Bé 13 tháng tuổi nguy hiểm tính mạng do mẹ theo phong trào ‘anti vắc xin’
Chỉ vì tin vào lời chia sẻ của nhiều người trên mạng xã hội, không ít các bà mẹ trẻ phải ân hận suốt đời khi không cho con đi tiêm phòng sởi, khiến trẻ bệnh “nặng càng thêm nặng”.
Video: TP. HCM, 95% ca mắc sởi do phong trào “anti vắc xin” của phụ huynh
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng hơn 30 bệnh nhi mắc sởi nặng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 3 đến 5 ca sởi, chủ yếu là trẻ em.
Điều đáng nói, nguyên nhân chủ yếu do trẻ không được đưa đi tiêm vắc xin đầy đủ chỉ vì tâm lý chủ quan, lo sợ và tin theo phong trào “anti vắc xin” của các phụ huynh.
Theo bác sĩ Kính, phụ huynh không nên chủ quan trong việc điều trị sởi cho con em mình (Ảnh: Phạm Quý)
Điển hình là trường hợp của bé T.M.C. (13 tháng tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng sốt cao 38,5 độ, ho, chảy nước mũi, phát ban toàn thân. Mẹ của bé tin theo thông tin được lan truyền từ các bà mẹ khác trên mạng xã hội, lo sợ con bị phản ứng sau khi tiêm nên đã không cho trẻ tiêm phòng.
Theo TTND. PGS. TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, dịch sởi năm nay đang bùng phát trên diện rộng tới 44 tỉnh/ thành phố trong cả nước. Riêng TP.HCM, dịch sởi đã lây lan cho 22.000 người. Còn ở Hà Nội, ghi nhận khoảng hơn 150 ca mắc sởi.
“Dịch sởi lây lan rất nhanh và để lại biến chứng, hậu quả rất nặng nề, trong đó có viêm phổi, viêm phế quản, tắc thở, thậm chí viêm não, mất mạng…
Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Thường theo đúng phương pháp, trẻ sẽ khỏi sau 7 – 10 ngày tùy thể trạng”, bác sĩ Kính nói.
Khi trẻ đến tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng đẩy đủ. (Ảnh: Soha)
Cũng theo bác sĩ Kính, hiện nay, có rất nhiều các bậc cha mẹ đang quá chủ quan dẫn đến sai lầm trong việc điều trị bệnh cho trẻ, nghe mạng xã hội không đưa trẻ đi tiêm khiến trẻ bệnh “nặng càng thêm nặng”.
Thậm chí, có người dù biết con có bệnh vẫn để chữa trị tại nhà mà kiêng tắm, kiêng nước, điều này thực sự rất nguy hiểm vì có thể khiến trẻ bị viêm kết mạc hay bội nhiễm trên da, dẫn tới các bệnh nguy hiểm khác nếu không được vệ sinh sạch sẽ và ăn uống đầy đủ.
Do vậy, theo bác sĩ Kính, khi phát hiện trẻ sốt cao, phát ban, khó thở, thân nhiệt không ổn định thì cha mẹ cần nghĩ ngay tới bệnh sởi và cần đưa con tới ngay bệnh viện nơi gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị đúng phương pháp. Tránh chủ quan, chữa mẹo hoặc tự chữa ở nhà dễ khiến trẻ bị biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Kính, với bệnh sởi, việc phòng bệnh vẫn là tối quan trọng, để giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, trước khi mang thai, phụ nữ nên được tiêm phòng sởi để có miễn dịch cho con.
Ngoài ra, đối với những trẻ đã đến tuổi tiêm vắc xin, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, không nên quá lo lắng về phản ứng hay nghe theo người khác cảnh báo trên mạng xã hội mà không dám đưa con đi khám, dẫn đến nhiều trẻ bị mắc sởi, dịch sởi càng thêm khó kiểm soát.
“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang kêu gọi khắp các quốc gia cần tiêm phòng sởi, nhưng một số nước lại đang có phong trào anti vắc xin. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch sởi phát triển và khó kiểm soát hơn.
Phụ huynh không nên quá lo lắng, khi trẻ đến tuổi, hay đưa trẻ đến trung tâm y tế được cấp phép tiêm chủng vắc xin để tiêm, phòng ngừa cho trẻ, tránh để trẻ nhiễm sởi trong khi có thể tự phòng bệnh”, bác sĩ Kính nói.
Theo vtc
Dân tẩy chay vắc xin, dịch sởi bùng phát gấp 14 lần
Từ đầu năm đến nay, dịch sởi bùng phát mạnh, nguyên nhân một phần do phụ huynh chủ quan, số khác tẩy chay vắc xin.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Uraina và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, bệnh quay lại sau 20 năm nước này công bố loại trừ bệnh sởi.
Ngay trong nước, số ca mắc sởi cũng tăng rất nhanh. Tại Hà Nội, bệnh sởi đang có chiều hướng tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 114 ca mắc sởi, trong đó tháng 1 có 64 ca. So với cùng kỳ năm trước, cả thành phố chỉ có 8 ca, như vậy số ca mắc năm nay tăng hơn 14 lần. Theo thống kê, trong số những ca mắc, có tới 89,1% chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ liều.
Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay tiếp nhận khoảng 1.000 ca mắc sởi phải nhập viện, trong đó chỉ riêng BV Nhi đồng 1, mỗi ngày đang tiếp nhận khoảng 30 trẻ, nhiều ca viêm phổi, biến chứng nặng.
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, có đến 95% số ca mắc sởi nhập viện nói trên do chưa tiêm phòng vắc xin. Ngoài nguyên nhân do cha mẹ chủ quan, quên, còn có nhiều trường hợp nghe theo tin đồn, tham gia phong trào bài trừ vắc xin vì sợ nguy hiểm đến con nên không tiêm phòng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, không chỉ trẻ em, bất cứ ai chưa có miễn dịch, chưa được tiêm phòng, chưa có miễn dịch đều có thể mắc sởi.
Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy...
Tiêm vắc xin là cách phòng sởi hiệu quả nhất
Sau sốt 3-4 ngày, các nốt ban bắt đầu nổi nhưng thường sẽ tự khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên có tới 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản- phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng...
Đến nay, điều trị sởi chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể.
Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin 3 trong 1 (sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.
Với trẻ em, độ tuổi tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 khi trẻ 18 tháng.
Đối với các trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cho con và cho cộng đồng.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Giá phải trả do chống vắc-xin Tổ chức Y tế thế giới xếp tình trạng lưỡng lự hoặc từ chối tiêm vắc-xin vào danh sách 10 mối đe dọa đến sức khỏe toàn cầu năm nay Dịch sởi đang bùng phát trở lại tại nhiều nơi trên thế giới, một phần xuất phát từ làn sóng chống đối vắc-xin đang lan rộng, đe dọa nỗ lực loại bỏ căn...