Bé 5 tuổi xoa đầu ông Obama
Nhiều thập kỷ qua, Nhà Trắng treo rất nhiều ảnh chụp các đời tổng thống, hoặc làm việc hoặc vui chơi. Tấm mới thay chỗ tấm cũ. Nhưng có một tấm ảnh chụp đương kim Tổng thống Barack Obama đã yên vị suốt 3 năm qua, không bị tháo xuống.
Trong ảnh, ông Obama cúi người trước một cậu bé da đen ăn mặc chỉnh tề. Cậu bé đứng ngay trước chiếc bàn làm việc đặt trong phòng Bầu dục, cánh tay nhỏ bé giơ lên… xoa đầu ngài tổng thống. Rất nhiều trợ lý của Nhà Trắng lẫn quan khách yêu thích tấm ảnh này nên đã yêu cầu giữ nguyên nó trên tường.
Từ khi là ứng cử viên cho đến lúc đắc cử tổng thống, ông Obama hầu như né tránh thảo luận về vấn đề chủng tộc trừ trường hợp bất khả kháng. Nhiều lãnh đạo da màu đã chỉ trích tổng thống không trực tiếp hỗ trợ giới trẻ da đen hay đề xuất các chính sách cho riêng họ. Tuy nhiên, tấm ảnh này là chứng cứ hiển nhiên cho thấy ông Obama vẫn là biểu tượng đầy sức thuyết phục của người da đen.
Tấm ảnh được treo suốt 3 năm trong Nhà Trắng. Ảnh: Pete Souza/The White House
Bé trai trong ảnh là Jacob Philadelphia, sống ở Columbia, bang Maryland. Khi chụp tấm ảnh này vào tháng 5 của ba năm trước, Jacob mới 5 tuổi. Lúc đó, cha cậu là ông Carlton Philadelphia, một cựu lính thủy, rời Nhà Trắng sau hai năm làm việc trong Hội đồng An ninh quốc gia. Như nhiều nhân viên khác, ông Philadelphia cũng đề nghị tổng thống chụp ảnh cùng gia đình ông trước khi rời đi.
Ảnh chụp xong, gia đình Philadelphia sắp giã từ thì ông Carlton nói với ông Obama rằng hai con trai của ông có câu hỏi dành cho tổng thống, mỗi đứa một câu. Ngay cả phóng viên ảnh của Nhà Trắng, ông Pete Souza, cũng bất ngờ trước yêu cầu của hai cậu bé và bằng chứng là tấm ảnh bị lỗi do chụp vội: đầu của bố mẹ bị cắt ngang, tay Jacob che khuất mặt bé, còn cậu anh trai Isaac bị nhòe.
Video đang HOT
Jacob nói trước: “Cháu muốn biết tóc cháu có giống tóc tổng thống không?”. Cậu bé nói nhỏ đến nỗi ông Obama phải bảo nhắc lại. Sau khi nghe rõ, ông Obama trả lời: “ Sao cháu không sờ thử đi, xem có giống tóc cháu không” rồi hạ thấp đầu ngang tầm với của Jacob. Cậu bé ngần ngừ, tổng thống khuyến khích: “Sờ đi, anh bạn!”.
Chính lúc Jacob đưa tay xoa đầu ông Obama, nhiếp ảnh gia Souza vội vàng bấm máy.
“Cháu thấy sao? – ông Obama hỏi. “Dạ, cũng giống nhau” – Jacob đáp lời.
Cậu bé Isaac, nay đã 11 tuổi, thì hỏi ông Obama tại sao lại loại trừ chiến đấu cơ F-22. Ông Obama cho biết vì quá tốn kém.
Theo thông lệ có từ thời Tổng thống Gerald R. Ford, mỗi tuần các phóng viên ảnh Nhà Trắng lại chọn ảnh ấn tượng để trình bày. Tuần đó, tấm ảnh của Jacob là số một. Nhiếp ảnh gia Souza chia sẻ: “Là người chụp ảnh, bạn sẽ có linh cảm về những khoảnh khắc có một không hai. Tấm ảnh này có đời sống riêng của nó. Tôi nghĩ người ta bị ấn tượng vì tổng thống sẵn lòng khom người, cúi đầu cho một cậu bé sờ vào tóc”.
Ông David Axelrod, cố vấn lâu năm của ông Obama, có một bản sao tấm ảnh tại văn phòng riêng ở Chicago. Ông kể về Jacob: “Lúc đó, cậu bé nói: &’Chà, tổng thống cũng giống y cháu’. Thật đấy! Biết đâu cậu nhóc ấy lại chẳng nghĩ: &’Một ngày nào đó, mình cũng sẽ ở đây’”.
Tại phòng khách của gia đình Philadelphia dĩ nhiên không thể thiếu tấm ảnh trên. Hiện làm việc tại Afghanistan cho Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Philadelphia đúc kết: “Chuyện một đứa bé da đen gặp một tổng thống da đen rất quan trọng và ý nghĩa. Nhìn thấy một người da đen đảm nhiệm chức tổng thống, bạn sẽ đủ tin tưởng rằng có thể đạt được bất cứ vị trí nào”.
Và Jacob, nay 8 tuổi, xác nhận cậu muốn trở thành tổng thống. “Không thì phi công cũng được” – cậu bé nói.
Theo NLD
Án nặng cho kẻ giết chủ quán bar
Bị cáo Trần Trọng Tuấn trước giờ tuyên án
Sau 3 lần hoãn phiên tòa xét xử vì luật sư và đại diện VKS vắng mặt, hôm qua (17-1), phán quyết cuối cùng đã được TAND thành phố Hà Nội tuyên đối với đối tượng đã sát hại chủ quán bar White House trên phố Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
Tối 18-12-2009, Trần Trọng Tuấn (SN 1974, ở phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng hai người bạn đến quán bar White House uống rượu vì bạn gái của Tuấn là chị P.L (SN 1982) đang làm nhân viên ở quán bar này. Đến 23h30 thì Tuấn xuống sàn để nhảy. Do uống nhiều rượu nên trong lúc nhảy, Tuấn đã va vào khách trong quán dẫn đến xô xát. Thấy vậy, lực lượng bảo vệ đã chạy đến can ngăn và đưa Tuấn ra ngoài cửa quán.
Tuy nhiên, Tuấn đã không chịu rời quán mà tiếp tục đứng ở cửa chửi bới, rút dao đe dọa lực lượng bảo vệ. Thấy Tuấn có biểu hiện càn quấy, ông Phạm Anh Dũng (SN 1957, trú tại đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm) với tư cách là giám đốc quản lý quán bar đã ra nói chuyện với Tuấn. Bất ngờ Tuấn rút dao đâm một nhát chí mạng vào ngực phải ông Dũng. Bị đâm, ông Dũng bỏ chạy và Tuấn đuổi theo truy sát nhưng bị chị P.L can ngăn giữ lại.
Do vết thương quá nặng, ông Dũng chỉ chạy được gần chục mét thì ngã xuống. Mọi người liền đưa ông Dũng vào bệnh viện nhưng do vết dao đâm thấu cuống tim nên ông Dũng tử vong sau đó. Sau khi gây án, Tuấn bỏ trốn vào TP.HCM và 10 ngày sau ra đầu thú tại CQĐT. Tại CQĐT, Tuấn biện minh hành vi đâm người của mình rằng, "do quá say và xô đẩy nên dao... đâm vào người ông Dũng".
Tuy nhiên, lời biện bạch này đã bị bác bỏ vì nhiều nhân chứng cho rằng Tuấn không say rượu đến mức không thể điều khiển được hành vi của mình. Sau khi thu thập hồ sơ tài liệu và lời khai của nhân chứng, VKSND thành phố Hà Nội đủ cơ sở truy tố Trần Trọng Tuấn tội "Giết người có tính chất côn đồ" theo điểm n, khoản 1, Điều 93 - BLHS.
Tại phiên tòa, Tuấn thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng cho rằng mình không mang dao từ nhà đi mà... lấy dao của một người bảo vệ quán bar đang đứng gần đó. Nhưng lời khai này đã bị HĐXX bác bỏ vì không có cơ sở để xem xét. Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại cho rằng, có một tình tiết đáng lưu ý trong vụ án này, dù nạn nhân sau khi bị đâm đã bỏ chạy nhưng Tuấn vẫn tiếp tục đuổi theo.
Nếu không có người yêu của Tuấn ngăn cản thì chắc chắn nạn nhân còn bị đâm tiếp. Với hành vi đặc biệt nghiêm trọng trên, mức án dành cho bị cáo Tuấn phải đặc biệt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe. Về mức bồi thường, phía đại diện người bị hại tại phiên tòa cho rằng 130 triệu đồng mà gia đình bị cáo đã chi trả chưa thể hiện hết những thiệt hại mà gia đình và người thân phải gánh chịu nên đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường thêm 200 triệu đồng.
Công tố viên tại phiên tòa nhận định, quan điểm truy tố của VKSND thành phố Hà Nội như cáo trạng trên là "đúng người, đúng tội". Nhưng xét các tình tiết giảm nhẹ khác, vị công tố viên này đã đề nghị mức án từ 17 đến 19 năm tù giam đối với bị cáo.
Sau khi nghị án, HĐXX đã nhận định, bị cáo chỉ vì uống rượu, va chạm với người khác nhưng lại dùng dao đâm chết ông Dũng là một người hoàn toàn không liên quan đến vụ việc đã thể hiện tính côn đồ, hung hãn, thực hiện hành vi phạm tội đến cùng của bị cáo. Chính vì vậy, HĐXX cho rằng công tố viên truy tố bị cáo tội "Giết người có tính chất côn đồ" là đúng nhưng mức lượng hình còn thấp, phải tăng nặng mới có đủ sức răn đe đối với bị cáo Tuấn nói riêng và tội phạm dạng này nói chung. Với những nhận định trên, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Tuấn mức án chung thân với tội danh trên. Ngoài ra, HĐXX cũng bác yêu cầu bồi thường 200 triệu đồng mà gia đình bị hại nêu ra tại phiên tòa vì không có căn cứ theo luật định.
Theo An ninh thủ đô