Bé gái 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm chủng Quinvaxem
Ngày 22.12, Sở Y tế Bắc Ninh công bố nguyên nhân tử vong đối với bé gái 2 tháng tuổi sau khi tiêm chủng vắc xin Quinvaxem và uống vắc xin OPV là do phản ứng quá mẫn sau sử dụng vắc xin.
Trạm y tế phường Võ Cường – Ảnh Phương Loan
Trước đó, ngày 20.12, tại Trạm Y tế phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh, bé Nguyễn Thảo N., sinh ngày 14.10.2015, đã đến tiêm chủng vắc xin Quinvaxem và uống vắc xin OPV lần 1vào hồi 8 giờ 26 phút. Vắc xin do chương trình tiêm chủng mở rộng cấp.
Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, bé có biểu hiện quấy khóc, người tím tái, người nhà vội vàng đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Tại đây, bé được cấp cứu và điều trị tích cực nhưng diễn biến mỗi lúc một trầm trọng. Đến 16 giờ cùng ngày, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư và đã tử vong vào khoảng 21 giờ cùng ngày.
Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và tỉnh Bắc Ninh cũng đã đánh giá toàn bộ quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, quy trình tiêm chủng, phân tích nguyên nhân tử vong của cháu N và đi đến kết luận: Nguyên nhân tử vong của trẻ hướng tới sốc phản vệ do phản ứng quá mẫn của cá thể sau sử dụng vắc xin, không liên quan đến thực hành tiêm chủng. Việc vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản vắc xin được các đơn vị thực hiện theo đúng quy định; quy trình thực hành tiêm chủng tại trạm y tế theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, trong buổi tiêm chủng ngày 201.12, Trạm Y tế phường Võ Cường đã thực hiện tiêm chủng cho 48 trẻ khác cùng lô vắc xin đã tiêm cho cháu N. nhưng không phát hiện dấu hiệu nào bất thường, ngoài trường hợp cháu N.
Video đang HOT
Thái Sơn-Phương Loan
Theo Thanhnien
'Khát' vắc xin dịch vụ, phụ huynh 'đỏ mắt' chạy tìm cho con
'Khát' vắc xin dịch vụ '5 trong 1', '6 trong 1', nhiều phụ huynh vã mồ hôi, 'đỏ mắt' chạy đôn chạy đáo tìm và sẵn sàng trả giá cao để được một mũi tiêm cho con.
Nhiều phụ huynh chờ 3-4 tháng mong có vắc xin dịch vụ về để tiêm cho con - Ảnh: Nguyên Mi
Vã mồ hôi, "đỏ mắt" tìm vắc xin dịch vụ
1 giờ 30 phút trưa, chị Mai Ngọc Hạnh (Q.Tân Bình, TP.HCM) luống cuống chuẩn bị khăn áo cho con trong khi bé đang ngủ say. Nghe tin, Trung tâm y tế Q.Bình Tân có vắc xin "5 trong 1" mới về, mặc trưa nắng mặc con đang ngủ, chị vội bồng bế con (5 tháng tuổi) đi taxi hơn chục km để tiêm vắc xin. Tuy nhiên, đến nơi chị mới biết đó chỉ là vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem, chứ không phải vắc xin dịch vụ (Pentaxim - PV) như chị nghĩ. Thế là chị lại bồng bế con về nhà, nhất quyết không tiêm.
"Lẽ ra, bé phải tiêm vắc xin "5 trong 1" mũi đầu tiên từ lúc hai tháng. Nhưng thấy mấy vụ trẻ tử vong sau tiêm Quinvaxem ghê quá nên vợ chồng tôi quyết định không cho cháu tiêm vắc xin ấy. Thà bỏ tiền ra tiêm dịch vụ, mắc rẻ gì cũng được cho đỡ lo. Thế nhưng chờ ba tháng rồi, dọ hỏi và "canh" khắp nơi mà vẫn không có thuốc", chị Hạnh thiểu não tâm sự.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 hay Viện Pasteur TP.HCM những ngày này, ngay từ 6-7 giờ sáng, nhiều phụ huynh ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh (TP.HCM) hay tận các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An,... đã bế con lên "săn" với hi vọng có vắc xin "5 trong 1" hay "6 trong 1" dịch vụ.
Trong khi đó, trên facebook hay các diễn đàn, hội nhóm của các ông bố, bà mẹ trên mạng xã hội, các mẹ liên tục dọ hỏi nhau về thông tin vắc xin dịch vụ "5 trong 1", "6 trong 1", chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm. "Có chị bạn làm ở một bệnh viện nhi lớn của TP.HCM, hồi bé sinh dặn trước chỉ khi nào có vắc xin thì chị gọi cho con em đi tiêm với. Thế nhưng, đến giờ bệnh viện cũng chưa có thì cũng chẳng biết làm sao", chị Bùi Ngọc Thảo tâm sự.
Tiêm vắc xin dịch vụ, tốn bao nhiêu tiền cũng được
Mới đây, một trung tâm tại TP.HCM (không phải là đơn vị y tế - PV) đã trương bảng thông báo là "Điểm đăng ký dịch vụ tiêm vắc xin "5 trong 1". Ngay sau đó, nhiều phụ huynh đã đến đăng ký, đặt cọc với số tiền 500.000 đồng/liều. Còn giá cho một liều vắc xin thì lên đến 2 triệu đồng/liều. Trong khi, giá vắc xin Pentaxim này nếu tiêm ở các bệnh viện công chỉ gần 600.000 đồng/liều.
Một phụ huynh (ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết: Con đã 7 tháng rồi mà vẫn chưa tiêm mũi vắc xin "5 trong 1" nào vì "từ khi sinh bé đến nay, vắc xin dịch vụ không có, còn Quinvaxem thì không dám tiêm". Cũng theo phụ huynh này: "Giá mắc cũng chẳng sao, miễn có vắc xin tiêm cho con là được rồi. Tiêm vắc xin dịch vụ, tốn bao nhiêu tiền cũng được".
Đã có 27 người đặt cọc, đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ cho con tại trung tâm này cho đến thời điểm thanh tra Sở Y tế TP.HCM đến thanh tra và phát hiện trung tâm không có phép hoạt động trong lĩnh vực y tế.
Vắc xin dịch vụ Pentaxim ("5 trong 1") và Infanrix Hexa ("6 trong 1") đã được các bệnh viện, trung tâm tiêm ngừa thông báo hết trong hơn nửa năm qua - Ảnh: Nguyên Mi
Trong khi đó, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế tốt thì sẵn sàng xuất ngoại, du lịch Singapore hay Thái Lan để tiêm cho đủ 3 mũi "5 trong 1" hoặc "6 trong 1" dịch vụ cho con. Chị Ngô Kiều Châu (ngụ Q.3), vừa rồi đã ẵm bồng con trai 5 tháng của mình qua tận Singapore để tiêm vắc-xin 6 trong 1 (Infanrix Hexa - PV).
Chị Châu cho biết chị đã liên hệ với bệnh viện ở Singapore để đăng ký tiêm vắc xin "6 trong 1" cho con, sau đó đặt tour du lịch. "Tùy bệnh viện mà giá vắc xin "5 trong 1", "6 trong 1" và chi phí khám trước tiêm tại Singapore tính ra khoảng 2-4 triệu/liều", chị Châu nói.
Chị Trần Bảo Minh (ngụ Bình Dương) cho biết, chị sinh em bé ở một bệnh viện quốc tế tại Bình Dương, ngay khi sinh đã đăng ký tiêm ngừa cho con tại bệnh viện này luôn. "Thế mà cũng phải chờ một thời gian mới có vắc xin "5 trong 1", "6 trong 1". Vừa có, bệnh viện gọi báo là phải ôm con, cầm tiền lên đóng để được chích ngay. Cứ như là đấu giá. Tổng chi phí chích đủ 3 liều "6 trong 1", phế cầu và tiêu chảy là hơn 7 triệu đồng", chị Minh kể.
Trước tình hình trên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM): Tiêm vắc xin có hiệu quả thì phải đúng lịch. Trẻ không được tiêm vắc xin hay tiêm trễ sẽ không được bảo vệ dự phòng trước nhiều bệnh (ví dụ như dịch sởi vào năm ngoái). Vì vậy, hiện nay, vì yếu tố mất "an tâm" mà nhiều phụ huynh không cho trẻ tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quinvaxem. Và phụ huynh lại gánh thêm sự lo lắng không biết khi nào có vắc xin dịch vụ và thời gian chờ đợi con cháu mình có an toàn không.
"Điều quan trọng là không thể chọn, không có vắc xin dịch vụ thì không nên chờ mà phải dùng cái đang có", bác sĩ Khanh khuyên phụ huynh.
Nguyên Mi
Theo Thanhnien
Đi nước ngoài tiêm chủng vắc xin: Cẩn thận với rủi ro "Cũng như bất kỳ một dược phẩm nào, vắc xin cũng có phản ứng không mong muốn. Do đó, dù tiêm chủng ở đâu thì cũng phải theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng", ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lưu ý. Cần tìm hiểu kỹ về thành phần vắc xin trước khi tiêm...