Bảy Búa, kẻ đeo án tử không phải toà tuyên
Tòa không tuyên Bảy Búa án tử hình, tòa chỉ tuyên gã 7 năm tù giam nhưng với tình trạng bệnh tật của mình, Bảy Búa sợ rằng khi chưa thụ xong án, gã đã trở thành người thiên cổ.
Có lẽ vì nghĩ rằng mình sẽ trở thành “thây ma” trước khi mãn án tù bởi căn bệnh thế kỷ HIV/ AIDS nên khi vị chủ tọa tuyên bố chấm dứt phiên tòa, lúc bị các chiến sĩ Công an giải đi, Bảy ngoái đầu nói với em gái “phải làm kháng án”.
Không như những lần “chống án” trước, lần này Bảy Búa mong được giảm nhẹ hình phạt chẳng phải với lý do sớm được đoàn tụ gia đình mà để báo hiếu người mẹ già ở tuổi gần đất xa trời. Nhưng than ơi, với bề dày “thành tích” làm nô lệ của ả phù dung, không chỉ phê thuốc mà còn mua bán, liệu hành trình chống án của Bảy có được toại nguyện?
Khác xa với cái biệt danh dữ dằn đậm chất đầu đường xó chợ, tên thật của Bảy Búa rất nữ tính, Lê Ngọc Lữ Lan. Thoạt nghe qua “tên cúng cơm” của Bảy, chẳng ai có thể biết được đó là một con nghiện thứ thiệt từng coi trời bằng vung, từng thẳng tay đâm chém những ai mà hắn thấy ghét hay tọc mạch chuyện “làm ăn” của hắn. Những người hàng xóm lúc tham dự phiên tòa xét xử Bảy Búa vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, bật mí: Vì kinh doanh món hàng quốc cấm hêrôin rất dễ đối mặt với án tù nên Bảy “hay chơi cơ điên”. Hễ nghe ai léng phéng chuyện “méc” công an là Bảy thẳng tay xử đẹp bằng đủ loại hung khí sẵn có. Cái cụm từ “Bảy Búa” (con thứ 7 trong gia đình) của Lê Ngọc Lữ Lan, được khai sinh từ đó!
7h30″ ngày 23/6/2012, Bảy Búa cùng một số tên tội phạm buôn ma túy, cướp giật được các chiến sĩ Công an giải xuống chốn công đường để nghe HĐXX luận tội và tuyên án. Theo lịch, vụ của Bảy Búa được xếp sau vụ xét xử Nguyễn Văn Tánh, một con nghiện lập kỷ lục gần 30 lần mua và chẻ lẻ hêrôin bán cho các con nghiện thuộc loại “nặng đô” như gã. Hồ sơ vụ án cho biết, Tánh sinh năm 1967, ngụ địa chỉ 106/24 Hòa Hưng, phường 13, quận 10, Tp HCM.
Khoảng 11h20″ ngày 8/11/2011, Tánh bị tổ tuần tra Công an phường 13, quận 10 bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi bán ma túy trái phép cho con nghiện Trần Thanh Tùng ở trước nhà 138 Hòa Hưng. Để qua mặt cơ quan chức năng, Tánh ma mãnh “ém” hêrôin trong một ống nhựa đã hàn kín 2 đầu. Khi vị chủ tọa nghiêm giọng rằng mua bán trái phép chất ma túy trên 5 lần đã là tái phạm nghiêm trọng, đằng này bị cáo đến 25 lần, rất nhiều người tham dự phiên tòa ồ lên vì “khâm phục” cái độ lì của Tánh!
Nguyễn Văn Tánh trước vành móng ngựa.
Trong lúc HĐXX bận “mần tội” Nguyễn Văn Tánh đang đứng trước vành móng ngựa thì “đại ca” kiêm con nghiện nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối Lê Ngọc Lữ Lan với hỗn danh Bảy Búa ngồi cúi đầu ở hàng ghế phía sau, chờ đến lượt mình. Bảy Búa sinh năm 1972, thường trú tại địa chỉ 19A, đường Hòa Hưng, phường 12, quận 10. Ở cái tuổi 40 như Bảy, nhiều người đã thành đạt, đã tạo dựng cho mình sự nghiệp vững chãi hay chí ít có công ăn việc làm ổn định, có gia đình ấm êm, trở thành chỗ dựa tin cậy của cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Chứ đâu như Bảy, sống chết chẳng biết khi nào, có thể trong nay mai bởi như “ả phù dung”, virus HIV/AIDS nào có “lương tâm” hay tính “nhân từ”. Chực chờ cơ hội làm suy yếu hệ thống kháng thể của “thân chủ” mà nó đang “cư trú”, với “quy luật” hoạt động ấy, HIV/AIDS sẽ khiến “thân chủ” chết bất kỳ lúc nào với cơ thể lở loét chỉ còn da bọc xương…
Đang ngồi lặng im bất giác Bảy Búa rùng mình. Có lẽ gã đang nghĩ đến cái ngày kinh khủng không xa ấy?! Và có lẽ vì nghĩ rằng thời gian sống của mình chẳng còn bao lâu nên Bảy không ngồi yên. Bảy liên tục ngoái đầu về phía sau những mong bắt gặp ánh mắt của những người thân quen nhưng buồn làm sao, chẳng một anh chị em nào của gã có mặt. Một chiến sĩ công an làm nhiệm vụ áp giải Bảy từ trại giam đến tòa cho biết Bảy có đến 9 anh chị em, có vợ và con, cả thảy đều còn sống nhưng người mà Bảy mong gặp không phải bất kỳ ai trong họ. Hơn lúc nào hết, Bảy Búa, đứa con ngang tàng, nghiện ngập, xem trời bằng vung lúc này “thèm” được gặp mặt người mẹ mang nặng đẻ đau của gã, nhưng chưa từng có lấy giây phút ấm lòng hay nở nụ cười tự hào vì lỡ sinh ra nghịch tử.
Mẹ của Bảy Búa là bà Lê Thị Mai, sinh năm 1939. Mặc Bảy không ngừng ngoái đầu, đảo mắt kiếm tìm nhưng bóng dáng người mẹ già mà lúc sắp trực diện với án tử vô hình, Bảy mới biết xót, biết thương, vẫn cứ bặt tăm. Ông Lý Tình, 58 tuổi, hàng xóm của Bảy tâm tình trong gần chục đứa con, chẳng rõ vì lý do gì mà bà Mai dành tình thương đặc biệt cho Bảy Búa: “Bao lần thằng Bảy đi tù, bà già là người đi thăm nuôi nhiều nhất, lo cho nó nhiều nhất. Lần nào từ trại giam trở về, bà cụ cũng khoe khắp xóm rằng thằng Bảy đã biết quay đầu về nẻo thiện khi hứa với mẹ mãn án sẽ làm lại cuộc đời. Ai dè hết lần này đến lần khác, nó liên tục gây sóng gió, cái tật hút chích không chừa. Theo nó mãi, bà cụ mệt mỏi sanh bệnh… nên không thể đến dự tòa”.
Video đang HOT
Bảy Búa liên tục ngoái đầu tìm mẹ và nói với em gái “kháng án” trước khi bị giải lên xe đặc dụng.
Điểm qua “thành tích” vào tù ra tội của Bảy Búa, mới thấy thương cho sự kỳ vọng của người mẹ già vốn nặng lòng với đứa con hư. Ngày 13/12/1992, Bảy Búa bị Công an quận 10, Tp HCM bắt về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 15/8/1997, chỉ một năm sau khi cưới vợ và lên chức cha (con gái của Bảy Búa là cháu Lê Ngọc Yến N.,), Bảy Búa lại “dính” vào vòng lao lý, bị TAND quận 10 xử phạt 6 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Và sau đó là một chuỗi ngày dài Bảy Búa chìm trong làn khói hủy diệt của “ả phù dung”… Không sống nổi với người chồng nghiện ngập, từ nhiều năm trước, vợ Bảy, chị Trương Thị Kim L. đã đau đớn dẫn con gái đi biệt tăm. Đấy chính là lý do mà trong phần lý lịch bị can, vợ con của Bảy Búa được Cơ quan điều tra ghi “không rõ nơi cư trú”.
Không như Nguyễn Văn Tánh vừa ra tù tháng trước, tháng sau đã lao vào buôn bán hêrôin để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Vậy nhưng khi đứng trước HĐXX thì biện giải rằng do mới ra tù (ngày 31/10/2006 bị TAND quận 10 xử phạt 7 năm 6 tháng tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi mãn án tù chưa đầy tháng, ngày 8/11/2011 bị bắt quả tang mua bán hêrôin) bị gãy tay, vết thương đau nhức nên mua hêrôin dùng để… giảm đau. Khi Bảy Búa đứng trước vành móng ngựa đã thành khẩn nhận tội, dạ thưa lễ phép, khai báo rõ ràng.
Trước tòa, Bảy Búa khai ngày 19/5/2010, sau quá trình được gia đình và bà con dân phố động viên cai nghiện nhưng… “hết thuốc chữa”, thể theo báo cáo, đề nghị của phường 12, UBND quận 10 ra quyết định đưa Bảy Búa vào cơ sở chữa bệnh nhưng Bảy “chưa thi hành”. Và thay vì trong khoảng thời gian “chống lệnh” ấy, Bảy biết ăn năn, biết sợ mà toàn tâm tu dưỡng thì mọi chuyện đã khác. Đằng này gã càng ngông cuồng hơn. Trong cái cảnh trốn chui trốn lủi, tiền không có một cắc mà cơn nghiện lại không buông tha, vậy nên Bảy lại liều, lại dấn thân vào con đường lâu nay, nghĩa là mua ma túy về phân ra bán kiếm lời để có ma túy sử dụng.
Với số “vốn” lận lưng chỉ 400.000 đồng, hằng ngày Bảy Búa đến “chợ ma túy” ở khu vực cầu số 1 Bến Bình Đông, quận 8 – điểm nóng về nạn buôn bán ma túy nhiều năm qua tại quận 8 nói riêng, Tp HCM nói chung, mua “hàng” từ một đối tượng mà gã không rõ họ tên. Bảy khai rành rọt trước HĐXX những mong đó là tình tiết để những người cầm cân nảy mực nhẹ tay khi tuyên án: “Dạ, bị cáo có khoảng chục lần mua ma túy ở quận 8. Mỗi lần bị cáo mua 4 tép, mỗi tép giá 100.000 đồng. Mua về bị cáo xả ra, phân thành 5 tép, bán mỗi tép giá một trăm (100.000 đồng). Tiền lời bị cáo dùng vào việc sử dụng ma túy”.
Sáng 16/1/2012, như thường lệ Bảy Búa bán được 3 tép hêrôin được 300.000 đồng. Khoảng 9h30″ cùng ngày, một con nghiện tên Trần Nguyễn Tuấn Anh sử dụng ĐTDĐ số thuê bao 0907379… gọi điện cho Bảy theo số 01219100… hỏi mua ma túy. Bắt được mối, Bảy Búa hẹn gặp và giao dịch trước nhà số 387 đường CMT8 (phường 13, quận 10). Khi cả 2 gặp nhau và đang trao đổi mua bán thì bị Công an phường 13 mật phục từ trước ập đến bắt quả tang cùng vật chứng!
Tại cơ quan điều tra, cái sự liều của 2 con nghiện Bảy Búa và Tuấn Anh càng thể hiện rõ. Chiếc xe môtô BKS 50P3-6198 mà Bảy Búa dùng để đi mua bán ma tuý không phải là tài sản của gã, mà là xe của ông Lưu Văn Hải giao cho Bảy sửa, nào ngờ gã lấy đó làm phương tiện đi bán “ả phù dung”. Xe môtô BKS 50DB-7997 mà Tuấn Anh điều khiển do ông Nguyễn Hồng Lộc đứng tên sở hữu. Ngày 16/1/2012, Tuấn Anh mượn xe bảo đi mua bánh mì nhưng thực chất đi mua ma túy. Nói những điều này để chứng minh rằng một khi đã dính vào ma túy, đám con nghiện như Bảy Búa, Tuấn Anh sẽ chẳng từ bất kỳ thủ đoạn phạm tội nào để thỏa mãn cơn nghiện!
Căn cứ lời khai của Bảy Búa với cơ quan điều tra rằng từ ngày 1 đến ngày 15/1/2012 hắn đã bán cho Tuấn Anh 3 lần. Xét nhân thân của Bảy Búa, trước khi nghỉ để nghị án, vị chủ tọa cho phép Bảy Búa nói lời sau cùng. Lời nói sau cùng của Bảy Búa là mong HĐXX cho cơ hội để được về với mẹ: “Tội lỗi bị cáo đã quá rõ ràng, bị cáo đang mang trọng bệnh nên mong tòa xem xét cho bị cáo được sớm trở về”.
Dù rất “thông cảm” cho cái sự xám hối và “tấm lòng biết nghĩ đến mẹ” của Bảy Búa nhưng HĐXX TAND quận 10 chẳng thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho Bảy. Bởi hành vi của gã đã được Cơ quan điều tra cũng như VKSND xác định “Mua bán trái phép chất ma túy thuộc trường hợp tái phạm nhiều lần, tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 194 khoản 2 điểm b Bộ Luật hình sự với án phạt từ 7 năm đến 15 năm”.
Khi nghe tòa tuyên án, Bảy Búa đã bật khóc! Gã khóc vì những ước mong đến tận cùng để được gặp mẹ sẽ không thành…?! Lẽ nào Bảy không biết rằng cái án tử kia là do gã tự chuốc lấy, là do gã tự tuyên án cho chính mình chứ chẳng ai khác. Bảy đâu thể vin vào điều đó để mong được giảm nhẹ hình phạt. Và lấy gì để khẳng định một con nghiện “thú dữ” như Bảy sẽ thực hiện đúng lời hứa như đã bao lần hứa mãn án sẽ hoàn lương!
Ngày 23/6/2012, TAND quận 10 (TP HCM) tuyên án, 4 ngày sau (27/6), nhóm PV xã hội Chuyên đề ANTG nhận được tin từ một hàng xóm của Bảy Búa rằng một người em gái đã làm theo mong ước “kháng án” của Bảy khi hắn được các chiến sĩ Công an giải về trại giam, nghĩa là gửi đơn lên tòa cấp cao hơn những mong Bảy được giảm nhẹ án tù. Có lẽ với Bảy Búa, 7 năm, 5 năm hay vài ba năm lúc này không còn ý nghĩa nữa.
Có thể ở phiên tòa phúc thẩm tới, Bảy sẽ được HĐXX giảm án như mong ước. Nhưng liệu rằng mức án đã giảm ấy có thực sự thức tỉnh được cái phần người trong Bảy, đặng giúp Bảy biết tu dưỡng mà sớm trở về với mẹ? Và cũng chẳng rõ với cái án tử treo lơ lửng kia của “trùm nghiện” Bảy Búa, đám con nghiện vốn ngày càng nhiều và ngày càng ngông cuồng, mù quáng đang sống đâu đó ở khắp các hang cùng ngõ hẻm đó biết lấy đó làm bài học cho chính mình?
Theo CAND
Chủ nhà nghỉ kể chuyện phát bao cao su cho gái mại dâm
"Có lần tôi đi phát bao cao su rồi đưa một cô nhân viên đến phòng khám thì đến giữa đường cô ta nhảy xuống, không dám đi nữa. Nhiều người nghe đến HIV, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục là rất sợ, không muốn hành nghề nữa", chị Xuân kể.
Đạp cửa giải cứu nhân viên vì BCS
Chương trình phát bao cao su (BCS) miễn phí cho gái mại dâm, nhân viên nhà hàng khách sạn trong khuôn khổ Dự án phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Tại Khu du lịch Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định) một trong những điểm nóng về mại dâm của miền Bắc, BCS được so sánh như "cơm ăn, nước uống", thứ không thể thiếu đối với gái mại dâm.
Bà Phạm Thị Dung, chủ một nhà nghỉ ở bãi tắm Quất Lâm, cộng tác viên phát BCS của Dự án cho biết, vài năm trở lại đây (kể từ khi dự án bắt đầu triển khai năm 2006) ý thức sử dụng BCS của gái mại dâm khi "hành nghề" đã tăng lên rất nhiều.
Thùng đựng BCS miễn phí được đặt ở các nhà nghỉ để "chị em" đến lấy khi cần
"Bãi tắm Quất Lâm có khoảng 100 nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn. Nhu cầu ở đây cao nên hầu như nhà nghỉ nào cũng nuôi gái. Trước đây đi khách mấy em (gái mại dâm - PV) ít khi dùng bao. Bây giờ hiểu biết nhiều chị em nào cũng dùng, thậm chí không có BCS là không chịu đi khách", bà Dung nói.
Bà Dung cho biết thêm, gái mại dâm ở bãi tắm Quất Lâm chủ yếu là các chị em từ trên vùng cao xuống hành nghề, không có trình độ văn hóa nên ít hiểu biết về BCS và các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Lúc mới triển khai, hầu như chị em đều không biết BCS là gì, có chị em dùng lộn, có người lồng 2-3 cái vào dùng 1 lần vì sợ dùng 1 cái không đảm bảo an toàn.
"Giờ thì hiểu biết hết rồi. Nhưng có nhiều khách khốn nạn lắm, vẫn bắt "đi trần". Gái mại dâm thì cứ cương quyết phải có BCS nhưng khách thì bắt "đi trần" mới chịu. Có lần khách cưỡng ép, nó mới gọi điện cầu cứu, chồng tôi phải đạp cửa xông vào đuổi khách đi. Với loại khách cố tình "đi trần" thì chắc chắn có vấn đề, phải đuổi thẳng", bà Dung kể không hề dè dặt.
Làm cộng tác viên tuyên truyền, phát BCS cho dự án, mỗi tháng bà Dung được trợ cấp 750.000 đồng. Số tiền không đáng là bao nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng bà Dung vẫn rất tích cực tham gia.
Mô hình cần được nhân rộng
Gái mại dâm, nhân viên nhà hàng khách sạn là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV. Can thiệp giảm tác hại bằng cách cấp phát BCS miễn phí cho những đối tượng này được coi là "quả đấm thép" để hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS.
Mô hình can thiệp giảm tác hại cho nhóm nhân viên nhà hàng, khách sạn hoạt động có hiệu quả phải kể đến hình thức CLB. Điển hình là CLB Sức khỏe phụ nữ của TP. Thái Bình. Từ năm 2006 đến T5/2012 CLB đã tiếp cận được 23.390 lượt nhân viên nhà hàng khách sạn, phân phát được hơn 1,3 triệu BCS, tổ chức được 288 buổi khám cho chị em nhân viên nhà hàng khách sạn trong đó gần 3500 trường hợp mắc bệnh được điều trị.
Chị Phạm Thị Hòa, chủ nhiệm CLB Sức khỏe phụ nữ cho biết mại dâm nấp dưới mọi hình thức, hoạt động rất tinh vi nên rất khó tiếp cận. Thống kê của ngành công an chỉ là một con số rất nhỏ so với thực tế. Khi đi vào hoạt động, CLB tiếp cận được hầu hết gái mại dâm trên địa bàn thành phố nên việc quản lý cũng dễ dàng hơn.
"CLB sử dụng giáo dục viên đồng đẳng (tức chị em làm ở nhà hàng, khách sạn) nên dễ dàng tiếp cận đối tượng. CLB có một phòng khám dành riêng cho chị em, hàng tháng chị em được đưa đến khám, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cấp phát BCS miễn phí", chị Hòa nói.
Chị Đỗ Thị Xuân: "Nhiều người nghe đến HIV, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục là rất sợ, không muốn hành nghề nữa".
Thời gian đầu mới hoạt động, CLB cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chị Đỗ Thị Xuân, Tuyên truyền viên CLB cho biết, gái mại dâm ở khu vực thành phố hầu hết đều được các nhà hàng, nhà nghỉ nuôi, quản lý rất chặt nên rất khó tiếp cận.
"Mỗi lần đưa nhân viên từ nhà nghỉ đến phòng khám là rất sợ, phải theo sát mọi lúc mọi nơi vì sợ bỏ trốn. Có lần tôi đang đưa một cô đến phòng khám thì đến giữa đường cô ta nhảy xuống, không dám đi nữa. Nhiều người nghe đến HIV, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục là rất sợ, không muốn hành nghề nữa", chị Xuân kể thêm.
Có giảm lây nhiễm HIV hay không thật khó đo lường chính xác, nhưng rõ ràng dự án đã giúp chị em hiểu biết hơn nhiều về tình dục an toàn và cách phòng trách các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục.
"Dự án đang triển khai rất tốt, nhiều nhà nghỉ quen vẫn gọi điện thường xuyên để tôi đến đưa BCS và dẫn nhân viên của họ đi khám. Khi dự án kết thúc, không biết là sự hiểu biết về bao cao su và các biện pháp phòng tránh lây truyền qua đường tình dục có còn được kéo dài nữa hay không", chị Xuân chia sẻ.
Cuối năm 2012, Ngân hàng Thế giới sẽ rút khỏi dự án, đồng nghĩa với việc cấp phát BCS miễn phí cũng sẽ bị dừng lại. Với những kết quả tích cực đã đạt được, hi vọng mô hình này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn lực khác để tiếp tục được nhân rộng.
Theo ANTD
Vất vả chống mại dâm, ma túy Khó quản lý việc nhập khẩu, kinh doanh sử dụng dược liệu có tiền chất ma túy Ngày 11-6, đoàn kiểm tra công tác phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS do Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn đầu đã có buổi làm việc tại TPHCM. Đây là địa phương có số ca lây nhiễm HIV/AIDS giảm...