Bảy Núi đón mùa hành hương
Khi đất trời nhuốm cái nắng tươi vàng như rót mật của mùa xuân thì Bảy Núi cũng bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, đó là mùa hành hương.
Lúc ấy, thiên nhiên và con người nơi đây dường như cũng hối hả hơn với những đoàn khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước đến đây.
Những đoàn xe nối dài trên các tuyến giao thông, những địa điểm thờ tự lúc nào cũng nghi ngút khói hương, những hàng quán phục vụ ăn uống đông đúc khách… Tất cả đã trở thành một phần của mùa hành hương vùng Bảy Núi hàng năm. Nếu nói miền Nam có 2 mùa mưa – nắng thì mùa hành hương trùng với thời điểm của mùa nắng, tức là từ tháng 11 đến tháng 4 (âm lịch). Khi ấy, thời tiết khô ráo, thích hợp cho việc cúng viếng của du khách cũng như hoạt động giao thông được thuận lợi hơn.
Với khách phương xa, mùa hành hương là thời điểm thích hợp để họ trải nghiệm vùng đất của nắng và gió, để ngắm những hàng thốt nốt trải dài trên mấy cánh đồng ngút ngàn. Do hoạt động hành hương bắt nguồn từ nhu cầu tín ngưỡng nên du khách sẽ thiết kế chuyến đi sao cho phù hợp nhất, ghé được nhiều điểm thờ cúng linh thiêng ở An Giang. Thông thường, du khách sẽ đến TP. Châu Đốc viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An cổ tự… rồi dạo chơi ở thành phố trẻ bên sông để cảm nhận nét đặc trưng của một đô thị đang vươn mình ở miền biên giới.
Chùa Lầu với kiến trúc độc đáo thu hút khá nhiều du khách
Nếu có điều kiện, du khách sẽ sắp xếp thời gian đến Châu Đốc đúng mùa vía bà để tận hưởng những nét đặc sắc của một lễ hội trăm năm và có 20 năm trở thành lễ hội cấp quốc gia. Với quá trình tái hiện lịch sử thời điểm rước tượng bà trên đỉnh núi về ngự trong miếu cũng như lễ tắm bà, lễ thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu trở thành điểm nhấn đặc biệt đối với du khách về vùng Châu Đốc – núi Sam.
Khi đến với Bảy Núi, du khách có thể ghé thăm miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp với khung cảnh tươi đẹp cùng những công trình đậm tính thẩm mỹ, mang đến cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Điều khiến du khách rất thích khi đến với nơi này đó là Ban Hội miễu Miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp đã cố gắng tổ chức phục vụ ăn uống miễn phí cũng như sắp xếp nơi đậu xe thuận lợi cho khách phương xa.
Video đang HOT
Thực tế, khá nhiều điểm hành hương ở Bảy Núi có phục vụ ăn uống miễn phí, dù chủ yếu là món chay nhưng cũng giúp du khách cảm thấy ấm lòng. Ngoài miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp, du khách có thể ghé thăm những ngôi chùa độc đáo ở Tịnh Biên như: chùa Lầu (Phước Lâm tự), chùa Bánh Xèo (thiền viện Đông Lai)… để ngắm cảnh và gửi mong ước của mình đến các đấng siêu nhiên. Các điểm chùa này đều có khung cảnh đẹp, độc đáo và sự mến khách nên được nhiều người tìm đến.
Du khách trải nghiệm chiếc cầu treo bắc qua các thân cây thốt nốt tại chùa Lầu
Trên tuyến đường hành hương, du khách sẽ lên đỉnh Thiên Cấm Sơn để thả hồn theo mây trời lãng đãng, ngắm nhìn nụ cười an nhiên của Phật Di Lặc, nghe tiếng chuông chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn vọng xuống mặt nước hồ Thủy Liêm trong veo với hàng ngàn con cá tung tăng bơi lội. Những ai có tâm hồn lãng mạn sẽ cảm thấy lưu luyến “nóc nhà miền Tây” với khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi và non nước hữu tình. Đâu đó là những khóm hoa cẩm tú cầu, hoa sim tím gợi lên chút gì đó bâng khuâng của núi rừng. Nếu lên đến đỉnh Bồ Hong, du khách sẽ được tắm mình trong mây và “thu vào tầm mắt muôn trung nước non” để cảm nhận một chút Đà Lạt của nơi này, vốn rất khác biệt với phần còn lại của vùng Bảy Núi.
Để lại sau lưng khung cảnh thơ mộng, linh thiêng của đỉnh Thiên Cấm Sơn, du khách có thể đến rừng tràm Trà Sư ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên), nơi được công nhận kỷ lục “rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi” và trải nghiệm chiếc “cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam”. Ngoài ra, du khách có thể tham gia các trò chơi hào hứng tại Công viên nước Thanh Long ở Khu du lịch Lâm viên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên). Đặc biệt, du khách có thể đến chợ Tịnh Biên để tìm hiểu, mua sắm các mặt hàng Thái Lan nhập khẩu. Những ai lần đầu đến đây sẽ bị choáng ngợp bởi sự tấp nập, tất bật của chợ Tịnh Biên trong mùa hành hương.
Hiện nay, UBND tỉnh cùng ngành chuyên môn và các địa phương đang nỗ lực nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, cải thiện chất lượng phục vụ tại các điểm du lịch, nhằm mang đến sự hài lòng cho du khách khi đến với miệt Thất Sơn mầu nhiệm. Với sự quan tâm từ các cấp, ngành, mùa hành hương nói riêng và hoạt động du lịch của tỉnh nói chung sẽ tiếp tục có bước tiến mới, phát huy vai trò, vị thế của An Giang trong bản đồ kinh tế vùng ĐBSCL.
THANH TIẾN
Theo baoangiang.com.vn
Ngỡ ngàng chiếc cầu tre dài nhất Việt Nam nằm giữa rừng tràm
Khách du lịch sẽ vô cùng ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nhìn thấy chiếc cầu tre dài khoảng 10 km nằm giữa khu rừng tràm nguyên sinh ở vùng Tứ giác Long Xuyên.
Ngày 15-1, tại TP Long Xuyên (An Giang), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Công ty CP Du lịch An Giang tổ chức lễ đón nhận kỷ lục Việt Nam cho 2 hạng mục "Rừng Tràm Trà Sư đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam" và "Cây cầu tre dài nhất Việt Nam".
Chiếc cầu tre dài nhất Việt Nam nhìn từ trên cao
Theo ban tổ chức, rừng tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983 trên vùng đất trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng và đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn.
Khu rừng rộng 845 ha trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên và một phần của xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú. Rừng tràm Trà Sư có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi. Tính đa dạng của hệ sinh thái đất ngập nước được bảo vệ, bảo tồn nguồn gen tốt. Có hàng ngàn cá thể của nhiều quần thể chim, cá, loài lưỡng cư, loài bò sát và côn trùng quý hiếm nằm trong sách đỏ sinh sống trong rừng.
Năm 2003, Bộ NN-PTNT đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh An Giang xây dựng rừng tràm Trà Sư trở thành khu bảo tồn thiên nhiên để mọi người đến tham quan và nghiên cứu khoa học. Năm 2017, theo chủ trương xã hội hóa ngành du lịch, UBND tỉnh An Giang đã đồng ý giao cho Công ty CP Du lịch An Giang thuê 160 ha cảnh quan môi trường rừng Tràm Trà Sư làm du lịch.
Điểm nhấn cho toàn bộ khu du lịch rừng tràm Trà Sư là "Cây cầu tre vạn bước" có tổng chiều dài trên 10 km, kinh phí hơn 10 tỉ đồng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I có chiều dài gần 4.000 m, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại, kinh phí xây dựng trên 5 tỉ đồng, đã được đưa vào sử dụng kể từ ngày 1-1 năm nay. Giai đoạn II, có chiều dài khoảng 6 km, sẽ được nhà đầu tư tiếp tục triển khai và dự kiến hoàn thành vào 30-4 này.
Từ khi đưa vào khai thác, chiếc cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách nhất là khách quốc tế vì tính độc đáo và nét duyên dáng của công trình. Không chỉ vậy, cầu tre được cách điệu tựa "Rồng trúc bạch" mang lại một cảm giác thích thú cho mọi người khi được khám phá trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh trù phú ở "Bảo tàng tràm nhiệt đới".
"Cầu tre dài nhất Việt Nam trong rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam" đã được xác lập kỷ lục tạo thêm điểm du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch An Giang không ngừng phát triển. Đây hứa hẹn sẽ là một trong những nơi đáng đến trong hành trình du xuân vùng Bảy Núi vào những ngày Tết.
T.Nốt
Theo nld.com.vn
Phát triển du lịch mùa nước nổi Khi con nước ngoài sông Hậu, sông Tiền chuyển dần sang màu đỏ của phù sa cũng là lúc các hoạt động du lịch (DL) mùa nước nổi tại An Giang sôi động hẳn lên. Đến với An Giang vào thời điểm con nước tràn đồng, du khách sẽ được tận hưởng loại hình DL sinh thái rất đặc thù, mang đậm chất...