Bàu Tró – hồ xanh ‘không đáy’ lạ kỳ trên cát trắng
Đồng Hới (Quảng Bình) có một hồ nước ngọt nằm cách biển Nhật Lệ chỉ vài trăm mét, đó là hồ Bàu Tró.
Hồ này vừa là nơi cấp nước khi hạn hán cho cư dân Đồng Hới, vừa là một vùng thắng cảnh chứa đựng nhiều di tích của người Việt cổ…
Trước đây du khách đứng trên đồi cát thuộc phường Hải Thành hay xã Quang Phú nhìn xuống, nay có thể nhìn từ tầng thượng của những nhà cao tầng nằm dọc theo bờ biển Nhật Lệ, là có thể thấy hồ Bàu Tró và biển chỉ cách nhau độ vài… gang tay. Những ngày mùa đông có gió lạnh, biển nổi sóng lớn cứ tưởng như biển sẽ hòa nhập vào với hồ.
Điều kỳ lạ mà ít du khách biết, đó là dù hồ và biển cách nhau gần như vậy nhưng nước hồ lại ngọt không khác gì nước suối đá trên rừng. Bởi vậy mà những năm 1980, người dân Đồng Hới thường ra hồ lấy nước về giặt quần áo cho trắng. Do nước hồ chủ yếu rịn ra từ các đồi cát trắng xung quanh nên rất trong và ngọt sắc, có thể tẩy sạch được áo quần bị ố vàng. Trước đây, nước từ hồ Bàu Tró là nguồn nước ngọt duy nhất dồi dào quanh năm, cung cấp cho sinh hoạt của cư dân Đồng Hới từ bao đời.
Hồ Bàu Tró
Bao bọc xung quanh hồ là những dải rừng cây phi lao tươi tốt, xanh ngăn ngắt trên một vùng cát trắng cứ chói lên dưới nắng chang chang. Vì hồ nước ngọt, và hơn 20 năm qua lại được giữ gìn về môi trường sinh thái nên có rất nhiều đàn chim bay về trú ngụ, hằng ngày kiếm ăn trên hồ và trên những cánh đồng lân cận. Du khách tới thăm hồ, vãn cảnh thật không có gì thú bằng việc mắc võng dưới rừng cây, nằm nghe tiếng sóng biển vọng rì rào, lẫn trong tiếng chim ríu ran hót trên những cành cây, như muốn đưa ta vào giấc ngủ êm đềm.
Vào mùa hè những năm nắng hạn nặng nề, khi mực nước trong hồ cạn xuống khoảng 1/3, trông hồ giống như một dấu bàn chân phải khổng lồ của ai đó in hằn trên vùng cát trắng phau.
Xung quanh hồ Bàu Tró có những câu chuyện khá ly kỳ. Người dân ở làng Phú Ninh xưa (phường Đồng Phú ngày nay) vẫn đang truyền tụng nhiều câu chuyện huyền thoại về cái hồ này. Rằng là hồ không có đáy, vì nước sâu đến nỗi chưa ai lặn xuống hay đo tới được đáy hồ! Đã có nhiều người chèo thuyền ra giữa hồ và tìm cách thả dây xuống đo, nhưng dây tụt mãi mà không chạm đáy…
Video đang HOT
Thời xa xưa, có người đã muốn thử xem đáy hồ tới đâu, nên đã ra hồ và ném một quả bưởi xuống. Mãi sau, mới thấy quả bưởi nổi lên ở hồ Sen, thuộc… huyện Lệ Thủy, cách hồ hơn 50km! Có lẽ những câu chuyện huyền thoại này chỉ là để nói lên độ sâu của hồ và nguồn nước hồ không bao giờ cạn, cho dù là trong mùa hè nắng nóng khô hạn đến hàng tháng trời.
Một cồn cát bên hồ Bàu Tró
Bàu Tró, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên và sự quý báu về nguồn nước ngọt dân sinh, còn chứa đựng trong nó những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu, được gọi là vùng di chỉ khảo cổ học Bàu Tró. Tìm lại lịch sử, vào mùa hè năm 1923, có hai thông tin viên người Pháp của trường Viễn Đông Bác Cổ là Max và Depiruy đã phát hiện ra di chỉ tại Bàu Tró.
Thông tin này được loan ra, và vào cuối mùa hè năm đó, nhà địa chất kiêm khảo cổ học Étienne Patte đã tổ chức khai quật và công bố những hiện vật của thời tiền sử đồ đá mới. Những hiện vật này gồm nhiều rìu đá, mảnh tước, hai hòn ghè bằng thạch anh, bàn nghiền hạt, mảnh gốm vỡ…
Tháng 3/1980, Trường đại học Tổng hợp Huế, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Viện Đông Nam Á tiến hành khai quật lại di chỉ Bàu Tró. Vùng khai quật ở khoảng cách cách mép nước hồ lúc đó 40m, cao hơn mặt nước 2,3m, cách hố khai quật của Étienne Patte hơn 100m về phía tây. Hiện vật thu được lần này là 31 rìu bôn đá, 17 bàn mài, 7 chày nghiền, 3 mũi nhọn, 1 vòng, 2 phiến tước, nhiều cục thổ hoàng bị vẹt từ nhiều phía, 11.972 mảnh gốm vỡ của vật dụng sinh hoạt như nồi, niêu, bình, vò, bát, đĩa… có trang trí hoa văn dấu thừng, hoa văn khắc vạch…
Từ đó, các nhà khảo cổ học đã lấy tên của di chỉ này để đặt cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới phân bố ở vùng ven biển các tỉnh Bắc miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên là nền văn hóa Bàu Tró.
Theo bà Trần Thị Diệu Hồng, nguyên cán bộ Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, niên đại của di chỉ Bàu Tró được các nhà khoa học xếp loại thuộc thời đại hậu kỳ đồ đá mới. Những sản phẩm như bôn răng trâu, đồ gốm miệng loe vê mép cuốn con sâu văn thừng biến thể, gốm tô màu đỏ thổ hoàng, đen ánh chì kết hợp trang trí hoa văn khắc vạch… ở Bàu Tró, chứng tỏ cư dân Bàu Tró đã có sự giao lưu trên biển với các miền duyên hải Sa Huỳnh.
Những vòng tay, vòng chân bằng đá được cưa, mài, khoan, tách lõi bằng đá ngọc đã cho thấy một bức tranh cụ thể về đời sống tinh thần và trình độ thẩm mỹ cao của cư dân văn hóa Bàu Tró. Như vậy, di chỉ Bàu Tró nói riêng, văn hóa Bàu Tró nói chung là cội nguồn văn hóa của Việt Nam.
Hơn 10 năm trở lại đây, lượng du khách đến TP Đồng Hới nghỉ dưỡng và tắm biển mỗi năm hơn cả triệu lượt, nhưng rất ít du khách đặt chân tới hồ Bàu Tró nước ngọt kỳ lạ này. Nếu du khách muốn chiêm ngưỡng các di vật Bàu Tró này, thì đến với Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, nằm cách hồ chỉ 2km, ở đó trưng bày nhiều hiện vật văn hóa Bàu Tró. Hy vọng Bàu Tró sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với du khách gần xa.
Bàu Trắng: Hồ nước trong giữa sa mạc cát trắng đẹp nhất Phan Thiết
Bàu Trắng được mệnh danh là 'tiểu sa mạc Sahara' - điểm du lịch đẹp và đặc sắc nhất tại Phan Thiết, Bình Thuận.
Hồ nước ngọt lọt thỏm giữa những đồi cát trắng trải dài vô tận là đích đến trong mơ của nhiều du khách ở xứ sở đầy nắng và gió này.
Bàu Trắng là một hồ nước ngọt nằm lọt thỏm giữa những đồi cát trắng ở Phan Thiết, Bình Thuận. Bàu có nghĩa là ao nước, vũng nước. Trắng là màu cát trắng của những đồi cát xung quanh. Trước đây, nơi này là một hồ nước lớn, do người dân đập cát chắn ngang nên đã chia thành hai hồ nhỏ là Bàu Ông và Bàu Bà.
Đặc trưng của Bình Thuận là xứ nóng với ánh nắng chói chang như thiêu như đốt. Thế nhưng, ở Bàu Trắng, giữa trập trùng đồi cát lại có hồ nước trong xanh và thi thoảng vài rặng phi lao, keo lưỡi liềm xanh mướt mọc lên, kiên cường đứng vững trước bao ngọn gió, cơn bão cát lại làm cho cái nóng như dịu bớt vài phần.
Trước đây, nơi này là một hồ nước lớn, do người dân đập cát chắn ngang nên đã chia thành hai hồ nhỏ là Bàu Ông và Bàu Bà.
Anh Cao Tuấn Ninh, quản trị viên nhóm "Phượt luôn" hào hứng cho biết: "Ở Bàu Trắng, bạn chỉ cần giơ máy ảnh lên là sẽ có ảnh đẹp. Bởi giữa muôn trùng cát trắng, con người như trở nên rất nhỏ bé, hay có thể chụp cùng với xe Jeep, chơi trò trượt cát hay chụp ảnh nhẹ nhàng bên hồ Sen, rất tuyệt vời. Đó sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ".
Bàu Trắng đúng chuẩn như một ốc đảo xanh giữa hoang mạc khô hạn. Tầm tháng 4, 5, sen trong hồ vào mùa thi nhau nở lại khiến khung cảnh nơi đây thêm phần thi vị và lãng mạn. Trải nghiệm chèo thuyền tại Bàu Trắng vào mùa sen thực sự có một không hai.
Đến Bàu Trắng, ngay cả người không thích chụp ảnh cũng phải trầm trồ, kinh ngạc trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây và nhanh tay bấm máy check in, lưu giữ cảnh đẹp đó cho riêng mình. Và dù bạn thích chụp ảnh phong cảnh hay "selfie" cá nhân sống ảo, thì Bàu Trắng đều thừa sức đáp ứng.
Đến Bàu Trắng, ngay cả người không thích chụp ảnh cũng phải trầm trồ, kinh ngạc trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.
"Những đồi cát nối nhau trải dài tưởng chừng như không có điểm dừng trở thành background lý tưởng. Xa xa là những rặng phi lao, gần đó là hồ nước trong xanh... Tôi thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp này của xứ cát Bàu Trắng", chị Phạm Thu Trang, du khách đến từ Thanh Hóa ngỡ ngàng cho biết.
Những năm gần đây, du khách đến Bàu Trắng rất thích thú khi được trải nghiệm loại hình dịch vụ đi xe Jeep, xe địa hình, khám phá đồi cát. Những ai yêu thích tốc độ, muốn thử cảm giác mạnh thì đây là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ.
Một trò chơi gợi nhớ ký ức tuổi thơ mà du khách nào cũng muốn thử ở Bàu Trắng chính là trượt cát. Từ trên đỉnh đồi, bạn ngồi lên tấm ván và bắt đầu trượt xuống triền cát cho đến khi hết dốc. Tùy theo độ dốc, độ ướt của đồi cát và trọng lượng của du khách mà tốc độ khi trượt cát sẽ thay đổi, mang lại cảm giác như trò chơi cầu trượt thủa thơ bé nhiều người vẫn hay chơi.
Ngoài ra, ngắm hoàng hôn cuối chiều tại Bàu Trắng cũng là một trải nghiệm tuyệt vời cho bất cứ ai khi đặt chân tới đây.
Ngắm hoàng hôn cuối chiều tại Bàu Trắng cũng là một trải nghiệm tuyệt vời cho bất cứ ai khi đặt chân tới đây.
Đến khu du lịch Bàu Trắng mà không thưởng thức đặc sản Bình Thuận thì quả "có lỗi với mẹ thiên nhiên". Quanh khu du lịch tuy không có hàng quán ăn uống nhưng sẽ có những gánh hàng rong của người dân địa phương. Thưởng thức những món ăn vặt bình dân như bánh lọc, bánh căn... giữa đồi cát bỗng thấy thơm ngon khác lạ.
Bàu Trắng là điểm đến không thể bỏ qua của những ai yêu thiên nhiên hoang sơ và thích săn ảnh. Nếu một lần bạn đi du lịch Phan Thiết, hãy nhớ ghé qua đây và trải nghiệm nhé!
Vẻ đẹp bình dị của làng chài Cửa Khe (Quảng Nam) Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, 'cát trắng, nắng vàng' cùng sự hồn hậu của ngư dân vùng biển, làng chài Cửa Khe đang là điểm du lịch được tìm kiếm nhiều tại Quảng Nam. Có vị trí thuận lợi nằm trên trục đường du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, chỉ cách phố cổ Hội An 15 phút đi bằng...