thở, huống hồ còn nhận nuôi thêm trẻ con.
Như để quảng cáo sự bề thế cho "trường mầm non" của mình, bà Hường thao thao bất tuyệt: "Vì em được người quen giới thiệu nên chị mới tiếp đấy nhé, chỗ của chị đông lắm, mà phải... nhìn mặt mới nhận. Cơ sở của chị uy tín nên người ta gửi đông. Chị nhận trông đến hơn 10 đứa cơ đấy".
Nghe đến đây, tôi cố lắp bắp hỏi: "Mà con em còn bé lắm, mới hơn 10 tháng, em lại hay về trễ, chị nhận được không?".
Đây là nơi để bình và sữa gia đình gửi cho các bé
Người đàn bà cười khà khà: "Em gửi con lần đầu hả, hèn chi! Con thế mà bé à, bé...gì, ở đây chị trông có đứa mới 3 tháng. Đứa nào thích nằm võng chị cho nằm võng, chán võng thì xuống đất nằm chiếu. Gửi trễ cũng chẳng sao, sau "giờ hành chính" chị tính thêm tiền, 11 đêm giờ đón cũng được".
Tôi tiếp lời: "Đông thế chúng nó đánh nhau làm sao hả chị?" thì chồng bà Hường cười khanh khách trả lời: "Đánh thế nào được, đánh để chết à? Tôi nói cho cô biết nhé, nhà tôi không gắn biển hiệu nhận giữ trẻ mà đã đông đến thế, vậy là đủ hiểu chất lượng ở đây ra sao rồi đấy!!".
Tôi làm bộ bằng lòng, bàn tiếp sang chuyện giá cả. Bà Hường đề nghị một tháng học phí là 650.000 đồng, tiền ăn một ngày 20.000 đồng, sữa tự túc. Nếu sau 17h30 chưa đón con thì một tiếng tính 5.000 đồng. Giá trên chưa có phí cho ngày chủ nhật. Chủ nhật công nhân đem con đến gửi sẽ tính như phí tăng ca, tương đương 5.000 đồng/tiếng.
Tôi cúi gằm mặt than thở: "Ôi cô ơi, cô tính phí ngoài giờ thế thì chết con, con làm công nhân lương cứng có một triệu hơn, khi nào tăng ca thì may ra được 3 hoặc 4 triệu. Tiền gửi con cao thế thì con xoay xở làm sao?".
Nắn gân thấy "gà" này "không béo", bà Hường cười, làm bộ thông cảm: "Ờ, nói thì nói thế thôi, chứ cô thương người lắm, con khó khăn cô chỉ tính tiền tiếng đầu, còn mấy tiếng sau cô khuyến mại".
Tôi lủi thủi ra về, hẹn chiều thứ 7 sẽ mang con đến.
Vừa dắt xe ra khỏi cổng, một chị vẫy tôi lại ra chiều thấu hiểu: "Gái ơi, chị bảo, em đừng gửi con ở đó. Rẻ hơn chỗ khác thật mà bà ý xếp lớp em bé như cá mòi, tội lắm! Con em ăn thì ăn, không ăn thì đói luôn, đông thế sao bà ý trông hết được. Trẻ gửi trong đấy đứa nào về cũng bị muỗi đốt tùm lum sưng cả mặt. Em đem bé vào trường mầm non tư thục bên hẻm trên mà gửi, người ta cũng nhận trông buổi tối đấy".
Sau khi ghé vào trường mầm non người phụ nữ mách, tôi thấy điều kiện vật chất tuy có tốt hơn thật nhưng giá thành cũng "tốt" tới tận 1,5 triệu/tháng, tiền phụ phí ngoài giờ cũng cao gấp 3, một tiếng hết 15.000 đồng.
Tôi quay về bỗng cảm thấy nghẹn ngào, thương cảm cho người công nhân và con cái của họ. Bởi nếu là họ, vì cuộc sống mưu sinh tôi cũng đành cắn răng mà đem con đến gửi ở những khu nhà ổ chuột như của bà Hường mà thôi!
Theo Vietnamnet
Clip bé gái bị bạo hành được quay như thế nào? Đằng sau clip quay cảnh bảo mẫu tắm bé gái 3 tuổi, ít người biết rằng, tác giả của clip đó đã phải mất công bố trí nhiều ngày dài mới có được hình ảnh sống động về cảnh bạo hành đó. Bí mật quay clip Khoảng 6h sáng 24/11, cộng đồng mạng khá sốc và phẫn nộ khi xuất hiện đoạn clip...