Bé 3-5 tuổi có nguy cơ rối loạn dinh dưỡng
Hệ thống miễn dịch của bé chưa phát triển tốt, nguy cơ suy dinh dưỡng vẫn còn khi bé biếng ăn hoặc không thể ăn bù sau khi ốm bệnh.
Bé lên 3 là thời điểm bước đệm hay còn gọi là cuộc cách mạnh đầu tiên trong hình thành nhân cách. Vì thế, có những điều cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc bé.
Theo dõi sự tăng trưởng về thể chất của bé
Đặc điểm của bé lên ba
Trí tưởng tượng bé phong phú hơn. Bé có thể kể: “Nhà con có con cá to, có xe hơi chạy nhanh…” dù thực tế không hề có. Bé không nói dối mà chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng phong phú.
Bé độc lập hơn và thích tự quyết định. Bé muốn quyết định việc ăn, chơi, ngủ của mình, chống đối lại sự áp đặt của cha mẹ; thử xem mình có thể và không thể làm gì. Bé muốn mọi người quan tâm đến mình nhiều hơn, nhất là khi mẹ có thêm một em nhỏ hơn và “ông vua con mất ngôi” trở nên giận hờn và ngổ ngáo.
Bé thích bắt chước lời nói, điệu bộ, dáng đi và tham gia vào các hoạt động của người lớn. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô và gia đình cần làm gương tốt cho con.
Nguy cơ rối loạn dinh dưỡng ở độ tuổi 3-5
Thống kê cho thấy bé ở độ tuổi này cứ 4 ngày khỏe là một ngày bệnh. Lý do là hệ thống miễn dịch vẫn chưa phát triển tốt, tuy đã quen dần môi trường bên ngoài nhưng các bệnh lý nhiễm trùng như viêm đường miệng và hô hấp, kiết lỵ… vẫn có thể gây hại cho bé. Do đó, nguy cơ suy dinh dưỡng vẫn còn rình rập khi bé biếng ăn hoặc sau bệnh không thể ăn bù.
Đối với bé béo phì ở độ tuổi này có nguy cơ tăng cân nhanh vì đã biết tự lựa chọn món ăn khoái khẩu (đồ chiên, nước ngọt), yêu cầu món ăn cho mẹ nấu hoặc tự lấy thức ăn trong tủ lạnh. Bản thân bé thụ động, thích xem TV thay vì tham gia những hoạt động ngoài trời.
Dinh dưỡng cho bé 3-5 tuổi phát triển tốt
Đặc điểm chung cần lưu ý:
Việc ăn uống của bé đã gần giống với người lớn: Tham gia cả 3 bữa ăn chính của gia đình. Bé cần đủ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn chính: bột đường, đạm, béo, rau và trái cây.
Bé vẫn cần 3-4 cử sữa mỗi ngày (200ml); các chế phẩm từ sữa để đạt được chiều cao tốt nhất, bổ sung khoáng chất và chất đạm.
Cho phép bé lựa chọn món ăn theo hướng dẫn, làm bạn với bé, hiểu và không ép uổng bé.
Cho bé ngủ sớm từ 21h. Giấc ngủ sâu 23h – 24h giúp não bộ tiết nhiều hóc-môn tăng trưởng giúp xương dài ra, tăng chiều cao.
Phối hợp với nhà trường để chuẩn bị thực đơn cho bé, giúp bé có những hoạt động thể thao và tổ chức những buổi sinh hoạt ngoài trời vào dịp cuối tuần.
Khi bé chậm tăng cân:
Mẹ có thể chọn các món có nhiều năng lượng (món ngọt, béo) cho dùng thường xuyên, thêm 1 – 2 muỗng dầu ăn vào chén canh của bé.
Chọn sữa bột béo có đường để cung cấp năng lượng cho bé
Dùng thêm sữa chua, phô mai… sau bữa chính.
Khi bé tăng cân nhanh:
Hạn chế thức ăn dự trữ trong tủ lạnh, giảm thức ăn ngọt
Video đang HOT
Thêm rau củ, giảm dầu mỡ trong bữa chính.
Duy trì cử sữa để phát triển chiều cao. Nên chọn loại sữa không đường, sữa ít béo với sự tư vấn của bác sĩ.
Sự khác biệt của chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Sự khác nhau có thể đến từ lượng thực phẩm được đưa vào cơ thể bé. Các mẹ có thể tham khảo thêm xem con mình có thuộc những trường hợp dưới đây:
Những bé suy dinh dưỡng không ăn hết suất của mình, còn “nhường phần” cho những bé béo phì.
Những bé ăn giỏi thường mang theo sữa đến trường.
Bé được mẹ cho uống thêm sữa khi tan trường?
Bữa tối bé có được ăn bữa chính đầy đủ chất, uống 1-2 ly sữa trước khi đi ngủ?
Chế độ ăn ngày cuối tuần của bé có như ngày thường?
Bé hiếu động, nghịch ngợm hay thụ động?
Tham khảo thêm thông tin dinh dưỡng cho trẻ tại đây
Thực đơn mẫu
- 7h: Một tô phở bò với nước béo, rau giá và một ly sữa đậu nành.
- 9h30: Một cục phô mai với bánh quy, chuối.
- 12h: Một chén cơm với cá thu sốt cà, canh rau muống nấu tôm tươi, dưa hấu.
- 15h30: Một chén tàu hủ nước đường
- 18h: Một chén cơm với thịt heo kho trứng, canh súp khoai tây, cà rốt.
- 21h – 21h30: 2 lần sữa sữa 200ml
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Chuyên khoa 1 – Nhi Khoa, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM
Theo VNE
Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ 1-2 tuổi
Chế độ dinh dưỡng cho bé 1-2 tuổi gồm 3 bữa ăn chính, xen kẽ 3-4 cữ bú mẹ. Ngoài cháo và bột, mẹ có thể tập cho con các thức ăn mềm như bún, phở, mì, nui.
Sự phát triển của trẻ sau một tuổi
Về vận động:
Bé 10 -14 tháng: đứng chựng, đi chập chững.
Bé 18 tháng: có thể chạy, vịn tay lên cầu thang.
Bé 24 tháng bắt đầu thích nhảy, đi cầu thang một mình, biết cầm nắm đồ vật, lục lọi ngăn tủ.
Về tâm sinh lý
Bé 8 tháng: có thể nhận biết người quen và người lạ.
Bé 12 -18 tháng: bập bẹ những tiếng đầu tiên "Ba","Mẹ"...
Bé từ 18 tháng: bé có thể nói câu ngắn, đơn giản, có khả năng hiểu và làm theo những yêu cầu đơn giản của người lớn.
Lưu ý quan trọng
Cột mốc 18 tháng đánh dấu sự phát triển ngôn ngữ, vận động. Bé 18 tháng chưa biết nói hoặc chưa biết đi cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được khám và tư vấn thêm.
Chế độ dinh dưỡng của bé 1 - 2 tuổi
Gồm 3 bữa ăn chính, xen kẽ 3-4 cữ bú mẹ. Ngoài cháo và bột, có thể tập các thức ăn mềm như bún, phở, mì, nui. Trong mỗi chén cháo của bé cần có 4 nhóm thực phẩm sau:
2-3 muỗng canh chất đạm băm nhuyễn (thịt, cá, tôm, cua, trứng... Nếu mẹ nấu cháo nước xương, hãy cho bé ăn cả phần thịt vì chứa nhiều chất đạm).
2 muỗng rau lá hoặc củ băm nhuyễn (rau muống, rau dền, bí đỏ, cà rốt..)
1-2 muỗng dầu ăn
Thêm bột hoặc cháo cho đầy chén
Sữa mẹ, sữa tươi và các chế phẩm sữa như phô mai quan trọng cho sự phát triển đầu đời của bé.
Những lưu ý quan trọng
Cơ thể bé hàng ngày cần nhiều chất dinh dưỡng. Việc cho bé ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, đổi mới thường xuyên là rất cần thiết.
Mẹ có thể bổ sung các món ăn phụ như sữa chua, phô mai, bánh, kem, chuối, đu đủ, nho...
Trước bữa ăn chính 1,5 - 2 giờ, mẹ không nên cho bé ăn vặt để tránh "ngang dạ", làm bữa chính mất ngon.
Trong bữa ăn cần tạo không khí vui vẻ, thoải mái.
Nếu trẻ ăn bột, cháo ít, hãy bổ sung thêm dinh dưỡng bằng các món ăn nhẹ khác hoặc uống thêm sữa, thay vì ép ăn hết cháo.
Chăm sóc bé 1-2 tuổi
Khi bé đã có khả năng đi đứng, cầm nắm, trở nên hiếu động hơn thì có những nguy cơ mà mẹ cần lưu ý:
Nguy cơ mắc bệnh: Do hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, khi vào nhà trẻ, tiếp xúc môi trường mới, bé dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp như cảm cúm, sốt, viêm đường miệng và hô hấp; nhiễm trùng tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lỵ... Do vậy, mẹ nhớ cho bé đi chích ngừa đúng theo lịch hẹn bác sĩ, tắm nước ấm ngày một lần, vệ sinh tay chân bằng khăn ướt sạch, vệ sinh đồ chơi cho bé.
Nguy cơ chấn thương: Cẩn trọng nguy cơ té ngã do chạy nhảy. Bé có thể đụng táp lô điện; nước nóng, bỏ vật lạ vào miệng,... Mẹ nên dõi sát bé, dự phòng trước và xử lý tốt khi tình huống xấu xảy ra.
Nguy cơ suy dinh dưỡng: Bé tuổi này hay mắc bệnh nên dễ bỏ ăn, kén ăn. Đa số trẻ 1-2 tuổi bị suy dinh dưỡng do ăn cơm trước khi mọc đủ răng hàm để nhai cơm. Nếu mẹ cắt cử sữa bú đêm lúc này, trẻ cũng có thể bị thiếu dinh dưỡng.
Nguy cơ béo phì: Nếu bé dễ ăn, biết tự đi kiếm đồ ăn và chủ động yêu cầu mẹ cho ăn thêm.
Để giúp trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ nên dành nhiều thời gian bên cạnh bé quan sát, trò chuyện và vui chơi cùng. Đây là giai đoạn bé sẽ học từ giọng nói và khẩu hình miệng, cử chỉ của người lớn. Tạo một môi trường an toàn để bé tự do vận động, theo sát bé thay vì bồng bế thường xuyên. Việc chăm sóc nuôi dạy trẻ lúc này là cả một nghệ thuật.
Thực đơn mẫu
Cho trẻ 12 - 24 tháng tuổi:
- 7h: Một chén nui sao nấu thịt heo nạc băm xào dầu ăn, cà rốt xắt nhỏ.
- 9h: Sữa 200ml (sữa bột pha hoặc sữa nước, sữa tươi)
- 12h: Một chén cháo thịt bò, rau đay, dầu mè trắng.
- 15h: Một miếng phô mai, vài muỗng đu đủ chín
- 18h: Một chén cháo cá ba sa, su su, dầu đậu nành
- 21h: 200ml sữa.
- Đêm: 200ml sữa.
Cho trẻ 25 - 30 tháng tuổi:
- 7h: Một tô bún cá lóc với giá. Một ly nhỏ sinh tố bơ
- 9h30: Sữa 180ml, một miếng thanh long
- 11h30: nửa chén cơm, 30gram thịt heo kho nấm rơm, canh rau lang thịt bò.
- 14h30: Một miếng phomai với bánh sandwich, chuối
- 17h30: Một chén cháo tôm tươi, rau mồng tơi, dầu oliu.
- 20h - 21h: 2 lần sữa 200ml
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Chuyên khoa 1 - Nhi Khoa, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM
Theo VNE
Đa số trẻ Việt Nam không đạt chế độ dinh dưỡng khuyến nghị Theo khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) thực hiện từ năm 2010 đến 2012, cứ 3 trẻ Việt Nam thì có 2 em không đạt chế độ dinh dưỡng khuyến nghị của Bộ Y tế. Việt Nam nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ trẻ thấp còi cao nhất thế giới. Tỷ lệ trẻ thừa...