Bầu trời New York mù mịt chưa từng thấy
Khói từ những trận cháy rừng ở Canada phủ kín bầu trời nhiều bang phía bắc nước Mỹ, buộc hàng chục bang ở Mỹ và Canada phải ban hành cảnh báo y tế.
New York đang là thành phố có không khí ở mức ‘tệ nhất thế giới’.
Phà chở khách du lịch đi ngang tượng Nữ thần tự do dưới bầu trời thành phố New York mịt mù khói cháy rừng từ Canada chiều 6-6 – Ảnh: REUTERS
Cảnh báo không khí tại 17 bang ở Mỹ
Theo Hãng tin Reuters, bầu trời nhiều khu vực thuộc nước Mỹ vào ngày 6-6 được bao phủ bởi khói từ các trận cháy rừng ở Canada. Trong đó thành phố New York là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cháy rừng ở Canada nhuộm cam bầu trời New York
Báo New York Times chiều cùng ngày ghi nhận thành phố này bị một lớp khói mờ bao phủ, khiến bầu trời có màu cam đục và đậm mùi khói. Tình trạng này đã đưa New York lên vị trí số 1 các thành phố lớn có chất lượng không khí tệ nhất trên thế giới của công ty theo dõi chất lượng không khí IQAir.
Bầu trời thành phố New York bị bao phủ bởi khói cháy rừng từ Canada chiều 6-6 – Ảnh: NEW YORK TIMES
“Những người sống ở New York có vấn đề tim mạch hoặc hô hấp không nên ra ngoài trời. Khói từ cháy rừng ở Canada đang tác động lên không khí thành phố.
Khuyến cáo y tế về chất lượng không khí đã được ban hành, người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong ngày hôm nay xuống mức tối thiểu”, chính quyền thành phố New York cảnh báo trên Twitter tối 6-6 (giờ địa phương).
Ông Benjamin Lucas, 47 tuổi, chia sẻ: “Không khí sáng nay có mùi giống bánh mì nướng bị cháy. Lúc này, nó có mùi như lửa trại. Thật lạ lùng. Tôi thấy lo cho sức khỏe hô hấp của mẹ tôi”.
Trong khi đó, anh Jon Barr, 38 tuổi, cho biết đây là lần đầu tiên trong 12 năm sống ở New York anh thấy bầu trời có màu xám xịt “giống như trong một bộ phim kinh dị” như vậy.
Bầu trời thành phố New York bị khói cháy rừng từ Canada bao phủ chiều 6-6 – Ảnh: NEW YORK TIMES
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ. Trong đó, chính quyền bang Bắc Carolina và thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania) đều đã ban hành tình trạng báo động đỏ hoặc cam về chất lượng không khí trong ngày 7-6. Các bang Nam Carolina, Massachusetts, Maryland, Delaware… cũng đã tuyên bố cảnh báo của mình.
Theo Đài ABC, tổng cộng 17 bang ở Mỹ đã phải ban bố cảnh báo về chất lượng không khí.
Diện tích cháy rừng ở Canada nhiều gấp 13 lần mức trung bình
Khói bốc lên từ trận cháy rừng tại bang British Columbia (Canada) ngày 3-6 – Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, cháy rừng đang diễn ra trên hầu hết 10 tỉnh và vùng lãnh thổ của Canada. Chỉ trong tối 6-6 (giờ địa phương), lực lượng cứu hỏa tỉnh Quebec cho biết địa phương này đã ghi nhận đến hơn 150 vụ cháy rừng. Chính quyền nhiều khu vực đã khuyên người dân đóng hết cửa sổ và cửa trong nhà.
Cùng lúc, cơ quan khí hậu Canada ghi nhận mức tệ nhất trong Chỉ số y tế về chất lượng không khí đối với thủ đô Ottawa, hiện cũng trong tình trạng “mù sương”.
Một người dân đạp xe dưới bầu trời âm u do ảnh hưởng của khói cháy rừng tại thủ đô Ottawa (Canada) – Ảnh: CANADA PRESS
Cơ quan này cảnh báo: “Khói từ các trận cháy rừng trong khu vực cũng như từ Quebec dẫn đến chất lượng không khí suy giảm”, đồng thời cho biết tình trạng tương tự cũng diễn ra tại thành phố Toronto và có thể kéo dài đến gần hết tuần.
Tuy cháy rừng diễn ra khá thường xuyên ở các tỉnh phía tây Canada, các trận cháy rừng trong năm 2023 đã lan qua cả khu vực phía đông. Chính phủ liên bang đã phải cử quân đội đến xử lý đám cháy, đồng thời di tản hết người dân bị ảnh hưởng.
Bầu trời thành phố Montreal (Quebec, Canada) bị bao phủ bởi khói cháy rừng chiều 6-6 – Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters cho biết từ đầu năm đến nay, khoảng 3,3 triệu ha rừng Canada đã cháy rụi, cao gấp 13 gần mức trung bình của 10 năm qua. Nếu tình trạng này kéo dài, đây sẽ là mùa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử quốc gia này.
Khói cháy rừng có hại thế nào?
Theo báo New York Times, khói cháy rừng bao gồm một hợp chất khí phức tạp, các chất gây ô nhiễm, hơi nước và hạt ô nhiễm. Trong đó, hạt ô nhiễm có hại đến sức khỏe nhất. Nhiều hạt có kích cỡ chỉ bằng 1/5 đến 1/13 độ rộng tóc người, cho phép chúng xâm nhập vào sâu bên trong phổi và mạch máu, gây viêm nhiễm hoặc suy giảm sức đề kháng.
Ngoài ra, khói cháy rừng cũng có thể chứa nhiều hóa chất có thể gây ung thư, kim loại nặng hoặc nhựa. Bác sĩ hô hấp kiêm giáo sư dược tại Đại học California John Balmes chia sẻ: “Khói này ‘giống khói thuốc lá mà không có nicotine’”.
Khói cháy rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Cháy rừng đang gia tăng cả về cường độ và tần suất tại nhiều nước, khiến khói lan rộng.
Khói cháy rừng bao gồm các loại khí, hóa chất độc hại và những loại bụi mịn tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe.
Khói này còn độc hơn cả không khí ô nhiễm, khi có thể tồn tại trong không khí nhiều tuần và di chuyển xa tới hàng nghìn km.
Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng tại Công viên quốc gia Sequoia ở California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế và Môi trường tại Đại học California ở Davis, Kent Pinkerton, cháy rừng không chỉ thiêu trụi cây cỏ, mà còn cả các thành phố, phá hủy hoàn toàn xe cộ và nhà cửa. Ngoài đất và các vật liệu sinh học, khói cháy rừng còn chứa cả kim loại, nhựa và những vật liệu tổng hợp khác.
Chuyên gia Pinkerton cho biết các thí nghiệm cho thấy một lượng khói cháy rừng có thể gây viêm và làm tổn thương mô nhiều hơn lượng không khí ô nhiễm tương đương. Nghiên cứu đối với những người hít phải khói từ cháy rừng cho thấy họ có tỷ lệ đau tim, đột quỵ và ngưng tim cao hơn, nguy cơ nhập viện vì hen và các vấn đề hô hấp cao hơn và hệ miễn dịch bị suy yếu.
Trong một số trường hợp, việc gia tăng số ca mắc COVID-19 bị cho là có liên quan đến xu hướng lây lan virus trong bụi mịn từ khói cháy rừng. Việc tiếp xúc với cháy rừng khi mang thai cũng là một nguyên nhân gây sảy thai, trẻ sinh nhẹ cân và sinh non. Cháy rừng cũng góp phần gây kích ứng mắt, mẩn ngứa da và các vấn đề da liễu khác.
Nghiên cứu đối với các nhân viên cứu hỏa cũng cho thấy những người tiếp xúc nhiều với cháy rừng có nguy cơ bị ung thư cao hơn. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nguy cơ mắc ung thư ở những người bình thường khi tiếp xúc với cháy rừng.
Trước đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Canada đăng trên tạp chí The Lancet Planetary Health vào tháng 5 cho thấy những người sống bên ngoài các thành phố lớn và trong vòng 50 km từ nơi xảy ra cháy rừng trong thập kỷ qua có nguy cơ bị ung thư cao hơn 4,9% và u não cao hơn 10% so với những người chưa từng gặp phải cháy rừng.
Tần suất cháy rừng tăng lên đồng nghĩa rằng con người sẽ đối mặt với cháy rừng thường xuyên hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ đang tập trung vào ảnh hưởng đến sức khỏe khi hít phải khói cháy rừng qua các mùa.
Chuyên gia Keith Bein của Trung tâm Y tế và Môi trường của Đại học California ở Davis nhấn mạnh mặc dù việc tiếp xúc với khói cháy rừng qua các mùa Hè nhiều khả năng sẽ gây bệnh tật, song rất khó để đưa ra dự đoán chính xác. Nguyên nhân là do sẽ khó để tính toán người dân sẽ đối mặt với bao nhiêu trận cháy rừng, hỏa hoạn kéo dài trong bao lâu và khói có chứa chất gì.
Nghiên cứu hiện nay cũng tập trung vào tác động lâu dài của bụi mịn trong khói đối với nguồn nước, mùa màng hoặc gia súc; ảnh hưởng lâu dài của khói cháy rừng đối với đô thị; ảnh hưởng của cháy rừng đối với sự phát triển thần kinh ở trẻ và các vấn đề hô hấp, cũng như liệu khói cháy rừng có làm tăng tác động tiêu cực từ thời tiết nóng cực đoan hay không.
Để giảm thiểu nguy cơ về sức khỏe do cháy rừng, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đã triển khai khóa học trực tuyến về cách thức giảm nguy cơ hít phải khói khi ở ngoài trời và trong nhà.
Dịch COVID-19 tại Nhật Bản: Tokyo nâng cảnh báo y tế lên mức cao nhất Ngày 21/7, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận 31.878 ca mắc COVID-19 mới, tăng 164% so với trước đó 1 tuần và chính quyền Tokyo quyết định nâng cấp độ cảnh báo đối với hệ thống y tế lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật...