Thêm một trẻ tử vong sau khi tiêm văcxin
Sở Y tế Lâm Đồng đang thành lập hội đồng giám định y khoa để xác định nguyên nhân tử vong của cháu bé.
Văcxin Quinvaxem được lưu trữ tại kho của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng
Chiều 18/3, bác sĩ Đồng Sỹ Quang, trưởng phòng nghiệp vụ y dược Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết Sở Y tế Lâm Đồng đã ghi nhận trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng văcxin Quinvaxem của cháu Đ.N.N.P.A. (4 tháng tuổi, ngụ tại P.7, Đà Lạt, Lâm Đồng).
Sở Y tế Lâm Đồng đang thành lập hội đồng giám định y khoa để xác định nguyên nhân tử vong của cháu bé.
Bé A. tử vong ngày 16/3 sau khi tiêm chủng trong đợt tiêm chủng mở rộng toàn thành phố Đà Lạt sáng 15/3. Theo mẹ bé A. là bà N.T.M.H., sáng 15/3 trước khi tiêm bé P.A. vẫn khỏe mạnh.
Đến 14h cùng ngày, bé có biểu hiện sốt nhẹ tuy vẫn bú sữa bình thường. Gia đình tự mua thuốc hạ sốt Equimol cho bé uống hai lần vào chiều và tối, mỗi lần 1/6 gói.
Video đang HOT
Đến khoảng 16h thì bé lười bú và vẫn còn tiếp tục sốt. 7h30 ngày 16/3, thấy bé còn say ngủ, bà H. đánh thức thì phát hiện bé đã tử vong. Y sĩ Trần Thị Hạnh, trạm trưởng Trạm y tế P.7 (Đà Lạt) – nơi bé P.A. tiêm văcxin, cho biết cùng tiêm với bé P.A. có 143 cháu bé cùng độ tuổi trên địa bàn phường, tuy nhiên hiện các bé này vẫn bình thường, không có dấu hiệu phản ứng nặng sau khi tiêm.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, lô thuốc Quinvaxem tiêm chủng tại P.7 có mã số 1453127.
Bác sĩ Quang cho biết ngay trong ngày 16/3, Viện Pasteur TP.HCM đã cử người kiểm tra toàn bộ quy trình tiêm chủng, lưu trữ thuốc trên địa bàn TP Đà Lạt và kết luận các quy trình đều đảm bảo. Đồng thời, viện thu gom các vỏ thuốc đã sử dụng để kiểm tra chất lượng văcxin.
Theo bác sĩ Quang, rất khó để có kết luận chính xác nguyên nhân tử vong của nạn nhân vì gia đình không cho khám nghiệm tử thi và trong quá trình cháu bé có triệu chứng sốt gia đình không nhập viện mà tự cho uống thuốc.Tại Đà Lạt, đây là vụ thứ 2 liên tiếp trẻ tử vong sau khi tiêm văcxin Quinvaxem. Loại văcxin này do Hàn Quốc sản xuất dùng tiêm ngừa năm bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do HIB với một mũi tiêm duy nhất.
Bé A. là trường hợp tử vong thứ 3 sau tiêm Quinvaxem kể từ đầu năm 2013 và cũng là trường hợp phản ứng nặng thứ 9 (6 tử vong) sau tiêm Quinvaxem kể từ tháng 12/2012.
Trước tình hình này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho hay đã yêu cầu Sở Y tế Lâm Đồng sớm thành lập hội đồng cơ sở để xem xét nguyên nhân dẫn đến tai biến đối với bé A., trước mắt đề nghị tạm dừng lô văcxin liên quan để chờ kết luận của hội đồng.
Theo ông Bình, trường hợp còn băn khoăn với kết luận của hội đồng cơ sở, hội đồng chuyên môn xử lý tai biến sau tiêm của Bộ Y tế sẽ tiếp tục họp để đánh giá vụ việc.
Văcxin 5 trong 1 Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất, Liên minh văcxin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) tài trợ cho VN thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc.
Đây là văcxin có thành phần ho gà toàn tế bào giá rẻ hơn và có tỉ lệ phản ứng phụ cao hơn so với văcxin tương tự nhưng có thành phần ho gà vô bào.
Trong hai tháng cuối năm 2012 và tháng đầu năm 2013, liên tiếp các trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem tại Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Hà Nội, Kiên Giang… khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng về nguy cơ sau tiêm chủng văcxin này. Bộ Y tế đã họp bàn và quyết định trường hợp tiếp tục có thêm tai biến nghiêm trọng sau tiêm sẽ tính đến phương án tìm văcxin thay thế Quinvaxem.
Do liên quan đến tai biến, có 3/8 lô Quinvaxem đã nhập về VN vẫn đang bị dừng lưu hành. Lý do đáng chú ý là đến nay, sau hơn ba tháng dồn dập có phản ứng phụ sau tiêm Quinvaxem, việc kiểm định văcxin độc lập ở nước ngoài vẫn chưa thực hiện được, chưa kết luận được nguyên nhân dẫn đến các ca tai biến có liên quan đến văcxin hay không, nếu không liên quan đến văcxin thì lý do tai biến là gì…
Theo ông Nguyễn Trần Hiển – chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, VN vẫn đang chờ Tổ chức Y tế thế giới giới thiệu phòng kiểm định độc lập để gửi văcxin Quinvaxem!
Theo xahoi
Tử vong sau tiêm Quinvaxem: Bộ Y tế nghi vấn chất lượng vắc xin
Hôm qua Hội đồng đánh giá về tai biến tiêm chủng của Bộ Y tế đã có phiên họp bất thường, bởi chỉ trong vòng một tháng, từ đầu tháng 12.2012 đến 5.1.2013 đã có 5/7 trẻ tai biến nặngtử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, các trẻ tử vong và tai biến nặng sau tiêm Quinvaxem đều không có bất thường về sức khỏe, không có phản ứng bất thường về mũi tiêm lần đầu (với loại vắc xin khác). Điều tra khẳng định không có bằng chứng cho thấy phản ứng sau tiêm do sai sót quy trình bảo quản, vận chuyển vắc xin và dịch vụ tiêm chủng. "Vì vậy, dù chưa có bằng chứng đầy đủ về liên quan giữa phản ứng nặng sau tiêm chủng với chất lượng vắc xin nhưng cũng chưa thể loại trừ nguyên nhân này", ông Bình nhận định.
Liên quan đến chất lượng của vắc xin Quinvaxem, GS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm dự án Tiêm chủng quốc gia cho biết, vắc xin này hiện không còn dùng tại Hàn Quốc vì đây là vắc xin thế hệ cũ (sử dụng thành phần ho gà toàn tế bào), Hàn Quốc cũng như các quốc gia có điều kiện tài chính đã thay thế vắc xin này bằng vắc xin thế hệ mới có chứa kháng nguyên ho gà vô bào, có độ tinh khiết cao hơn, ít phản ứng hơn.
Lý giải về việc chưa ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem được bào chế theo công nghệ cũ, có tỷ lệ phản ứng cao hơn và tần suất tai biến nặng xảy ra dồn dập trong các tuần gần đây, ông Hiển cho biết: Đây là vắc xin có giá thành thấp (77.000 đồng/liều) và được viện trợ không hoàn lại. "Nếu chúng ta bỏ tiền mua để đủ cho 4-5 triệu liều/năm thì rất khó khăn. Còn nếu mua vắc xin thế hệ mới (giá thị trường khoảng 500.000 đồng/liều -PV), gấp khoảng 6 lần so với Quinvaxem thì càng khó khả thi. Vả lại Quinvaxem vẫn được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng", ông Hiển nói.
"Từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013 ghi nhận tần số xuất hiện cao hơn các trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem khiến chúng tôi rất lo lắng. Trước mắt, các lô vắc xin liên quan đến phản ứng tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội đã được tạm dừng sử dụng trên địa bàn", ông Bình cho biết.
Theo TNO
Bé 3 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vaccine Bé 3 tháng tuổi tử vong sau khi được tiêm vaccine "5 trong 1" (Ảnh minh họa) Sau khi tiêm vaccine "5 trong 1" một buổi, bé trai 3 tháng tuổi bỗng lên cơn co giật, khó thở, tím tái rồi tử vong sau 7 tiếng nhập viện cấp cứu. Nạn nhân là bé trai Ng.Đ.T.Ph. ở đường Trạng Trình, phường 9, thành...