Bé gái bại não sinh con, nghi bị làm hại tại cơ sở nuôi trẻ mồ côi
Trong căn nhà ọp ẹp che tạm bằng giấy dầu, bé gái 15 tuổi gầy gò ngồi ôm con trai 4 tháng tuổi đang khóc ngất vì khát sữa. Khi thấy chúng tôi, bé M ngơ ngác nhìn với đôi mắt vô hồn…
Đại tá Trần Đình Thiện, Trưởng Công an huyện Hàm Tân ( Bình Thuận) xác nhận với VietNamNet ngày 17.5, Công an huyện đang tiến hành xác minh nội dung đơn của gia đình bé gái bị bại não, tố cáo trong thời gian bé sống tại cơ sở nuôi trẻ mồ côi chùa Huệ Đức đã bị cưỡng bức đến có thai (hiện đã sinh con).
Tố cáo của gia đình nạn nhân
Theo trình báo của bà Đ.T.M.H (44 tuổi, trú xã Tân Phước, thị xã La Gi, Bình Thuận), do nhà nghèo, lại là mẹ đơn thân, để có tiền nuôi con, bà phải vào TP.HCM làm công nhân, nên đã gửi con gái là bé Đ.H.T.M (SN 2002) bị thiểu năng trí tuệ vào cơ sở nuôi trẻ mồ côi của chùa Huệ Đức (ở thôn 4, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân) do đại đức Thích Đồng Khánh, tục danh Phạm Văn Dư (42 tuổi) nuôi dưỡng từ năm 2010.
Bé M và cháu bé.
Đến ngày 29.7.2016, khi về thăm con, đưa con đi tắm, bà H phát hiện bụng bé M lớn hơn bình thường nên đã đưa đi khám và phát hiện bé đã có thai 4 tháng.
Lúc này bà H đã điện báo cho sư trụ trì là Thích Đồng Khánh (Phạm Văn Dư) và được ông Dư yêu cầu phá thai, nhưng do thai quá lớn không thể phá được. Sau đó, ông Dư gọi điện bảo bà H đưa bé M lên chùa để thương lượng.
Tại chùa Huệ Đức, ông Dư đã viết bản cam kết sẽ chịu trách nhiệm từ khi có thai, sinh nở và chu cấp cho đứa bé về sau. Sau đó, ông Dư đã chuyển tổng cộng 70 triệu đồng cho bà H để lo cho bé M.
Khi M sinh con, bà H đã liên hệ với ông Dư nhưng ông này không bắt máy, biệt tin. Bà H cho rằng ông Dư đã nuốt lời nên đưa con gái và cháu bé lên chùa làm rõ sự việc, tuy nhiên ông Dư vẫn làm ngơ, còn thách đố, hăm doạ bà.
Bức xúc trước sự việc, bà H đã làm đơn tố cáo yêu cầu cơ quan công an làm rõ vì sao con bà là trẻ vị thành niên, bị bại não, trong thời gian ở tại cơ sở nuôi trẻ của chùa Huệ Đức lại bị cưỡng bức đến mang thai. Đồng thời làm rõ ai thực sự là cha của đứa bé và yêu cầu truy cứu trách nhiệm kẻ đã xâm hại bé gái theo đúng quy định của pháp luật.
PV VietNamNet đã tìm đến nhà bé M và chứng kiến hoàn cảnh tội nghiệp của cháu bé. Do không có nhà nên bà H và bé M phải ở nhờ nhà người thân tại thôn Cam Bình, xã Tân Phước, thị xã La Gi.
Video đang HOT
Trong căn nhà ọp ẹp che tạm bằng giấy dầu, bé gái 15 tuổi gầy gò ngồi ôm con trai 4 tháng tuổi đang khóc ngất vì khát sữa. Khi thấy chúng tôi, bé M ngơ ngác nhìn với đôi mắt vô hồn.
Bà H cho biết, do bé M bị bại não, không biết gì nên từ lúc con gái có thai, đến khi sinh bà phải nghỉ làm để lo cho 2 mẹ con bé M. Hiện hoàn cảnh của bà hết sức khó khăn, không có thu nhập gì để lo cho gia đình.
Ông Dư nói gì?
Trao đổi với VietNamNet, ông Dư đã thừa nhận có sự việc bé M là trẻ bị bại não mang thai trong thời gian sống tại cơ sở nuôi trẻ trong chùa Huệ Đức do ông làm trụ trì.
Đưa cho chúng tôi xem bản cam kết đã ký với gia đình bé M, ông Dư cho biết: Do lo sợ ồn ào ảnh hưởng đến hình ảnh của chùa và thực hiện trách nhiệm của cơ sở nuôi dưỡng khi để xảy ra sự việc đối với cháu bé, ông Dư đã nhận trách nhiệm chu cấp tiền để nuôi bé M trong lúc mang thai và sinh nở.
Tổng số tiền ông Dư đã chuyển cho bà H, mẹ bé M là 70 triệu đồng, nhưng sau đó bà H đòi ông phải đưa thêm 500 triệu là chi phí nuôi dưỡng cháu bé đến 18 tuổi. Số tiền này là quá lớn và không đúng như bản cam kết đã ký nên ông đã từ chối dẫn đến việc bà H đã viết đơn tố cáo sự việc.
Về vấn đề làm rõ ai là người đã xâm hại bé, ông Dư cho biết, ông nghi ngờ một người tên N bị bệnh down sống trong chùa đã làm chuyện này, vì trước đây người này đã nhiều lần sàm sỡ các bé gái bị ông và nhiều người phát hiện. Ông Dư đã bố trí cho gia đình người tên N gặp bà H để nhận cháu, nhưng bà H từ chối không gặp.
Căn nhà nơi bà H và cháu M đang ở nhờ.
“Do trong chùa chỉ có tôi và em N là thanh niên, nên hiện nay nhiều người và cả gia đình của bé M tỏ ý nghi ngờ cả tôi gây ra chuyện này. Vì vậy tôi đề nghị cơ quan chức năng cần giám định ADN cả tôi và em N để làm rõ trắng đen, đồng thời điều tra xác định ai đã xâm hại bé M. Qua đó minh oan cho tôi, chứ hiện hay sự việc xảy ra như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cá nhân tôi và hình ảnh của chùa Huệ Đức”, ông Dư cho biết.
Cơ sở nuôi trẻ mồ côi không phép
Khi được hỏi về cơ sở nuôi trẻ mồ côi tại chùa Huệ Đức, ông Dư cho hay, đang nuôi dưỡng 39 đứa trẻ mồ côi, khuyết tật từ 1 tuổi đến lớn, có em đang theo học đại học. Ông đã làm hồ sơ xin cấp phép hoạt động trung tâm bảo trợ xã hội nhưng chưa được phê duyệt. Nguồn tiền để ông duy trì cơ sở này là do ông có rẫy cà phê ở Đắc Lắc, thiết kế non bộ… và một phần là tiền ủng hộ từ thiện.
Xác nhận với PV VietNamNet, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội của Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận cho biết, trước đây chùa Huệ Đức có lập hồ sơ xin thành lập trung tâm bảo trợ xã hội nhưng chưa được chấp thuận do không đảm bảo nhiều tiêu chuẩn theo quy định.
“Thời gian qua, Sở cùng với huyện Hàm Tân và xã Sơn Mỹ đã nhiều lần kiểm tra và phát hiện các sai phạm trong việc nhận con nuôi, nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật tại chùa Huệ Đức. Chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu ông Dư phải đưa số trẻ mồ côi đang nuôi dưỡng tại chùa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Trường hợp trẻ có gia đình thì phải gửi trả lại, nhưng đến nay ông Dư vẫn chưa chấp hành”, ông Tuấn cho hay.
Khi được hỏi thông tin về sự việc trên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hàm Tân – Phạm Nhị Trúc cho biết: “Tôi chưa nhận được thông tin về việc trẻ vị thành niên mang thai tại cơ sở nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật không giấy phép của chùa Huệ Đức, nếu đúng vậy thì đây là sự việc nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh và báo cáo với UBND huyện về việc này”.
Theo Lê Huân (VNN)
Với tôi, mẹ là người bình thường nhưng không hề tầm thường
Ngày còn nhỏ khi đi học, tôi vẫn ghi ở phần lý lịch là "Mẹ: Nội trợ". Đến khi vào đại học, phần nghề nghiệp của mẹ được thay thế bằng cụm từ "Dược sĩ". Đó là cả một niềm tự hào, sự hãnh diện về mẹ.
Ảnh minh hoạ
Dù tôi chưa bao giờ coi nhẹ công việc nội trợ hay xấu hổ vì điều đó nhưng tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên của mẹ là một tấm gương sáng cho chị em chúng tôi và nhiều người noi theo.
Mẹ về nhà chồng khi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, như nhiều phụ nữ cùng thế hệ với mẹ. Mẹ ước mơ được học y dược, nhưng điều đó khó thành hiện thực. Với những người sinh ra ở thập niên 1950 như ba mẹ tôi, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông và đi tiếp vào cao đẳng, đại học là điều không phổ biến như ngày nay. Bà ngoại kể, ngày ông hứa gả mẹ cho ba, nước mắt mẹ rơi ướt quyển tập học trò...
Tôi vẫn nhớ những tháng năm mẹ làm dâu cơ cực, cơm chan nước mắt. Nhà nội cất ven sông, mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ vào nước sông, và mọi người xung quanh cũng thế. Những tháng mùa khô nước cạn, mẹ hì hục múc từng thùng nước nhỏ đổ đầy cái lu to, lắng phèn cho cả nhà sử dụng.
Nhà có hai đứa con gái, mẹ cứ nhìn chúng tôi mà xót xa. Những thứ chất thải và rác đều đổ xuống sông, xác những con vật nuôi bị bệnh người ta mang vứt xuống sông, nước từ đồng ruộng đổ về đó... rồi cũng từ đó người ta lấy nước dùng cho sinh hoạt. Mẹ biết, dù phèn chua có thể biến nước đục trở nên trong vắt, nhưng không thể loại bỏ bao mầm bệnh, nhất là những bệnh về da, về mắt hay phụ khoa.
Năm tôi chừng tám tuổi, khu tôi ở bắt đầu có điện về, niềm hy vọng của mẹ cũng sáng lên theo ánh điện. Mẹ bảo, ba tôi tốt nghiệp đại học và là công chức, mẹ không muốn cách ba quá xa về kiến thức, trình độ. Và trên hết, mẹ muốn chúng tôi có đủ điều kiện về kinh tế lẫn động lực để bước vào đại học. Thế là mẹ xin ông bà nội đi học.
Nhưng việc thuyết phục ấy phải mất rất lâu mới được chấp nhận. Tất nhiên, từ chỗ đang có người lo cơm nước, giặt giũ và tất cả công việc hằng ngày... giờ phải làm nên ông bà nội và cô tôi không đồng ý, thậm chí họ hàng bên nội còn chỉ trích mẹ là "đua đòi". Nhờ sự thuyết phục của ba và sự kiên trì của mẹ, cuối cùng ông bà nội cũng chấp nhận.
Khoảng thời gian đi học với mẹ vất vả vô cùng. Mỗi sáng mẹ phải dậy sớm lo mọi thứ tươm tất, chiều về còn phải làm những việc nhà tồn đọng đến tận khuya, nhưng mẹ rạng rỡ hơn bao giờ hết. Có thể với nhiều người, việc đi học là điều rất bình thường, nhưng với mẹ tôi, đó là một hành trình đầy gian khổ và nước mắt.
Với tinh thần hiếu học, mẹ luôn tìm tòi và học hỏi thêm từ những người đi trước cũng như từ sách báo chuyên ngành để cập nhật tri thức, củng cố kiến thức đã có. Mẹ xót xa khi chứng kiến những người dân vì thiếu kiến thức nên bị lừa gạt trong việc chữa bệnh dẫn đến tiền mất tật mang; những phụ nữ dành hết cuộc đời mình trong cái vòng luẩn quẩn: mang thai và sinh con hay những cô gái trẻ sợ sệt tìm đến hỏi cách giải quyết vì trót mang thai khi quan hệ tình dục mà không có biện pháp phòng ngừa...
Họ hoàn toàn xa lạ với thuốc tránh thai và xấu hổ không dám nói đến bao cao su. Chúng tôi từng nhiều lần suýt bật cười khi chứng kiến có người cầm đơn đến mua thuốc, bảo bị "rối loạn triều đình" (rối loạn tiền đình) hoặc vừa đi "chụp xung quanh" (chụp X-quang). Trước những tình huống đó, mẹ không bao giờ có thái độ cười cợt hay xem thường mà ân cần hướng dẫn, tư vấn, giúp họ gọi đúng tên bệnh và chỉ dẫn cặn kẽ.
Thị xã trở thành thành phố. Bắt đầu từ những hộ dân sống gần nhà cho đến bán kính xa hơn, mẹ vận động từng gia đình đăng ký sử dụng nước máy, không dùng nước sông nữa và xây nhà tắm để loại bỏ thói quen tắm nước sông. Bà cũng thường xuyên nhắc mọi người ăn chín, uống sôi và chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà kết hợp với trạm y tế phường, đi đến từng hộ dân để vận động diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm.
Bà phát thuốc tránh thai và bao cao su miễn phí cho người dân, tạo cho họ thói quen sử dụng, không còn xem đó là những điều cấm kỵ hay mắc cỡ khi nói đến nữa. Mẹ tôi còn thuyết phục nhiều người mua bảo hiểm y tế để được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe tốt, tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, tặng sách báo nhằm khuyến khích thói quen đọc để nâng cao hiểu biết...
Bà làm tất cả những điều đó một cách lặng lẽ nhưng rất quyết tâm, như một bản năng không thể tách rời.Không chỉ thế, mẹ còn đi đầu trong phong trào thể dục thể thao. Từ chỗ mọi người thờ ơ với thể dục, giờ đây cứ mỗi sáng cả khu xôn xao, í ới gọi nhau đi tập.
Trong cuộc sống hằng ngày, mẹ là một người vui vẻ, hài hước và luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Những mùa Trung thu, mẹ con tôi thường cho quà bánh những đứa trẻ nghèo, xách lồng đèn đi chơi cùng chúng. Với một hiệu thuốc tại nhà, mẹ thường cho người nghèo thuốc men và còn giúp đỡ thêm tiền bạc. Tiếng lành đồn xa, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến để xin thuốc men, hỗ trợ.
Mẹ dạy chúng tôi rằng, với người giàu không cần quá ân cần trong giao tiếp, nhưng với những người nghèo thì phải hết sức tế nhị... vì họ dễ tổn thương và tự ái lắm. Mẹ bảo mình may mắn được đủ đầy hơn người khác thì hãy cho đi. Dù gia đình chúng tôi không dư dả gì, nhưng bà vẫn luôn san sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh xung quanh. Ảnh hưởng từ cách sống đó, chúng tôi chưa bao giờ quay lưng với những người kém may mắn quanh mình.
Dù thời gian biểu hằng ngày gần như không còn trống, mẹ tôi vẫn dành ra ít nhất nửa tiếng để đọc sách báo và xem tin tức chuyên ngành. Bà tâm niệm, ngày nào còn sống, ngày đó phải sống có ích.
Thế nên, cứ mỗi khi gom góp được một khoản tiền, bà lại rủ các con đi đến các hội bảo trợ trẻ mồ côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa... để tặng tiền, quà. Tôi rất tự hào về mẹ mình, và luôn xem bà là tấm gương để noi theo. Với tôi, mẹ là một người bình thường, nhưng không hề tầm thường.
Theo TNO
Cán bộ trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tuồn sữa hết hạn ra ngoài 27 thùng sữa hết hạn được 2 cán bộ trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi dùng ô tô riêng đưa ra ngoài trong đêm để "đem đi tiêu hủy". Ngày 22/12, ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi xem xét, Hội đồng kỷ luật của...