Bé 3 tuổi nguy kịch do biến chứng tay chân miệng
Sau một ngày điều trị, trẻ diễn biến nặng, suy hô hấp và tổn thương hành não.
Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, vừa điều trị thành công cho bé trai V.G.P. (3 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) bị suy hô hấp, tuần hoàn, tổn thương hành não nặng do biến chứng bệnh tay chân miệng.
Gia đình bệnh nhi cho biết 3 ngày trước khi được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế huyện, bé có biểu hiện sốt cao nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt, mệt mỏi. Trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Sau một ngày điều trị, bệnh nhi nôn, khó thở, thở nhanh, da tái, xuất hiện suy hô hấp nên được chuyển viện.
Ngay trong đêm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã cử ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng đến cấp cứu, điều trị hồi sức và đón bé về đơn vị này. Lúc này, tình trạng bệnh nhi đã diễn tiến rất nặng, mạch nhanh, nhỏ, da tái, tiểu ít, sốt liên tục. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc tay chân miệng độ 4, biến chứng suy hô hấp, tuần hoàn, tổn thương hành não nặng.
Bệnh nhi được hỗ trợ thở máy, sử dụng thuốc vận mạch và áp dụng kỹ thuật siêu lọc máu. Ảnh: BVCC.
Video đang HOT
Sau đó, bé P. được các bác sĩ hỗ trợ thở máy chỉ số cao kết hợp sử dụng 3 loại thuốc vận mạch. Xác định đây là trường hợp biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng, các bác sĩ đã sử dụng biện pháp siêu lọc máu liên tục trong 72 giờ để cứu sống bé.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hồng Sáng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, cho biết sau khi kết thúc quá trình lọc máu, tình trạng huyết áp của trẻ được cải thiện, dừng thuốc vận mạch và thở máy chỉ số thấp. Tuy nhiên, biến chứng tổn thương hành não nặng khiến bé bị liệt hầu họng, không nuốt được và liên tục xuất hiện những cơn ngừng thở.
“Sau 3 tuần điều trị tích cực, việc cai thở máy cho bé còn rất khó khăn. Chúng tôi quyết định mở khí quản, giúp khai thông đường thở và tạo điều kiện chăm sóc bệnh nhi dễ dàng hơn”, bác sĩ Sáng nói.
Sau hơn 3 tháng, bé có phản xạ nuốt, tự thở, trở về cuộc sống bình thường. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi cải thiện khoảng 90%, không để lại di chứng và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Phan Hồng Sáng cho hay đây là trường hợp điển hình biến chứng thể nặng của bệnh tay chân miệng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng chuyển độ có thể diễn biến rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu của căn bệnh này. Khi thấy con có triệu chứng như lên mụn nước ở niêm mạc miệng, bàn chân, bàn tay, mông, gối…, cần đưa trẻ đến khám và nghe tư vấn của các bác sĩ.
Phần phụ bệnh nhân áp-xe chứa 200 ml mủ
Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức vùng hạ vị nhiều, sốt cao, ra máu âm đạo.
Sáng 14/10, các bác sĩ khoa Sản Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, đã phẫu thuật nội soi cho người bệnh 44 tuổi (trú tại xã Hà Thạch, Phú Thọ) bị áp-xe phần phụ phức tạp.
Khi tiến hành siêu âm qua đường âm đạo, các bác sĩ phát hiện tổ chức tăng âm dạng mủ, kích thước 32x86 mm, cạnh buồng trứng phải có khối âm hỗn hợp (kích thước 3,6x3,4 cm).
Vòi trứng phải của bệnh nhân giãn to, nhiều mủ. Các bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ này bị áp-xe phần phụ, được chỉ định phẫu thuật nội soi.
Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
BSCKII Nguyễn Thị Thu Nghĩa, Trưởng khoa Sản Nhiễm khuẩn, cho biết khi vào ổ bụng, cơ quan này không có máu, nhiều màng viêm, vòi tử cung 2 bên và buồng trứng phải của người bệnh ứ mủ.
Các bác sĩ đã hút ra được 200 ml mủ, thực hiện gỡ dính quai ruột, đại tràng, lấy nhiều màng viêm.
Sau đó, các bác sĩ cắt vòi tử cung trái, phần phụ phải, đốt cầm máu và bơm rửa ổ bụng cho bệnh nhân. Hậu phẫu, bà M. tỉnh táo, ăn uống, hồi phục tốt.
Theo bác sĩ Thu Nghĩa, áp-xe phần phụ là khối viêm nhiễm tại ống dẫn trứng, buồng trứng, một số trường hợp có ở ruột và bàng quang. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và viêm nhiễm đường sinh dục.
Áp-xe phần phụ không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ bị vỡ hoặc nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ 6-12 tháng/lần, làm xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm bệnh lý.
Ruột non nằm trên khoang màng phổi Bệnh nhi bị thoát vị hoành khiến ruột non đi lên lồng ngực, nằm trên khoang màng phổi bên trái. Bệnh nhi N.N.S. (9 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) được gia đình đưa đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ trong tình trạng đau bụng, ngực, kèm theo nôn, người mệt mỏi. Kết quả chụp CT-Scanner cho thấy ruột non...