Bé 5 tuổi tử vong sau 2 mũi tiêm
Cho rằng kíp trực tắc trách trong lúc điều trị chống sốc phản vệ sau mũi tiêm chữa viêm phổi khiến bệnh nhi tử vong, gia đình bé Phạm Khánh Nhi (SN 2008, ở Hải Phòng) đã kiên quyết để thi thể cháu lại bệnh viện, đòi làm rõ nguyên nhân.
Chiều 20/9, tại Bệnh viện (BV) Trẻ em Hải Phòng, khóc ngất bên xác cháu Phạm Khánh Nhi, chị Bùi Thị Thanh Hương (SN 1982, trú tại phường Đông Khê, Quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, mẹ cháu bé) nghẹn ngào: “Tôi đưa con đến bệnh viện chữa bệnh chứ có phải đưa vào chỗ chết đâu! Cháu chỉ bị viêm phổi, hôm qua vẫn cười đùa mà nay đã thiệt mạng”.
Theo chị Hương, cách đây gần 1 tháng, con gái mình bị viêm phổi phải điều trị tại BV Trẻ em Hải Phòng khoảng 15 ngày. Đến sáng ngày 19/9, chị đưa con gái vào BV Trẻ em Hải Phòng để thăm khám bệnh viêm phổi. Chị Hương cho biết thời điểm đó con gái chị hoàn toàn tỉnh táo, không sốt. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu Nhi bị viêm phổi thùy nên cho cháu nhập viện điều trị tại Khoa hô hấp.
Tại đây, các bác sĩ đã chỉ định tiêm cho cháu Nhi 2 loại kháng sinh là Gentamyxin và Cefotaxin. Đến 11 giờ 15 phút ngày 19/9, cháu Nhi được tiêm mũi kháng sinh Gentamyxin đầu tiên và không có phản ứng gì bất thường.
Khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, cháu bé được cho test thử vào bắp với kháng sinh Cefotaxin. Thấy không có phản ứng gì, 15 phút sau, y tá tại đây đã tiêm kháng sinh Cefotaxin bằng phương pháp tiêm tĩnh mạnh chậm cho cháu bé.
Tuy nhiên, khi mũi kim vừa được rút ra thì cháu Nhi kêu với chị Hương: “Mẹ ơi, cứu con với!”, rồi sau đó mặt mũi cháu bé tái nhợt, mắt trợn ngược.
Ngay sau đó, bác sĩ trong kíp trực tiến hành cấp cứu cho cháu bé thở ô-xy máy, tiêm thuốc chống sốc. Lát sau, cháu Nhi dần hồi tỉnh nhưng do thể trạng còn yếu nên các bác sĩ đã đưa cháu đến Khoa hồi sức cấp cứu.
Tuy nhiên, đến đêm thì cháu bé lại bị tím tái và có triệu chứng nguy kịch, các bác sĩ tiếp tục cấp cứu nhưng đến 7 giờ 30 ngày 20/9, cháu bé tử vong.
Lãnh đạo bệnh viện làm việc với người nhà bệnh nhi Phạm Khánh Nhi
Chị Bùi Thị Thu Thủy (SN 1981, chị gái chị Hương) cho biết thêm khi bé Nhi được chuyển xuống Khoa hồi sức cấp cứu, chị cũng có mặt để theo dõi tình hình. Chị Thủy là người làm trong ngành y (công tác ở bệnh viện phụ sản) nên cũng sơ bộ nhận biết được các loại thuốc. Quá trình cấp cứu cháu bé, chị Thủy nhận ra cháu bé liên tục được tiêm mooc-phin mỗi khi tỉnh táo, kêu đau đầu.
Khi bé Nhi nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, theo quy định của BV, chị Hương không thể tự tay chăm sóc con tại giường bệnh mà chỉ có thể dõi theo từ phía ngoài.
Đến sáng 20/9, mặc dù nhiều lần hỏi về bệnh tình của con nhưng chị Hương không nhận được câu trả lời từ phía bác sĩ. Khoảng hơn 7 giờ sáng, thấy kíp trực nói về chuyện thay ga giường bệnh, chị Hương vội chạy vào giường bệnh của con thì nhận thấy màn hình đo nhịp tim, huyết áp là một đường thẳng băng. Chị Hương đã ngất lịm bên xác con gái. Bức xúc trước cái chết bất thường của bệnh nhi, người nhà của cháu Nhi đã tập trung tại BV này, yêu cầu phía lãnh đạo phải đưa ra câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu.
Từ 8 giờ sáng đến chiều tối ngày 20-9, gia đình nạn nhân kiên quyết không đưa xác bé gái về lo hậu sự mà chờ đợi câu trả lời cụ thể từ phía lãnh đạo BV.
Video đang HOT
Phải đến 16 giờ cùng ngày, ban lãnh đạo bệnh viện mới chịu gặp gỡ phía gia đình cháu bé. Bác sĩ Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc BV Trẻ em Hải Phòng – giải trình: “Dựa vào triệu chứng lâm sàng, phía bệnh viện đưa ra nhận định ban đầu cháu bé bị sốc phản vệ”.
“Đây là tai nạn không mong muốn, trong chuyên môn có tỷ lệ là nhỏ hơn 1/1.000. Hội đồng Giám định pháp y thành phố là cơ quan đưa ra kết luận cuối cùng, tuy nhiên phía gia đình đã không đồng ý giải phẫu tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân” – ông Tú nói.
BV Trẻ em Hải Phòng khẳng định Hội đồng chuyên môn BV sẽ kiểm tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc cháu Nhi tử vong cũng như làm rõ trách nhiệm của kíp bác sĩ có liên quan. Trong 2 tuần, phía BV sẽ làm xong kiểm thảo tử vong và sẽ phản hồi với gia đình.
Bác sĩ Vũ Thị Thủy – Giám đốc BV – cho biết: “Vì tình người, trách nhiệm nên bệnh viện đã cử xe ô tô đưa xác cháu bé về gia đình. Trước mắt, ngoài việc cử 2 bác sĩ đến lo hậu sự cho cháu bé, phía bệnh viện còn “thắp hương” cho cháu bé 20 triệu đồng. Mọi việc sau đó, phía BV sẽ tiếp tục phối hợp với gia đình để giải quyết”.
Bác sĩ Thủy đưa ra lời hứa với gia đình cháu bé: “Việc người nhà phản ánh bác sĩ tắc trách trong quá trình xử lý sốc phản vệ cho bệnh nhi, phía BV sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ quá trình điều trị. Nếu sự việc đúng như phản ánh, BV sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể có liên quan tùy theo mức độ sai phạm”.
Đến 18 giờ ngày 20/9, gia đình đã đưa xác cháu bé về lo mai táng.
Theo Trọng Đức (Người lao động)
Bộ trưởng Tiến có phải là chính khách?
Theo quan niệm thông thường, ở vị trí bộ trưởng có thể được coi là chính khách, nhưng bản thân mỗi người ở cương vị đó có xứng đáng hay được nhân dân suy tôn hay không lại là vấn đề khác.
LTS: Vừa qua, trước việc ứng xử của Bô trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiên trong sự viêc ba cháu bé sơ sinh qua đời tại huyên Hướng Hóa (Quảng Trị), có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Tiến bỏ cơ hội trở thành chính khách. Ngay sau đó, nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về khái niệm "chính khách". PV tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão, nguyên chủ nhiệm VPQH, nguyên chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội về vấn đề này.
Ông nhận xét gì về ý kiến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bỏ cơ hội trở thành chính khách, khi bà không đến thăm gia đình các nạn nhân bị tử vong sau tiêm ở Quảng Trị khi bà Tiến có chuyến công tác tại đây?
Tôi được biết, ý kiến này là của TS Nguyên Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Đó là ý kiến đúng, có hàm ý sâu xa. Tôi đồng tình và ủng hộ với ý kiến đó.
Tôi gặp anh Nguyễn Sỹ Dũng lần đầu năm 1985, tại Matxcova, khi dự Đại hội liên hoan (Festival) thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 12. Anh lúc đó Dũng vừa nhận bằng Phó tiến sĩ giáo dục học và được chọn là đại biểu tham gia Đoàn Việt Nam.
Tôi đã nhìn thấy ở chiều sâu một cán bộ trẻ giàu trí tuệ và tâm huyết nên đã chọn Dũng làm thư ký cho mình. Hai mươi năm công tác ở Quốc hội cũng là hai mươi năm chúng tôi gắn bó với nhau, trong những buồn vui của sự nghiệp.
Theo ông, chính khách là gì?
Ở Việt Nam ta có những danh từ mang ý nghĩa tương tự: Chính khách - Nhà chính trị (gọi theo âm Hán Việt là Chính trị gia). Đó là những cách gọi khác nhau dành cho những người vừa có tầm tư duy vừa có tâm đức mà gánh vác công tác quản lý nhà nước, tham gia các hoạt động xã hội của đất nước.
Trong xã hội, công chúng rất biết cách chọn lọc và chỉ gọi là chính khách một cách thân thương và kính trọng đối với những ai, có cương vị xã hội, lại có tầm tư duy chiến lược và có tấm lòng, có tâm hồn trong sáng.
Có lẽ nhân dân không chấp nhận một chính khách tuy có cương vị công tác cao nhưng lại thiếu những yếu tố về tư duy và tấm lòng.
Do đó, chính khách không phải là người mang học vị cao, không phải là người được bầu mà là do sự suy tôn một cách tự nhiên trong xã hội. Sự suy tôn này không có bằng cấp hoặc giấy chứng nhận.
Như vậy, chính khách không phải là chức danh cụ thể, thưa ông?
Chính khách không phải chức danh cụ thể dành cho một ai đó, mà là những đóng góp của người làm chính trị được cộng đồng thừa nhận.
Xin nói thêm, để có thể trở thành chính khách, cuộc đời người làm quản lý phải có sự từng trải và có những thành tựu nhất định. Một nhà khoa học được đưa vào vị trí Bộ trưởng, họ có thể trở thành chính khách. Nhưng họ có thực sự trở thành chính khách hay không là tuỳ thuộc vào chính họ. Như trên tôi đã nói, người được gọi là chính khách là sự suy tôn, không có bằng cấp nào cả.
Theo ông Vũ mão, chính khách không phải chức danh cụ thể dành cho một ai đó, mà là những đóng góp của người làm chính trị được cộng đồng thừa nhận
Thưa ông, ví dụ như Bộ trưởng Y tế, sao ông lại đồng tình rằng Bộ trưởng Tiến bỏ cơ hội trở thành chính khách?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là một nhà khoa học, là Giáo sư - tiến sỹ, thầy thuốc nhân dân, từ Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đấy được đề bạt vào cương vị Thứ trưởng rồi Bộ trưởng. Tôi đánh giá cao công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ của Đảng, Nhà nước ta cũng như sự rèn luyện phấn đấu của chị Nguyễn Thị Kim Tiến.
Qua sự việc này và trước đây, trong phiên chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội, dư luận của cử tri chưa hài lòng với nội dung và cách thức trả lời chất vấn của Bộ trưởng, cho thấy cần có sự cầu thị xem xét nghiêm túc để đáp ứng lòng tin cậy và mong muốn của nhân dân.
Tôi nghĩ rằng, Bộ trưởng còn trẻ, trước mắt còn nhiều cơ hội; nếu vượt lên được chính mình, thì chúng ta tin rằng chị Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ được nhân dân yêu mến hơn và sẽ trở thành một chính khách tuyệt vời trong tương lai.
Theo ông ở Việt Nam quá trình đào tạo, sắp xếp cán bộ đã phù hợp chưa để họ trở thành chính khách và ảnh hưởng đến xã hội?
Đảng ta luôn coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, sắp xếp bố trí, đề bạt cán bộ ở tất cả các cấp. Đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Có 3 mô hình bố trí nhân sự cấp cao: Giai đoạn 1955 -1965, coi trọng đề bạt cán bộ chính trị; Giai đoạn 1965 - 1985, coi trọng đề bạt cán bộ khoa học, kỹ thuật; Từ 1985 đến nay, có sự kết hợp hài hoà và cân đối các loại cán bộ trong công tác đề bạt.
Tuy nhiên, cách bố trí cán bộ trên cũng có những nhược điểm như: Không ít trường hợp đưa cán bộ khoa học, kỹ thuật vào các cương vị lãnh đạo vội vã, chưa qua thực tiễn, hiệu quả điều hành chưa cao, để lại nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, đưa cán bộ lãnh đạo các địa phương về Trung ương đảm nhận ngay các cương vị lãnh đạo nhưng chưa có tư duy chiến lược ở tầm vĩ mô.
Đưa cán bộ có triển vọng ở Trung ương đi luân chuyển, về tham gia lãnh đạo các địa phương. Nhưng thời gian về địa phương quá ngắn, chưa đủ "độ ngấm" của thực tiễn. Hiện tượng này bị phê phán là "chuồn chuồn đạp nước", đó là chưa kể tới có những người mang động cơ không trong sáng. Điều đó vừa làm khó cho địa phương và cũng không giúp ích nhiều cho cán bộ luân chuyển. Trong vấn đề này cũng đã phát sinh những tiêu cực từ các phía.
Còn những cán bộ lãnh đạo ở các địa phương chuyển về Trung ương làm công tác quản lý, họ có thế mạnh, hạn chế gì?
Những người này có kinh nghiệm về quản lý kinh tế - xã hội ở địa phương. Họ có những tư duy thực tiễn, bổ sung cho những cán bộ lãnh đạo ở trên Trung ương đã quá lâu. Họ làm việc có hiệu quả.
Nhược điểm của họ là chưa có đầy đủ tư duy và kinh nghiệm quản lý ở tầm vĩ mô. Mặt khác, cũng tương tự như các nhà khoa học, kỹ thuật, ở họ có một lỗ hổng rất lớn là thiếu kiến thức về lĩnh vực pháp lý. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhìn chung đội ngũ lãnh đạo của ta trong tất cả các lĩnh vực, kể cả ở cấp cao, còn thiếu rất nhiều kiến thức nền về phương diện pháp lý.
Theo ông, cần có giải pháp nào để các nhà quản lý của chúng ta thực sự là những chính khách?
Ở các nước theo chế độ đa Đảng, vì là đối lập nên sự cạnh tranh rất quyết liệt, luôn có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau. Nước ta chỉ có một Đảng. Bài học của Liên Xô và Đông Âu vẫn còn đấy. Chúng ta cần xây dựng cơ chế "đặc thù", khác với các nước Xã hội chủ nghĩa kiểu cũ. Cần hoàn thiện cơ chế để kiểm tra, giám sát quyền lực. Việc chủ trương cho phản biện xã hội là rất cần thiết và cần làm ngay. Gần đây tôi đề xuất có luật về Đảng, không ngoài mục đích làm cho Đảng ta trong sạch hơn, dân tin Đảng hơn.
Để đạt được yêu cầu ấy, đội ngũ cán bộ là quan trọng nhất. Những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước phải phấn đấu trở thành những chính khách đích thực.
Muốn vậy, mỗi người cần rèn luyện không ngừng, bỏ hết tham sân si, đạt tới tịnh độ; là công bộc của dân cần có được thánh tâm; khiêm tốn học hỏi, học thầy, học bạn, học trong đường đời. Một trong những căn bệnh cần khắc phục của chúng ta "kiêu ngạo cộng sản".
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm, người ta không ai muốn nghe ý kiến trái chiều. Muốn trở thành chính khách thì hãy biết nghe những ý kiến trái chiều như một sự cảnh tỉnh. Muốn là chính khách thì đòi hỏi cao hơn nhiều so với nhà kỹ thuật, nhà chuyên môn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Dương Tùng (thực hiện) (Khampha.vn)
BT Tiến bỏ cơ hội trở thành chính khách? "Môt sô bô trưởng của chúng ta chỉ là những nhà chuyên môn hơn là chính khách. Chính vì thê, họ có thê rât nhiêt tâm với công viêc, nhưng lại không có được sự nhạy cảm của môt chính khách." - TS Nguyên Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói. Cái chêt của ba trẻ sơ sinh sau khi...