Bê bối nghiêm trọng khiến Mỹ thêm chậm chân chống Covid-19 ở giai đoạn đầu
Sự cẩu thả của các phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khiến nhiều bộ xét nghiệm Covid-19 không cho ra kết quả chính xác trong thời điểm quan trọng để kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh tại Mỹ, các quan chức liên bang xác nhận.
Theo giới chức y tế Mỹ, 2 trong số 3 phòng thí nghiệm CDC tại thành phố Atlanta đã không tuân thủ các quy chuẩn an toàn, vi phạm tiêu chuẩn sản xuất, dẫn đến các bộ xét nghiệm virus được gửi tới gần 100 cơ sở xét nghiệm trên khắp nước Mỹ bị nhiễm virus Covid-19 và không hoạt động.
Sự cẩu thả nghiêm trọng này đã ảnh hưởng lớn tới việc ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát ở giai đoạn đầu, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Tiến sĩ Timothy Stenzel, chuyên gia của FDA cho biết, ông đã phát hiện sự thiếu chuyên nghiệp một cách đáng kinh ngạc trong quá trình sản xuất các bộ xét nghiệm Covid-19 của một số phòng thí nghiệm CDC.
FDA cho biết phát hiện nhiều vấn đề từ 2 phòng thí nghiệm nói trên. Ví dụ như các nhà nghiên cứu ra vào phòng mà không thay quần áo bảo hộ. Việc kiểm tra những bộ phận của dụng cụ xét nghiệm được tiến hành ngay tại nơi những mẫu bệnh phẩm Covid-19 đang được xử lý. Điều này dẫn đến nhiều bộ xét nghiệm Covid-19 được sản xuất và gửi tới các cơ sở y tế không đạt chuẩn, không cho kết quả chính xác vì đã bị nhiễm virus gây bệnh dịch Covid-19 từ trước.
CDC Mỹ mắc lỗi nghiêm trọng trên các bộ xét nghiệm Covid-19 do cẩu thả (ảnh: AP)
“CDC đã không sản xuất các bộ xét nghiệm theo đúng quy trình do chính họ đặt ra”, Stephanie Caccomo – phát ngôn viên của FDA, cho biết.
Kết luận của FDA được đưa ra trong bối cảnh dư luận tỏ ra mất kiên nhẫn và yêu cầu công khai kết quả điều tra.
Theo New York Times, vụ bê bối này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của CDC, cơ quan đáng lẽ phải đi đầu trong cuộc chiến với Covid-19. Điều này cũng cho thấy chính phủ Mỹ đã thiếu chuẩn bị trong giai đoạn đầu để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Trong khi Tổng thống Donald Trump và một số quan chức thuộc chính quyền của ông liên tục khẳng định Mỹ là quốc gia làm xét nghiệm nhiều nhất thế giới thì nhiều bác sĩ, các chuyên gia y tế nước này lại phàn nàn về chuyện xét nghiệm thiếu đồng bộ, chính xác.
Video đang HOT
Ông Robert R. Redfield – giám đốc của CDC, cũng thừa nhận rằng, các biện pháp kiểm tra chất lượng của cơ quan này là không đủ trong quá trình sản xuất dụng cụ xét nghiệm.
“CDC sẽ nâng cao việc kiểm soát chất lượng của các bộ dụng cụ để giải quyết vấn đề này”, ông Robert R. Redfield nói.
Trong giai đoạn đầu khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, CDC là cơ quan chịu trách nghiệm sản xuất các bộ dụng cụ và phân phối đến các cơ sở y tế tiểu bang.
Những bộ xét nghiệm Covid-19 được sản xuất đã bị nhiễm virus từ trước và không cho kết quả chính xác (ảnh: ABC News)
“Đúng là thảm họa. Chúng tôi cảm thấy như vừa bị giáng một cú đấm đau trong lịch sử y tế công cộng. Dụng cụ quan trọng nhất trong bộ đồ nghề của chúng tôi để chiến đấu với virus lại không hoạt động”, ông Scott Becker, Giám đốc của Hiệp hội các phòng thí nghiệm y tế công cộng Mỹ, chia sẻ.
Ông Becker nói thêm rằng, các phòng xét nghiệm công cộng do mình điều hành bắt đầu nhận được những bộ dụng cụ xét nghiệm vào ngày 7.2. Ngay ngày hôm sau, nhiều cơ sở gọi điện và báo cho ông rằng những bộ xét nghiệm hoạt động không chính xác.
“Kết luận của FDA là phù hợp với những gì chúng tôi đã phát hiện ngay từ đầu. Chúng tôi cũng đã cảnh báo rằng những bộ xét nghiệm bị nhiễm virus sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Becker nói.
Ngày 5.2, CDC Mỹ đã cung cấp 200 bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 các cơ sở y tế trên toàn quốc. Mỗi bộ dụng cụ có thể kiểm tra từ 700 đến 800 mẫu bệnh phẩm. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, những cơ sở xét nghiệm được nhận dụng cụ thông báo rằng các bộ xét nghiệm này đã bị lỗi và không cho kết quả đúng.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Vương Nam
Mỹ phê duyệt bộ xét nghiệm Covid-19 siêu tốc: Biết dương tính sau 5 phút
Công ty Abbott Laboratories mới đây cho biết, họ đã nhận được sự phê duyệt của chính phủ Mỹ, cho phép sử dụng bộ kít xét nghiệm Covid-19 ra kết quả dương tính chỉ sau 5 phút, trong bối cảnh những bộ xét nghiệm virus tại Mỹ đang khan hiếm và hơn 100.000 người đã dương tính với dịch bệnh.
Abbott - công ty thiết kế bộ kít thử nhanh Covid-19, có trụ sở tại bang Illinois, một trong những tâm dịch Covid-19 của Mỹ. Abbott cho biết, bộ dụng cụ xét nghiệm do công ty này phát triển sẽ được triển khai tại nhiều phòng khám, bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe tại Mỹ trong tuần tới.
Mỹ hiện là quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới với hơn 100.000 trường hợp. Bộ xét nghiệm do Abbott phát triển được kỳ vọng có thể đáp ứng nhu cầu kiểm tra virus của hàng chục ngàn người Mỹ mỗi ngày trong bối cảnh nước này đang hạn chế việc xét nghiệm nhằm tiết kiện nguồn tài nguyên y tế.
Cục quản lý dược phẩm Mỹ tuần trước cũng phê duyệt việc sử dụng một bộ xét nghiệm nhanh do công ty Cepheid có trụ sở tại California sản xuất, cho kết quả trong khoảng 45 phút.
Theo đại diện của công ty Abbott, mỗi ngày công ty này có thể sản xuất 50.000 bộ dụng cụ xét nghiệm.
Mỹ phê duyệt bộ kit xét nghiệm Covid-19 cho kết quả dương tính sau 5 phút (ảnh: CNN)
"Đây là một bước tiến đáng kể. Bạn có thể nhận kết quả dương tính với virus chỉ sau 5 phút và kết quả âm tính sau 13 phút. Đại dịch Covid-19 có thể được giải quyết bằng nhiều biện pháp và bộ xét nghiệm này là một trong những nỗ lực đó", ông John Frels, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển của Abbott, cho biết.
Abbott cho biết, công ty này sẽ cố gắng để sản xuất được 5 triệu bộ kit thử Covid-19 mỗi tháng. Thiết bị dùng để triển khai bộ xét nghiệm mới nặng chưa đến 3 kg, nên có thể dễ dàng được triển khai ở những nơi cần được xét nghiệm nhất, theo Abbott.
Hôm 26.3, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, các bộ xét nghiệm mới có thể đẩy nhanh quá trình kiểm tra Covid-19 tại các bệnh viện. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang phải đối mặt với sự khan hiếm vật tư y tế, đặc biệt là các bộ xét nghiệm khi số ca nhiễm virus liên tục gia tăng.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Mỹ: Vì sao nhiều bác sĩ không dám lấy dịch mũi người nghi mắc Covid-19 để xét nghiệm? Bất chấp biện pháp hợp tác xét nghiệm Covid-19 công - tư mà Nhà Trắng đưa ra, nhiều bác sĩ tại Mỹ cho biết, họ không thể làm xét nghiệm cho bệnh nhân vì thiếu thốn khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. Anjali Viswanathan, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện New Jersey cho biết, cô không dám thực hiện...